Quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài theo Hiến pháp năm 2013

Chuyên mụcLuật hiến pháp, Thảo luận pháp luật Người nước ngoài

Tóm tắt: Hiến pháp quy định những nguyên tắc cơ bản định hướng cho toàn bộ các mối quan hệ xã hội, trong đó có mối quan hệ giữa Nhà nước với người nước ngoài. Cùng với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực, Việt Nam đã nhận thức đầy đủ, toàn diện và hoàn thiện hơn về mối quan hệ này mà biểu hiện thông qua các quy định về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Bài viết tập trung làm rõ quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài theo Hiến pháp năm 2013.

 

Abstract: The Constitution stipulates the whole social relations including the relationship between the State and the foreigners. Along with the trend of international integration in all fields, Vietnam has fully, comprehensively perceived and improved this relation which shows through the regulations on rights and obligations of the foreigners recognized in the Constitution of 2013. This article will focus on clarifications of the legal regime for the foreigners under the Constitution of 2013.

 

1. Khái niệm người nước ngoài

Từ những yếu tố lịch sử và các hoạt động hợp tác giữa các nước và thể nhân, pháp nhân giữa các nước đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là sự hiện diện của những người không cùng quốc tịch trên lãnh thổ của mỗi quốc gia. Pháp luật các nước có quy định riêng biệt dành cho dân cư của mình nhưng đều có điểm chung trong cách tiếp cận với các bộ phận dân cư là căn cứ vào tiêu chí quốc tịch. Theo đó, những người mang quốc tịch của một nước được xác định là công dân của nước đó và những người không mang quốc tịch của nước sở tại thì được coi là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Ở Việt Nam, khái niệm “người nước ngoài” được đề cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (Luật nhập cảnh năm 2014). Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Nhập cảnh năm 2014, “người nước ngoài” được hiểu là“người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”. Ngoài ra, khoản 5 Điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008 xác định “người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam”. Trong đó, khoản 1 Điều 3 Luật Quốc tịch cũng giải thích “Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam” và “Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài”. Từ các quy định này, có thể thấy, người nước ngoài được xác định gồm: người có một quốc tịch nước ngoài, người có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch. Vì vậy, khi đề cập đến chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài phải hiểu đầy đủ bao gồm cả dành cho những người là công dân của một hay nhiều nước khác và người không có quốc tịch của bất kỳ nước nào.

Hiến pháp năm 2013, khi xác định quyền và nghĩa vụ của “người nước ngoài”, bên cạnh việc tiếp cận theo thuật ngữ “người nước ngoài” còn tiếp cận thông qua thuật ngữ “mọi người”. Thực chất, nội hàm của khái niệm “mọi người” trong quy định của Hiến pháp đã bao trùm tất cả các nhóm chủ thể gồm cả công dân và người nước ngoài. Điều này được đánh giá là một trong những điểm sáng của Hiến pháp năm 2013 khi lần đầu tiên, một số quyền trước đây chỉ dành cho công dân Việt Nam nay đã dành cho cả người nước ngoài. Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng, cách hiểu về “người nước ngoài” tương đồng với khái niệm “người nước ngoài” được xác định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cụ thể: người nước ngoài được hiểu là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận đầy đủ, toàn diện từ các quy định của Hiến pháp năm 2013, chúng tôi còn xác định quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài thông qua các quyền và nghĩa vụ dành cho “mọi người”.

2. Quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài theo Hiến pháp năm 2013

Hiến pháp năm 2013 dành cho người nước ngoài chế độ đãi ngộ trước pháp luật như công dân Việt Nam và không bị phân biệt đối xử giữa những người nước ngoài đến từ các quốc gia khác nhau. Khoản 1 Điều 16 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, “mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật”. Theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì người nước ngoài có quyền và nghĩa vụ sau:

a) Trong lĩnh vực dân sự, chính trị

Quyền sống

Quyền sống là quyền cơ bản, cố hữu của con người. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền sống của mỗi người. Tuy nhiên, nếu trong các bản Hiến pháp trước đây, quyền sống không được quy định trực tiếp trong một điều khoản cụ thể mà được ẩn chứa trong các quyền con người, quyền công dân khác thì đến Hiến pháp năm 2013, quyền sống được quy định trong một điều riêng – Điều 19 Hiến pháp. Đây là cơ sở vững chắc cho mọi người, bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài, đặc biệt là người không quốc tịch, có căn cứ để bảo đảm một trong các quyền cơ bản của mình. Việc Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền sống của mọi người là điểm nhấn quan trọng, thể hiện nhận thức rõ ràng của Nhà nước trong việc “bảo hộ tính mạng con người” nói chung và đối với người nước ngoài đến hoặc cư trú, sinh sống ở Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, việc quy định này không đồng nghĩa với việc xóa bỏ án tử hình. Dù vậy, theo quy định của Bộ luật Hình sự, việc áp dụng hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với người có hành vi phạm tội đạt đến mức đặc biệt nghiêm trọng và phải thông qua thủ tục tố tụng được thực hiện bởi Toà án. Đặc biệt, án tử hình không được áp dụng đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ, bất kể là công dân hay người nước ngoài.

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm

Quyền về thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm là quyền nhân thân gắn với mỗi cá nhân. Do đó, mọi người bao gồm cả người nước ngoài đều được hưởng quyền và được pháp luật bảo vệ các quyền này. Điều này được khẳng định tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Quy định của Hiến pháp là cơ sở nền tảng cho việc xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, theo tinh thần Hiến pháp, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã quy định cụ thể về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể tại Điều 33 và quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín tại Điều 34. Đồng thời với việc quy định quyền, BLDS năm 2015 cũng quy định trách nhiệm bồi thường cho những người bị thiệt hại trong từng trường hợp nhất định từ Điều 590 đến Điều 593 (cụ thể: Điều 590 về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, Điều 591 về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, Điều 592 về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, Điều 593. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm). Ngoài BLDS, các văn bản quy phạm pháp luật khác ghi nhận và bảo đảm các quyền này như Bộ luật Hình sự, Luật Y tế…

Quyền không bị bắt, tạm giam, tạm giữ tùy tiện

Bắt, tạm giam, tạm giữ là các biện pháp ngăn chặn được quy định trong quy trình tố tụng hình sự (TTHS). Với yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, việc bắt, tạm giam, tạm giữ cần phải được tiến hành kiên quyết, kịp thời. Tuy nhiên, các biện pháp ngăn chặn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cá nhân của công dân và của cả những người nước ngoài khi đến Việt Nam mà bị áp dụng biện pháp này. Trên cơ sở bảo hộ quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của những người nước ngoài tại Việt Nam, khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, pháp luật TTHS ngày càng hoàn thiện để đảm bảo cho người nước ngoài khi đến Việt Nam được bảo đảm quyền không bị bắt, tạm giữ, tạm giam một cách tùy tiện. Trường hợp người nước ngoài bị bắt, tạm giữ, tạm giam trái pháp luật, họ có quyền “khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân” và “quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự” (Điều 30 Hiến pháp năm 2013).

Quyền được xét xử công bằng

Điều 31 Hiến pháp năm 2013 trao cho người nước ngoài quyền được xét xử công bằng. Theo đó, “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, “người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai” và “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”. Để bảo đảm quyền được xét xử công bằng, khách quan, khoản 4, khoản 5 Điều 31 quy định “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa” và “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự”. Người nước ngoài được bảo đảm đảm quyền nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ, theo đó, nếu người nước ngoài là “người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác” thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật TTHS năm 2015 bảo đảm cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”[1]. Bên cạnh đó, Bộ luật TTHS còn mở rộng việc chỉ định người bào chữa đối với “bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình”.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế về quyền con người như Tuyên ngôn về Nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng đối tượng hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho cả người nước ngoài. Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Đồng thời, Hiến pháp cũng nhấn mạnh: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Quy định này hoàn toàn phù hợp với khoản 3 Điều 18 Công ước về các Quyền dân sự, chính trị năm 1966, theo đó “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 là cơ sở quan trọng cho việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các luật và bộ luật (BLDS, Bộ luật Hình sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016,…).

Quyền khiếu nại và tố cáo

Khiếu nại và tố cáo là phương thức góp phần thực hiện quyền của cá nhân một cách đầy đủ và hiệu quả. Thông qua khiếu nại và tố cáo, những hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật mới được bộc lộ rõ nét nhất và chỉ thông qua khiếu nại, tố cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của “mọi người” mới được bảo đảm đầy đủ, toàn diện. Hiến pháp năm 2013 đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ khi mở rộng chủ thể quyền khiếu nại, tố cáo. Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Quy định này mở ra cho người nước ngoài quyền được bảo đảm tốt hơn quyền lợi hợp pháp của mình khi sống và làm việc tại Việt Nam. Theo đó, khi có căn cứ cho rằng mình bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp, người nước ngoài có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và “cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo”[2]. Để bảo vệ người  khiếu nại, tố cáo, khoản 3 Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định: “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.

b) Trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội

Lĩnh vực kinh tế

Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh”. Quy định này đánh dấu một bước ngoặt về mặt nhận thức. Nếu trước đây chỉ công dân Việt Nam mới có quyền tự do kinh doanh, thì nay quyền tự do kinh doanh đã được rộng mở cho tất cả “mọi người”. Việc mở rộng chủ thể quyền tự do kinh doanh cho mọi người đã dẫn đến những điểm mới khác về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế như một hệ quả tất yếu, cụ thể:

– Thứ nhất, khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 mở rộng chủ thể được hưởng quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Nếu trước đây, chỉ công dân Việt Nam mới có quyền kinh doanh đồng nghĩa với việc chỉ công dân mới có quyền sở hữu thu nhập hợp pháp và các tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thì đến Hiến pháp năm 2013, mọi người đều có quyền sở hữu thu nhập hợp pháp và các tài sản khác phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiến pháp cũng thừa nhận“quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.

– Thứ hai, song song với việc thụ hưởng quyền được Nhà nước trao cho, người nước ngoài cũng có nghĩa vụ tương xứng, phù hợp. Theo đó, liên quan trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh phát sinh lợi nhuận hay thu nhập hợp pháp là nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước (Điều 47 Hiến pháp năm 2013).

Như vậy, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên được xác định, mở rộng và bảo đảm rõ ràng quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế. Điều này bảo đảm cho người nước ngoài các khả năng phát triển các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội

Lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền được sống trong môi trường trong lành và quy định nghĩa vụ bảo vệ môi trường cho “mọi người”[3]. Điểm mới này xuất phát từ thực tiễn các quốc gia và cũng là sự quan tâm của thế giới. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam còn rất nhiều các công ty, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hành vi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng (điển hình là Công ty VEDAN Việt Nam tại Đồng Nai xả nước thải trực tiếp xuống sông Thị Vải mà chưa qua xử lý)[4].

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền sống trong môi trường trong lành và quy định nghĩa vụ bảo vệ môi trường, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 với các quy định chặt chẽ về vấn đề bảo vệ môi trường, góp phần phòng ngừa và xử lý có hiệu quả các hành vi gây tổn hại đến môi trường của các tổ chức, cá nhân và của người nước ngoài.

– Khoản 1 Điều 38 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.”. Có thể thấy, Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng chủ thể của quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe từ công dân sang các đối tượng khác, trong đó có cả người nước ngoài. Bên cạnh việc thụ hưởng quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe,  người nước ngoài còn có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

– Trong các quyền về văn hóa và khoa học mà người nước ngoài được thụ hưởng từ Hiến pháp năm 2013 có “quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó”[5], “quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”[6] và “Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ”[7]. Với việc trao cho người nước ngoài quyền trong lĩnh vực khoa học công nghệ và văn hóa như đã đề cập ở trên, Hiến pháp năm 2013 đáp ứng nhu cầu chính đáng trong việc thụ hưởng các giá trị văn hóa, tinh thần lành mạnh không chỉ đối với công dân mà cả đối tượng người nước ngoài. Không chỉ vậy, nhận thức đầy đủ hơn về sự phát triển của khoa học công nghệ và văn hóa luôn đi kèm với vấn đề sở hữu trí tuệ, khoản 2 Điều 62 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”.

Quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài ở mỗi nước phụ thuộc nhiều vào trình độ phát triển và chính sách của nước đó. Hiến pháp năm 2013 ra đời trong bối cảnh đất nước đã và đang có những bước phát triển và dần khẳng định được vị thế trên trường quốc tế cũng như trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực. Trên cở sở lĩnh hội, tiếp thu và thực hiện các cam kết quốc tế, quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài theo Hiến pháp năm 2013 đã được mở rộng góp phần tạo điều kiện thúc đẩy cho sự phát triển của đất nước./.

Phạm Thị Bắc Hà, ThS. Khoa Pháp luật Quốc tế – Đại học Luật Hà Nội


[1] Điều 58, 59, 60 và 61 Bộ luật TTHS năm 2015.

[2] Điều 30 Hiến pháp năm 2013.

[3] Các bản Hiến pháp trước đây quy định nguyên tắc, trách nhiệm chung giữa các cơ quan với nhau liên quan đến vấn đề môi trường mà chưa đề cập đến quyền được sống trong môi trường trong lành.

[4] Công ty VEDAN là công ty 100% vốn nước ngoài.

[5] Điều 40 Hiến pháp năm 2013.

[6] Điều 41 Hiến pháp năm 2013.

[7] Điều 62 Hiến pháp năm 2013.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền