Giải thích tên gọi các hoạt động Kháng cáo và Kháng nghị

khang-cao-va-khang-nghi

Kháng cáo và kháng nghị là các thuật ngữ được sử dụng trong hoạt động tố tụng nói chung. Chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu về khái niệm kháng cáo, kháng nghị trong Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi sẽ đi vào phân tích các khái niệm này dưới góc độ chiết tự con chữ để cung cấp cho bạn đọc góc nhìn toàn diện hơn về ý nghĩa, bản chất của hai hoạt động trên.

 

Xem thêm:

 

Đầu tiên, cả hai thuật ngữ đều có chung thành tố “kháng” (抗) có nghĩa là chống lại, không tuân theo (như phản kháng, đối kháng). Như vậy, có thể hiểu mục đích chung của cả hai hoạt động đó là nhằm chống lại một điều gì đó (mà cụ thể ở đây chính là bản án, quyết định của Tòa án).

Xét theo nghĩa phổ thông, kháng nghị có thể được hiểu là lý luận thẳng thắn, phản đối ý kiến sai lầm hoặc đối với ngôn luận, hành động của người khác mà đưa ra ý kiến chống đối [1]. Tuy nhiên  theo quan điểm của tác giả, dưới góc độ là một hoạt động trong tiến trình tố tụng, từ kháng nghị cần được phân tích sâu hơn ở những khía cạnh sau:

Chữ “nghị” (議) mang nghĩa là thảo luận, thương lượng, suy xét. Như vậy hoạt động kháng nghị phải được tiến hành thông qua sự bàn bạc, thảo luận của một tập thể. Theo nhận định của tác giả, chữ “nghị” này còn mang tính quyền lực cao – thể hiện qua việc được sử dụng cho nhiều khái niệm mang tính quyền lực nhà nước (như Nghị quyết, Nghị định, Nghị viện…). Pháp luật Việt Nam thời kỳ phong kiến còn quy định về “Bát nghị” (八議) – tức tám loại người nếu phạm tội nặng thì phải được phép của vua gồm: Nghị thân, Nghị cố, Nghị hiền, Nghị năng, Nghị công, Nghị quý, Nghị cần, Nghị tân.

Từ những  phân tích trên, có thể hiểu kháng nghị là sự lý luận nhằm phản đối bản án, quyết định của Tòa án, và quyền này phải được trao cho một chủ thể mang quyền lực – mà cụ thể ở đây đó là Viện Kiểm Sát hoặc Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND (với vai trò là người đại diện của công quyền) – tùy theo quy định của pháp luật tố tụng.

Chữ “cáo” (告) trong “kháng cáo” lại mang nghĩa là báo cho biết (như báo cáo). So với chữ “nghị” thể hiện tính quyền lực của tập thể thì chữ “cáo” lại mang sắc thái nhẹ hơn. Hiểu nôm na thì “kháng cáo” có nghĩa là thông báo cho cơ quan cấp trên biết về nguyện vọng được chống lại bản án, quyết định của Tòa án. Quyền kháng cáo đã tồn tại từ thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, nhưng dưới tên gọi là “kêu oan”. Trong Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ được ban hành vào năm 1777 dưới thời vua Lê Hiển Tông có quy định: “Mọi trường hợp bị người quyền quý ức hiếp thiệt hại nặng, cùng các trường hợp oan ức, không biết khám lệ ở nhà môn nào, cho khua chiêng gióng mõ kêu oan”.[2]

Pháp luật tố tụng hiện nay quy định quyền kháng cáo thuộc về các chủ thể sau: Bị cáo; người bị hại; người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của các chủ thể trên.

Thuật ngữ « kháng cáo » dịch tiếng anh là « appeal ». Từ này vốn có nghĩa là sự kêu gọi, sự khẩn cầu. Bản chất chất từ appeal theo nghĩa luật học là quy trình « áp dụng cho tòa án cấp cao hơn, dùng để xét lại phán quyết của tòa án cấp dưới » [3], tức là « sự phúc thẩm ». Như vậy từ nghĩa gốc ban đầu ta có thể hiểu đây là một sự KÊU GỌI tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án của cấp thấp hơn. Appeal vốn là từ mượn của tiếng Pháp từ gốc « APEL » được sử dụng từ thế kỷ XI, với động từ « apeler ». Trong tiếng pháp hiện đại thì từ này là « APPEL » [4].

Pháp luật tố tụng Việt Nam có sự ảnh hưởng theo dân luật Pháp, nơi có quy định về kháng nghị phúc thẩm do Viện kiểm sát tiến hành, theo hướng yêu cầu tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt. Vì lẽ đó, trong tiếng Pháp danh từ « appel » ngoài nghĩa chung là « sự phúc thẩm », thì còn hai tầng nghĩa cụ thể là « kháng cáo » và « kháng nghị » [5].

Có một sự thật thú vị là từ « kháng nghị » được dịch sang tiếng anh là « protest » [6], tuy nhiên trong quy trình tố tụng của hệ thống thông luật, không tồn tại khái niệm về quyền kháng nghị của bên công tố đối với bản án của Tòa.

 

Tác giả : Linh-Anh

Minh họa: Anh

 


[1] Từ điển Hán Nôm: http://hvdic.thivien.net/whv/抗議#pl6df3fa0d09

[2]Quốc triều khám tụng điều lệ, in trong sách : Viện Nhà nước và pháp luật, Một số văn bản pháp luật Việt Nam thế kỷ XV-XVII, Nxb. Khoa học xã hội

[3] Từ điển oxford online, https://en.oxforddictionaries.com/definition/appeal

[4] Kho dữ liệu tiếng Pháp số hóa, Trung tâm ngôn ngữ và từ vựng Quốc gia (Pháp), http://stella.atilf.fr/Dendien/scripts/tlfiv5/visusel.exe?18;s=885739440;b=13;r=1;nat=;i=1;;

[5] Từ điển thuật ngữ Pháp luật Việt-Pháp, nhà pháp luật Việt-Pháp, nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2009.

[6] Từ điển pháp luật Anh-Việt, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994

 

 

Tài liệu tham khảo :

  • Từ điển Hán Nôm
  • Black law dictionaty 9th edition
  • Từ điển Larousse

 

Nguồn: Hoàng Thảo Anh, Lê Thị Khánh Linh, Giải thích tên gọi các hoạt động “Kháng cáo” và “Kháng nghị”, Luật văn diễn dịch.
URL: https://luatvandiendich.wordpress.com/2018/06/18/giai-thich-ten-goi-cac-hoat-dong-khang-cao-va-khang-nghi/

5/5 - (1 bình chọn)

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền