Quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Chuyên mụcThảo luận pháp luật, Thi hành án hình sự Pháp nhân thương mại
Ảnh minh họa

QUY ĐỊNH VỀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI PHẠM TỘI

Tóm tắt: Tại Bộ luật Hình sự năm 2015, lần đầu tiên pháp nhân thương mại được quy định là chủ thể của tội phạm, theo đó Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bổ sung chương Chương XI “Thi hành án đối với pháp nhân thương mại”, bao gồm 10 điều luật (từ Điều 158 đến Điều 167). Bài viết phân tích các vấn đề về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội; đưa ra nhận xét, đánh giá quy định của Luật Thi hành án hình sự về nguyên tắc, chủ thể, thẩm quyền, thủ tục và hậu quả pháp lí đối với thi hành án đối với pháp nhân thương mại phạm tội, trên cơ sở đó, đề xuất một số kiến nghị và giải pháp mang tính nguyên tắc, tiếp cận ở tầm chính sách.

Từ khóa: Điểm mới; pháp nhân thương mại; thi hành án hình sự

PROVISIONS ON EXECUTION OF CRIMINAL JUDGMENTS AGAINST COMMERCIAL LEGAL ENTITIES COMMITING A CRIME

Abstract: Under Criminal Code 2015, for the first time, legal commercial entities may be considered as the subjects of crimes, which led to a new Chapter in the Law on Enforcement of crimicnal Judgments 2019: Chapter XI: “Enforcement of criminal judgments of guilty legal commercial entities”, including 10 provisions (From Article.158 to 167). The paper analyzes issues relating to the enforcement of criminal judgments of guilty legal commercial entities, proposes some comments and assessments on provisions in the Law on Enforcement of crimicnal Judgments in 2019 from several aspects: principles, subjects, authority, procedures and legal consequences to guilty legal commercial entities. Fromt these assessments, the paper recommends some solutions from the approach of policy making.

Keywords: New points; commercial entities; enforcement of criminal judgments

Tác giải bài viết:

ĐINH THỊ MAI

Phó giáo sư, tiến sĩ, Khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội

E-mail: dinhthimai@gmail.com

TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ 11/2020

(Xem nguồn tại: http://thuvien.hlu.edu.vn/ejournal/issueinfo.aspx?mets_id=6876&dmd_id=46090)

1. Quy định về chủ thể có thẩm quyền và nghĩa vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Chương XI Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (Luật THAHS) xác định và phân biệt khá cụ thể về hai loại chủ thể (hai loại cơ quan) bao gồm:

– Chủ thể (cơ quan) được giao nhiệm vụ thi hành án đối với PNTM phạm tội (chủ thể có thẩm quyền thi hành án) tại Điều 158.

– Chủ thể (cơ quan) có nghĩa vụ, trách nhiệm trong thi hành án đối với PNTM phạm tội (chủ thể có nghĩa vụ) tại Điều 164.

Điều 158 Luật THAHS quy định về “Cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án” xác định ba loại cơ quan có thẩm quyền và được giao nhiệm vụ thi hành án đối với PNTM phạm tội, gồm: cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự quân đội cấp quân khu và cơ quan thi hành án dân sự, cụ thể:

– Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp quy định tại các điều 78, 79, 80, 81 và điểm b, điểm c khoản 1 Điều 82 Bộ luật Hình sự theo quy định của Luật này (khoản 1).

– Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền quy định tại Điều 77, biện pháp tư pháp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 82 Bộ luật Hình sự theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 2).

Quy định tại các bản Dự thảo trước đây quan niệm cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên trách về thi hành án hình sự (cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh và cơ quan thi hành án quân đội cấp quân khu) với cơ quan quản lí nhà nước có chuyên môn sâu của các lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến hoạt động của (PNTM) như cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đăng kí kinh doanh, chấp thuận cho PNTM hoạt động gồm: Phòng đăng kí kinh doanh thuộc sở kế hoạch đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… hoặc các cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành trực tiếp liên quan đến việc thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với PNTM như: cơ quan quản lí nhà nước về môi trường, hải quan, kiểm lâm, quản lí thị trường…; các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư trực tiếp liên quan đến việc thi hành hình phạt cấm huy động vốn đối với PNTM… nay Điều 164 Luật THAHS xác định, cơ quan quản lí nhà nước đối với PNTM không phải là chủ thể có thẩm quyền thi hành án mà là chủ thể có nghĩa vụ thi hành án. Điều 164 không xác định hay nêu cụ thể cơ quan quản lí nhà nước đối với PNTM nhưng lại quy định xác định cụ thể trách nhiệm, biện pháp mà các cơ quan này phải thực hiện, bao gồm 5 biện pháp được quy định (từ điểm a đến điểm đ khoản 1 ) và 4 hoạt động khác buộc phải thực hiện (quy định từ khoản 2 đến khoản 5 Điều 164). Điều luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Các quy định trên đã có tính hợp lí tương đối, tuy nhiên về chủ thể có thẩm quyền thi hành án đối với PNTM cần hoàn thiện những nội dung sau:

Thứ nhất, cần bổ sung chủ thể “cơ quan quản lí nhà nước đối với PNTM” là chủ thể có thẩm quyền thi hành án, không chỉ là chủ thể có nghĩa vụ hay là chủ thể “phối hợp” để thực hiện thi hành án hình sự đối với PNTM.

Vấn đề vướng mắc và khó khăn nhất về cả lí luận và thực tiễn trong thi hành án hình sự đối với PNTM phạm tội là do đặc điểm của chủ thể “bị thi hành án hình sự” là PNTM khác biệt cơ bản với chủ thể “bị thi hành án” là cá nhân (con người cụ thể); bên cạnh đó, hình phạt được áp dụng với pháp nhân cũng khác biệt về bản chất, trình tự, thủ tục và cách thức tiến hành so với cá nhân. Đối với cá nhân phạm tội, hình phạt sẽ do cơ quan thi hành án áp dụng và cưỡng chế thi hành (ví dụ: áp dụng hình phạt tù chung thân, tù có thời hạn hay cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, trục xuất…). Đối với pháp nhân phạm tội, về nguyên tắc, hình phạt cũng do cơ quan thi hành án áp dụng và cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, để áp dụng hình phạt (ví dụ, hình phạt cấm kinh doanh hoặc cấm huy động vốn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong một số lĩnh vực) đối với PNTM thì cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh hoặc cấp quân khu sẽ áp dụng các hình phạt cấm hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh của PNTM bằng biện pháp gì, trình tự thủ tục ra sao? Rõ ràng không thể cấm và đình chỉ hoạt động của pháp nhân bằng biện pháp có tính chất vật lí như biện pháp “đưa vào cơ sở giam giữ” như khi áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với cá nhân phạm tội.

Thứ hai, cần bổ sung “cơ quan thi hành án dân sự” là một chủ thể trong hệ thống tổ chức thi hành án hình sự. Điều 11 Luật THAHS quy định về “hệ thống tổ chức thi hành án hình sự” không quy định cơ quan thi hành án dân sự là chủ thể được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, trong khi trên thực tế và tại khoản 2 Điều 158 quy định việc thi hành hình phạt tiền là hình phạt chính và là hình phạt bổ sung đối với PNTM (và cả đối với cá nhân phạm tội) đều giao cho cơ quan thi hành án dân sự. Do vậy, để bảo bảo sự thống nhất, cần bổ sung cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành hình sự vào khoản 3 Điều 158.

2. Quy định về thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Hình phạt là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới biện pháp và thủ tục, cách thức tổ chức thi hành án hình sự đối với PNTM. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, các hình phạt đối với PNTM phạm tội bao gồm:

– Bốn hình phạt chính: Phạt tiền (Điều 77); Đình chỉ hoạt động có thời hạn một hoặc một số lĩnh vực (Điều 78); Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực (khoản 1 Điều 79), (tức chỉ “tử hình” một hoặc một số lĩnh vực hoạt động của PNTM, còn PNTM vẫn tồn tại); Đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động (khoản 2 Điều 79) (tương đương như hình phạt “tử hình” PNTM).

– Ba hình phạt bổ sung: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực (Điều 80); Cấm huy động vốn dưới các hình thức: a) Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư; b) Cấm phát hành, chào bán chứng khoán; c) Cấm huy động vốn khách hàng; d) Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; đ) Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản (Điều 81); Phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính).

– Bốn biện pháp tư pháp: Tịch thu tang vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm (khoản 1 Điều 82); Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi điểm a khoản 1 Điều 82); Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu (điểm b khoản 1 Điều 82); Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra (điểm c khoản 1 Điều 82).(1 ) (1 ). Gồm các biện pháp: a) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; b) Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật; hàng hoá nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm;

Luật Thi hành án hình sự
Luật Thi hành án hình sự

Đối với hình phạt tiền, trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tiền do cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành theo quy định của Luật THAHS. Các hình phạt còn lại đều có chung tính chất là liên quan đến việc giám sát hoặc tác động “cấm”, “đình chỉ” một, một số hoặc tất cả các hoạt động hoặc các lĩnh vực của PNTM. Quy định của Luật THAHS về biện pháp, trình tự thủ tục thi hành hình phạt không phải là hình phạt tiền đối với PNTM còn nhiều điểm bất cập.

Luật THAHS cần được hoàn thiện theo hướng sau:

Thứ nhất, khi chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, điều kiện để PNTM tự nguyện thi hành án hình sự đã có hiệu lực pháp luật mà lại quy định “cứng” các thủ tục buộc cơ quan thi hành án hình sự phải thực hiện như tại khoản 2 Điều 160, bao gồm cả triệu tập người đại diện, công bố quyết định thi hành, ra quyết định cưỡng chế thi hành… là bất hợp lí. Ví dụ: Trường hợp PNTM đã tự nguyện thi hành án thì việc triệu tập và ra quyết định cưỡng chế thi hành là phản tác dụng. Vì vậy, điểm d khoản 2 Điều 160 Luật THAHS nên được sửa thành: “Đã hết thời hạn thi hành án được nêu trong bản án mà PNTM không tự nguyện thi hành, cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này…”.

Thứ hai, Luật THAHS năm 2019 mới chỉ dừng lại ở việc quy định và dự liệu một chiều. Nghĩa là trong trường hợp thi hành bước 1 thì bước 2 sẽ là gì và tiếp theo là cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt v.v.. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, ví dụ, người đại diện theo pháp luật của PNTM không đến và không có lí do chính đáng, cố tình trốn tránh thì chưa có biện pháp xử lí để đảm bảo việc thực hiện các bước trong thi hành án đối với PNTM phạm tội. Do đó, điểm a khoản 2 Điều 160 Luật THAHS nên sửa đổi thành:

“a) Ngay sau khi nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự phải công bố ngay quyết định đó trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình và triệu tập người đại diện theo pháp luật của PNTM để thông báo, yêu cầu thi hành án.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của PNTM được triệu tập hợp lệ mà không có mặt do có lí do chính đáng thì cơ quan thi hành án hình sự phải lập biên bản vắng mặt và tiếp tục tổ chức thi hành án;

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của PNTM được triệu tập hợp lệ mà không có mặt và không có lí do chính đáng thì cơ quan thi hành án hình sự phải lập biên bản vắng mặt, nêu rõ hình thức xử lí và tiếp tục tổ chức thi hành án”.

3. Một số nhận xét và kiến nghị

3.1. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 chưa quy định cụ thể về cơ quan quản lí nhà nước đối với pháp nhân thương mại

Thứ nhất, Luật THAHS năm 2019 chưa quy định và phân loại được chủ thể là cơ quan quản lí nhà nước đối với PNTM.

Thứ hai, Luật THAHS năm 2019 cũng chưa có quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể là cơ quan quản lí nhà nước trong thực hiện các nghĩa vụ liên đới trong thi hành án hình sự đối với PNTM.

Một trong những vấn đề cơ bản nhất của thi hành án đối với PNTM là cần xác định được cơ quan quản lí nhà nước trong thi hành án đối với PNTM gồm những cơ quan nào? Cá nhân cơ quan nào có thẩm quyền và có thể thực hiện được các hình phạt được áp dụng đối với PNTM phạm tội?

Pháp nhân là đối tượng của thi hành án hình sự gồm hai nhóm chính: PNTM là doanh nghiệp và PNTM là các tổ chức kinh tế khác. Xét theo tính chất của các hoạt động giao dịch của pháp nhân, có thể phân loại hoạt động của pháp nhân thành ba nhóm chính, bao gồm: nhóm “hoạt động tự thân”, nhóm “hoạt động với chủ thể công” và nhóm “hoạt động với chủ thể tư”. Để xác định chủ thể và trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với PNTM phạm tội, hoàn toàn có thể dựa vào hai cách phân loại trên hoặc xác định cách thức thi hành theo các loại hình phạt. Tuy nhiên, để xác định cơ quan nào là cơ quan quản lí nhà nước có trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong thi hành án hình sự đối với PNTM phạm tội cũng như đề xuất trình tự, thủ tục thi hành án phù hợp với từng chủ thể thi hành, cách thức hợp lí hơn cả là xác định theo đối tượng bị thi hành án (tức là xem xét đối tượng phải thi hành án là PNTM thuộc loại hình doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế nào).

Theo đó, chúng tôi kiến nghị, việc xác định cơ quan quản lí nhà nước trong thi hành án đối với PNTM và trình tự, thủ tục thi hành phải được xác định và phân loại theo đặc điểm kinh doanh của pháp nhân dựa theo 3 nhóm đặc thù sau:

Nhóm thứ nhất, cơ quan quản lí nhà nước trong thi hành án đối với pháp nhân thuộc ngành, nghề không yêu cầu điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính (pháp nhân chỉ cần đăng kí doanh nghiệp là có thể hoạt động). Đối với loại PNTM này, công tác theo dõi, giám sát, bảo đảm thi hành án thuộc thẩm quyền chính của các cơ quan quản lí doanh nghiệp là cơ quan đăng kí kinh doanh các cấp và cơ quan thuế, cụ thể là Bộ Kế hoạch và đầu tư, sở kế hoạch và đầu tư (các cấp) và cục thuế.

Hiện nay, cơ chế phối hợp liên thông điện tử tự động giữa cơ quan đăng kí kinh doanh và cơ quan thuế được thực hiện thông qua quy trình tạo và sử dụng mã số doanh nghiệp. Sở kế hoạch và đầu tư là đầu mối công khai thông tin doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư. Cục thuế công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp trên địa bàn có vi phạm pháp luật về thuế. Hình thức công khai thông tin về xử lí doanh nghiệp phạm tội của từng cơ quan được thực hiện trên cổng thông tin điện tử của mỗi ngành theo quy trình công khai thông tin điện tử riêng của từng cơ quan.(2)

Nhóm thứ hai, cơ quan quản lí nhà nước trong thi hành án đối với pháp nhân thuộc các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (gồm 243 ngành, nghề theo quy định của Luật Đầu tư),(3) pháp nhân muốn hoạt động cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động (gọi là tiền kiểm).(4) Cơ quan quản lí nhà nước trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân kinh doanh các ngành, nghề này là cơ quan quản lí nhà nước được giao chủ trì về quản lí nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, tức là cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính (tiền kiểm) theo quy định của pháp luật (cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi, sửa đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc giấy tờ có giá trị tương đương). Ví dụ: Uỷ ban chứng khoán (đối với pháp nhân thực hiện kinh doanh chứng khoán), Ngân hàng Nhà nước (đối với tổ chức tín dụng ngân hàng).

Tuy nhiên, không phải tất cả 243 ngành nghề này đều có kết quả quản lí nhà nước là giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh… (tức là quản lí theo phương pháp tiền kiểm). Theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiều ngành nghề trong số 243 ngành, nghề này dần được chuyển từ quản lí dạng tiền kiểm sang hậu kiểm, tức kiểm soát trong quá trình doanh nghiệp hoạt động thông qua thanh tra, kiểm tra chứ không nhất thiết phải kiểm tra và cấp phép trước khi hoạt động.(5) Khi đó, thực tiễn, việc thi hành hình phạt (biện pháp cấm kinh doanh, cấm hoạt động…) đối với các PNTM này được thực hiện tương tự như pháp nhân tự do kinh doanh.

Nhóm thứ ba, cơ quan quản lí nhà nước trong thi hành án đối với pháp nhân kinh doanh một số hoạt động phải thực hiện thủ tục hành chính trước khi thực hiện hoạt động (giấy phép, chứng chỉ hành nghề và giấy tờ tương đương).

Hiện nay, theo điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 củ Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, các thủ tục hành chính được thực hiện theo các phương thức sau: (6)

– PNTM đề nghị cơ quan quản lí có thẩm quyền cấp giấy phép, chấp thuận, xác nhận… trước khi pháp nhân thực hiện hoạt động (hành chính – tiền kiểm).

– Pháp nhân đăng kí với cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền để được hoạt động. Tuy nhiên, việc đăng kí có thể cần có kết quả trả lời (mới được hoạt động) hoặc không cần trả lời (sau thời gian nhất định mà không phản hồi thì doanh nghiệp được tự động thực hiện).

– Pháp nhân thông báo hoạt động của mình đến cơ quan quản lí nhà nước có liên quan mà không cần trả lời là có đồng ý hay không của cơ quan quản lí nhà nước (hành chính hậu kiểm). Riêng đối với hình thức này, thủ tục hành chính được thực hiện theo chế độ hậu kiểm nên việc thi hành các biện pháp cấm kinh doanh, cấm hoạt động được thực hiện tương tự như các pháp nhân tự do kinh doanh.

Như vậy, ngoài pháp nhân được thực hiện thủ tục hành chính – hậu kiểm, đối với hai hình thức hành chính tiền kiểm còn lại, cơ quan quản lí nhà nước trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân kinh doanh ngành, nghề có điều kiện là cơ quan quản lí nhà nước trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Ví dụ: cơ quan hải quan, hãng vận tải, cảng vụ hàng không, các đại lí hải quan… khi thực hiện các hình phạt cấm hoặc đình chỉ hoạt động xuất nhập khẩu; hoặc Ngân hàng nhà nước, cảng vụ hàng không, doanh nghiệp bảo hiểm, công ti chứng khoán… khi thực hiện hình phạt đình chỉ hoạt động giao dịch tài chính đối với pháp nhân phạm tội.

3.2. Luật Thi hành án hình sự chưa có quy định về nguyên tắc thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Điều 4 Luật THAHS quy định 8 nguyên tắc thi hành án hình sự. Tuy nhiên, các nguyên tắc này mới chỉ được nghiên cứu dựa trên chính sách thi hành án hình sự áp dụng đối với cá nhân phạm tội. Hiện tại, chưa có nguyên tắc mang tầm “chính sách” đối với pháp nhân. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu đủ chiều sâu và dài hơi. Tuy nhiên, một cách cơ bản, nguyên tắc thi hành án đối với PNTM phạm tội cần phải bao hàm đến các vấn đề có tính ảnh hưởng rộng lớn đối với kinh tế, chính trị, xã hội.

Theo đó, chúng tôi kiến nghị, các nguyên tắc của thi hành án hình sự đối với PNTM cân nhắc dựa trên các yếu tố:

Thứ nhất, việc thi hành án đối với PNTM không chỉ ảnh hưởng đến chính PNTM phải chấp hành bản án mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, cá nhân, tổ chức có liên quan.

Thứ hai, cần xem xét, tính toán kĩ hậu quả pháp lí khi thi hành hình phạt đối với PNTM phạm tội. Các hoạt động của PNTM có liên quan đến nhiều yếu tố như: nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, quyền lợi của chủ nợ đối với pháp nhân, quyền lợi, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… của người lao động.

Thứ ba, đối với PNTM có quy mô hoạt động lớn, số lượng người lao động nhiều, việc thi hành hình phạt sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của công nhân, lớn hơn có thể gây mất trật tự, an toàn xã hội và các hệ lụy tiêu cực, bất ổn khác đối với xã hội.

Thứ tư, cần chú ý tới việc giải quyết hậu quả pháp lí sau khi thi hành án, nhất là đối với chủ nợ, quyền lợi của người lao động… theo Luật Phá sản đối với PNTM bị áp dụng hình phạt đình chỉ vĩnh viễn (được coi là hình phạt “tử hình” đối với PNTM). Theo đó, cần cân nhắc đến các vấn đề phát sinh gồm: chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã kí kết; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của PNTM; nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán như trên thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỉ lệ phần trăm tương ứng với số nợ như thế nào…

3.3. Luật Thi hành án hình sự chưa có quy định về hình thức và biện pháp thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Hình thức và biện pháp thi hành án hình sự đối với pháp nhân là vấn đề mới cả về thực tiễn và lí luận. Các quy định trong Luật Thi hành án hình sự chưa trả lời được câu hỏi: Thi hành án đối với PNTN như thế nào, bằng cách thức và biện pháp cụ thể gì?

Đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến và được bàn luận khá sôi nổi tại các tọa đàm về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại của Ủy ban Tư pháp, Quốc hội. Trên thực tế đã có các vụ án liên quan PNTM được khởi tố nhưng chưa có bản án xét xử sơ thẩm và đặc biệt chưa có thực tiễn thi hành các bản án này để kiểm chứng những vướng mắc, bất cập phát sinh. Qua nghiên cứu, tác giả đưa ra một số kiến nghị sau:

Một là, quy định bổ sung hình thức thi hành án hình sự đối với pháp nhân. Phải bổ sung điều luật quy định về biện pháp thi hành án đối với PNTM, trong đó, quy định cụ thể 02 biện pháp chính trong thi hành hình phạt đối với PNTM gồm: tự nguyện thi hành và cưỡng chế thi hành. Theo đó, ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, PNTM phạm tội có nghĩa vụ chấp hành bản án và các quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án và của các cơ quan quản lí nhà nước có liên quan về thi hành án (tự nguyện thi hành). Hết thời hạn trên, pháp nhân không tự nguyện chấp hành án hoặc chấp hành án không đầy đủ thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Hiện các biện pháp cưỡng chế chưa được quy định trong Luật THAHS. Điều 163 về cưỡng chế thi hành án đang được bỏ ngỏ và giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Trước đây, theo Dự thảo Luật THAHS sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Dự thảo lần 6, Điều 178), các biện pháp cưỡng chế bao gồm: Buộc chấm dứt ngay hoạt động đã bị toà án đình chỉ hoặc cấm; Buộc thông tin công khai về hoạt động đã bị toà án đình chỉ hoặc cấm trên các phương tiện theo quy định của pháp luật; Niêm phong, tạm giữ tài liệu, chứng từ, dữ liệu điện tử, con dấu của PNTM; Phong tỏa tài khoản; Kê biên tài sản. Đây là phương án để Chính phủ tham khảo khi hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.

Hai là, bổ sung quy định cụ thể về biện pháp thi hành án hình sự đối với pháp nhân Biện pháp thi hành án đối với PNTM là vấn đề khó, xuất phát từ đặc điểm “không phải là thể nhân” của PNTM. Việc thi hành hình phạt đối với pháp nhân do vậy hoàn toàn khác biệt về tính chất và biện pháp thi hành so với việc thi hành hình phạt đối với cá nhân phạm tội.

Như đã phân tích, các hình phạt được áp dụng đối với pháp nhân, ngoài hình phạt tiền được giao cho cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì các hình phạt còn lại(7) đều có chung đặc điểm là hạn chế quyền thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Xét theo đặc điểm này, có hai tính chất đặc trưng quyết định tới biện pháp thi hành án hình sự đối với pháp nhân, bao gồm: Tự thân pháp nhân không thực hiện hành vi (giao dịch) nếu không có người đại diện; Hoạt động của pháp nhân được hình thành bởi hành vi của người đại diện và hành vi của đối tác.

Như vậy, khi áp dụng hình phạt đối với pháp nhân, tức là cần tác động tới hành vi của người đại diện hoặc hành vi của đối tác (hoặc cả hai) để đình chỉ, tạm đình chỉ, cấm, hoặc đình chỉ vĩnh viễn một, một số hoặc toàn bộ) hoạt động của pháp nhân. Để xác định được phương pháp, chủ thể và trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân, cần xác định dựa trên đặc điểm, tính chất của các hoạt động của pháp nhân.

Có thể phân loại hoạt động của pháp nhân thành ba nhóm, bao gồm:

– Nhóm “hoạt động tự thân”: Các hoạt động pháp nhân tự làm mà không cần phối hợp hay giao dịch với bất kì chủ thể nào như: vận hành máy móc, tự sản xuất, gia công, hoạt động điều hành quản lí doanh nghiệp…

– Nhóm “hoạt động với chủ thể công”: Các hoạt động có giao dịch với cơ quan nhà nước. – Nhóm “hoạt động với chủ thể tư”: Các hoạt động có giao dịch với một bên chủ thể tư (như mua bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ, thuê mướn lao động, chuyển quyền sở hữu đối với tài sản…).(8)

Đối với loại hoạt động của pháp nhân ở nhóm “hoạt động tự thân” là các loại hoạt động mang tính vật lí diễn ra tại trụ sở (sản xuất, vận chuyển, xây dựng, vận hành, điều hành… doanh nghiệp) thì việc xác định trách nhiệm thi hành án hoàn toàn thuộc về cơ quan thi hành án hình sự chuyên trách (áp dụng các biện pháp để giám sát, cấm, đình chỉ các hoạt động này của doanh nghiệp tại trụ sở). Ví dụ: PNTM bị dừng hoạt động sản xuất thì cơ quan thi hành án niêm phong máy móc, nhà xưởng và cử người giám sát.

Đối với nhóm “hoạt động với chủ thể công”, cơ quan thi hành án hình sự chuyên trách cần gửi thông báo đến cho cơ quan nhà nước tương ứng (mà doanh nghiệp đang có hoặc sẽ có hoạt động giao dịch) để yêu cầu cơ quan nhà nước dừng, tạm dừng hoặc đình chỉ vĩnh viễn hoạt động đối với PNTM theo hình phạt bị áp dụng. Ví dụ: doanh nghiệp phải thi hành hình phạt cấm mua bán, phát hành chứng khoán thì cơ quan thi hành án yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán nhà nước cấm hoạt động mua bán, phát hành của doanh nghiệp.

Nhóm “hoạt động với chủ thể tư” là loại hoạt động phức tạp nhất trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân. Vì pháp nhân thực hiện giao dịch với bên thứ hai là chủ thể tư (với cá nhân khác, với pháp nhân khác, với một chủ thể bất kì khác…)(9) nên một mặt cơ quan thi hành án yêu cầu doanh nghiệp phải tự nguyện thực hiện hình phạt, mặt khác, cần có hình thức thông báo rộng rãi đến các chủ thể tư và công chúng với nội dung: toàn bộ các giao dịch được pháp nhân thực hiện trong phạm vi bị cấm hoặc bị đình chỉ (theo nội dung bản án) đều bị coi là vô hiệu, nếu cá nhân hoặc pháp nhân vẫn cố tình giao dịch (trong phạm vi bị cấm hoặc bị đình chỉ) thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Như vậy, cần tuỳ thuộc vào đặc điểm của các loại hoạt động của pháp nhân mà xác định hình thức và biện pháp thi hành án hình sự phù hợp, trong đó: (10)

– Khi thi hành hình phạt liên quan đến “hoạt động tự thân” của pháp nhân nên giao cho cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ưu tiên áp dụng biện pháp giám sát đối với những hoạt động “mang tính vật lí” như sản xuất, vận chuyển, xây dựng, hoạt động quản lí, điều hành, vận hành tại trụ sở của pháp nhân phải thi hành án.

– Khi thi hành hình phạt liên quan đến “hoạt động với chủ thể công” của pháp nhân nên giao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lí nhà nước chủ trì về quản lí nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện (đối với PNTM kinh doanh có điều kiện) và giao cho cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính (đối với PNTM phải thực hiện thủ tục “hành chính – tiền kiểm”) ngừng, hạn chế, từ chối, cấm, đình chỉ hoặc xử lí các hoạt động theo các mức hình phạt tương ứng đã được tuyên đối với pháp nhân.

– Khi thi hành hình phạt liên quan đến “hoạt động với chủ thể tư” của pháp nhân, cần thông qua các cơ chế phối hợp, giám sát và kiểm soát phù hợp, linh hoạt. Ví dụ: yêu cầu pháp nhân báo cáo, cơ quan quản lí từ chối giao dịch có liên quan hoặc thông báo rộng rãi tới các chủ thể tư để buộc chủ thể tư phải dừng các giao dịch bị cấm, nếu vẫn giao dịch thì giao dịch đó bị vô hiệu và có thể bị xử lí theo pháp luật.

Quy định về thi hành án hình sự đối với PNTM phạm tội, đặc biệt là các quy định cụ thể về nguyên tắc, chủ thể thi hành, biện pháp, trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với PNTM ở Việt Nam hiện nay vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện chính sách. Các quy định mới về thi hành án hình sự đối với PNTM phạm tội trong Luật THAHS dù đã có những bước phát triển và tính hợp lí tương đối nhưng điểm bất cập dễ nhận thấy nhất đó là thiếu chính sách về thi hành án hình sự mang tầm chiến lược áp dụng riêng cho PNTM (khác với nguyên tắc và biện pháp áp dụng cho cá nhân phạm tội). Vì vậy, vẫn cần các nghiên cứu mang tầm chiến lược và tổng thể, chứ không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu sự hợp lí hay chưa hợp lí của từng điều luật áp dụng đối với việc thi hành án hình sự đối với PNTM./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Thị Mai, “Các yếu tố tác động đến chính sách pháp luật thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội”, Tạp chí Nhân lực Khoa học Xã hội, số 05/2019.

2. Ngô Đức Minh, Báo cáo tại Tọa đàm “Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại”, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngày 28/2 – 01/3/2019.

3. Đậu Anh Tuấn, “Cơ quan quản lí nhà nước lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại và xác định trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước trong thi hành án đối với pháp nhân thương mại”, Tọa đàm “Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngày 28/2 – 01/3/2019.

(1 ). Gồm các biện pháp: a) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; b) Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật; hàng hoá nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm; d) Buộc tiêu huỷ hàng hoá, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hoá phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu huỷ theo quy định của pháp luật; đ) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; e) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hoá vi phạm đang lưu thông trên thị trường (khoản 3 Điều 82).

(2). Đinh Thị Mai, “Các yếu tố tác động đến chính sách pháp luật thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội”, Tạp chí Nhân lực Khoa học Xã hội, số 05/2019, tr. 152.

(3). Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2014, sửa đổi năm 2016.

(4). Xem thêm: Đinh Thị Mai, tlđd, tr. 152.

(5). Ngô Đức Minh, Báo cáo tại Tọa đàm “Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại”, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngày 28/02 – 01/3/2019.

(6). Xem thêm: Đinh Thị Mai, tlđd, tr. 153.

(7). Bao gồm các hình phạt: Đình chỉ hoạt động có thời hạn trong một hoặc một số lĩnh vực (Điều 78); Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong một hoặc một số lĩnh vực (khoản 1 Điều 79); Đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động (khoản 2 Điều 79); Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực (Điều 80); Cấm huy động vốn dưới các hình thức: a) Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư; b) Cấm phát hành, chào bán chứng khoán; c) Cấm huy động vốn khách hàng; d) Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; đ) Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản (Điều 81).

(8). Đậu Anh Tuấn, “Cơ quan quản lí nhà nước lĩnh vực hoạt động của pháp nhân thương mại và xác định trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước trong thi hành án đối với pháp nhân thương mại”, Tọa đàm “Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngày 28/2 – 01/3/2019.

(9). Đậu Anh Tuấn, tlđd.

(10). Đinh Thị Mai, tlđd, tr. 155.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền