Bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác trong một số bộ luật ở Việt Nam thời phong kiến

Chuyên mụcLuật dân sự, Thảo luận pháp luật Thời phong kiến

BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM DANH DỰ, UY TÍN, NHÂN PHẨM NGƯỜI KHÁC TRONG MỘT SỐ BỘ LUẬT Ở VIỆT NAM THỜI PHONG KIẾN

Tóm tắt: Trong thời đại nền kinh tế và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, các giá trị da dự, uy tín, nhân phẩm của mỗi cá nhân dễ bị tác động tiêu cực, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Đi này đòi hỏi hệ thống pháp luật phải được hoàn thiện để bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nh theo hướng đáp ứng tốt các trào lưu, tư tưởng hiện đại cũng như kế thừa, phát huy những giá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bài viết nghiên cứu truyền thống pháp luật Việt Nam thông qua m số bộ luật tiêu biểu trong các thời đại phong kiến Việt Nam nhằm phát hiện và kế thừa những tiến trong lịch sử lập pháp dân tộc về bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân để giữ gìn trật tự, đ đức xã hội; đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bồi thường th hại do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm.

Từ khoá: Bồi thường thiệt hại; danh dự; uy tín; nhân phẩm; pháp luật; phong kiến; Việt Nam

COMPENSATION FOR DAMAGES CAUSED BY HARM TO PERSONAL HONOUR, REPUTATION OR DIGNITY UNDER SOME FEUDAL LAW CODES OF VIETNAM

Abstract: In the current era of stormily economic and technological development, it is likely that personal honour, reputation or dignity can be negatively affected, causing many unpredictable consequences. This requires the legal system to be improved to protect personal honour, reputation or dignity with the direction of meeting modern trends and ideas as well as inheriting and promoting good traditional values. The paper examines the Vietnamese legal tradition based on some typical feudal law codes of Vietnam to identify and inherit advances in the law-making history regarding protection of personal honour, reputation or dignity for preserving social order and morality. It also offers some proposals for improving the law on compensation for damages caused by harm to personal honour, reputaion or dignity.

Keywords: Compensation; honour; reputation; dignity; law; feudal; Vietnam

Tác giả bài viết:

HỒ BẢO

Trợ lí luật sư, Công ti Luật TNHH MTV TMT

E-mail: hobao0211@gmail.com

TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ 2/2020

Dưới tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cũng như hệ quả tiêu cực phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin là một trụ cột quan trọng, tình trạng danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị xâm phạm xảy ra ngày càng phổ biến về quy mô và tinh vi về phương thức. Điều này gây ra nhiều hệ luỵ, điển hình nhiều sự việc đáng tiếc liên quan đến người chưa thành niên vì bị bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội mà tìm đến con đường tự sát.(1 ) Thực tiễn này đòi hỏi Nhà nước phải không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật để điều chỉnh kịp thời nhằm bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của mỗi cá nhân trong xã hội. Danh dự, uy tín, nhân phẩm là các giá trị thiêng liêng, nhạy cảm, phụ thuộc vào bối cảnh văn hoá ở mỗi quốc gia, vì vậy việc soạn thảo các quy định pháp luật có liên quan tới việc bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân cần phải quan tâm đến truyền thống văn hoá dân tộc, tức là phải có yếu tố kế thừa, phát triển tư duy lập pháp. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam với bề dày lịch sử hàng nghìn năm tồn tại và phát triển đã hình thành và luôn kế thừa, phát huy nền văn hiến, văn hoá đặc sắc, phong phú. Những tư tưởng về việc bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm từ sớm đã được cha ông ta quan tâm, đề cao và chuyển hoá thành các quy phạm pháp luật.

Vì những lí do trên, việc nghiên cứu một số bộ luật điển hình của pháp luật Việt Nam thời phong kiến về bồi thường thiệt hại (BTTH) do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác là rất cần thiết cho việc hoàn thiện pháp luật dân sự đương đại. Tuy nhiên, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đặc biệt là các giai đoạn chiến tranh và thời kì Bắc thuộc, Pháp thuộc cùng những biến cố thời đại đã huỷ hoại rất nhiều các thư tịch, di chỉ liên quan đến pháp luật quan trọng như Luật Hình thư thời Lý cùng các bộ luật cổ khác. Theo các thư tịch vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay cho thấy một số bộ luật thời phong kiến (như Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long, Bộ Dân luật Bắc kì, Trung kì…) có đặt ra các quy định về bảo vệ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác, mà sớm nhất có thể kể đến Bộ luật Hồng Đức.

1. Bộ luật Hồng Đức

Bộ luật Hồng Đức được ban bố lần đầu tiên trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), gồm 722 điều, 13 chương, ghi chép trong 6 quyển, còn có tên gọi là Quốc triều Hình luật. Bộ luật Hồng Đức được đánh giá là một trong những bộ luật phong kiến tiến bộ và đặc sắc nhất trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Có thể nói, Bộ luật Hồng Đức đã đạt vị trí đỉnh cao trong số các luật thành văn ban hành từ trước đến thời gian đó (đời Trần, Hồ trở về trước) cũng như cả nền pháp luật Việt Nam thời phong kiến sau này (đời Nguyễn với Bộ luật Gia Long).

Bộ luật Hồng Đức (Quốc Triều Hình Luật)
Bộ luật Hồng Đức

Về trách nhiệm BTTH do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác, Bộ luật Hồng Đức quy định có 05 loại hành vi bị coi là xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác. Do đó, người nào thực hiện các hành vi này, ngoài trách nhiệm bồi thường tổn thất về thương tích, thiệt hại tài sản, thiệt hại tinh thần còn phải bồi thường tổn thất về danh dự, uy tín, nhân phẩm cho người bị thiệt hại bằng một khoản tiền gọi là “tiền tạ” (từ “tạ” (謝) nghĩa là xin lỗi hay “tạ lỗi, tạ tội”).(2) Các loại hành vi đó là: cưới xin mà không đủ sính lễ, thông gian, tấn công người khác, lăng mạ người khác và tố cáo sai sự thật quan xử án, cụ thể:

– Về hành vi cưới xin mà không đủ sính lễ

Tại chương quy định về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hồng Đức quy định hành vi cưới xin mà không lo đủ sính lễ mặc nhiên bị xem là xâm phạm danh dự, uy tín người khác và phải chịu BTTH. Cụ thể, Điều 31 Chương Hộ hôn, Quyển III Bộ luật Hồng Đức quy định: “Người kết hôn mà không đủ sính lễ đến nhà cha mẹ (người con gái) (nếu cha mẹ chết cả, thì đem đến nhà người trưởng họ, hay nhà người trưởng làng để xin), mà thành hôn với nhau một cách cẩu thả thì phải biếm một tư và theo lệ sang hèn, bắt phải nộp tiền tạ cho cha mẹ (nếu cha mẹ chết cả thì nộp cho trưởng họ hay người trưởng làng)”. (3) Đối với quy định này, tác giả cho rằng pháp luật nhà Lê xem việc người con trai tuy không chuẩn bị đầy đủ lễ vật (sính lễ) theo lễ nghi truyền thống mà tự ý tiến hành kết hôn là làm “mất mặt”, làm tổn hại thanh danh cha mẹ người con gái, bởi hàng xóm và gia tộc người con gái có thể quy kết cha mẹ người con gái thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái, khiến con cái không biết lễ nghi kết hôn truyền thống; do đó, người kết hôn (người con trai) phải chịu nộp tiền tạ để bày tỏ thái độ xin lỗi nhằm bù đắp tổn thất tinh thần về danh dự, uy tín cha mẹ người con gái.

– Về hành vi thông gian

Điều 1 Chương Thông gian thuộc Quyển III Bộ luật Hồng Đức quy định: “Gian dâm với vợ người khác thì xử tội lưu hay tội chết; với vợ lẽ người khác thì giảm một bậc. Với người quyền quý thì sẽ xử cách khác; kẻ phạm tội đều phải nộp tiền tạ như luật định”. (4) Cụm từ “gian dâm” mà Bộ luật Hồng Đức sử dụng trong Điều luật này được hiểu là hành vi của người nam giới ngoại tình với vợ người khác ở mức độ rất nghiêm trọng (có hành vi quan hệ tình dục hoặc các hành vi đê hèn khác). Hành vi “gian dâm với vợ người khác” gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của người chồng, cho nên về mặt trách nhiệm dân sự, Bộ luật Hồng Đức đã đặt ra quy định buộc người nam giới có hành vi “gian dâm với vợ người khác” phải BTTH bằng việc nộp tiền tạ như luật định nhằm bù đắp nỗi đau, sự mất mát về tinh thần cũng như danh dự, uy tín người chồng.

Cũng tại Chương này, Điều 2 quy định: “Quyến rũ con gái chưa có chồng, thì xử như tội gian dâm thường, và phải nộp tiền tạ nhiều ít tính theo bậc sang hèn, trả cho cha mẹ người con gái”. (5) Trong xã hội Việt Nam trước đây, việc con gái chưa chồng mà có quan hệ yêu đương tuỳ tiện, đi lại với người nam giới sẽ bị xem là hành vi vô văn hoá, suy đồi đạo đức, cha mẹ người con gái sẽ bị xã hội lên án vì đã không làm tròn trách nhiệm giáo dục con cái, danh dự, uy tín của cha mẹ người con gái bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, người nào thực hiện hành vi “quyến rũ con gái chưa có chồng” làm tổn thất danh dự, uy tín cha mẹ người con gái thì ngoài các chế tài hình sự ra còn phải chịu trách nhiệm dân sự BTTH cho cha mẹ người con gái.

Hơn nữa, các nhà lập pháp Việt Nam thời Lê sơ đã xem hành vi hiếp dâm là hành vi xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm nghiêm trọng hơn các hành vi khác. Từ cách tiếp cận đó, các nhà lập pháp đã quy định trách nhiệm BTTH về mặt tổn thất tinh thần (tạ lỗi) khi thực hiện hành vi này phải nặng hơn các hành vi khác, cụ thể, Bộ luật Hồng Đức quy định: “Hiếp dâm thì xử tội lưu hay tội chết và phải nộp tiền tạ nhiều hơn tiền tạ về tội gian dâm thường một bậc” (Điều 3 Chương Thông gian thuộc Quyển III Bộ luật Hồng Đức). (6)

Ngoài ra, hành vi thông gian với vợ người khác (có thể hiểu là việc ngoại tình với vợ người khác ở mức độ ít nghiêm trọng hơn Điều 1 Chương này) gây ảnh hưởng nghiêm trọng về danh dự, uy tín người chồng, do đó, Bộ luật Hồng Đức buộc người có hành vi thông gian phải nộp tiền tạ nhằm BTTH cho người chồng như sau: “Thông gian với vợ người, thì xử phạt 60 trượng, biếm 2 tư bắt nộp tiền tạ nhiều ít theo bậc cao cấp (của người đàn bà) nếu sang hèn cách nhau xa, thì lại xử khác” (Điều 5 Chương Thông gian thuộc Quyển III Bộ luật Hồng Đức). (7)

– Về hành vi tấn công gây thiệt hại danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác

Điều 2 Chương Đấu tụng thuộc Quyển IV Bộ luật Hồng Đức quy định các nhóm hành vi tấn công người khác có gây hậu quả thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm cho nạn nhân như: 1) nhóm hành vi tấn công gây thương tích có gây hậu quả xấu về ngoại hình (đánh người gãy răng, sứt tai, mũi, chột một mắt, làm rụng tóc…) và 2) nhóm hành vi tấn công huỷ hoại danh dự, uy tín người khác (ném vật bẩn vào đầu, mặt người khác hoặc đổ vào miệng, mũi).(8)

– Về hành vi lăng mạ người khác

Lăng mạ được hiểu là “làm xúc phạm nặng nề đến danh dự”. (9) Xã hội Việt Nam từ xưa tới nay luôn coi hành vi lăng mạ người khác là hành vi thiếu chuẩn mực, các nhà làm luật Bộ luật Hồng Đức đã quy định nhiều chế tài áp dụng đối với hành vi lăng mạ, trong đó có buộc người lăng mạ phải BTTH cho người bị lăng mạ bằng một khoản “tiền tạ”. Cụ thể, Chương Đấu tụng thuộc Quyển IV Bộ luật Hồng Đức có các điều luật quy định trách nhiệm BTTH bằng một khoản “tiền tạ” trong các trường hợp lăng mạ người khác như: các quan lăng mạ nhau, mắng vụng, chửi cạnh, sỉ nhục mày tao, nhân lúc say mà lăng mạ người ta (Điều 9); lăng mạ người trong hoàng tộc (Điều 10); hành vi lăng mạ ông bà, cha mẹ, vợ con của quan trưởng, tá nhị ở quận bộ của mình (Điều 23); lăng mạ sứ giả nước ngoài (Điều 27); lăng mạ người thi hành công vụ (người được quan sai, sai dịch, thu thuế) (Điều 29); lăng mạ vợ, con của quan tại chức (Điều 32).(10) Tất cả những hành vi lăng mạ vừa nêu đều phải nộp tiền tạ để xin lỗi người bị thiệt hại của người gây thiệt hại.

– Về hành vi tố cáo sai sự thật quan xử án

Điều 29 Chương Đoán ngục thuộc Quyển VI Bộ luật Hồng Đức quy định người tố cáo sai sự thật quan xử án (ngục quan, hình quan) cho rằng quan xử án xét xử oan, sai (trong khi thực tế các quan xử đúng luật) thì phải nộp tiền tạ.(11 ) Quan xử án là người chịu trách nhiệm trước hết về thanh danh, uy nghiêm, sự trong sạch và công tâm của mình, do đó, hành vi tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng đến thanh danh của quan xử án gây dư luận tiêu cực trong xã hội, làm giảm niềm tin của dân chúng vào chính quyền phong kiến, làm tăng nguy cơ sâu xa ảnh hưởng đến an ninh của nhà nước phong kiến. Do đó, Bộ luật Hồng Đức quy định người tố cáo quan xử án sai sự thật ngoài trách nhiệm hình sự ra còn phải chịu trách nhiệm dân sự là nộp tiền tạ nhằm bảo vệ danh dự, uy tín, sự tôn nghiêm của các quan xử án trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật, bảo vệ an ninh chế độ phong kiến.

Như vậy, chế định BTTH do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác trong Bộ luật Hồng Đức có 3 đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, Bộ luật Hồng Đức đã bước đầu thừa nhận quyền được bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm, thể hiện sự tiến bộ trong tư duy lập pháp của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là sự thừa nhận một cách gián tiếp, bởi lẽ qua phân tích trên đây cho thấy Bộ luật Hồng Đức không đưa ra quy định trực tiếp, chi tiết về danh dự, uy tín, nhân phẩm mà chỉ thông qua các hình phạt cùng chế tài dân sự phản ánh sự thừa nhận và bảo đảm của nhà nước đối với quyền được bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm con người.

Thứ hai, Bộ luật Hồng Đức có điểm tiến bộ khi quy định chi tiết về chế tài dân sự trong giải quyết vụ việc xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác với hình thức rõ ràng, đó là trách nhiệm nộp “tiền tạ”.

Thứ ba, mặc dù có tiến bộ như đã phân tích nhưng bởi hạn chế lịch sử, Bộ luật Hồng Đức vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử trong trách nhiệm dân sự giữa các loại chủ thể vi phạm, tại các điều luật đã dẫn vẫn còn xuất hiện những quy định mang tính chất bảo vệ tầng lớp thượng lưu, giàu có, danh tiếng, có địa vị trong xã hội. Các điều luật đã trình bày trên buộc người gây thiệt hại phải nộp số tiền tạ theo sự định lượng dựa trên địa vị, quyền thế người bị thiệt hại, có thể thấy điều này thông qua các cụm từ “theo lệ sang hèn” (Điều 31 Chương Hộ hôn), “người quyền quý thì sẽ xử cách khác”, “nhiều ít tính theo bậc sang hèn” (Điều 1, 2 Chương thông gian), “bắt nộp tiền tạ nhiều ít theo bậc cao cấp (của người đàn bà) nếu sang hèn cách nhau xa, thì lại xử khác” (Điều 5 Chương Thông gian)…

2. Bộ luật Gia Long

Bộ luật Gia Long hoàn thành vào năm 1811, sau đó được vua Gia Long ban hành chính thức và áp dụng trên phạm vi toàn quốc vào gần cuối năm 1812 tới năm 1813,(12) Hoàng Việt Luật Lệ (hay còn gọi là Bộ luật Gia Long) với 22 quyển gồm 398 điều luật được học giả nhận xét là “bộ luật đầy đủ và hoàn chỉnh của nền cổ luật Việt Nam”(13) hay “có tầm mức của nền văn minh hiện đại”.(14)

Về chế định BTTH ngoài hợp đồng, cụ thể là BTTH khi xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm, cũng như các chế định khác (hộ hôn, quân binh, hình phạt…), Bộ luật Gia Long hầu như có rất ít sự kế thừa những tư tưởng, tư duy lập pháp tiến bộ từ Bộ luật Hồng Đức nhà Lê sơ, mặc dù vua Gia Long đã tuyên bố “lấy luật lệ các triều đại nước ta làm căn bản, tham chiếu luật Hồng Đức”(15) trong quá trình xây dựng và ban hành Bộ luật Gia Long. Do vậy, các chế định về “tiền tạ” trong Bộ luật Hồng Đức đã không được tiếp nối trong Bộ luật Gia Long khi quy định về trách nhiệm BTTH do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác. Đồng thời, các nhà làm luật Việt Nam thời vua Gia Long đã xây dựng luật lệ Việt Nam theo chiều hướng hình sự hoá mọi hành vi xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng người khác chứ không dùng góc độ dân sự để điều chỉnh như Bộ luật Hồng Đức.

Một số hành vi gây thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác như thông gian, tấn công người khác gây hậu quả tổn thất danh dự, uy tín, nhân phẩm hay lăng mạ người khác đều được Bộ luật Gia Long xem là tội phạm và chỉ áp dụng chế tài hình sự nghiêm khắc để trừng trị, thay vì thừa nhận quyền được bồi thường dân sự của người bị thiệt hại như Bộ luật Hồng Đức, cụ thể:

Hành vi mắng ông bà, cha mẹ… đều phải chịu những hình phạt nặng nề
Hành vi mắng ông bà, cha mẹ… đều phải chịu những hình phạt nặng nề

Điều 293 “Mạ nhân (mắng người)” thuộc mục “Mạ lị” trong Quyển thứ 16 của Bộ luật Gia Long quy định: “Phàm mắng người thì bị phạt 10 roi. Cùng mắng nhau thì mỗi người bị phạt 10 roi”. (16) Cũng trong mục “Mạ lị”, Bộ luật Gia Long quy định các hành vi mắng người là sứ giả của vua và trưởng quan (Điều 294), chức phó dưới quyền mắng trưởng quan (Điều 295) hay hành vi mắng ông bà, cha mẹ (Điều 298)… đều phải chịu những hình phạt nặng nề như bị đánh hàng chục đến hàng trăm trượng (Điều 294, Điều 295), treo cổ (Điều 298)…(17)

Hay như Điều 305 “Vu cáo” thuộc mục “Thưa kiện” trong Quyển thứ 16 của Bộ luật Gia Long quy định: “Phàm người vu cáo bị phạt roi, thêm hai bực tội bởi những điều vu cáo. Tội lưu đồ trượng (không kể là đã xử hay chưa) tăng 3 bực tội bởi những điều vu cáo nặng. Mút tội là trăm trượng, lưu ba ngàn dặm (không thêm tội đến chết)”. (18) Ngoài ra, Bộ luật Gia Long còn quy định, mặc dù cũng là hành vi vu cáo nhưng nếu người nào vu cáo cha chồng, anh chồng, em chồng có hành vi gian dâm sai sự thật thì phải bị xử chém hoặc treo cổ.(19)

Như vậy, việc loại bỏ trách nhiệm dân sự khỏi các quy định về hành vi xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác của các nhà lập pháp thời Gia Long là một bước lùi đáng tiếc của lịch sử lập pháp Việt Nam, phần nào cho thấy hạn chế của Bộ luật Gia Long và hệ quả tiêu cực khi tham khảo, sao chép quá mức từ Bộ luật nhà Thanh (Đại Thanh Luật lệ). Có thể nói, Bộ luật Gia Long đã đánh mất cơ hội kế thừa và phát huy tư duy lập pháp của các nhà làm luật Việt Nam các thời kì trước, đưa chế định BTTH ngoài hợp đồng mà ở đây là BTTH do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác gần như về con số không khi đã cố ý hình sự hoá hầu như triệt để và toàn bộ các hành vi xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác bằng những hình phạt khắc nghiệt.

3. Bộ Dân luật Bắc kì và Bộ Dân luật Trung kì

Trong thời kì Pháp thuộc, nhằm thực thi âm mưu “chia để trị”, người Pháp đã chia nước ta thành 3 bộ phận: Bắc kì, Trung kì và Nam kì. Mỗi bộ phận đều có chính sách cai trị riêng, do đó, pháp luật ở ba “kì” này cũng có phần khác nhau. Cụ thể, ở Bắc kì, người Pháp cho thi hành Bộ Dân luật Bắc kì được ban hành bởi Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 01/4/1931 còn ở Trung kì thì áp dụng Bộ Dân luật Trung kì có tên chính thức là Hoàng Việt Hộ luật, được ban hành bởi Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 21/10/1936; riêng ở miền Nam, người Pháp cho áp dụng Bộ Dân luật giản yếu.

Khác với pháp luật Việt Nam các thời kì trước thường trộn lẫn các quy phạm luật hình sự, luật hành chính và luật dân sự vào chung một bộ luật, đến thời điểm đầu những năm 30 của thế kỉ XX, kĩ thuật lập pháp Việt Nam đã có sự tiến bộ khi tách các quy phạm luật dân sự ra thành một đạo luật riêng và có tên gọi riêng (Bộ Dân luật Bắc kì, Bộ Dân luật Trung kì, Bộ Dân luật giản yếu). Trong các bộ dân luật đó, những chế định dân sự như cá nhân, pháp nhân, thừa kế… cũng được sắp đặt thành một quyển riêng, thể hiện sự rõ ràng, minh định trong xây dựng pháp luật.

Tuy nhiên, qua khảo cứu cho thấy các bộ dân luật kể trên mặc dù có quy định về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nhưng không quy định cụ thể về BTTH do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác. Nổi trội trong các bộ dân luật này về chế định bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác là sự thừa nhận một cách sơ sài về lòng ngay thẳng – một trong những thuộc tính của nhân phẩm – ở mỗi cá nhân, quyền bình đẳng hay quyền được bảo vệ về người và tài sản. Cụ thể, Điều thứ 7 thuộc Thiên đầu Bộ Dân luật Bắc kì quy định: “Ai cũng kể cho là có lòng ngay; người nào cáo người ta là có lòng gian thời phải có chứng cớ (La bonne foi est toujours présumée et c’est à celui qui allègue la mauvaise foi à la prouver)”, (20) tương tự, Điều thứ 7 thuộc mục “Điều khoản mở đầu” Bộ Dân luật Trung kì quy định: “Nhưng bất câu người nào, khi quan thẩm phán xét đến cũng hẳn coi là có lòng ngay cả. Trước mặt quan thẩm phán, người nào nại một người khác là có lòng gian thời phải tỏ ra có bằng cớ mới được”. (21 ) Các bộ dân luật đều thừa nhận mặc nhiên về lòng ngay thẳng, chính trực mỗi con người, người nào tố cáo người khác là không chính trực, có ý định gian xảo thì phải chứng minh. Quy định này ở một góc độ nhất định đã bảo vệ nhân phẩm con người trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ.

Đồng thời, các bộ dân luật cũng quy định sự bình đẳng về tư cách con người trong xã hội Việt Nam, quyền được bảo vệ về người và tài sản, kịch liệt chống lại chủ nghĩa nô lệ và chế độ nô lệ, góp phần vào việc đề cao và bảo vệ nhân phẩm con người trong xã hội cũ. Như Điều thứ 8 thuộc Thiên đầu Bộ Dân luật Bắc kì và Điều thứ 8 thuộc mục “Điều khoản mở đầu” Bộ Dân luật Trung kì lần lượt quy định về quyền bình đẳng: “Phàm quốc dân An Nam đối với pháp luật, đều là bình đẳng cả (Tous les sujets annamites sont égaus devant la loi)”(22) và “Đối với bộ luật này thời quốc dân ta đều bình đẳng cả”. (23) Đối với chế độ nô lệ chà đạp nhân phẩm con người, các bộ dân luật đều quyết liệt đả phá, bài trừ, các bộ dân luật quy định người và tài sản đều được pháp luật bảo hộ. Cụ thể, Điều thứ 9 thuộc Thiên đầu Bộ Dân luật Bắc kì quy định: “Người và của là không xâm phạm được và thuộc quyền pháp luật bảo hộ. Tục nô lệ là nghiêm cấm (Les personnes et les biens sont inviolables et demeurent sous la protection des lois. L’esclavage est formellement interdit)”, (24) tương tự, Điều thứ 9 thuộc mục “Điều khoản mở đầu” Bộ Dân luật Trung kì cũng ghi nhận: “Người và của đều không ai xâm phạm được và do pháp luật bảo hộ cho. Tục bắt người làm nô lệ là nhất thiết nghiêm cấm”. (25)

Ngoài ra, các phần của Bộ Dân luật Bắc kì như Tiết thứ III, IV Chương thứ II Thiên thứ I thuộc Quyển thứ III(26) và các phần của Bộ Dân luật Trung kì như Tiết thứ III, IV Chương thứ II Thiên thứ I thuộc Quyển thứ Tư(27) quy định về trách nhiệm BTTH khi xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của người khác. Tuy nhiên, tại các phần này, các bộ dân luật không quy định về trách nhiệm BTTH trong trường hợp do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác. Có thể thấy, trong thời phong kiến, Bộ luật Gia Long với các điều khoản quy định về các hình phạt nghiêm khắc áp dụng đối với các hành vi lăng mạ, thông gian… vẫn còn hiệu lực, cho nên vào những năm 30 của thế kỉ XX, những người chịu trách nhiệm soạn thảo pháp luật vẫn còn tư duy xếp các hành vi xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác vào lĩnh vực hình sự.

Mặc dù vậy, các bộ dân luật như đã trình bày, có sự tiến bộ vượt trội so với các bộ luật trước khi tách các chế định về dân sự (trong đó có chế định về BTTH) ra khỏi sự hỗn tạp, hợp nhất hình sự – hành chính – dân sự như các bộ luật trước (Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long) khiến cho các quy định dân sự được minh thị hơn. Đồng thời, các bộ dân luật còn tuyên bố tư cách bình đẳng, quyền được pháp luật mặc định xem là ngay thẳng của người dân và nghiêm cấm triệt để chế độ nô lệ góp phần bảo vệ nhân phẩm con người./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thiều Chửu, Tự điển Hán – Việt, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2009.

2. Gouverneur-général de l’Indochine, Code civil à l’usage des juridictions indigènes du Tonkin, Impr. Ngo Tu Ha, Hanoi, 1931.

3. Nhiều tác giả, Hoàng Việt Hộ luật, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015.

4. Nguyễn Quyết Thắng, Lược khảo Hoàng Việt Luật Lệ (Tìm hiểu Luật Gia Long), Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2002.

5. Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Văn Tài (dịch), Hoàng Việt Luật Lệ (Luật Gia Long) – Tập I, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2002.

6. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2003. 7. Viện sử học, Quốc triều Hình luật (Luật Hình triều Lê), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2013.

(1 ). Hoài Thu, Đà Nẵng: Một nữ sinh tự vẫn do bị bôi nhọ danh dự trên facebook, Báo Công an nhân dân điện tử, http://cand.com.vn/Xa-hoi/Da-Nang-Mot-nu sinh-tu-van-do-bi-boi-nho-danh-du-tren-facebook 232834/, truy cập 19/9/2019.

(2). Thiều Chửu, Tự điển Hán – Việt, Nxb. Văn hoá- Thông tin, Hà Nội, 2009, tr. 785.

(3). Viện Sử học, Quốc triều Hình luật (Luật Hình triều Lê), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2013, tr. 148.

(4). Viện Sử học, sđd, tr. 183.

(5). Viện Sử học, sđd, tr. 183.

(6). Viện Sử học, sđd, tr. 183.

(7). Viện Sử học, sđd, tr. 184.

(8). Viện Sử học, sđd, tr. 205 – 206.

(9). Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2003, tr. 549.

(10). Viện Sử học, sđd, tr. 209 – 219.

(11 ). Viện Sử học, sđd, tr. 284.

(12). Có ý kiến cho rằng, Bộ luật Gia Long được ban hành vào năm 1815, tuy nhiên, tác giả cho rằng Bộ luật Gia Long được ban hành vào khoảng thời gian gần cuối năm 1812 tới năm 1813 căn cứ vào các tư liệu lịch sử như “Đại Nam liệt truyện” (Quyển 21, đoạn chép về Tổng trấn Nguyễn Văn Thành), “Đại Nam thực lục” (Chính biên, Đệ nhất kỉ – Quyển 45 – Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế) và Lời Tựa của vua Gia Long trên Bộ luật Gia Long. (13). Nguyễn Quyết Thắng, Lược khảo Hoàng Việt Luật Lệ (Tìm hiểu Luật Gia Long), Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 7. (14). Nguyễn Quyết Thắng, sđd,tr. 16.

(13). Nguyễn Quyết Thắng, Lược khảo Hoàng Việt Luật Lệ (Tìm hiểu Luật Gia Long), Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 7.

(14). Nguyễn Quyết Thắng, sđd,tr. 16.

(15). Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Văn Tài (dịch), Hoàng Việt Luật Lệ (Luật Gia Long) – Tập I, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 2. (16). Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Văn Tài (dịch), sđd, tr. 810.

(17). Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Văn Tài (dịch), sđd, tr. 812 – 814.

(18). Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Văn Tài (dịch), sđd, tr. 825.

(19). Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Văn Tài (dịch), sđd, tr. 911.

(20). Gouverneur-général de l’Indochine, Code civil à l’usage des juridictions indigènes du Tonkin, Impr. Ngo Tu Ha, Hanoi, 1931, p. 1.

(21 ). Nhiều tác giả, Hoàng Việt Hộ luật, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015, tr. 31.

(22). Gouverneur-général de l’Indochine, sđd, p. 2.

(23). Nhiều tác giả, sđd, tr. 31.

(24). Gouverneur-général de l’Indochine (1931), sđd, p. 2.

(25). Nhiều tác giả, sđd, tr. 31.

(26). Gouverneur-général de l’Indochine, sđd, p. 115 -130.

(27). Nhiều tác giả, sđd, tr. 275-299.

Những loại hành vi bị coi là xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác theo quy định của Bộ luật Hồng Đức?

Bộ luật Hồng Đức quy định có 05 loại hành vi bị coi là xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác đó là:
1) Hành vi cưới xin mà không đủ sính lễ;
2) Hành vi thông gian;
3) Hành vi tấn công người khác;
4) Hành vi lăng mạ người khác;
5) Hành vi tố cáo sai sự thật quan xử án.

Hệ lụy của việc loại bỏ trách nhiệm dân sự khỏi các quy định về hành vi xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của Bộ luật Gia Long?

Bộ luật Gia Long đã đánh mất cơ hội kế thừa và phát huy tư duy lập pháp của các nhà làm luật Việt Nam các thời kì trước, đưa chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà ở đây là bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác gần như về con số không khi đã cố ý hình sự hoá hầu như triệt để và toàn bộ các hành vi xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác bằng những hình phạt khắc nghiệt.

4.7/5 - (84 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền