Thẩm quyền, trình tự ký kết điều ước quốc tế?

Chuyên mụcCông pháp quốc tế Thẩm quyền, trình tự ký kết điều ước quốc tế

Ký kết điều ước quốc tế là gì?

Ký kết điều ước quốc tế là quá trình ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và các chủ thể của luật quốc tế khi đã đồng ý với ư thỏa thuận quốc tế, bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau như đàm phán, soạn thảo, thông qua, ký, phê chuẩn hoặc phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế. Mỗi giai đoạn này có sự liên hệ chặt chẽ với nhau hết sức logíc và hợp lý.

 

Các nội dung liên quan:

 

Thẩm quyền, trình tự ký kết điều ước quốc tế?

1. Thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế

a. Các quốc gia:

Về nguyên tắc, tất cả các quốc gia đều có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tiễn sinh hoạt quốc tế nhiều trường hợp quốc gia có thể từ chối hoặc chuyển cho một quốc gia (Ví dụ: Hiệp ước về liên minh thuế quan giữa Thụy Sỹ và Liechtenstein năm 1923 ghi nhận Thụy Sỹ sẽ ký các điều ước quốc tế nhân danh Liechtenstein), hay tổ chức quốc tế khác thực hiện thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế (Ví dụ: Trong một số trường hợp nhất định cộng đồng Châu âu có thể thay mặt cho các quốc gia thành viên ký kết một số điều ước quốc tế nhất định).

b. Các tổ chức quốc tế:

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình các tổ chức quốc tế sẽ tiến hành ký kết các điều ước quốc tế xuất phát từ quyền năng chủ thể luật quốc tế của mình.

c. Một số thực thể đặc biệt trong quan hệ quốc tế như tòa thánh Vaticăng, Đài Loan, Hồng Kông, Ma cao…cũng tham gia ký kết một số điều ước quốc tế nhất định.

Khi ký kết các điều ước quốc tế, các chủ thể thông qua các đại diện của mình là đại diện đương nhiên, không cần thư ủy nhiệm, bao gồm:

– Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, bộ trưởng bộ ngoại giao trong mọi hoạt động liên quan đến việc ký kết điều ước quốc tế;

– Người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao trong việc thông qua văn bản của một điều ước quốc tế giữa nước cử cơ quan đại diện và nước sở tại;

– Những người thay mặt cho quốc gia tại các hội nghị quốc tế hoặc tại tổ chức quốc tế.
Ngoài các đại diện nêu trên, những người đứng đầu các bộ hay cơ quan ngang bộ cũng có quyền ký các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực mà mình quản lý. Ngoài ra, đối với các đại diện phải có thư ủy nhiệm khi tham gia quá trinhd ký kết điều ước quốc tế thì phải xuất trình thư ủy nhiệm.

* Tại khoản 1 điều 2 Luật ký kết và thực hiện điều ước quốc tế 2005 của Việt nam quy định “Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của luật quốc tế…”. Điều này khẳng định rằng, điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt nam ký kết hoặc gia nhập được với 2 danh nghĩa là nhà nước và chính phủ (không có các bộ, ngành). Dưới góc độ pháp lý quốc tế, thì điều ước quốc tế dù được ký dưới danh nghĩa nhà nước hay chính phủ đều có giá trị pháp lý như nhau, vì nó đều là kết quả của sự thỏa thuạn giữa các chủ thể luật quốc tế. Việc quy định 2 danh nghĩa ký kết này chỉ có ý nghĩa đối với quá trình thực hiện điều ước quốc tế sau này. Cũng theo quy định tại Luật 2005, thì đại diện cho quốc gia thực hiện các hành vi ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế là Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ hoặc đại diện được ủy quyền (có thể là các Bộ, ngành chức năng thuộc hệ thống chính trị của Nhà nước Việt nam).

2. Trình tự ký kết điều ước quốc tế

Quá trình ký kết điều ước quốc tế chủ yếu được tiến hành qua 2 giai đoạn chính, đó là:

a. Giai đoạn 1- Giai đoạn hình thành các văn bản điều ước:

Trong giai đoạn này, các bên sẽ thực hiện các hành vi như: đàm phán, soạn thảo và thông qua văn bản điều ước. Thực hiện xong các hành vi này, điều ước quốc tế vẫn chưa phát sinh hiệu lực, tuy nhiên nếu thiếu các hành vi này thì một điều ước quốc tế không thể được hình thành.

– Đàm phán: Bản chất của đàm phán là sự thương lượng, đấu tranh về lợi ích giữa các chủ thể tham gia ký kết điều ước quốc tế nhằm đi đến một thỏa thuận chung nhất. Do đó, sự thành công hay thất bại của đàm phán phụ thuộc rất nhiều còa thiện chí và sự hợp tác của các bên. Có nhiề cách thức đàm phán khác nhau, như: đàm phán trên cơ sở của dự thảo văn bản đã chuẩn bị trước của mỗi bên hay một bên hoặc cùng đàm phán để trực tiếp xây dựng văn bản điều ước.

– Soạn thảo: Trong trường hợp đàm phán thành công, văn bản điều ước sẽ được soạn thảo chính thức để các bên thông qua. Với điều ước quốc tế song phương, các bên thường cử đại diện tham gia soạn thảo, còn đối với điều ước quốc tế đa phương thì việc soạn thảo sẽ được giao cho một cơ quan do các bên thống nhất lập ra.

– Thông qua văn bản điều ước: Đây là thủ tục không thể thiếu trong giai đoạn này. Thông qua văn bản điều ước chính là hình thức để các ben biểu hiện sự nhất trí của mình đối với văn bản điều ước đã được soạn thảo. Thực tiễn ký kết điều ước quốc tế cho thấy, có nhiều cách để thông qua văn bản điều ước, như: biểu quyết, ký tắt, thỏa thuận miệng. Văn bản được các bên nhất trí thông qua là văn bản cuối cùng, các bên không được phép đơn phương sửa đổi, chỉnh lý hoặc thay đổi bất kỳ quy định nào trong văn bản.

b. Giai đoạn 2 – Giai đoạn thực hiện các hành vi nhằm thể hiện sự ràng buộc của quốc gia với điều ước quốc tế và có giá trị tạo ra hiệu lực thi hành của điều ước đó.

Giai đoạn này có 4 hành vi được thực hiện đó là: hành vi ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế.

* Ký điều ước quốc tế: Ký là một bước không thể thiếu trong trình tự ký kết điều ước quốc tế. Có 3 hình thức ký điều ước quốc tế, đó là:

– Ký tắt: Là chữ ký của các vị đại diện quốc gia tham gia đàm phán nhằm xác nhận văn bản dự thảo điều ước quốc tế. Ký tắt chưa làm phát sinh hiệu lực của điều ước.

– Ký Ad Referendum: Là chữ ký của các vị đại diện với điều kiện có sự đồng ý tiếp sau đó của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật quốc gia. Về nguyên tắc, hành vi ký ad cũng không làm phát sinh hiệu lực của điều ước, tuy nhiên hình thức ký này cũng có thể làm phát sinh hiệu lực cho điều ước nếu cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tỏ rõ sự chấp thuận chữ ký này.

– Ký đầy đủ (ký chính thức): Là chữ ký của các vị đại diện vào văn bản dự thảo điều ước. Về nguyên tắc, hình thức ký đầy đủ luôn làm phát sinh hiệu lực của điều ước. Trừ trường hợp điều ước này quy định các bên phải tiến hành phê chuẩn, phê duyệt thì sau hành vi phê chuẩn, phê duyệt này điều ước mới có hiệu lực thi hành.

* Phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế:

– Phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế là những hành vi do quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế tiến hành nhằm xác nhận sự đồng ý ràng buộc với một điều ước quốc tế nhất định. Cả pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế đều ghi nhận giá trị pháp lý ngang nhau của hành vi phê chuẩn và phê duyệt điều ước quốc tế. Sự khác nhau căn bản giữa hai hành vi này là ở thẩm quyền tiến hành hai hành vi trên và nội dung của điều ước quốc tế đề cập. Việc áp dụng thủ tục phê chuẩn hay phê duyệt đối với một điều ước quốc tế thường do các bên thỏa thuận và được ghi rõ ngay trong nội dung của văn bản điều ước.

– Gia nhập điều ước quốc tế là hành động của một chủ thể luật quốc tế đồng ý chấp nhận sự ràng buộc của một điều ước quốc tế đa phương đối với chủ thể đó. Việc gia nhập thường được đặt đối với quốc gia khi thời hạn ký kết điều ước đã chấm dứt hoặc điều ước đã có hiệu lức mà quốc gia đó chưa phải là thành viên. Về thủ tục gia nhập điều ước quốc tế, những điều ước quốc tế nào được gia nhập hoặc không được gia nhập phụ thuộc vào quy định cụ thể của điều ước đó hoặc phụ thuộc vào các thành viên của điều ước. Thông thường thủ tục gia nhập được tiến hành theo các cáh sau: gửi công hàm xin gia nhập hoặc ký trực tiếp vào văn bản điều ước.

c. Bảo lưu điều ước quốc tế

* Khái niệm

– Bảo lưu điều ước quốc tế là hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực của một hoặc một số điều khoản nhất định của điều ước. Những điều khoản đó gọi là những điều khoản bị bảo lưu.

– Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế ghi nhận “Bảo lưu điều ước quốc tế là hành động đơn phương bất kể cách viết hoặc tên gọi như thế nào của một quốc gia đưa ra khi ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặ gia nhập điều ước đó, nhằm qua đó laọi trừ hoặc thay đổi hiệu lực của một hoặc một số quy định của điều ước trong việc áp dụng chúng đối với quốc gia đó”. Như vậy, bảo lưu được thừa nhận là quyền của các chủ thể luật quốc tế, tuy nhiên quyền này không phải là tuyệt đối. Quốc gia có thể đưa ra tuyên bố bảo lưu vào thời điểm quốc gia thực hiện các hành vi nhằm xác nhận sự ràng buộc của một điều ước đối với quốc gia đó.

– Cũng theo Công ước Viên 1969, quốc gia chỉ được phép đưa ra tuyên bố bảo lưu khi sự bảo lưu đó:
• Không bị cấm ngay trong điều ước (Ví dụ: Công ước Luật Biển cấm các quốc gia bảo lưu bất kỳ điều khaỏn nào của Công ước);
• Phù hợp với đối tượng và mục đích của điều ước;
• Việc bảo lưu điều ước quốc tế chỉ có thể được thực hiện đối với các điều ước quốc tế đa phương;
• Đối với các điều ước quốc tế song phương, việc một bên đưa ra tuyên bố bảo lưu sẽ được coi như một đề nghị thỏa thuận lại, ký kết điều ước mới.

* Trình tự thực hiện bảo lưu

– Trong trường hợp điều ước quốc tế quy định rõ điều khoản nào được bảo lưu thì việc bảo lưu đới với điều khoản đó không cần tới sự đồng ý rõ ràng và riêng biệt từ phía các quốc gia ký kết khác. Khi đó, quốc gia sẽ chỉ tuyên bố bảo lưu trong phạm vi mà điều ước cho phép.

– Riêng với trường hợp điều ước quốc tế không có điều khoản quy định liên quan đến bảo lưu thì: Việc bảo lưu phải được tất cả các quốc gia thành viên chấp nhận nếu số quốc gia đàm phán có hạn hoặc việc thi hành toàn bộ điều ước là điều kiện dẫn tới sự chấp nhận ràng buộc của các bên đối với điều ước.; một bảo lưu coi như được một quốc gia chấp nhận nếu quốc gia đó không phản đối trong vòng 12 tháng kể từ ngày nhận được thông báo về bảo lưu; nếu điều ước quốc tế là văn kiện về thành lập tổ chức quốc tế thì bảo lưu phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của tổ chức đó.

– Việc tuyên bố bảo lưu, sự phản đối bảo lưu và sự đồng ý với bảo lưu phải được thể hiện dưới hình thức văn bản và thông báo một cách công khai cho các quốc gia thành viên, riêng trường hợp đồng ý bảo lưu có thể được thể hiện dưới dạng im lặng.

– Quốc gia tuyên bố bảo lưu có quyền rút bảo lưu trong bất kỳ thời gian nào. Trong trường hợp này, sự đồng ý từ phía các quốc gia công nhận bảo lưu là không cần thiết.

– Tuyên bố về phản đối bảo lưu cũng có thể được quốc gia tuyên bố hủy bỏ vào bất kỳ thời gian nào nhưng phải đựoc thể hiện dưới hình thức văn bản.

* Hệ quả pháp lý của bảo lưu

Bản chất của bảo lưu không nhằm đưa các điều khoản bị bảo lưu ra khỏi nội dung của một điều ước quốc tế, nhưng về tổng thể quan hệ giữa các quốc gia thành viên của một điều ước sẽ thay đổi trong phạm vi có bảo lưu.

Theo đó:

– Quan hệ giữa quốc gia bảo lưu và quốc gia chấp nhận bảo lưu được thực hiện bằng các điều ước quốc tế, trừ các điều khoản liên quan đến bảo lưu.
– Quan hệ giữa quốc gia bảo lưu và quốc gia phản đối bảo lưu vẫn được điều chỉnh bằng điều ước quốc tế đó, không loại trừ các điều khoản bảo lưu không được chấp nhận. Tuy nhiên, từ việc phản đối bảo lưu do một quốc gia đưa ra, cũng có thể làm cho quốc gia bảo lưu và quốc gia phản đối bảo lưu không còn tồn tại quan hệ điều ước. Điều này phụ thuộc vào quan điểm của mỗi bên.

3. Hiệu lực của điều ước quốc tế

a. Điều kiện có hiệu lực của điều ước quốc tế

Như đã tìm hiểu tại phần II của chương, chúng ta biết rằng điều ước quốc tế là thỏa thuận quốc tế. Nhưng không phải mọi thỏa thuận quốc tế đều là điều ước quốc tế. Để trở thành điều ước quốc tế, thỏa thuận đó phải thỏa mãn những điều kiện nhất định:

Điều ước quốc tế phải đựoc ký kết trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng
Điều ước quốc tế được ký kết phải phù hợp với quy định của pháp luật các bên về thẩm quyền và thủ tục ký kết.
Nội dung của điều ước quốc tế phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại vì các nguyên tắc cơ bản là thước đo, là gốc của luật pháp quốc tế, để trên cơ sở đó hình thành lên các quy phạm pháp luật quốc tế.

b. Hiệu lực về thời gian của điều ước quốc tế:

Trong phần này chúng ta cần giải quyết 2 vấn đề, đó là: thời điểm có hiệu lực của điều ước quốc tế và thời hạn có hiệu lực của điều ước quốc tế.

Thời điểm cóv hiệu lực của điều ước quốc tế (trả lời cho câu hỏi: khi nào thì điều ước quốc tế có hiệu lực?) Về nguyên tắc, luôn phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên trong điều ước. Tuy nhiên, thực tiễn chúng ta có thể khái quát thành 2 trường hợp sau:
– Đối với các điều ước song phương: thời điểm có hiệu lức là thời điểm các bên tiến hành ký đầy đủ hoặc tiến hành trao đổi thư phê chuẩn hoặc phê duyệt (trong trường hợp điều ước có quy định thủ tục phê chuẩn hoặc phê duyệt).

Ví dụ: Sau khi Việt nam và Hoa Kỳ tiến hành ký đầy đủ vào Hiệp định thương mại, 2 bên phải tiến hành phê chuẩn do hiệp định này quy định phải được phê chuẩn. Sau khi cơ quan có thẩm quyền của 2 quốc gia đã tiến hành thủ tục phê chuẩn, người đứng đầu 2 quốc gia sẽ làm thư phê chuẩn để tiến hành trao đổi.

– Đối với điều ước quốc tế đa phương: Thời điểm có hiệu lực của loại điều ước này rất đa dạng và phong phú. Nhìn chung, điều ước quốc tế đa phương sẽ có hiệu lực khi các điều kiện về hiệu lực được ghi nhận trong điều ước quốc tế cụ thể được thỏa mãn (thường là quy định về quốc gia phê chuẩn và thời gian quốc gia phê chuẩn mới có hiệu lực). Trong trường hợp điều ước quốc tế không có quy định liên quan đến vấn đề này thì điều ước quốc tế sẽ có hiệu lực khi các bên tiến hành ký đầy đủ.

Ví dụ: Công ước về quyền trẻ em quy định: công ước này có hiệu lực khi có 20 quốc gia phê chuẩn và sẽ có hiệu lực sau đó 30 ngày. Hay Công ước Luật Biển năm 1982 quy định Công ước sẽ có hiệu lực sau khi quốc gia thứ 60 phê chuẩn 1 năm. Ví dụ quốc gia thứ 60 phê chuẩn ngày 2/9/1993 thì ngày 2/9/1994 Công ước có hiệu lực.

Thời hạn có hiệu lực của điều ước quốc tế (trả lời cho câu hỏi: điềuv ước quốc tế có hiệu lực đến thời điểm nào?) gồm 2 trường hợp:

– Nhóm điều ước quốc tế có thời hạn: bao gồm điều ước quốc tế ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Nhóm điều ước quốc tế chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế

– Nhóm các điều ước quốc tế vô thời hạn: các điều ước này chỉ quy định thời điểm có hiệu lức của điều ước mà không quy định thời điểm chấm dứt hiệu lực. Thông thường các điều ước quốc tế loại này chủ yếu xuất hiện trong các lĩnh vực về nhân quyền, chiến tranh, biên giới và các vấn đề lớn mang tính toàn cầu.

c. Hiệu lực của điều ước quốc tế về không gian

– Về nguyên tắc, điều ước quốc tế chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ của các quốc gia thành viên, không có hiệu lực vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ của quốc gia này. Tuy nhiên, điều ước có hiệu lực trên toàn bộ hay một phần lãnh thổ phụ thuộc vào nội dung của điều ước.

d. Hiệu lực của điều ước quốc tế đối với bên thứ 3

Về nguyên tắc, điều ước quốc tế chỉ có ý nghĩa ràng buộc với các bên trong điều ước. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ từ nguyên tắc này. Có một số điều ước quốc tế tạo ra quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế cho bên thứ 3 (các quôc sgia không phải là thành viên của điều ước), đó là:

– Trường hợp điều ước quốc tế xác định quyền và nghĩa vụ cho bên thứ 3, nếu bên thứ 3 đồng ý. Ví dụ: Điều 87 Công ước Luật Biển quy định: “Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển…”.

– Điều ước quốc tế tạo ra hoàn cảnh khách quan, mặc dù không phải thành viên của điều ước nhưng quốc gia này cũng có nghĩa vụ phải tuân thủ một cách triệt để những nghĩa vụ này. Ví dụ: Hiệp định về Nam cực được ký kết năm 1959 giữa Mỹ, Liên xô và một số quốc gia khác. Từ Hiệp định này, Nam cực trở thành một vùng lãnh thổ quốc tế, và không quốc gia nào được quyền xác lập chủ quyền đối với Nam cực, nhưng bất kỳ quốc gia nào cũng được quyền khai thác Nam cực cho mục đích nghiên cứu hay thương mại.

– Điều ước quốc tế được các quốc gia không phải thành viên viện dẫn với tư cách là tập quán quốc tế.

– Điều ước quốc tế có điều khoản tối huệ quốc

e. Ảnh hưởng của các yếu tố khách quan, chủ quan đến hiệu lực của điều ước quốc tế.

Về nguyên tắc, các điều ước quốc tế khi ký kết thỏa mãn những điều kiện được đặt ra sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, hiệu lực thi hành của một điều ước quốc tế có thể chịu sự tác động khác nhau của các yếu tố khách quan, chủ quan dẫn đến hệ quả chấm dứt vĩnh viễn hoặc tạm thời đình chỉ hiệu lực của điều ước quốc tế trong các trường hợp sau:

* Về chủ quan:

– Do các bên thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế
– Do điều ước quốc tế hết thời hạn
– Do một bên đơn phườn tuyên bố hủy bỏ khi bên ký kết khác đã vi phạm nghiêm trọng điều ước
– Do một bên đơn phương tuyên bố hủy bỏ trên cơ sở cho phép của điều ước đó
– Do các bên thỏa thuận ký kết một điều ước quốc tế mới về cùng một vấn đề
– Do có hành vi bảo lưu điều ước

* Về khách quan

– Do có sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh (Rebus-sic-stantibus), sự thay đổi này vào thời điểm ký kết các bên không dự tính được. Tuy nhiên, dù có sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh các bên vẫn phải thực hiện điều ước quốc tế, đó là: sự thay đổi này do một bên chủ định tạo ra hoặc điều ước quốc tế đó liên quan đến vấn đề biên giới lãnh thổ.
– Do có sự xung đột vũ trang giữa các quốc gia (không áp dụng đối với các điều ước về biên giới, hay Công ước Giơnevơ về bảo hộ nạn nhân chiến tranh);
– Do mất đối tượng của điều ước quốc tế
– Xuất hiện quy phạm Jus cogens mới có nội dung trái với điều ước, trong trừong hợp này điều ước quốc tế sẽ đương nhiên chấm dứt hiệu lực.

4. Thực hiện điều ước quốc tế

a. Nguyên tắc thực hiện điều ước quốc tế:

Thực hiện điều ước quốc tế là việc các bên thực hiện các quyền và gánh vác các nghĩa vụ pháp lý đã được ghi nhận trong điều ước. Điều ước quốc tế phải được các thành viên kết ước thực hiện dựa trên nguyên tắc tận tâm, thiện chí. Các thành viên của điều ưuớc không thể viện dẫn sự khác biệt giữa điều ước quốc tế đã ký và luật quốc gia của nước đó để không thực hiện điều ước quốc tế.

b. Giải thích điều ước quốc tế

– Là quá trình làm sáng tỏ nội dung của các quy phạm điều ước. Việc áp dụng các điều khoản của một điều ước đòi hỏi các bên phải hiểu đúng, chính xác các quy định của điều ước, tránh việc hiểu sai, hiểu không thống nhất giữa các thành viên. Yêu cầu này đặt ra đòi hỏi phải giải thích điều ước. Và việc giải thích điều ước này được đặc biệt quan tâm khi các bên ký kết có những ý kiến bất đồng về ý nghĩa thực sự của điều ước.

– Chủ thể giải thích điều ước quốc tế: Việc xác định chủ thể giải thích điều ước quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt. Tính chất và ý nghĩa pháp lý của việc giải thích phụ thuộc vào chủ thể của việc giải thích. Giải thích điều ước quốc tế có thể là giải thích chính thức (là giải thích của các quốc gia tham gia ký kết điều ước quốc tế có thể thông qua Bộ ngoại giao..hoặc giải thích của các tổ chức quốc tế); hoặc giải thích không chính thức (là giải thích của các học giả, các chuyên gia hay các cơ quan nghiên cứu pháp luật…)

– Yêu cầu của việc giải thích điều ước là:

• Điều ước phải được giải thích thiện chí, phù hợp với ý nghia thông thường của các thuật ngữ được sử dụng tròn điều ước và trong mối quan hệ với đối tượng và mục đích của điều ước.

• Việc giải thích điều ước phải căn cứ vào nội dung văn bản điều ước, các thỏa thuận có liên quan đến điều ước được các bên chấp nhận trong khi ký kết điều ước, các thỏa thuận sau này của các bên về giải thích và thực hiện điều ước, thực tiễn thực hiện điều ước liên quan đến việc giải thích điều ước và các quy định thích hợp của pháp luật quốc tế.

c. Đăng ký và công bố điều ước quốc tế

– Về nguyên tắc, điều ước đăng ký hay không điều ước đều có giá trị pháp lý như nhau nếu chúng được ký kết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại.

– Theo điều 109 hiến chương LHQ thì: “Mọi Hiệp ước và công ước quốc tế do bất cứ thành viên nào của LHQ ký kết, sau khi hiến chương này có hiệu lực, phải được đăng ký tại Ban thư ký và do ban này cônhg bố càng sớm càng tôt”. Cũng theo Hiến chương LHQ thì “Nếu không đăng ký theo quy định của khoản 1 điều này thì không một bên nào của điều ước được quyền dẫn hiệp ước hay công ước đó trước một cơ quan nào của LHQ”. Như vậy, việc đăng ký và công bố điều ước quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia có cơ sở pháp lý khi giải quyết các tranh chấp có liên quan và cần phải viện dẫn điều ước quốc tế ra trước các cơ quan giải quyết tranh chấp của Liên Hợp Quốc.

– Phù hợp với pháp luật quốc tế, Luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế 2005 của Việt nam cũng ghi nhận rất rõ về vấn đề công bố và đăng ký điều ước quốc tế, theo đó “Điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam được công bố trên công báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam và Niên giám điều ước quốc tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên Việt nam và bên ký kết nước ngoài hoặc có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…”(Điều 69); và “Bộ ngoại giao đăng ký tại Ban thư ký của Liên hợp quốc điều ước quốc tế hai bên và điều ước quốc tế nhiều bên có hiệu lực trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam là cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên”. (Điều 70). Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực, điều ước sẽ được đăng trong công báo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam.

d. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế với nhau và với pháp luật trong nước

 

Tài liệu tham khảo:

1. Giáo trình luật quốc tế;
2. Hiến chương Liên Hợp Quốc;
3. Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế giữa các quốc gia;
4. Công ước Viên năm 1986 về Luật điều ước quốc tế giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế hoặc giữa các tổ chức quốc tế;
5. Luật ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam năm 2005.

 


Các tìm kiếm liên quan đến trình tự ký kết điều ước quốc tế: so sánh phê chuẩn và phê duyệt điều ước quốc tế, thời điểm có hiệu lực của điều ước quốc tế, luật ký kết điều ước quốc tế, hành vi ràng buộc của luật quốc gia với điều ước quốc tế, điều ước quốc tế song phương, quy định của pháp luật việt nam về thẩm quyền kí kết điều ước quốc tế, hiệu lực của điều ước quốc tế đối với bên thứ 3, điều ước quốc tế mà việt nam là thành viên

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền