Luật vận chuyển hàng không quốc tế là một ngành luật độc lập

Vận chuyển hàng không

Chứng minh rằng Luật vận chuyển hàng không quốc tế là một ngành luật độc lập ta sẽ phải chứng minh dựa trên 2 luận điểm sau đây:

  • Thứ nhất: Luật vận chuyển hàng không quốc tế là một ngành luật có đối tượng điều chỉnh riêng
  • Thứ hai: Luật vận chuyển hàng không quốc tế là một ngành luật có phương pháp điều chỉnh riêng

 

Mục lục:

1. Khái quát về Luật vận chuyển hàng không quốc tế

* Vận chuyển hàng không quốc tế

* Pháp luật vận chuyển hàng không quốc tế

2. Luật vận chuyển hàng không quốc tế là một ngành luật có đối tượng điều chỉnh riêng

3. Luật vận chuyển hàng không quốc tế là một ngành luật có phương pháp điều chỉnh riêng

* Phương pháp mệnh lệnh – phục tùng

* Phương pháp bình đẳng – thỏa thuận

 

Khái niệm Luật vận chuyển hàng không quốc tế

* Vận chuyển hàng không quốc tế

Trước khi tìm hiểu về định nghĩa “Luật vận chuyển hàng không quốc tế” ta cần phải xem xét khái niệm “vận chuyển hàng không quốc tế”. Theo đó:

Vận chuyển hàng không: Khái niệm vận chuyển hàng không (theo nghĩa rộng) đã được định nghĩa như sau: “sự tập hợp các yếu tố kinh tế – kỹ thuật, nhằm khai thác việc chuyên chở bằng tàu một cách hiệu quả” – hay nó còn là “sự di chuyển của tàu bay trong không trung để vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu điện, thư từ, địa điểm này đến một địa điểm khác”.

Vận chuyển quốc tế: là “bất kỳ việc vận chuyển nào, theo hợp đồng ký kết giữa các bên, trong đó nơi xuất phát và nơi đến, có hoặc không có gián đoạn trong vận chuyển hoặc chuyển tải, nằm trong các lãnh thổ của các bên ký kết hoặc trong lãnh thổ của một bên ký kết,….” (Điều 1 Công ước Vác-sa-va 1929).

Như vậy, vận chuyển hàng không quốc tế là hoạt động chuyên chở bằng tàu bay vượt ra khỏi phạm vi một quốc gia, theo đó điểm xuất phát và điểm đến trong lãnh thổ của hai hay nhiều quốc gia, hoặc trong cùng một quốc gia với điều kiện là một điểm dừng trong lãnh thổ của một quốc gia khác.

* Pháp luật vận chuyển hàng không quốc tế

Vận chuyển hàng không quốc tế là một trong số các hoạt động hàng không dân dụng nói chung. Nghiên cứu pháp luật vận chuyển hàng không quốc tế chính là nghiên cứu những quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế .

Luật vận chuyển hàng không quốc tế là tổng hợp những quy phạm, những nguyên tắc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình vận chuyển quốc tế người, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu điện, thư (gọi tắt là hành khách và hàng hóa) bằng tàu bay.

Đối tượng điều chỉnh của Luật vận chuyển hàng không quốc tế

Luật vận chuyển hàng không quốc tế là một ngành luật có đối tượng điều chỉnh riêng

Mỗi ngành luật đều có loại quan hệ xã hội đặc thù thuộc đối tượng điều chỉnh của nó. Chẳng hạn, ngành luật hàng không điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động chấp hành-điều chỉnh của Nhà nước trên các lĩnh vực hành chính-chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; ngành Luật dân sự điều chỉnh các quan hệ tài sản và nhân thân phi tài sản.

Đối tượng điều chỉnh của luật hàng không dân dụng là những quan hệ xã hội hình thành trong hoạt động hàng không dân dụng. Vậy hoạt động hàng không dân dụng bao gồm những hoạt động nào? Đó chính là những hoạt động sử dụng tàu bay vào việc vận chuyển hành khách, hành lí, hàng hóa, buwu kiện, buuw phẩm, thư; sử dụng tàu bay vào phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, tìm kiếm, cứu nạn, y tế, văn hóa, thể thao…

Cũng giống như các ngành luật khác, luật vận chuyển hàng không quốc tế có đối tượng điều chỉnh riêng, đó là những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình vận chuyển quốc tế người, hành lí, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư (gọi tắt là hàng hóa và hành khách) bằng tàu bay.

Nó bao gồm một số quan hệ cơ bản như: Quan hệ giữa chủ tàu bay, người thuê tàu bay, người khai thác tàu bay với chủ hàng, người gửi hàng, người nhận hàng; Quan hệ giữa tàu bay với cảng hàng không; Các quan hệ nội bộ của các đối tượng trên; Các quan hệ phát sinh trong giải quyết tranh chấp trong vận chuyển hàng không.

Các lĩnh vực trên đây có thể nói thuộc các quan hệ dân sự, song tàu bay còn phải  chịu sự chi phối bắt buộc về mặt hành chính hay nói cách khác là quản lí hành chính đối với tàu bay như: đăng ký, đăng kiểm, an toàn, an ninh hàng không, các vấn đề liên quan…. đây là một trong những đặc thù quan trọng trong đối tượng điều chỉnh của luật hàng không quốc tế.

Đối tượng điều chỉnh của luật hàng không quốc tế là riêng biệt và độc lập với những ngành luật khác.

Ví dụ: Luật vận chuyển hàng hải quốc tế có đối tượng điểu chỉnh là các quan hệ xã hội phát sinh từ hoạt động hàng hải quốc tế trong việc sử dụng tàu biển vào việc vận chuyển hàng hóa và hành khách từ cảng biển nước này sang cảng biển nước khác. Tuy cùng là ngành luật liên quan đến vận chuyển quốc tế nhưng có sự khác nhau giữa phương tiện vận chuyển (tàu bay, tàu biển) và môi trường hoạt động (vùng trời, vùng biển) với những quy chế pháp lý khác nhau nên luật pháp điều chỉnh cũng khác nhau.

Phương pháp điều chỉnh của Luật vận chuyển hàng không quốc tế

Một ngành luật độc lập không chỉ có đối tượng điều chỉnh riêng mà còn bao gồm có phương pháp điều chỉnh riêng. Luật vận chuyển hàng không quốc tế có phương pháp điều chỉnh sau đây:

* Phương pháp mệnh lệnh – phục tùng:

Phương pháp mệnh lệnh – phục tùng là một trong những phương pháp điều chỉnh chính. Đặc trưng của phương pháp này là nó xác nhận sự bất bình đẳng giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật trong đó một bên có quyền nhân danh nhà nước đặt ra các quy định, mệnh lệnh có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với bên kia, có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện những quy định, mệnh lệnh đó của bên kia, có quyền xem xét chấp thuận hay không chấp thuận đề nghị của phía bên kia. Phương pháp này được sử dụng để điều chỉnh chủ yếu quan hệ quản lý nhà nước về hàng không dân dụng.

Ví dụ: Khoản 2 Điầu 23 Luật hàng không dân dụng 2006 quy định:

Điầu 23:

Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tổ chức bộ máy khai thác; phương thức điều hành và giám sát khai thác tàu bay phù hợp;

b) Có đội ngũ nhân viên được đào tạo và có giấy phép, chứng chỉ phù hợp;

c) Có chương trình huấn luyện nghiệp vụ, chương trình bảo dưỡng tàu bay phù hợp với tính chất và quy mô khai thác;

d) Có tàu bay, trang bị, thiết bị bảo đảm khai thác an toàn;

đ) Có đầy đủ tài liệu hướng dẫn khai thác.

Như vậy, tổ chức muốn  được cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay phải đáp ứng cả 5 điều kiện trên (trừ các trường hợp ngoại lệ do pháp luật quy định), nếu thiếu 1 trong 5 điều kiện trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không chấp nhận cấp giấy chứng nhận. Tổ chức muốn được cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay không thể thỏa thuận để được cấp giấy chứng nhận với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện theo  quy định của Nhà nước.

Phần lớn các quy định của Luật hàng không dân dụng Việt Nam hiện hành đều áp dụng phương pháp điều chỉnh này.

* Phương pháp bình đẳng – thỏa thuận:

Phương pháp này có đặc trưng là xác nhận sự độc lập và bình đẳng giữa các bên chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật, các bên có quyền tự định đoạt việc tham gia hay không tham gia vào quan hệ, có quyền thỏa thuận một cách bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên cũng như cách thức thực hiện và các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ ấy. Phương pháp này được dùng chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ về hợp đồng vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không.

Ví dụ: Điều 143 Luật hàng không dân dụng Việt Nam hiện hành quy định về Hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý:

1. Hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý bằng đường hàng không là sự thoả thuận giữa người vận chuyển và hành khách, theo đó người vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đến và hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển…

Phương pháp bình đẳng thỏa thuận theo Điều 143 Luật hàng không dân dụng Việt Nam nêu ở ví dụ trên thể hiện sự điều chỉnh bằng phương pháp bình đẳng, thỏa thuận đó là sự bình đẳng thỏa thuận giữa người vận chuyển hành khách và hành khách, hành khách có quyền thỏa thuận có tham gia giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách, chấp nhận sự thỏa thuận về các điều khoản hợp đồng.

Ngoài hai phương pháp điều chỉnh chủ yếu nêu trên, luật vận chuyển hàng không quốc tế còn sử dụng các phương pháp điều chỉnh khác như: phương pháp cấm đoán, phương pháp bắt buộc, phương pháp cho phép,…

Tóm lại, luật vận chuyển hàng không quốc tế là một ngành luật độc lập, nó góp phần làm phong phú thêm hệ thống pháp luật Việt Nam ở chính đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh độc đáo, đặc thù của mình.

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.