Vấn đề nghiên cứu khoa học luật hiến pháp nước ngoài ở Việt Nam

Chuyên mụcLuật hiến pháp Luật hiến pháp nước ngoài

Vấn đề nghiên cứu khoa học luật hiến pháp nước ngoài ở Việt Nam

Có thể nói một cách chắc chắn rằng khoa học luật hiến pháp nước ngoài đã hình thành ở nước ta vào những năm đầu của thế kỷ XX. Nghiên cứu luật hiến pháp nước ngoài không những được tiến hành bởi các nhà luật học mà còn bởi các nhà cách mạng tiền bối của nước ta như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, Nguyễn ái Quốc. Các tư tưởng tinh hoa của khoa học luật hiến pháp như chủ quyền nhân dân, chế độ Nghị viện, chế độ bầu cử, nguyên tắc phân chia, kiềm chế và cân bằng quyền lực v.v… đã được Phan Chu Trinh, Nguyễn ái Quốc và các nhà trí thức khác truyền bá vào Việt Nam [1]. Trong các nhà hiến pháp học đầu tiên của Việt Nam phải kể đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn ái Quốc.

Ngoài ra cũng cần phải kể đến các nhà tư tưởng lập hiến theo chủ nghĩa quốc gia cải lương, muốn dựa vào Pháp, sử dụng báo chí và nghị trường để xây dựng Hiến pháp và mở mang dân chủ. Cuộc bút chiến về vấn đề “trực trị” hay “quân chủ lập hiến” giữa Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh thể hiện tư tưởng chính trị sai lầm của một số trí thức thân Pháp. Nguyễn Văn Vĩnh muốn xóa bỏ chế độ vua quan tại miền Bắc và miền Trung và thiết lập chế độ cai trị trực tiếp của Chính phủ Pháp, còn Phạm Quỳnh muốn cải cách chế độ quân chủ chuyên chế thành chế độ quân chủ lập hiến dưới sự bảo hộ của Chính phủ Pháp. Theo tư tưởng của Phạm Quỳnh và Bùi Quang Chiêu thì phải xây dựng một bản Hiến pháp vừa đảm bảo “quyền dân chủ” cho nhân dân, “quyền điều hành đất nước” của Hoàng đế và “quyền bảo hộ” của Chính phủ Pháp. Mặc dù có quan điểm chính trị sai lầm là thừa nhận sự thống trị của thực dân Pháp nhưng Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu cũng đã có những đóng góp nhất định trong việc truyền bá tư tưởng lập hiến nhằm cải cách nền quân chủ chuyên chế của chế độ phong kiến Việt Nam đã lỗi thời.

Việc xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta – Hiến pháp năm 1946, một bản Hiến pháp kết tinh những tinh hoa của khoa học luật Hiến pháp hiện đại với những tư tưởng đoàn kết toàn dân, xây dựng một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt, đảm bảo các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân và cách thức thể hiện một cách tài tình các tư tưởng đó trong Hiến pháp chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc luật hiến pháp nước ngoài của các nhà lập hiến Việt Nam. Đó là tên tuổi của các nhà lập hiến như Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) – những người trong ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 1946 còn là thành quả của sự đóng góp tích cực của ủy ban kiến quốc với tên tuổi của những luật sư như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Trần Văn Chương; những giáo sư khoa học như Hoàng Xuân H7n, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, những nhà nghiên cứu văn học như Đặng Thai Mai nhiều giáo sư đại học như Ngụy Như Kon Tum [1].

Không chỉ trong việc xây dựng Hiến pháp năm 1946 mà trong việc xây dựng các Hiến pháp về sau các nhà lập hiến Việt Nam đều quan tâm đến việc nghiên cứu và so sánh đối chiếu với các Hiến pháp nước ngoài ngõ hầu tiếp thu học tập những tinh hoa của khoa học luật Hiến pháp nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu so sánh những thành tựu đã đạt được của khoa học luật hiến pháp nước ngoài với những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam về những thành tựu đó thì có thể nhận xét rằng, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học luật hiến pháp nước ngoài chúng ta còn nhiều hạn chế.

Dưới chế độ Sài Gòn trước đây có một số công trình nghiên cứu về khoa học luật hiến pháp nước ngoài của học giả Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Độ, Lê Đình Chân.

Đối với nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trước những năm 90 của thế kỷ XX các học giả Việt Nam chỉ tập trung nghiên cứu tổ chức bộ máy nhà nước của các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô cũ. Hơn nữa việc nghiên cứu này chỉ giới hạn trong phạm vi tham khảo phục vụ cho việc ban hành các đạo luật về tổ chức nhà nước của nước Việt Nam.

Từ những năm 90 trở lại đây, trên tinh thần đổi mới, việc nghiên cứu tổ chức nhà nước của các nước được đẩy mạnh. Ngoài ra các học giả Việt Nam còn mở rộng phạm vi nghiên cứu sang các lĩnh vực khác như hiến pháp, vấn đề nhân quyền, chế độ bầu cử v.v… Các học giả đã công bố các công trình sau:

“Thuyết tam quyền phân lập và bộ máy nhà nước tư sản hiện đại” của PGS,TS Đinh Ngọc Vượng (Hà Nội năm 1992); “Chuyên đề về Hiến pháp” của viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (Hà Nội năm 1992); “Những vấn đề cơ bản của hiến pháp của các nước trên thế giới” của tập thể các nhà khoa học GS,TS. Nguyên Đăng Dung, PGS, TS. Bùi Xuân Đức, PGS,TS. Đinh Ngọc Vượng, PGS,TS. Phạm Hữu Nghị, do GS, TSKH. Đào Trí úc chủ biên (Hà Nội năm 1992); Giáo trình “Luật hiến pháp của các nước tư bản” của GS,TS. Nguyễn Đăng Dung và PGS,TS. Bùi Xuân Đức (Hà Nội 1993); Giáo trình Luật hiến pháp nước ngoài của Đại học luật Hà Nội do PGS,TS. Thái Vĩnh Thắng chủ biên năm 1999. “Sự ra đời và phát triển của Hiến pháp trong lịch sử” của TS. Nguyễn Đình Lộc (giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam – Hà Nội năm 2009 do PGS,TS. Thái Vĩnh Thắng chủ biên); “Quyền con người trong thế giới hiện đại” của tập thể tác giả do GS. Hoàng Văn Hảo, TS. Phạm Khiêm ích chủ biên (Hà Nội năm 1995); “Tổ chức và hoạt động của Chính phủ ở một số nước trên thế giới” (Hà Nội năm 1997) và “Chế độ bầu cử của một số nước trên thế giới” (Hà Nội năm 1997) của TS. Vũ Hồng Anh. “Hiến pháp: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do GS,TS. Nguyễn Đăng Dung, GS,TS. Phạm Hồng Thái và TS. Vũ Công Giao chủ biên, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2011. “Tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước” của PGS,TS. Thái Vĩnh Thăng, Nxb. Tư pháp, 2011.

Ngoài ra còn có nhiều công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành, như Nhà nước và pháp luật, Luật học, Dân chủ và pháp luật, Nghiên cứu lập pháp, Người đại biểu nhân dân của GS,TSKH. Đào Trí úc, GS,TS. Trần Ngọc Đường, GS,TS. Nguyễn Đăng Dung, GS,TS. Phạm Hồng Tái, GS,TS. Phan Trung Lý, PGS,TS. Chu Hồng Thanh, PGS,TS. Thái Vĩnh Thắng, GS,TSKH. Lê Cảm, TS. Vũ Hồng Anh, TS Vũ Công Giao, PGS,TS. Nguyễn Minh Đoan, PGS,TS. Bùi Xuân Đức, PGS,TS Trương Đắc Linh, TS. Vũ Văn Nhiêm, TS. Vũ Đức Khiển, TS Nguyễn Cảnh Hợp, TS Trương Thị Hồng Hà, TS. Đặng Minh Tuấn, ThS. Bùi Ngọc Sơn và các tác giả khác.


[1] Văn phòng Quốc hội – Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.1998, tr.36.

5/5 - (1432 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền