Mình đã đạt 9.5 điểm vấn đáp ở trường Luật như thế nào?

Thi vấn đáp

Mình đã đạt 9.5 điểm vấn đáp ở trường Luật như thế nào?” là bài viết chia sẻ trải nghiệm cá nhân của bạn Lily Trương (fb.com/linhhkhanhtruong). Xin chia sẻ để các bạn tham khảo!

 

Những nội dung liên quan:

 

Vấn đáp đã trở thành đặc sản của trường Luật và những môn học mang bóng đen của trùm cuối luôn khiến chúng ta ám ảnh từ những buổi lí thuyết đầu tiên. Mình có thể kể đến một số môn như Lí Luận chung nhà nước và pháp luật, Luật Hành chính (vì chúng ta chỉ “hành” nhau là “chính”), Luật đất die (đai) – sắp chết đến nơi rồi!…Cứ mỗi kì thi đến, chúng ta lại lo lắng về tỉ lệ học lại của những môn vấn đáp cứ tăng dần đều qua các năm.

Trước khi bước vào bài viết, chúng mình sẽ cùng điểm qua những câu nói bất hủ của thầy cô trường luật. Chỉ một từ thôi: Sát khí!

– Sai, sai rồi, sai cơ bản! (Hành chính)

– Nhà nước chủ nô có chính thể cộng hòa không? /Dạ có ạ!/ Tại sao e trả lời vậy?/Thưa thầy tại e nghĩ thế ạ / Ừ, e nghĩ sai bét. (Nguyễn Thanh Hoài)

– Em cần mấy điểm thỳ qua môn? (Lao động)

– Hội đồng nhân dân sao lại có từ 3-5 người? Tối qua em ngủ lúc mấy giờ? (Hiến pháp)

– Từ sáng đến giờ em là người đầu tiên làm tôi cười. Thôi thi lại nhé. (Thương mại)

– Em học chắc phần nào nhất?/ Thầy hỏi phần nào cũng được ạ/ Em cứ chọn phần em học chắc nhất đi/ Dạ, thế thỳ em chọn phần Công ty hợp danh/ Ừ, vậy cho thầy biết đặc điểm doanh nghiệp tư nhân? (Thương mại)

– Em có biết em đang thi môn gì ko? (Hành chính)

– Bố mẹ làm gì? / Dạ, bố mẹ em là nông dân ạ / Bố mẹ làm nông dân mà ko chịu phấn đấu học hành, trả lời sai hết thế này à? (Hiến pháp)

– Em đã biết thủ tục đăng ký học lại chưa? (Dân sự)

– Trả lời đúng thầy sẽ cho em 9 điểm, trả lời sai em được 1 (Thương mại)

– Em nghĩ mình được mấy điểm? (Nhiều môn)

– Thi lại vào tôi thỳ anh xác định học lại nhé (Sau khi nói cái nhà là động sản) (Dân sự)

Nguồn: Đâu phải HLU

Từ thực trạng bi thương ấy, câu hỏi đặt ra ở đây là “Vậy làm sao để “qua môn”, làm sao để biến hành trình chinh phục trùm cuối trở nên nhẹ nhàng, dễ thở? Cùng khám phá ngay hành trình đạt 9,5 điểm vấn đáp của mình nhé!

01. Bom tấn mùa thi:

  • Thi vấn đáp là gì?

Theo từ điển Hán Việt, “vấn “ là hỏi, “đáp” là trả lời. Và “trùm cuối” của chúng ta được hiểu theo đúng nghĩa đen các bạn ạ! Nghĩa là thầy cô sẽ hỏi, chúng ta sẽ trả lời.

  • Ưu điểm:

+ Biết điểm ngay (Đôi khi chỉ cần nhìn sắc mặt của thầy cô là bạn biết bạn được mấy điểm rồi đấy!)

+ Rèn luyện bản lĩnh, sự tự tin.

+ Nâng cao khả năng chịu áp lực, xử lý tình huống.

  • Nhược điểm:

               + Đòi hỏi sự phản xạ nhanh, giải quyết tình huống ngay lập tức

               + Khá áp lực

02. Quy trình “lên thớt”:

Mình không biết các trường bạn sẽ tổ chức thi như thế nào? Nhưng mình sẽ chia sẻ trải nghiệm thi vấn đáp của mình ở HLU nha!

+ Bước 01: Phòng chờ

Trường sẽ bố trí cho chúng mình hai phòng cạnh nhau. Một phòng chờ, một phòng thi. Bạn chỉ cần ngồi trong phòng chờ, cất ba lô và mang theo một số vật dụng cần thiết: bút, thẻ sinh viên, một nhân phẩm tốt và hai thứ quan trọng nhất của bạn chính là NÃO và BỘ LUẬT.

Bạn có thể mang bên mình một chai nước nhỏ để phòng khi lo lắng, bạn hãy uống từng ngụm nhỏ để ổn định tinh thần hơn. Bạn có hiểu cái cảm giác mỗi một lần bạn mình thi xong, chỉ cần nhìn cái vẻ mặt tiu ngỉu hay vui mừng là mình đã đoán ngay được điểm của bạn đó!

+ Bước 02: Ngoài phòng thi – Bốc đề

Khi được gọi tên, chúng mình sẽ xếp hàng vào phòng thi, mỗi lượt khoảng 10 bạn. Chúng mình sẽ bốc đề ngẫu nhiên (những câu hỏi đã có trong đề cương, năm mình thi lí luận là khoảng 80 câu!). Mỗi đề sẽ có hai câu hỏi.

Sau giây phút nín thở bốc đề, bạn sẽ ghi lại số đề vào danh sách để các thầy cô kiểm tra.

+ Bước 03: Vào phòng thi – Cuộc chiến tử thần

Yên tâm, bạn sẽ chưa đau tim ngay lập tức đâu! Bạn không phải ngồi vào bàn vấn đáp ngay mà  sẽ được phát một tờ giấy trắng và 15 phút để chuẩn bị câu trả lời. Tưởng 15 phút là lâu nhưng trôi nhanh như chớp mắt. Nhiều bạn bị mất bình tĩnh nên gần như quên sạch kiến thức, mình chỉ nghĩ đơn giản rằng vấn đáp là một buổi small talk nho nhỏ với các thầy cô, chính vì mang tâm thế này nên mình rất thoải mái khi ngồi vào bàn phỏng vấn.

15 phút là cơ hội để bạn gạch ra những từ khóa và ý chính trong bài nói để tránh lan man. Bạn lưu ý là không nên viết câu trả lời thành đoạn văn rồi chi tiết hóa mọi thứ. Chúng mình thi nói chứ không thi viết! Tờ giấy đó sẽ là phao cứu sinh khi chúng mình hoang mang không biết phải nói gì nữa đấy!

Lưu ý: Bạn sẽ được mang tờ giấy này lên bàn vấn đáp, sẽ có một số thầy cô xem tờ nháp của bạn để đánh giá xem bạn tư duy vấn đề như thế nào nên dù là nháp, bạn cũng nên viết chữ rõ ràng, tử tế để các thầy cô đọc được nha!

Sinh viên luật thi vấn đáp
(Ảnh minh họa)

+ Bước 04: Lên thớt

Khi được gọi tên, bạn sẽ được chỉ định bàn để ngồi phỏng vấn. Lớp mình thi có 05 bàn, mỗi bàn 02 thầy cô. Trước khi trả lời, các bạn sẽ đưa phiếu câu hỏi cho thầy cô và làm một số thủ tục hành chính, điền tên, mã đề… và khi thầy cô ra hiệu, bạn sẽ trả lời. Mỗi phần thi sẽ diễn ra từ 10-15 phút.

Lưu ý: Ngoài những câu hỏi trong đề, các thầy cô có thể hỏi thêm những câu hỏi bên ngoài mà bạn không lường trước được.

Ví dụ như bản thân mình được thầy hỏi thêm 05,06 câu hỏi ở các chủ đề khác nhau. Mình đang nói về vi phạm pháp luật, thầy lại chuyển ngay sang nguồn luật, ý thức pháp luật…Khi thầy cô hỏi thêm sẽ có hai khả năng xảy ra. Một là, bạn trả lời dở quá, thầy cô sẽ tạo điều kiện cho bạn gỡ điểm. Hai là câu trả lời khiến thầy cô hài lòng và muốn hỏi thêm để cộng điểm tích cực. Mình nằm ở trường hợp hai.

03. Làm sao để “luyện công” chờ ngày tái xuất giang hồ?

Mình hay gọi vui quá trình ôn thi là khoảng thời gian “ở ẩn”. Nhiều bạn nghĩ là cứ để đến 02 tuần cuối ôn thi sẽ hiệu quả hơn. Thực ra, mình là một người học chậm, tốc độ tiếp thu không nhanh như người khác. Mình hiểu được tốc độ của bản thân chỉ hợp với cách học mưa dần thấm lâu, nên mình sẽ bắt đầu ôn thi…TỪ ĐẦU NĂM HỌC. TỪ BÀI 01. TỪ BUỔI LÍ THUYẾT ĐẦU TIÊN.

Nếu bạn là người học nhanh, bạn có thể lên kế hoạch ôn thi phù hợp với bản thân và tốc độ học của bạn nhé!

Mình sẽ chia quá trình ôn thi vấn đáp thành 03 giai đoạn:

+ Giai đoạn 01: Học trên lớp

  • Chương trình học ở HLU thường chia ra thành 15 tuần. Mình sẽ học lí thuyết và thảo luận 15 tuần, sau đó được nghỉ khoảng 01 tháng để chuẩn bị ôn thi.
  • Trong 15 tuần, mình sẽ học cuốn chiếu theo phương thức “Học bài nào xào luôn bài đó”. Mỗi một bài lí thuyết đều được đi kèm 02-04 tiết thảo luận nên chúng ta có thể thảo luận vấn đề qua các case một cách kĩ lưỡng. Việc chuẩn bị tốt cho từng tuần học, sẽ giúp bạn nhàn hơn rất nhiều trong quá trình ôn thi.
  • Nếu cho tôi 06 giờ để chặt cây, tôi sẽ dành ra 04 giờ để mài rìu

                                                                            – Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ Abraham Lincoln

Khoảnh khắc chặt cây là lúc để bạn nói với thế giới rằng: “những ngày tháng mài rìu chăm chỉ của tôi là không hề lãng phí” . 15 tuần học chính là khoảng thời gian cô đơn, mệt mỏi nhưng cũng có những niềm vui của sự tiến bộ, tích góp. Sự chuẩn bị sẽ là bước đệm tốt để bạn dễ dàng đi đến thành công.

+ Giai đoạn 02: Làm đề cương

  • Ở bước này, mình thấy có nhiều bạn băn khoăn, nên học theo đề cương có sẵn (mua ở bên ngoài) hay tự làm đề cương. Mình xin phép không đưa ra lời khuyên mà chỉ chia sẻ lựa chọn của mình: đó là mình tự làm đề cương. Từ môn Lí luận chung nhà nước và pháp luật, Luật hành chính, Luật đất đai… tất cả những môn vấn đáp, mình đều tự làm và diễn đạt theo ngôn ngữ của mình.
  • Thi nói khác với thi viết, khi viết tiểu luận, bạn luôn có thời gian để chuẩn bị và trau chuốt ngôn từ, bạn không bị áp lực phải trả lời ngay mà cứ thong dong vì có nhiều thời gian để suy nghĩ. Nhưng khi nói, chúng ta cần hiệu quả của sự diễn đạt, cần sự phản xạ tức thì. Nếu bạn nói một câu toàn thuật ngữ hàn lâm mà các thầy cô không hiểu ý bạn hoặc bản thân bạn cũng chẳng hiểu mình đang nói gì thì câu trả lời chỉ là sự phô trương kiến thức. Hãy học vào bản chất, có thể diễn đạt nôm na theo ý hiểu của bạn và lấy ví dụ nếu cần. Các thầy cô sẽ đánh giá mức độ hiểu bài của bạn chứ không phải số thuật ngữ mà bạn dùng được là bao nhiêu?
  • Với những đề cương có sẵn, mình coi đó là một nguồn để tham khảo chứ không sao chép và học theo tuyệt đối. Mình sẽ cập nhật thêm những ví dụ, những vấn đề được xã hội quan tâm để làm phong phú hơn câu trả lời. Các bạn thử nghĩ xem nếu ai cũng trả lời như ai thì thầy cô sẽ cảm thấy nhàm chán lắm!

>>> Xem thêm: Đề cương các môn học tại trường luật

+ Giai đoạn 03: Chạy nước rút

  • Đó là khoảng 01 tháng trước kì thi, mình sẽ:
  • Khóa Facebook (vẫn kết nối messeger để trao đổi bài tập- nếu cần)
  • Lên thời gian biểu ôn tập trong 01 tháng (chia nhỏ để ôn mỗi ngày)

Năm mình thi là đầu năm 2019, trường thông báo mình sẽ thi vấn đáp môn Lí luận chung vào tháng 02 dương lịch, có nghĩa là sau 01 tháng đi quân sự ở Malibu và 01 tháng nghỉ Tết. Vào thời điểm đó các bạn mình ai cũng lo lắng, chỉ sợ nghỉ Tết xong trong đầu toàn bánh chưng bánh dày, làm gì còn mấy cái khái niệm kiểu“Thế nào là nhà nước?”,”Thế nào là vi phạm pháp luật?”.

Ôn tập ở đây không phải là việc các bạn chỉ lấy giáo trình ra, đọc như tụng kinh, được 05 phút thì buồn ngủ díu cả mắt, cũng không phải là ngồi đó học thâu đêm suốt sáng, không đi chơi, không ra ngoài. Mình đã kết hợp nhiều phương thức học khác nhau để biến hành trình học tập trở thành một thú vui tao nhã. Ví dụ:

  • Chia nhỏ đề cương.( Ví dụ, đề cương 80 câu, mình có 30 ngày để ôn, mình sẽ để dư hai ngày trước khi thi để nghỉ ngơi. Suy ra mình còn 28 ngày, mỗi ngày mình sẽ ôn khoảng 3 câu)
  • Làm Flashcard ( bạn nào lười làm flashcard giấy có thể dùng app Quizlet để thay thế nha)
  • Nghe lại bài giảng ( Mình thường thu âm một số bài giảng quan trọng để nghe lại, nhớ là chúng mình chỉ ghi âm để phục vụ mục đích học tập thôi! chúng mình sẽ không phát tán tài liệu học trên mạng xã hội để đảm bảo quyền về sở hữu trí tuệ của thầy cô và nhà trường nhé!).

Những ngày đi quân sự, trước khi đi ngủ, mình thường đeo tai nghe để nghe lại bài của thầy cô. Dù mỗi ngày chỉ nghe 15 phút nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi ấy đã giúp mình nhớ lại nhiều kiến thức quan trọng. Nghe là cách học thụ động, mỗi lần nhắm mắt lại, mình đều hình dung khung cảnh được ngồi trong lớp, được nghe thầy cô nói, được nghe các bạn cùng nhau tranh luận vấn đề.

  • Mạng xã hội ( Youtube, Insta, Tik Tok…).

Ngày đó, mình hay lên Youtube để xem những chương trình tư vấn của kênh Luật sư X, thời sự VTV, truyền hình pháp luật….Nhiều khi mất động lực, mình sẽ mở một video study with me của các vlogger nước ngoài. Mình có follow một số kênh của các anh chị như kênh Waytostudy của chị Rose- hiện tại đang là sinh viên Luật tại Phần Lan hay anh Joy Eduardo- sinh viên luật tại Philipinnes. Hai anh chị cũng là những người đã truyền cảm hứng để mình làm vlog dành riêng cho các bạn sinh viên luật tại Việt Nam. Bạn có thể ghé thăm kênh Youtube nhỏ lilytruong của mình nhé! (Mình sẽ để link dưới cmt)

04. Tips để tự tin khi vào phòng thi:

“Quan trọng vẫn là thần thái”. Sự tự tin không thể đến từ một cái đầu rỗng tuếch mà bạn chẳng tốn công bỏ vào đó một chút kiến thức nào! “Không chuẩn bị nghĩa là bạn đang chuẩn bị cho thất bại”– câu nói của chính trị gia Benjamin Franklin trong hoàn cảnh này là đặc biệt đúng.

Khi đối diện với thầy cô là các bạn đang đối diện với những gương mặt ưu tú của ngành Luật. Ấy vậy mà các thầy cô phải lắng nghe bạn, như thể họ không biết gì về Luật vậy! Mình biết bạn sẽ căng thẳng, sẽ lo âu. Ai cũng vậy thôi! Mình cũng giống bạn mà!

Sự tự tin không thể đến từ một cái đầu rỗng tuếch mà bạn chẳng tốn công bỏ vào đó một chút kiến thức nào!

lilytruong

Khi kì thi đến, chúng ta chỉ mải lo lắng về những căng thẳng, deadline, tại sao bạn không nghĩ đến những khía cạnh tích cực hơn của kì thi vấn đáp? Kì thi này sinh ra với mục đích rèn luyện cho chúng ta sự bản lĩnh tự tin, nếu bạn không dám nói trước mặt thầy cô – những người thường xuyên lên lớp và quen thuộc với mình, vậy sau này khi ra tòa, bạn có chắc mình có thể lên tiếng bào chữa cho thân chủ hoặc phản đối ý kiến của người khác?

>>> Xem thêm: 10 điều sinh viên luật nên đọc dù chỉ một lần

Trường Luật đã dạy cho mình một bài học quan trọng: “Em nói sai, không sao, thầy mừng vì em đã dám nói. Thầy ở đây là để giúp em sửa sai mà! Nói sai còn đáng khen hơn việc em sợ không dám cất lời. Mà im lặng thì có hai kiểu im lặng. Một kiểu im lặng vì sợ, vì em không biết, vì em không học bài. Kiểu hai là em biết rồi, nhưng em không thích nói

Mình đã đạt 9.5 điểm vấn đáp ở trường Luật như thế nào?

Link bài viết gốc: https://www.facebook.com/linhhkhanhtruong/posts/1276584509459449

Các bạn hãy kết nối, ủng hộ cũng như theo dõi nhiều bài viết thú vị, hữu ích hơn nữa về chủ đề “kinh nghiệm học đại học” từ bạn Lily Trương bằng cách thường xuyên ghé thăm những nền tảng sau:

– Facebook: https://www.facebook.com/linhhkhanhtruong/
– Page: https://www.facebook.com/lilytruongnguoigochu/
– Blog: https://lilytruongg.com/

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.