Quyền tố tụng của đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Chuyên mụcLuật tố tụng dân sự, Thảo luận pháp luật Quyền tố tụng của đương sự

QUYỀN TỐ TỤNG CỦA ĐƯƠNG SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015

Tóm tắt: Để các đương sự có khả năng bảo vệ tốt nhất các quyền dân sự của mình, pháp luật tố tụng dân sự phải ghi nhận đầy đủ và hợp lí các quyền tố tụng, đây được xem là cơ sở pháp lí để các chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm sử dụng khi tham gia tố tụng tại toà. Bài viết nghiên cứu các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về quyền tố tụng của đương sự; trên cơ sở đó, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này như: bổ sung quy định quyền khởi kiện tập thể; quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền yêu cầu định giá, định giá lại tài sản; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền khiếu nại của đương sự.

Từ khoá: Đương sự; quyền tố tụng; tố tụng dân sự

PROCEDURAL RIGHTS UNDER THE 2015 CIVIL PROCEDURE CODE

Abstract: In order for the parties to be able to best protect their civil rights, civil proc must fully and reasonably recognize procedural rights. This can also be considered as a or subjects with legitimate rights and interests infringed to use when participating roceedings. Therefore, the article focuses on studying the provisions on procedural rights n the 2015 Civil Procedure Code. On that basis, the article also proposes a numbe ecommendations on this issue such as: Adding provisions on the right to initiate a collecti he right to request the application of provisional urgent measures before initiating mending and supplementing provisions on the right to request valuation and re-valuatio nd on the involved parties’ right to complain.

Keywords: Parties; Procedural rights; Civil Procedure

Tác giải bài viết:

NGUYỄN THỊ THÚY HẰNG

Tiến sĩ, Trường Đại học Luật, Đại học Huế

E-mail: hangntt@hul.edu.vn

TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ 9/2020

1. Một số ưu điểm và hạn chế trong việc ghi nhận quyền tố tụng của đương sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

1.1. Một số ưu điểm trong việc ghi nhận quyền tố tụng của đương sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Để bảo đảm cho đương sự có khả năng bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước toà án, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã căn cứ vào từng giai đoạn tố tụng để ghi nhận các quyền tố tụng chung và các quyền tố tụng riêng của các đương sự. Các quyền tố tụng chung của đương sự được quy định tại Điều 70 BLTTDS năm 2015 bao gồm các quyền: Quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu (khoản 4); quyền cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (khoản 5); quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình (khoản 1 3); quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lí tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ (khoản 6); quyền được biết, ghi chép và sao chụp các tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do toà án thu thập (khoản 8); quyền được nhận thông báo hợp lệ từ toà án (khoản 12); quyền tham gia phiên toà, phiên họp (khoản 15); quyền đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với toà án những vấn đề cần hỏi người khác, được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng (khoản 19); quyền đề nghị toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 10); quyền tự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, tham gia hoà giải (khoản 11); quyền được cấp trích lục bản án, quyết định của toà án (khoản 21); quyền kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của toà án (khoản 22); quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh kế thừa các quyền tố tụng chung của đương sự được quy định tại Điều 58 BLTTDS năm 2011, Điều 70 BLTTDS năm 2015 đã bổ sung một số quyền tố tụng chung của đương sự: Quyền đề nghị toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án trong trường hợp tự mình không thể thực hiện được; đề nghị toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản (khoản 7); quyền tranh luận tại phiên toà, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng (khoản 20).

Mặt khác, để bảo đảm các đương sự sử dụng hợp lí các quyền tố tụng mà pháp luật đã ghi nhận, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định về sử dụng quyền của đương sự: “Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của toà án, đương sự khác; trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả do Bộ luật này quy định”. Quy định bổ sung này nhằm hạn chế tình trạng đương sự lạm quyền tố tụng, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tố tụng của đương sự khác khi họ tham gia tố tụng.

Việc nghiên cứu cũng cho thấy, các quyền tố tụng riêng của đương sự được quy định tại các điều 71, 72, 73 BLTTDS năm 2015 được kế thừa từ các quyền tố tụng riêng của đương sự tại các điều 59, 60, 61 BLTTDS năm 2011. Tuy nhiên, để bảo đảm cho đương sự với những tư cách tham gia tố tụng khác nhau đều có cơ hội, quyền hạn như nhau trong việc quyết định và tự định đoạt các vấn đề đang tranh chấp, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung một số quyền tố tụng riêng của từng đương sự. Cụ thể, đối với nguyên đơn, bổ sung quyền chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (khoản 3 Điều 71); đối với bị đơn, bổ sung quyền chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (khoản 3 Điều 72) và quyền đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của bị đơn (khoản 5 Điều 72); đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bổ sung quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác nếu yêu cầu độc lập không được toà án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án (khoản 2 Điều 73). Như vậy, những bổ sung về quyền tố tụng của đương sự được pháp luật tố tụng dân sự ghi nhận theo hướng trao quyền chủ động cho đương sự trong việc lựa chọn chấp nhận hoặc bác bỏ yêu cầu của đương sự đối lập. Về cơ bản, BLTTDS năm 2015 đã ghi nhận tương đối đầy đủ, hợp lí các quyền tố tụng của đương sự, bảo đảm cho đương sự có thể thực hiện các hành vi tố tụng cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia tố tụng tại toà. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định về quyền tố tụng của đương sự chưa được BLTTDS năm 2015 ghi nhận hoặc đã ghi nhận nhưng chưa thực sự khoa học và hợp lí.

1.2. Một số hạn chế trong việc ghi nhận quyền tố tụng của đương sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

– Quy định về quyền khởi kiện tập thể chưa đáp ứng được yêu cầu khởi kiện

Kiện tập thể là khái niệm phổ biến trong khoa học pháp lí để chỉ một hình thức tố tụng dân sự đặc biệt, theo đó, nhiều nguyên đơn có thể kiện cùng một bị đơn trong cùng một vụ kiện mà pháp luật quốc gia quy định.(1 ) Khởi kiện tập thể sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức cho số lượng lớn nguyên đơn. Đối với toà án, kiện tập thể giúp cho toà án tập trung giải quyết một vụ án lớn với nhiều nguyên đơn thay vì giải quyết nhiều vụ án riêng biệt có tính chất tương tự, khắc phục tình trạng xét xử quá tải ở toà án. Ở Việt Nam, pháp luật tố tụng dân sự đã ghi nhận quyền khởi kiện tập thể, tuy nhiên chỉ áp dụng trong một số trường hợp nhất định như: Tổ chức đại diện tập thể lao động khởi kiện vụ án lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động; tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

– Quy định quyền khiếu nại của đương sự trong BLTTDS năm 2015 chưa thực sự hợp lí, chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền khiếu nại của đương sự

Quyền khiếu nại của đương sự là một trong những quyền tố tụng cơ bản mà đương sự có thể sử dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Quyền khiếu nại giúp cho đương sự “phản ứng” với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khi các chủ thể này xâm phạm các quyền tố tụng của họ. Tuy nhiên, khoản 22 Điều 70 BLTTDS năm 2015 chỉ quy định đương sự có quyền khiếu nại bản án, quyết định của toà án. Trong quá trình giải quyết vụ án, ngoài bản án, quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hoặc chủ thể tiến hành tố tụng có thể ban hành nhiều loại văn bản tố tụng khác như thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời nhưng pháp luật hiện hành không quy định đương sự có quyền khiếu nại đối với thông báo như thông báo thụ lí vụ án, thông báo người kế thừa tố tụng khi đương sự chết, thông báo về định giá… đặc biệt là trong những trường hợp thông báo của toà án bỏ sót chủ thể được thông báo. Hạn chế này một mặt dẫn tới không bảo đảm quyền khiếu nại của đương sự, mặt khác không bảo đảm quyền của đương sự được nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, Điều 70 BLTTDS năm 2015 cũng không quy định về quyền khiếu nại của đương sự đối với hành vi tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Quyền này chỉ được đề cập tại điều khoản gần cuối BLTTDS năm 2015 là Điều 499.

– BLTTDS năm 2015 thiếu vắng quy định về quyền của đương sự trong việc đề nghị cá nhân, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

Việc tiếp cận nghiên cứu các quy định của BLTTDS năm 2015 cũng cho thấy một vụ án dân sự ngoài giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm còn có thể giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, tại khoản 23 Điều 70 BLTTDS năm 2015 chỉ quy định đương sự có quyền “đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật” mà không đề cập quyền đề nghị của đương sự đối với thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, mặc dù xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là một thủ tục tố tụng đặc biệt. Tuy nhiên, để chắc chắn đương sự có đầy đủ cơ hội thực hiện được trên thực tế thủ tục tố tụng này, pháp luật tố tụng nên ghi nhận quyền tố tụng của đương sự trong việc đề nghị cá nhân, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Việc ghi nhận quyền tố tụng này là cần thiết vì đương sự là người trong cuộc và sự việc có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của họ. Vì vậy, khi có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì đương sự là người có khả năng phát hiện sớm nhất. Do đó, họ cần được pháp luật trao đầy đủ, hợp lí các quyềntố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

– Quy định về quyền yêu cầu định giácủa đương sự trong BLTTDS năm 2015 chưa thực sự hợp lí, chưa đáp ứng yêu cầu định giá của đương sự

Quyền định giá tài sản của đương sự được ghi nhận tại khoản 7 Điều 70 BLTTDS năm 2015 và được quy định chi tiết tại Điều 104 BLTTDS năm 2015. Theo quy định tại khoản 5 Điều 104 BLTTDS năm 2015, đương sự có quyền yêu cầu định giá lại tài sản nếu có căn cứ cho rằng kết quả định giá không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá. Tuy nhiên, điều khoản này quy định kết quả định giá không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá phải là kết quả định giá “lần đầu” nhưng thực tế cho thấy, có những trường hợp kết quả định giá những lần sau cũng không chính xác. Do đó, việc định giá lại tài sản sẽ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng kết quả định giá trước không chính xác, không phù hợp với cơ chế thị trường mà không cần phải phụ thuộc vào đó là kết quả định giá lần thứ mấy.

– BLTTDS năm 2015 chưa quy định cụ thể về quyền được xét xử bởi một toà án độc lập, khách quan trong một thời hạn hợp lí

Theo các văn bản pháp lí quốc tế về quyền con người, trong đó có Điều 6 Công ước Nhân quyền châu Âu (kí ngày 04/11/1950 và có hiệu lực từ ngày 03/9/1953), quyền được xét xử bởi một toà án độc lập, khách quan, trong một thời hạn hợp lí là một quyền tố tụng cơ bản của đương sự. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 14 Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 nêu ra ba thuộc tính cần thiết của một cơ quan tư pháp là: có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật. Quyền tố tụng cơ bản này sẽ được cụ thể hoá trong pháp luật quốc gia. Có thể nhận thấy pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam tuy đã ghi nhận về sự độc lập, bảo đảm sự vô tư, khách quan của toà án (Điều 12, Điều 16 BLTTDS năm 2015) và lần đầu tiên ghi nhận quy định về “toà án xét xử kịp thời trong thời hạn do Bộ luật này quy định” (Điều 15 BLTTDS năm 2015) nhưng chưa tiếp cận dưới góc độ quyền được xét xử bởi một toà án độc lập, khách quan với một thời hạn hợp lí là quyền con người hay quyền tố tụng cơ bản gắn với yêu cầu về chất lượng và hiệu quả của hoạt động tố tụng tư pháp.(2)

Điều 12 và Điều 15 BLTTDS năm 2015 ghi nhận nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và “toà án xét xử kịp thời”. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 không có điều khoản nào ghi nhận quyền của đương sự được xét xử bởi một toà án độc lập, khách quan, trong một thời hạn hợp lí. Nhà lập pháp dường như chỉ ghi nhận nguyên tắc về cách hành xử của toà án mà chưa chú trọng tới mối liên hệ gắn kết giữa quyền tố tụng này của đương sự với các quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm đối ứng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng để bảo đảm quyền được xét xử bởi một toà án độc lập, khách quan, với một thời hạn hợp lí của đương sự. Việc không ghi nhận quyền được xét xử bởi một toà án độc lập, khách quan, trong một thời hạn hợp lí có thể dẫn tới việc người tiến hành tố tụng không coi trọng hay không ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm thực quyền tố tụng của đương sự. Nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của Pháp về vấn đề này cho thấy, Điều L.781-1, Bộ luật Tổ chức toà án Pháp quy định:“Trong trường hợp toà án không tuân thủ thời hạn hợp lí thì Nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm vì sự vận hànhkhông tốt của cơ quan tư pháp”.(3)

Quyền tố tụng của đương sự
Quyền tố tụng của đương sự

– BLTTDS năm 2015 chưa có quy định về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện

Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra áp lực đòi hỏi các quốc gia và cộng đồng phải cải cách pháp luật tố tụng dân sự của mình theo hướng đảm bảo sự mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả phù hợp với tính chất của từng loại tranh chấp. Mặc dù khoản 10 Điều 70 BLTTDS năm 2015 quy định đương sự có quyền “đề nghị toà án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời” nhưng các quy định cụ thể của BLTTDS năm 2015 về biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền tố tụng này của đương sự, đặc biệt là trong các tranh chấp thương mại hiện nay.

Tham khảo pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới mà điển hình là pháp luật tố tụng dân sự của Hoa Kỳ, Pháp và Trung Quốc cho thấy: đương sự có quyền yêu cầu toà án dụng các biện pháp khẩn cấp trước khi khởi kiện hoặc trong quá trình toà án giải quyết một vụ kiện chính hoặc có thể được áp dụng một cách hoàn toàn độc lập.(4) BLTTDS năm 2015 của Việt Nam đã chọn giải pháp cho phép đương sự có quyền yêu cầu toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc nộp đơn khởi kiện vụ án hoặc trong quá trình giải quyết vụ án(5) nhưng không cho phép yêu cầu áp dụng biện pháp này trước khi khởi kiện hoặc độc lập với vụ kiện chính. Hạn chế này của pháp luật dẫn tới hạn chế hiệu quả thực hiện quyền yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự trên thực tế.

Mặt khác, tên gọi biện pháp khẩn cấp tạm thời xuất phát từ tính khẩn cấp của biện pháp, tức là cần có sự can thiệp, xử lí nhanh tình trạng sự việc đang xảy ra để bảo vệ tức thì quyền, lợi ích của một bên đương sự. Với khả năng đó, biện pháp khẩn cấp tạm thời phải được áp dụng đúng thời điểm mới đáp ứng được nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ ngay chứng cứ khỏi bị hủy hoại và bảo toàn được tài sản trong vụ việc dân sự. Vì vậy, nếu đợi đến khi nộp đơn khởi kiện hoặc toà án thụ lí vụ án mới được yêu cầu áp dụng thì quyền, lợi ích của đương sự không thể bảo vệ được đương sự hoặc đương sự sẽ bị thiệt hại.

Dưới góc nhìn khác, cho phép áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ là một biện pháp mạnh cho một trong các bên tranh chấp, bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Vì vậy, các bên tranh chấp sẽ chủ động giải quyết mà không cần khởi kiện tại toà án, điều này có thể giảm bớt gánh nặng cho toà án khi số lượng các vụ việc toà án thụ lí giải quyết ngày càng gia tăng. Vấn đề này tác giả Trần Phương Thảo đã nghiên cứu và đưa ra kết luận: “Tìm hiểu thực tiễn tố tụng dân sự của một số nước để so sánh với thực tiễn tố tụng dân sự Việt Nam về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho thấy với những nước cho phép yêu cầu, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, số lượng vụ việc mà toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời lớn hơn nhiều số vụ án mà toà án thụ lí giải quyết vì tranh chấp đã được tự giải quyết mà không cần khởi kiện nữa”.(6)

2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền tố tụng của đương sự trong tố tụng dân sự

Trên cơ sở phân tích quyền tố tụng của đương sự trong tố tụng dân sự như trên, bài viết đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này như sau:

– Bổ sung quy định quyền khởi kiện tập thể theo hướng mở rộng phạm vi quyền này và quy định về quy trình khởi kiện tập thể

Kiện tập thể được xem là sự lựa chọn tốt và hiệu quả nhất để giải quyết những tranh chấp mang tính tập thể khi nhiều nguyên đơn cùng khởi kiện một bị đơn. Vì vậy, kiện tập thể đã được pháp luật tố tụng dân sự nhiều quốc gia ghi nhận. Pháp luật tố tụng dân sự Thái Lan, Singapore, Malaysia đều ghi nhận khởi kiện tập thể như là phương thức tố tụng đặc biệt để bảo vệ nhóm nguyên đơn yếu thế chống lại những bị đơn có ưu thế về kinh tế (các công ti, tập đoàn) hoặc về chính trị (đại diện chính quyền).(7) Vì vậy, việc BLTTDS năm 2015 ghi nhận hình thức khởi kiện tập thể là phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của một nền tư pháp hiện đại. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 mới chỉ ghi nhận hình thức khởi kiện này cho các tranh chấp về lao động và người tiêu dùng. Trên thực tế, với sự đa dạng và phát triển nhanh chóng các quan hệ dân sự, lao động, kinh doanh thương mại sẽ có nhiều tranh chấp khác cần áp dụng hình thức thức kiện tập thể này như các tranh chấp trong lĩnh vực môi trường, kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, vi phạm hợp đồng… Vì vậy, BLTTDS năm 2015 cần mở rộng theo hướng áp dụng hình thức khởi kiện này cho các tranh chấp phát sinh trong thực tế.

Hiện nay có nhiều mô hình khởi kiện tập thể như: lựa chọn không tham gia (opt-out class actions); lựa chọn tham gia (opt-in class actions); kiện đại diện (representative actions); kiện theo nhóm (group actions); kiện thử nghiệm (test case).(8) Ở Việt Nam, kiện tập thể được áp dụng theo mô hình kiện đại diện cho vụ án liên quan đến người lao động và người tiêu dùng quy định tại Điều 187 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, để hình thức kiện tập thể có thể áp dụng trên thực tế, BLTTDS năm 2015 cần bổ sung khái niệm khởi kiện tập thể, điều kiện khởi kiện và quy trình khởi kiện tập thể.

– Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền khiếu nại của đương sự theo hướng mở rộng quyền này

Việc ghi nhận đầy đủ, hợp lí quyền khiếu nại của đương sự được xem là cơ sở pháp lí để thực thi các quyền tố tụng khác của đương sự. Thông qua hành vi khiếu nại, toà án có thể xử lí, khôi phục các quyền tố tụng của đương sự bị vi phạm trong bản án, quyết định cũng như các văn bản tố tụng khác của toà án. Vì vậy, để bảo đảm quyền khiếu nại của đương sự, khoản 22 Điều 70 BLTTDS năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “Đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định của toà án; khiếu nại bản án, quyết định, các văn bản tố tụng khác do toà án ban hành và các hành vi tố tụng của những người tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật này”.

– Bổ sung quyền đề nghị cá nhân, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

Quyền đề nghị cá nhân, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là một trong những quyền tố tụng quan trọng và cần thiết để đương sự có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Quyền này được áp dụng khi những quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự không được toà án bảo vệ ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và đương sự thực sự đã hết phương cách để có thể bảo vệ quyền lợi của mình, trong khi quyền lợi hợp pháp này vẫn bị xâm phạm trên thực tế. Quyền tố tụng này nếu được ghi nhận sẽ tạo điều kiện cho những đương sự có quyền lợi bị xâm phạm có cơ hội được bảo vệ theo một thủ tục tố tụng đặc biệt. Vì thế, BLTTDS năm 2015 đã dành riêng Chương XXII để điều chỉnh về thủ tục này nhưng không có điều khoản nào ghi nhận quyền tố tụng này của đương sự. Vì vậy, để bảo đảm quyền đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, BLTTDS năm 2015 nên bổ sung một quyền tố tụng của đương sự là quyền được đề nghị cá nhân, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

– Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền yêu cầu định giá, định giá lại tài sản

Như đã phân tích ở mục 1.2, cách tiếp cận xây dựng quy định về định giá lại theo quy định tại khoản 5 Điều 104 BLTTDS năm 2015 là không chính xác, có tính máy móc. Vì vậy, để bảo đảm quyền yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, khoản 5 Điều 104 BLTTDS năm 2015 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Việc định giá lại tài sản sẽ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng kết quả định giá trước đó không chính xác, không phù hợp với cơ chế thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án dân sự”.

Mặt khác, để quyền yêu cầu định giá của đương sự quy định khoản 7 Điều 70 BLTTDS năm 2015 được thực hiện có hiệu quả trên thực tế, các quy định có liên quan đến quyền định giá phải được quy định đầy đủ, hợp lí. Trong BLTTDS năm 2015, một số quy định liên quan đến quyền định giá của đương sự đã được ghi nhận nhưng thiếu tính cụ thể nên việc áp dụng thiếu thống nhất. Vì vậy, cần phải hoàn thiện các quy định có liên quan để quyền định giá của đương sự được bảo đảm thực thi trên thực tế theo các hướng sau:

Thứ nhất, quy định sự tham gia của thành viên hội đồng định giá giúp toà án và các đương sự xác định được giá trị thực của tài sản đang tranh chấp để chứng minh cho yêu cầu của các bên đương sự. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 không có điều luật nào quy định quyền và nghĩa vụ của thành viên hội đồng định giá. Mặt khác, để quyền định giá của đương sự được bảo đảm thực hiện có hiệu quả tại điểm b khoản 4 Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định chế tài đối với thành viên hội đồng định giá và các cơ quan hữu quan có liên quan: “Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Người được cử làm thành viên hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào việc định giá. Trường hợp cơ quan tài chính, các cơ quan chuyên môn không cử người tham gia hội đồng định giá thì toà án yêu cầu cơ quan quản lí có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn thực hiện yêu cầu của toà án. Người được cử tham gia hội đồng định giá không tham gia mà không có lí do chính đáng thì toà án yêu cầu lãnh đạo cơ quan đã cử người tham gia hội đồng định giá xem xét trách nhiệm, cử người khác thay thế và thông báo cho toà án biết để tiếp tục tiến hành định giá”. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở việc đặt ra chế tài nếu thành viên định giá không tham gia vào hội đồng định giá. Đối với trường hợp thành viên hội đồng định giá khi tham gia định giá không vô tư, khách quan, cố ý lôi kéo người khác nhằm làm sai lệch kết quả định giá hoặc thuộc trường hợp không được tham gia định giá thì BLTTDS năm 2015 không quy định nhưng được quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều luật của Luật Giá về thẩm định giá. Tuy nhiên, những quy định này được hướng dẫn để áp dụng Luật Giá về thẩm định giá nên chưa đầy đủ và chưa bao quát được hết những trường hợp mà người thẩm định giá không được tham gia để bảo đảm tính khách quan trong tố tụng khi tiến hành định giá. Do đó, cần thiết bổ sung một điều luật quy định quyền và nghĩa vụ của thành viên hội đồng định giá trong BLTTDS năm 2015, điều luật có thể được thiết kế như sau:

1. Quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng định giá

a. Phải có mặt theo giấy triệu tập của toà án

b. Không được tiếp xúc với những người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan của kết quả định giá;

c. Được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;

d. Phải cam đoan trước toà án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Người định giá không tham gia Hội đồng định giá mà không có lí do chính đáng hoặc kết luận định giá sai sự thật hoặc khi được toà án triệu tập mà vắng mặt không có lí do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

3. Người định giá phải từ chối hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 52 của Bộ luật này;

b) Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch trong cùng vụ án đó;

c) Họ đã tiến hành tố tụng trong vụ án đóvới tư cách là thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư kí toà án, kiểm sát viên.

Thứ hai, tại khoản 4 Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định về những trường hợp không được tham gia hội đồng định giá, bao gồm: Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, người quy định tại Điều 52 của Bộ luật này. Tuy nhiên, khi dẫn chiếu Điều 52 của BLTTDS năm 2015 thì trong điều luật không quy định người định giá là người tiến hành tố tụng nên không có căn cứ khẳng định vi phạm quyền tố tụng của đương sự. Vì vậy, để bảo đảm tính logic trong các điều luật thì Điều 52 BLTTDS năm 2015 quy định về những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng nên bổ sung thêm trường hợp “người đã tham gia tố tụng với tư cách là là người giám định trong cùng vụ việc đó”.

– Bổ sung quyền được xét xử bởi một toà án độc lập, khách quan trong một thời hạn hợp lí

Quyền được xét xử bởi một toà án độc lập, khách quan trong một thời hạn hợp lí là quyền tố tụng cơ bản của đương sự được ghi nhận trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Quyền tố tụng cơ bản này của đương sự quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động tư pháp dân sự. Do vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, để bảo đảm các quyền tố tụng của đương sự được ghi nhận một cách đầy đủ, hợp lí và bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam và pháp luật tố tụng dân sự một số nước trên thế giới, BLTTDS năm 2015 nên bổ sung quyền được xét xử bởi một toà án độc lập, khách quan trong một thời hạn hợp lí cho đương sự.

– Bổ sung quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện

BLTTDS năm 2015 chưa có quy định về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện. Thực tế cho thấy, để chuẩn bị cho việc khởi kiện, đương sự cần phải chuẩn bị các tài liệu cần thiết. Vì vậy, phải mất một khoảng thời gian nhất định nên đợi đến khi nộp đơn khởi kiện hoặc toà án thụ lí vụ án mới có quyền yêu cầu áp dụng thì bên bị yêu cầu áp dụng đã kịp tẩu tán tài sản hoặc hủy hoại chứng cứ. Như vậy, mục đích của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đáp ứng yêu cầu cấp bách của các đương sự, bảo vệ tài sản, thu thập chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, không được bảo đảm thực hiện.

Mặt khác, không cho phép yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện là không bảo đảm sự thống nhất giữa BLTTDS với một số hiệp định mà Việt Nam tham gia kí kết như Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ, Hiệp định TRIPS. Quy định này còn tạo ra sự cách biệt về tư tưởng lập pháp Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, tại Điều 414 BLTTDS năm 2015 quy định về yêu cầu toà án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là một việc dân sự, vì thế BLTTDS cần quy định rõ quyền yêu cầu toà án giải quyết việc dân sự trong trường hợp đương sự không khởi kiện mà chỉ đến toà án yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.(9)

Ở góc độ khác, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có ý nghĩa như một biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tẩu tán tài sản, hủy hoại chứng cứ, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ việc và thi hành án. Vì vậy, cho phép đương sự áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời càng sớm, tính hiệu quả áp dụng càng cao, càng có lợi cho đương sự. Do vậy khoản 2 Điều 100 BLTTDS năm 2015 cần bổ sung như sau: “Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện hoặc trước khi khởi kiện cho toà án. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời độc lập với vụ kiện chính và toà án có nhiệm vụ giải quyết việc dân sự này”./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quách Thúy Quỳnh, http://www.lapphap. vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid= 207380.

2. Serge Guinchard, Gabriel Montagnier, Lexique des termes juridiques, Nxb. Dalloz, 2001 .

3. Trần Phương Thảo, Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2011.

4. Phan Thị Thanh Thủy, “Kiện tập thể trong giải quyết tranh chấp tiêu dùng ở một số nước ASEAN và những gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 01/2018.

5. Trần Anh Tuấn, Quyền được xét xử bởi một toà án độc lập, khách quan, trong một thời hạn hợp lí trong tố tụng dân sự, Đề tài khoa học cấp cơ sở, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2018.

6. Jean Vincent et Serge Guinchard, Procédure civile Droit interne et droit communautaire”, Nxb. Dalloz, 2006.


(1). Phan Thị Thanh Thủy, “Kiện tập thể trong giải quyết tranh chấp tiêu dùng ở một số nước ASEAN và những gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 01/2018, tr. 40.

(2). Trần Anh Tuấn, Quyền được xét xử bởi một tòa án độc lập, khách quan, trong một thời hạn hợp lí trong tố tụng dân sự, Đề tài khoa học cấp cơ sở, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2018, tr. 1, 29, 30.

(3). Serge Guinchard, Gabriel Montagnier, Lexique des termes juridiques, Nxb. Dalloz, 2001, p. 186.

(4). Điều 13 Chương II; Điều 4 Chương IV Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ ngày 13/7/2000; Jean Vincent et Serge Guinchard, Procédure civile Droit interne et droit communautaire, Nxb. Dalloz, 2006, tr. 314, 758, 768, 769; Điều 93 BLTTDS Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

(5). Điều 111 BLTTDS năm 2015.

(6). Trần Phương Thảo, Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2011, tr. 111.

(7). Phan Thị Thanh Thủy, tlđd, tr. 43.

(8). Quách Thúy Quỳnh, http://www.lapphap.vn/Pages/ tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207380, truy cập 25/7/2020.

(9). Trần Phương Thảo, Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2011, tr. 172, 173.

Các quyền tố tụng chung của đương sự theo quy định của BLTTDS 2015?

Các quyền tố tụng chung của đương sự được quy định tại Điều 70 BLTTDS năm 2015 bao gồm các quyền: Quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu (khoản 4); quyền cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (khoản 5); quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình (khoản 1 3); quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lí tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ (khoản 6); quyền được biết, ghi chép và sao chụp các tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do toà án thu thập (khoản 8); quyền được nhận thông báo hợp lệ từ toà án (khoản 12); quyền tham gia phiên toà, phiên họp (khoản 15); quyền đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với toà án những vấn đề cần hỏi người khác, được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng (khoản 19); quyền đề nghị toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 10); quyền tự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, tham gia hoà giải (khoản 11); quyền được cấp trích lục bản án, quyết định của toà án (khoản 21); quyền kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của toà án (khoản 22); quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh kế thừa các quyền tố tụng chung của đương sự được quy định tại Điều 58 BLTTDS năm 2011, Điều 70 BLTTDS năm 2015 đã bổ sung một số quyền tố tụng chung của đương sự: Quyền đề nghị toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án trong trường hợp tự mình không thể thực hiện được; đề nghị toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản (khoản 7); quyền tranh luận tại phiên toà, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng (khoản 20).

Một số hạn chế trong việc ghi nhận quyền tố tụng của đương sự theo BLTTDS 2015?

– Quy định về quyền khởi kiện tập thể chưa đáp ứng được yêu cầu khởi kiện;
– Quy định quyền khiếu nại của đương sự trong BLTTDS năm 2015 chưa thực sự hợp lí, chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền khiếu nại của đương sự;
– BLTTDS năm 2015 thiếu vắng quy định về quyền của đương sự trong việc đề nghị cá nhân, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao;
– Quy định về quyền yêu cầu định giá của đương sự trong BLTTDS năm 2015 chưa thực sự hợp lí, chưa đáp ứng yêu cầu định giá của đương sự;
– BLTTDS năm 2015 chưa quy định cụ thể về quyền được xét xử bởi một toà án độc lập, khách quan trong một thời hạn hợp lí;
– BLTTDS năm 2015 chưa có quy định về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.

4.8/5 - (69 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền