Khái niệm, đặc điểm, chức năng và vai trò của ngân sách nhà nước

Chuyên mụcLuật tài chính Ngân sách nhà nước

Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu chi của Nhà nước trong dự toán để được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định được thực hiện trong một năm nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước.

 

Những nội dung liên quan:

 

Khái niệm, đặc điểm và vai trò của ngân sách nhà nước:

1. Khái niệm ngân sách nhà nước

Thuật ngữ ngân sách (Budget) bắt nguồn từ tiếng Anh, có nghĩa là cái ví, cái xách. Tuy nhiên trong đời sống kinh tế, thuật ngữ này đã thoát ly ý nghĩa ban đầu mà mang một nội dung hoàn toàn khác. Có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm ngân sáchngân sách nhà nước:

– Theo Từ điển Bách khoa toàn thư của Liên xô (cũ) thì: ngân sách là: “1. Bảng liệt kê các khoản thu, chi bằng tiền trong một giai đoạn nhất định của nhà nước; 2. Mọi kế hoạch thu chi bằng tiền của bất kỳ một xí nghiệp, cơ quan, cá nhân nào trong một giai đoạn nhất định.”(1)

– Theo tài liệu “tư liệu xanh” của Pháp được ấn hành nhằm hướng dẫn nội dung một số thuật ngữ, danh từ tài chính và thuế thì “ ngân sách” được hiểu: “1. Chứng thư dự kiến và cho phép các khoản thu, chi hằng năm của nhà nước; 2. Toàn bộ tài liệu kế toán mô tả, trình bày các khoản thu và các khoản kinh phí của nhà nước trong một năm; 3. Toàn bộ các tài khoản trình bày những khoản tiền mà một Bộ được cấp trong một năm” (2)

Khái niệm ngân sách nhà nước
Khái niệm ngân sách nhà nước

– Theo Từ điển kinh doanh nước Anh, do J.H. Ađam biên tập, giải thích thuật ngữ ngân sách như sau: “ Ngân sách: 1. Bảng kế toán về khả năng thu nhập (tiền thu vào) và chi tiêu (tiền xuất ra) trong một giai đoạn nhất định của tương lai, thường là một năm; 2. Ngân sách nhà nước là bảng kế hoạch về thu nhập và chi tiêu quốc gia (nhà nước) trong tương lai. Nó được ông Quốc khố đại thần trình ra trước Nghị viện một lần trong một năm, được Nghị viện xem xét và có những đề xuất thay đổi thuế khoá, những đề xuất đó sau này trở thành luật trong năm tài chính; 3. Bảng tính toán về khả năng chi phí để thực hiện một kế hoạch hoặc một chương trình vì một mục tiêu nhất định nào đó (ngân sách quảng cáo, ngân sách đầu tư, ngân sách nghiên cứu) (3)

Từ những nội dung nêu trên, có thể rút ra một số đặc trưng cơ bản của ngân sách như sau:

Thứ nhất: Ngân sách là một bảng liệt kê, trong đó dự kiến và cho phép thực hiện các khoản thu, chi bằng tiền của một chủ thể nào đó (nhà nước, Bộ, xí nghiệp, gia đình, cá nhân)

Thứ hai: Ngân sách tồn tại trong một khoản thời gian nhất định, thường là một năm.

Cũng cần phân biệt rõ: thu, chi NSNN hoàn toàn khác với thu chi của các chủ thể khác trong xã hội. Thu, chi của nhà nước luôn luôn được thực hiện bằng pháp luật và do pháp luật quy định (về thu có các luật thuế, pháp lệnh phí, lệ phí và các văn bản pháp luật khác; về chi có các tiêu chuẩn, định mức). Về ý nghĩa kinh tế, hoạt động thu, chi của ngân sách thể hiện quá trình phân phối và phân phối lại giá trị tổng sản phẩm xã hội. Về bản chất xã hội, do nhà nước là đại diện của một giai cấp, nên ngân sách nhà nước cũng mang tính giai cấp, nó phục vụ trực tiếp cho yêu cầu thực hiện chức năng của nhà nước trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu chi của Nhà nước trong dự toán để được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định được thực hiện trong một năm nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước.

2. Đặc điểm của ngân sách nhà nước

– Về mặt nội dung: Là toàn bộ các khoản thu – chi của Nhà nước. Khái niệm thu – chi đã được khái quát hoá, trong đó “thu” được hiểu là tất cả các nguồn tiền được huy động cho nhà nước; còn “chi” được hiểu là bao gồm tất cả các khoản chi và các khoản hoàn trả khác của Nhà nước. Các khoản thu chi được xác định bởi những con số cụ thể nhằm xác định rõ khả năng tạo nguồn kinh phí để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước, đồng thời tạo thế cân bằng trong thu chi, tạo sự chủ động trong hoạt động của ngân sách nhà nước.

– Về mặt pháp lý: Các khoản thu – chi này phải nằm trong dự toán đ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định. Ngân sách nhà nước hoạt động trong lĩnh vực phân phối các nguồn tài chính, vì vậy nó thể hiện các mối quan hệ về lợi ích kinh tế giữa nhà nước và xã hội. Quyền lực về ngân sách nhà nước thuộc về nhà nước, nên ngân sách nhà nước do Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở nước ta quyết định.

– Về mặt thời gian: Các khoản thu – chi này chỉ được thực hiện trong một năm. Tính niên hạn của ngân sách nhà nước được thể hiện quá trình thực hiện nhiệm vụ thu – chi của nhà nước; nó tồn tại trong vòng 12 tháng, có thể bao trùm năm dương lịch (từ ngày 01.01 đến 31.12 của năm) nhưng cũng có thể bắt đầu và kết thúc vào những khoảng thời gian khác nhau như: Ví dụ: có nước bắt đầu từ 1.4 của năm trước và kết thúc vào 31.03 của năm sau; có nước bắt đầu từ 01.10 của năm trước và kết thúc vào 30.9 của năm sau…

– Về mục đích: Nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước. Mọi khoản thu và chi tài chính của nhà nước đều do nhà nước quyết định và nhằm mục đích phục vụ yêu cầu thực hiện các chức năng nhà nước. Bất kỳ nhà nước nào cũng đều có quyền ban hành pháp luật. Do nhu cầu chi tiêu của mình, nhà nước đã sử dụng pháp luật để ban hành chính sách thuế khoá và bắt buộc các tổ chức, cá nhân phải nộp một phần thu nhập của mình cho nhà nước với tư cách là chủ thể thực hiện nghĩa vụ với nhà nước. Tính cưỡng bức của các khoản thu ngân sách không hề mang ý nghĩa tiêu cực; bởi vì đây là sự cần thiết. Mọi đối tượng nộp thuế đều ý thức được nghĩa vụ của mình trong việc đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nhà nước, của quốc gia. Đồng thời họ cũng ý thức được vai trò quan trọng của nhà nước trong quá trình sử dụng các nguồn tài chính nhằm thực hiện các chức năng về kinh tế – xã hội của mình.

3. Chức năng của ngân sách nhà nước

Ngân sách nhà nước có chức năng vô cùng quan trong trong nền kinh tế cũng như đời sống xã hội. Chức năng của ngân sách nhà nước thể hiện chủ yếu qua 04 mặt như sau:

a) Ngân sách nhà nước là một công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống lạm phát và giảm thất nghiệp.

b) Ngân sách nhà nước có chức năng phân bổ nguồn lực trong xã hội

Để tạo lập và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả, thông qua các biện pháp thu, chi và quản lý ngân sách nhà nước, nhà nước thực hiện phân bổ nguồn lực vào những lĩnh vực địa bàn then chốt, có nhiều rủi ro, cần khuyến khích hoặc hạn chế phát triển; đồng thời có thể thu hút, lôi kéo sự tham gia phân bổ nguồn lực của các thành phần kinh tế và khu vực tư nhân.

c) Ngân sách nhà nước có chức năng phân phối lại thu nhập trong xã hội

Nhà nước thực hiện quá trình phân phối và phân phối lại thu nhập dưới hình thức tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm hạn chế bớt sự phân hoá xã hội, sự bất bình đẳng về thu nhập đảm bảo sự công bằng hợp lý, làm cho nguồn thu nhập của xã hội được sử dụng một cách kịp thời hiệu quả. Thông qua công cụ thuế và công cụ chi tiêu. Nhà nước sẽ thực hiện được các mục tiêu trên.

d) Ngân sách nhà nước có chức năng điều chỉnh kinh tế

Chính sách ngân sách nhà nước là một bộ phận không thể tách rời của chính sách kinh tế – xã hội. Khi nền kinh tế suy thoái người ta thường khuyến cáo dùng chính sách tài khoá kích cầu bằng cách giảm thuế hoặc tăng chi tiêu công, từ đó làm tăng khối lượng sản xuất xã hội. Khi nền kinh tế phát triển bình thường, trong điều kiện mở cửa thì chính sách tài khoá kích thích sẽ tạo nên phản ứng dây chuyền: chính sách tài khoá kích thích nới lỏng với mục đích tăng tổng cầu, mức lãi suất trong nước tăng, giá đồng nội tệ tăng, thuần xuất khẩu giảm, tổng cầu giảm. Như vậy, trước mắt chính sách tài khoá có thể kích thích tổng cầu có tác động đến tăng trưởng kinh tế, nhưng về lâu dài lại kìm hãm chính quá trình tăng trưởng. Đòi hỏi các nhà hoạch địch chính sách tài chính nói chung và chính sách tài khoá nói riêng phải tính đến việc sử dụng công cụ ngân sách nhà nước một cách thích hợp trong quá trình điều chỉnh nền kinh tế.

Bốn chức năng nói trên có mối quan hệ rất gắn bó, phản ảnh được bản chất hoạt động của ngân sách nhà nước trong quá trình tạo lập, khai thác động viên, phân bổ, tổ chức huy động các nguồn vốn cũng như tham gia kiểm soát, điều chỉnh kinh tế vĩ mô

4. Ý nghĩa (vai trò) của ngân sách nhà nước

* Ngân sách nhà nước là công cụ huy động các nguồn lực tài chính để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước.

– Nhà nước sử dụng quỹ ngân sách để đảm bảo phát triển kinh tế.

– Đảm bảo an ninh, quốc phòng.

* Ngân sách nhà nước là công cụ kích thích nền kinh tế phát triển.

– Ngân sách nhà nước cung ứng vốn cho nền kinh tế.

– Ngân sách nhà nước là công cụ mà Nhà nước sử dụng để điều tiết giá cả thị trường và chống lạm phát.

Thông qua trợ giá, thành lập các quỹ cho vay ưu đi…

– Ngân sách nhà nước đảm bảo tái đầu tư cho nền kinh tế.

* Ngân sách nhà nước đảm bảo các chính sách về mặt xã hội cho người dân.

– Nhà nước sử dụng tiền từ quỹ ngân sách để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.

– Đảm bảo các chính sách về mặt xã hội cho những đối tượng chính sách…

5/5 - (28945 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền