Định tội danh đối với hành vi phạm tội chưa hoàn thành

dinh-toi-danh

Luật hình sự Việt Nam không chỉ xem hành vi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản là tội phạm, mà còn xem cả hành vi chuẩn bị cho việc thực hiện tội phạm cố ý cũng như hành vi chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm của một tội cố ý vì nguyên nhân khách quan là tội phạm. Và để có cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự, thì hành vi chuẩn bị phạm tội cũng như hành vi phạm tội chưa đạt cũng có những đặc điểm cấu thành riêng biệt: đó là cấu thành tội phạm của chuẩn bị phạm tội và cấu thành tội phạm của phạm tội chưa đạt.

 

Các nội dung liên quan:

 

Cấu thành tội phạm của chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt không được phản ánh trực tiếp tại từng tội danh cụ thể. Dấu hiệu của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt được quy định trong các quy phạm thuộc phần chung Bộ luật hình sự. Đó là các dấu hiệu có tính chất chung cho tất cả các tội danh nhưng chưa phải là cấu thành của chuẩn bị phạm tội và cấu thành của phạm tội chưa đạt của riêng một tội phạm cụ thể nào cả. Cấu thành tội phạm chỉ được hình thành trên cơ sở kết hợp cấu thành tội phạm của một tội phạm cụ thể với quy định chung về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Vì thế, nếu đối chiếu hành vi chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt với riêng cấu thành cơ bản của một tội cụ thể thì hành vi này hoặc không thỏa mãn, hoặc chưa thỏa mãn hết những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản. Nhưng nếu đặt cấu thành cơ bản trong mối liên hệ với điều luật quy định về
các giai đoạn thực hiện tội phạm thì hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đều hoàn toàn thỏa mãn những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản và của các quy định về giai đoạn thực hiện tội phạm.

Khi định tội danh đối với hành vi phạm tội chưa hoàn thành, việc xác định đúng giai đoạn thực hiện tội phạm là một việc làm rất quan trọng, bởi vì với mỗi tội danh, nhà làm luật quy định thời điểm hoàn thành tội phạm không giống nhau. Ví dụ như trong “tội cướp tài sản” (điều 133) thì tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội có hành vi tấn công (dùng vũ lực, đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc các hành vi khác…) dù người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay chưa, nhưng đối với một số tội phạm khác thì thời điểm tội phạm hoàn thành là thời điểm người phạm tội lấy được tài sản khỏi nơi cất giữ, ví dụ như “tội công nhiên chiếm đoạt tài sản” (điều 137) hoặc “tội cướp giật tài sản” (điều 136)…v.v…

Ngoài ra, những quy định về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chỉ được thể  hiện ở một số tội phạm nhất định. Có những tội danh mà do những tính chất khách quan đặc thù nên nhà làm luật đã không quy định về các giai đoạn thực hiện tội phạm. Thứ nhất, đối với trường hợp không hành động là tội phạm, như “tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (điều 102) hoặc “tội không tố giác tội phạm” (điều 314), đối với những tội phạm đó thì không thể có giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt, bởi vì người phạm tội hoàn toàn không dự đoán được việc xảy ra một tội phạm cụ thể, những tình tiết khách quan được mô tả trong những tội danh tương ứng diễn ra trước khi người phạm tội có hành vi “không hành động”, vì thế người phạm tội không hề có sự chuẩn bị trước sẽ làm như thế nào, và cũng chính vì không hề có ý định phạm tội từ trước nên vấn
đề tội phạm được thực hiện đến giai đoạn nào cũng không được đặt ra, thế nên trong những trường hợp không hành động chỉ đặt ra vấn đề là tội phạm đã hoàn thành hoặc không có tội phạm mà thôi. Thứ hai, đối với những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định để thỏa mãn cấu thành tội phạm cơ bản cần có dấu hiệu “bị xử phạt hành chính” hoặc “bị xử lý kỷ luật” thì khi hành vi được thực hiện cũng không bị coi là phạm tội chưa đạt. Khi đó, người có hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật thay vì bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn tội phạm chưa hoàn thành. Ví dụ, Điều 125 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex…đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm…”. Nếu người có hành vi chiếm đoạt thư, điện báo, telex…mà chưa bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này thì không bị xem là phạm tội chưa đạt tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác mà chỉ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính.

 


Các tìm kiếm liên quan đến Định tội danh đối với hành vi phạm tội chưa hoàn thành, tội phạm cấu thành hình thức không có giai đoạn phạm tội chưa đạt, phạm tội hoàn thành, tội giết người chưa đạt đã hoàn thành, dấu hiệu pháp lý phạm tội chưa đạt, các dấu hiệu của phạm tội chưa đạt, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, điều 18 bộ luật hình sự, chuẩn bị phạm tội

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.