Đối tượng nghiên cứu của khoa học Luật Hiến pháp

Chuyên mụcLưu trữ hien-phap

Cũng giống như các ngành khoa học khác, sự hình thành ngành khoa học pháp lý của luật Hiến pháp, trước hết phải bằng sự có đối tượng và phương pháp nghiên cứu riêng.

 

Các nội dung liên quan được tìm kiếm:

 

Trước hết là đối tượng nghiên cứu. Khoa học luật Hiến pháp có đối tượng nghiên cứu riêng. Đó là hiện tượng tổ chức quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, cùng với việc quy định hiện tượng này bằng các quy định pháp luật, và xung quanh những vấn đề có liên quan đến việc tổ chức, quyền lực Nhà nước. Đó là những mối quan hệ có liên quan đến việc tổ chức Nhà nước tức là khách thể của luật Hiến pháp, đối tượng điều chỉnh của luật Hiến pháp. Từ việc nghiên cứu này khoa học luật Hiến pháp phải có nhiệm vụ tìm ra những mô hình, những quy luật khách quan của tổ chức quyền lực Nhà nước. Hiện tượng tổ chức quyền lực Nhà nước là một hiện tượng của thượng tầng kiến trúc, hiện tượng có sự tham gia của con người, cho nên rất phức tạp, chứa đựng nhiều quy luật khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn đối kháng, mang nhiều phương diện khác nhau: tâm lý, văn hoá, xã hội…

Hiện tượng này, ngay từ mới xuất hiện Nhà nước đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu để lại một khối lượng kiến thức phức tạp, khổng lồ và đa ngành. Những khối lượng tri thức này, trở thành nguồn của khoa học luật Hiến pháp. Đó là những tác phẩm, những quan điểm, học thuyết của các nhà triết học cổ Hy Lạp, Ai Cập, Phương Đông cổ đại, của Phương Tây thời cách mạng tư sản, và nhất là các quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác, của Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Muốn tiếp thu được tinh hoa tri thức của nhân loại trong lĩnh vực này, đòi hỏi trước hết phải hiểu. Sự hiểu này cũng đòi hỏi phải nghiên cứu nghiêm túc không khác nào một ngành khoa học.

Khoa học luật Hiến pháp cũng như các ngành khoa học xã hội khác có đối tượng nghiên cứu, có phương pháp nghiên cứu riêng. Theo truyền thống của nền khoa học pháp lý của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, tương ứng với mỗi một ngành luật đều có một ngành khoa học pháp lý. Khoa học luật Hiến pháp là một loại khoa học pháp lý chuyên ngành. Sự ra đời của ngành khoa học pháp lý này gắn liền với cuộc đấu tranh dành quyền dân chủ của nhân loại, đoạt tuyệt với chế độ độc tài chuyên chế, và tuyên bố quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Là một ngành khoa học nằm trong hệ thống các khoa học pháp lý, khoa học luật Hiến pháp nghiên cứu các quy phạm pháp luật về việc tổ chức quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, sự hình thành và phát triển của các quy phạm, các tri thức khoa học , các quan điểm khoa học về việc tổ chức quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Đây là đối tượng nghiên cứu của khoa học luật Hiến pháp. Đối tượng này được bắt đầu nghiên cứu từ khi có cách mạng tư sản. Hay nói một cách chính xác hơn kể từ khi có Hiến pháp thành văn đầu tiên trên thế giới 1787 (Hiến pháp Mỹ) luật Hiến pháp mới thực sự trở thành một bộ môn khoa học pháp lý.

Khoa học Luật Hiến pháp là tổng thể các tri thức, các quan điểm khoa học về cơ sở chính trị, xã hội và các quy luật khách quan của việc tổ chức quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, về việc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước phục vụ quyền lợi của nhân dân.

Khoa học này trước hết nó nghiên cứu các quy phạm, sự phát triển các quy phạm luật Hiến pháp, các quan điểm học thuyết của các học giả, qua đó tìm ra được quy luật phát triển khách quan của ngành luật, nhằm mục đích loại trừ những quy phạm đã lỗi thời, vạch ra khuynh hướng phát triển của tổ chức quyền lực Nhà nước ứng với mỗi giai
đoạn lịch sử cụ thể của việc tổ chức quyền lực nhà nước thuọc nhân dân.

4/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền