Luật hành chính Việt Nam – ngành luật về hành chính nhà nước

Luật hành chính Việt Nam

Luật hành chính Việt Nam – ngành luật về hành chính nhà nước.

Các nội dung liên quan:

Luật hành chính Việt Nam

Mục lục:

  1. QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
    1. Quản lý
    2. Quản lý xã hội
    3. Quản lý Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam
    4. Quản lý hành chính nhà nước
  2. NGÀNH LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM
    1. Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính Việt Nam
    2. Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính Việt Nam

Quản lý hành chính nhà nước

I. QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

1. Quản lý

Quản lý là gì?

Quản lý là sự tác động chủ đạo lên một hệ thống hay một quá trình dựa trên những quy luật, định luật hay những nguyên tắc tương ứng nhằm đảm bảo cho quá trình hay hệ thống máy vận động theo ý muốn của người quản lý.

Hoạt động quản lý bao gồm:

– Tác động vào một hệ thống

– Quyền uy

– Tuân theo (phù hợp) quy luật

– Hoạt động có mục đích

2. Quản lý xã hội

Quản lý xã hội là gì?

Quản lý xã hội là sự tác động có mục đích giữa người và người trên cơ sở quyền uy nhằm thiết lập các trật tự quản lý để phục vụ nhu cầu tồn tại và phát triển của con người.

Các đặc trưng của quản lý xã hội:

– Quản lý xã hội là hoạt động diển ra trên cơ sở tổ chức và quyền uy.

Tổ chức là một tập hợp những cá nhân riêng lẻ có cùng một mục đích chung, là nơi diễn ra hoạt động quản lý như lớp học, hội nghề nghiệp,… Quyền uy là sự trói buộc, áp đặt ý chí của kẻ này đối với kẻ khác, buộc kẻ khác phải phục tùng; quyền uy lấy sự phục tùng làm tiền đề. Quyền uy được kết hợp từ quyền lực và uy tính. Quyền lực do những cá nhân, tổ chức bên ngoài tạo ra, trao cho một cá nhân nào đó. Uy tín là một yếu tố để duy trì và củng cố quyền lực.

– Quản lý xã hội hoạt động diễn ra khách quan và theo quy luật. Đó là do:

+ Sự xuất hiện của hoạt động quản lý xã hội là khách quan.

+ Con người xuất hiện -> sinh tồn -> tạo ra nhóm nguười -> phải có người lãnh đạo để lèo lái tổ chức nhóm người (xã hội) đó.

– Sự tác động của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý là khách quan và theo quy luật.

3. Quản lý Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam

Quản lý nhà nước là sự tác động của các chủ thề mang quyền lực nhà nước đến các đối tượng quản lý nhằm thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại của nhà nước.

Hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện qua các chức năng của các cơ quan nhà nước trong bộ máy nhà nước. Quản lý nhà nước xuất hiện khi nhà nước xuất hiện. Đến giai đoạn xã hội công sản, khi Nhà nước “tiêu vong”, thì quản lý nhà nước cũng “tiêu vong”, nghĩa là những chức năng xã hội sẽ mất đi tính nhà nước – chính trị, chỉ còn những chức năng quản lý đơn thuần chăm lo đến lợi ích xã hội ở trình độ cao hơn.

4. Quản lý hành chính nhà nước

Quản lý hành chính nhà nước là gì?

Quản lý hành chính nhà nước (theo nghĩa hẹp) là một hình thức thực hiện quyền lực nhà nước, được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi cơ quan hành chính nhà nước, nhằm thực hiện trên thực tế các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên và cơ quan quyền lực cùng cấp, để chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, …

Trước hết và chủ yếu vì không phải chỉ có cơ quan đó mà còn có các cơ quan nhà nước khác tham gia quản lý hành chính nhà nước như Quốc hội, Chính phủ,… trên cơ sở được ghi trong Điều 2 Hiến pháp.

Các đặc trưng của quản lý hành chính nhà nước:

Vừa mang tính chấp hành, vừa mang tính điều hành

– Chấp hành: thể hiện ở hai mặt: tuân thủ, làm đúng pháp luật; và triển khai, đưa pháp luật đi vào cuộc sống (cái này cần tới nhiều hơn là ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật).

Ví dụ: Chính phủ chấp hành Luật đất đai 2003 của Quốc hội bằng cách đưa ra Nghị định 181, để cụ thể hóa Luật đất đai và đưa Luật vào cuộc sống, tất nhiên Nghị định này không trái với Luật đất đai 2003. Luật chỉ là bộ khung, mang tính ổn định nên không thể quy định chi tiết trong Luật, và để vận dụng Luật được thống nhất trong cả nước cần phải có Nghị định của Chính phủ.

– Điều hành: tổ chức trực tiếp các đối tượng quản lý thuộc quyền.

Ví dụ: Quốc hội ban hành Luật phòng chống tham nhũng, Chính phủ ban hành Nghị định để cụ thể hóa Luật và thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham những Trung Ương và các cấp.

Hoạt động mang tính chủ động, sáng tạo cao:

Quản lý nhà nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, mà các lĩnh vực này luôn thay đổi; do đó, phải linh hoạt, để áp dụng pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.

Luật đa số là những quy định khung, nên khi Chính phủ đưa pháp luật vào cuộc sống, phải sáng tạo để vận dụng vào từng trường hợp.

Cơ quan hành chính nhà nước có quyền lựa chọn một trong nhiều giải pháp Luật quy định.

Ví dụ: khi người dân khiếu nại, thời gian khiếu nại lần đầu 30 ngày/45 ngày/60 ngày dựa vào tính chất của sự việc đơn giản hay phức tạp, cơ quan nhà nước sẽ đưa vào ý chí chủ quan để lựa chọn.

Cơ quan hành chính nhà nước có quyền đưa ra các quy định áp dụng riêng cho từng trường hợp cụ thể.

Ví dụ: Nghị định 93/CP về phân cấp một số lãnh vực cho TP.HCM chỉ có hiệu lực ở TP.HCM do TP.HCM có tính chất đặc biệt so với các Tỉnh, Thành khác.

Ngoài ra, Chính phủ được quyền ban hành Nghị định không nhằm quy định chi tiết bất kỳ văn bản Luật hay Pháp lệnh nào, mà nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội đã phát sinh nhưng chưa được Luật hay Pháp lệnh diều chỉnh (văn bản chứa quy phạm tiên phát).

Là hoạt động được đảm bảo về nhân lực và cơ sở vật chất.

luật Hành chính

II. NGÀNH LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM

1. Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính Việt Nam

Luật hành chính Việt Nam có ba nhóm điều chỉnh chính:

Nhóm 1: Những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý hành chính trên các lĩnh vực.

Chủ thể của nhóm này là cơ quan nhà nước và cán bộ công chức.

Nhóm này được chia thành các nhóm quan hệ hành chính nhỏ như sau:

– Quan hệ hành chính giữa cơ quan hành chính nhà nước cấp trên – cơ quan hành chính cấp dưới theo hệ thống dọc.

Ví dụ: Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM báo cáo tình hình thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2008

Trong một số trường hợp khẩn cấp, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể chỉ đạo vượt cấp, chẳng hạn Chính phủ có thể chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước cấp Huyện thực hiện việc cứu trợ cho nhân dân gặp thiên tai.

– Giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cấp trên với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung cấp dưới.

Ví dụ: Bộ Xây dựng có chỉ đạo đối với UBND Tỉnh, thành về mặt xây dựng.

– Giữa cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung với cơ quan  hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp.

Ví dụ: Hiện nay, giấy tờ nhà đất có 3 loại: Giấy đỏ (Quyền sử dụng đất đai) do Bộ tài nguyên – môi trường cấp, Giấy hồng (Quyền sử dụng nhà ở) do Bộ xây dựng cấp; Giấy xanh (xác nhận tình trạng hợp pháp nhà đất) do Bộ tư pháp cấp. Do phải tồn tại 3 giấy gây phiền hà cho nhân dân, Thủ Tướng yêu cầu ba Bộ phải họp bàn để giải quyết vấn đề này.

– Giữa các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp.

Ví dụ: Mức học phí của sinh viên chính quy, Bộ Giáo Dục – Đào Tạo ấn định, nhưng phải có sự đồng ý của Bộ Tài Chính; hay việc thành lập Trường Đại Học lao Động Xã Hội do Bộ Lao Động – Thương Binh – Xã hội thành lập, nhưng phải có sự đồng ý của Bộ Giáo Dục – Đào Tạo.

– Giữa cơ quan hành chính nhà nước với các đơn vị cơ sở trực thuộc

Các đơn vị cơ sở trực thuộc: – Đơn vị kinh tế (cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước)

– Đơn vị sự nghiệp: có thu như Trường Đại học, Bệnh viện,…; không thu như Viện nghiên cứu,…

Ví dụ: Bộ Giáo Dục – Đào tạo tiến hành thanh tra Trường Đại học Luật TP.HCM

– Giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị – xã hội.

Các tổ chức này, ngoài hoạt động theo Điều lệ, Quy chế còn phải chấp hành các quy định hành chính trong quá trình thành lập, hoạt động và giải thể,…

Các tổ chức chính trị – xã hội :

+ Chính trị: Đảng Cộng Sản Việt Nam

+ Chính trị – xã hội: UBMTTQ, Hội Nông dân,…

+ Xã hội như: Hội người cao tuổi

+ Nghề nghiệp: Hội luật học, Hội nhà báo,…

– Giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh.

Kinh tế Việt nam có 6 thành phần: Kinh tế quốc doanh, Kinh tế Tập thể, Kinh tế tư bản nhà nước,, Tư bản tư nhân, Kinh tế cá thể và Kinh tế (có vốn nước ngoài).

Nhà nước quàn lý kinh tế, không có nghĩa là quản lý hoạt động cụ thể của các doanh nghiệp, mà chỉ quản lý về mặt vĩ mô. Nhà nước quản lý kinh tế vì các lý do sau:

+ Nhằm ổn định nền kinh tế.

+ Để bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước bằng các quy định nhà nước như chống bán phá giá, Luật cạnh tranh,…

+ Để bảo đảm an sinh xã hội, nhằm xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo như: xây dựng công trình công cộng, nuôi trẻ mồ côi,…

+ Hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường bằng các quy định nhà nước.

Quan hệ hành chính giữa cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh phát sinh trong các trường hợp sau:

+ Khi tổ chức kinh tế thực hiện quyền của mình như quyền sở hữu bất động sản (sự cho phép của cơ quan nhà nước qua việc cấp giấy QSDĐ), quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, quyền thay đổi chức năng kinh doanh (phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền),..

+ Khi tổ chức kinh tế thực hiện nghĩa vụ của mình như: nộp thuế,…

+ Khi tổ chức kinh tế vi phạm hành chính và bị xử phạt.

+ Khi tổ chức kinh tế bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình như: quyền khiếu nại, tố cáo,…

+ Trong trường hợp khẩn cấp, an ninh quốc phòng, cơ quan nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức kinh tế theo quy định của Luật.

– Giữa cơ quan hành chính nhà nước và cá nhân

Cá nhân bao gồm: công dân, người nước ngoài, người không có quốc tịch (bị tước quốc tịch, thời gian bỏ quốc tịch cũ chưa nhập quốc tịch mới).

+ Cơ quan hành chính nhà nước và công dân.

Các trường hợp phát sinh quan hệ hành chính với cơ quan nhà nước: Khi công dân thực hiện quyền của minh được Hiến pháp quy định như: quyền sở hữu tài sản, quyền tự do lưu trú, quyền tự do kinh doanh,…; Khi công dân thực hiện nghĩa vụ của mình: đóng thuế TNDN, nghĩa vụ quân sự,…; Khi công dân vi phạm hành chính và bị xử phạt; Khi công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình như: khiếu nại, tố cáo,…; Trong trường hợp đặc biệt, vì an ninh quốc phòng cơ quan nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của công dân theo luật quy định.

+ Cơ quan hành chính nhà nước và người nước ngoài, người không quốc tịch: khi sống ở Việt nam, chịu sự quản lý hành chính của Việt nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hay tham gia có quy định khác.

=> Kết luận: Đây là nhóm quan trọng nhất vì:

– Những quan hệ xã hội thuộc nhóm 1 là những quan hệ nhằm thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước.

– Sự thay đổi của những quan hệ xã hội thuộc nhóm 1 ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống quy phạm pháp luật hành chính.

Nhóm 2: Những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan nhà nước thực hiện quản lý nội bộ.

Chủ thể: đa dạng hơn nhóm 1, do ngoài cơ quan nhà nước còn có các doanh nghiệp.

Quản lý nội bộ là những quan hệ nhằm ổn định trật tự nội bộ cơ quan như bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thuyên chuyển, biệt phái, kỷ luật,…

Nhóm 3: Những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân được trao quyền.

Ví dụ: Thẩm phán đang chủ tọa phiên Tòa, có quyền xử phạt người gây mất trật tự phiên Tòa nhằm tạo sự nghiêm minh cho phiên Tòa. Người điều khiển máy bay, tàu biển khi máy bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng, có quyền lập biên bản vi phạm đối với vi phạm hành chính xảy ra trên máy bay, tàu biển.

Việc trao quyền này có 2 lý do:

– Nhằm giải quyết kịp thời các sự kiện phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước, đa phần họ được trao quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc trao quyền này không mang tính thường xuyên.

– Hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức được trao quyền thực hiện tốt chức năng của mình.

2. Phương pháp điều chỉnh của luật hành chính Việt Nam

Phương pháp điều chỉnh là cách thức (phương thức) được nhà nước sử dụng để tác động vào các quan hệ xã hội phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước, đảm bảo chúng phát triển đúng định hướng.

Luật hành chính sử dụng phương pháp “quyền uy – phục tùng” hay còn gọi là phương pháp quyền uy, khác với Luật dân sự sử dụng phương pháp “bình đẳng – thỏa thuận”. Sở dĩ như vậy, là vì:

– Để đảm bảo lợi ích, trật tự xã hội.

– Lợi ích nhà nước được bảo toàn trong quan hệ nhà nước – công dân.

Đặc trưng của phương pháp  “quyền uy – phục tùng”: xác nhận sự bất bình đẳng giữa các bên tham gia quan hệ, được thể hiện ở chỗ:

– Một bên có quyền mệnh lệnh đơn phương và bắt buộc thi hành đối với bên kia.

– Hai bên có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, nhưng bên này muốn quyết định vấn đề gì phải có sự đồng ý của bên kia (như các cơ quan Bộ cùng cấp).

– Một bên có quyền đưa ra đề nghị và bên kia có quyền xem xét, chấp nhận hoặc không chấp nhận.

Hiện nay, xuất hiện phương pháp  “bình đẳng – thỏa thuận”. Ly do xuất hiện của phương pháp này là:

– Xây dựng nhà nước phục vụ nhân dân.

– Xã hội hóa một số lãnh vực mà nhà nước quản lý.

Phương pháp thỏa thuận được sử dụng trong hai trường hợp:

– Ký kết các hợp đồng hành chính.

– Khi các cơ quan cùng cấp ký kết các văn bản liên tịch.

Một số câu hỏi về Luật hành chính Việt Nam

Câu hỏi lý thuyết

1. Tại sao nói luật hành chính là ngành luật về quản lý hành chính nhà nước?

Quản lý hành chính Nhà nước là một hình thức thực hiện quyền lực nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi cơ quan hành chính nhà nước nhằm đảm bảo thi hành trên thực tế các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và cơ quan quyền lưc nhà nước cùng cấp để chỉ đạo trực tiếp  thường xuyên công việc xây dựng KT, CT, VH, AN, QP, ngoại giao (tất cả các lĩnh vực của đời sống XH)

Do đó luật hành chính là ngành luật được phân công để điều chỉnh quan hệ về quản lý nhà nước.

Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính Việt Nam: Là những quan hệ XH phát sinh trong quá trình quản lý hành chính Nhà nước được quy phạm pháp luật hành chính hướng đến điều chỉnh . Có 03 nhóm đối tượng điều chỉnh:

  • Nhóm 01: Những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà nước, các cán bộ công chức trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý hành chính tren các lĩnh vực.
  • Nhóm 02: là nhóm quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nội bộ của các cơ quan Nhà nước.
  • Nhóm 03: Những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cá nhân, tổ chức được trao quyền theo qui định của pháp luật.

Các nhóm quan hệ XH phát sinh trong quá trình quản lý hành chính Nhà nước là đối tương điều chỉnh của luật hành chính Việt Nam . Vậy Luật hành chính là ngành luật về quản lý hành chính Nhà nước

2. Trong các nhóm đối tượng điều chỉnh của luật hành chính, nhóm nào là quan trọng nhất? Tại sao?

Trong  các  nhóm đối tượng này nhóm 01 là quan trọng nhất vì:

+ Một bên trong quan hệ thuộc nhóm 1 bắt buộc là cơ quan hành chính  hoặc cán bộ công chức của cơ quan hành chính.

+ Đây là nhóm đối tượng điều chỉnh quan trọng nhất của luật hành chính.

+ Những quan hệ xã hội phát sinh thuộc nhóm l là những quan hệ xã hội trong quá trình thực hiện chức năng chủ yếu của cơ quan hành chính nhà nước là quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

+ Sự thay đổi của những quan hệ xã hội thuộc nhóm l sẽ tác  động trực tiếp đến xu hướng phát triển của nhành luật hành chính Việt Nam.

3. Tại sao luật hành chính sử dụng phương pháp “quyền lực – phục tùng”?

So sánh luật hành chính với luật dân sự

  Luật Dân sự Luật  hành chính
Vị trí pháp lý Bình Đẳng Bất bình đẳng và một bên mang tính quyền lực Nhà nước
Lợi Ích trong Giao Dịch Lợi ích cá nhân Lợi ích Nhà nước và lợi ích XH nói chung

Luật hành chính sử dụng phương pháp quyền lực phục tùng vì:

* Các bên tham gia QHPL hành chính có địa vị pháp lý không bình đẳng, một bên bắt buộc phải là chủ thể mang quyền lực nhà nước

* Lợi ích mà các bên hướng tới trong quan hệ pháp luật hành chính là lợi ích nhà nước và XH nói chung

4. Cho ví dụ chứng minh quản lý hành chính nhà nước là họat động mang tính chủ động sáng tạo cao?

* Theo NĐ 75/ CP  của CP về công chứng, chứng thực thì UBND phường không có chức năng công chứng mà phải  giao cho UBND Quận và Phòng Công Chứng thực hiện. Nhưng trước tình trạng quá tải và ùn tắc tại các phòng Công chứng nên UBND TP.HCM đã kịp thời ra chỉ thị CT 03/hướng dẫn thi hành NĐ 75/ CP cho UBND phường được phép công chứng bản sao (mặc dù CT này không có giá trị pháp lý vì trái với NĐ75 / CP) trước khi có QĐ 54/2005 chính thức cho UBND phường công chứng bản sao.

5. Cho ví dụ chứng minh phương pháp điều chỉnh của Luật hành chính xác nhận sự bất bình đẳng của các bên tham gia quan hệ?

Ví Dụ: Quan hệ giữa CSGT và người bị xử phạt vi phạm hành chính là quan hệ bất bình đẳng vì một bên là cơ quan hanh chính, một bên là người vi phạm và quan hệ này không thể thỏa thuận được.

6. Các trường hợp làm phát sinh quan hệ quản lý giữa cơ quan hành chính và các tổ chức kinh tế ngoài QD?

+ Khi TC KT thực hiện quyền của mình: Quyền thay đổi chức năng KD, quyền thuê mướn lao động

+ Khi doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình: kê khai và nộp thuế

+ Khi doanh nghiệp vi phạm hành chính và bị xử lý

+ Khi doanh nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích của mình (KN – TC)

+ Trong trường hợp đặc biệt vì lý do ANQP thì cơ quan hành chính có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của doanh nghiệp.

Một số câu hỏi nhận định:

1. Đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính chỉ là những quan hệ XH phát sinh trong quá trình cơ quan hành chính thực hiện chức năng chấp hành, điều hành:

SAI => Vì đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính còn là những quan hệ XH phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nội bộ của các cơ quan Nhà nước (Nhóm 2) và những quan hệ XH phát sinh trong quá trình các cá nhân, tổ chức được trao quyền theo qui định PL (Nhóm 3).

2. Chấp hành và điều hành là đặc điểm của quản lý Nhà nước nói chung:

SAI => Chỉ đúng đối với quản lý hành chính Nhà nước nói riêng.

3. Luật hành chính Việt Nam vừa sử dụng phương pháp mệnh lệnh vừa sử dụng phương pháp thỏa thuận:

SAI => Luật hành chính Việt Nam chỉ sử dụng phương pháp mệnh lệnh mà thôi.

4. Luật hành chính Việt Nam có điều chỉnh quan hệ quản lý nội bộ của các tổ chức CT – XH:

SAI => Luật hành chính Việt Nam không điều chỉnh. Quan hệ quản lý nội bộ của các tổ chức CT – XH được điều chỉnh bởi điều lệ, qui chế hoạt động của tổ chức đó.

5. Luật hành chính Việt Nam không điều chỉnh quan hệ quản lý nội bộ của Tòa án, Viện kiểm sát:

SAI => Luật hành chính Việt Nam điều chỉnh các quan hệ XH phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nội bộ của tất cả các cơ quan nhà nước, trong đó có Tòa An, Viện KS.

6. Quan hệ giữa Sở tư pháp tỉnh A và UBND quận B – tỉnh A về “hướng dẫn chuyên môn” là đối tượng điều chỉnh của Luật Hiến pháp:

ĐÚNG => Vì đây là quan hệ quản lý thuộc Nhóm 1, phát sinh giữa cơ quan hành chính có thẩm quyền chuyên môn cấp trên với các cơ quan thẩm quyền chung cấp dưới trực tiếp. Ví dụ: Sở tư pháp Tp.HCM hướng dẫn UBND các quận huyện trên địa bàn Tp.HCM về việc “thực hiện công chứng – chứng thực văn bản khai nhận di sản thừa kế”.

7. Luật hành chính không điều chỉnh các quan hệ của các cơ quan chuyên môn cùng cấp:

SAI => Vì đây là quan hệ quản lý thuộc Nhóm 1, phát sinh giữa các cơ quan hành chính có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp. Ví dụ: Qui định học phí SV: Bộ GDĐT muốn qui định cụ thể mức học phí SV phải có sự đồng ý của Bộ Tài Chính.

8. Luật hành chính Việt Nam không điều chỉnh quan hệ giữa cơ quan hành chính và người nước ngoài mà tất cả đều do luật quốc tế điều chỉnh:

SAI => Người Nhà nước khi sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam phải chấp hành Luật pháp Việt Nam, trong đó có Luật hành chính. Luật hành chính Việt Nam điều chỉnh các quan hệ quản lý thuộc Nhóm 1, phát sinh giữa cơ quan hành chính và các cá nhân trong đó có cá nhân là người Nhà nước.

9. Chỉ có cơ quan hành chính – Nhà nước và cán bộ công chức trong cơ quan hành chính- nhà nước thực hiện hoạt động quản lý hành chính – nhà nước:

SAI => Ngoài ra còn các cơ quan Nhà nước khác (không phải cơ quan hành chính) tham gia trong quản lý hành chính nội bộ (Nhóm 2) và còn có một số tổ chức, cá nhân được trao quyền (Nhóm 3).

10. Bầu cử HĐND các cấp là quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính Việt Nam:

SAI => Bầu cử HĐND các cấp là đối tượng điều chỉnh của Luật Hiến Pháp (Điều 7, Điều 118 => Đ122) và luật tổ chức HĐND & UBND.

5/5 - (29472 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.