Hiến pháp và pháp quyền (rule of law) liên hệ với nhau như thế nào?

hien-phap

Hiến pháp và pháp quyền (rule of law) liên hệ với nhau như thế nào?

 

Các nội dung liên quan:

 

Pháp quyền (rule of law, hay “nhà nước pháp quyền” như thường gọi ở Việt Nam), theo định nghĩa giản dị của Max Weber, là một trật tự xã hội dựa trên sự “thượng tôn luật pháp”. Trật tự này phản ánh quan niệm của John Locke: “Tự do của con người trong một chế độ cai trị có nghĩa là sống theo một luật lệ bền vững, chung cho cả mọi người trong xã hội; luật lệ này phải được quy định bởi cơ quan lập pháp đã được thiết lập trong chế độ đó”[6].

Tư tưởng pháp quyền xuất phát ở phương Tây từ thời La Mã và được phát triển hoàn chỉnh bởi thuyết chủ nghĩa hợp hiến (hoặc chủ nghĩa lập hiến – constitutionalism) – học thuyết chính trị, pháp lý cho rằng quyền lực nhà nước phải được quy định bởi hiến pháp, nhà nước phải quản lý xã hội theo hiến pháp, có nhiệm vụ trước hết là nhằm phục vụ cộng đồng và bảo vệ các quyền, tự do của con người. Như vậy, giữa pháp quyền và hiến pháp có mối quan hệ không tách rời. Từ trước đến nay, những tư tưởng pháp quyền luôn là nền tảng cho nội dung và phản ánh tính chất tiến bộ của các bản hiến pháp.

Cần phân biệt giữa pháp quyền (rule of law) và “cai trị bằng pháp luật” (rule by law). Trong nhà nước cai trị bằng pháp luật, luật pháp là một công cụ của chính quyền để cai trị xã hội và nhà cầm quyền ở trên pháp luật. Trái lại, trong nhà nước pháp quyền, không một chủ thể nào, kể cả chính quyền, được vượt qua luật pháp; mọi chủ thể đều bình đẳng trước luật pháp, nhà nước phải hành động trong khuôn khổ luật pháp và luật pháp là công cụ điều chỉnh quyền lực của chính quyền.

———————————–

[6] Trích trong “Luận thuyết về Chính quyền Dân sự”, Tập 2, Chương 4

5/5 - (1563 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền