Đề cương môn Luật biển quốc tế: Câu hỏi & bài tập

Chuyên mụcCông pháp quốc tế, Đề cương ôn tập Luật biển quốc tế

Đề cương môn Luật biển quốc tế full chương trình được biên soạn bởi thầy Trần Phú Vinh, trưởng bộ môn Luật biển quốc tế của Trường Đại học Luật TP. HCM.

 

Những nội dung liên quan:

 

Đề cương môn Luật biển quốc tế

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ LUẬT BIỂN QUỐC TẾ

1. 1. Khái niệm về Luật Biển quốc tế

Định nghĩa: Luật biển quốc tế là một ngành luật độc lập trong hệ thống luật quốc tế bao gồm tổng thể các nguyên tắc, qui phạm pháp luật quốc tế do chính các chủ thể luật quốc thỏa thuận xây dựng nên nhằm điều chỉnh chế độ pháp lý của các vùng biển và các hoạt động sử dụng biển cũng như bảo vệ môi trường biển và hợp tác quốc tế giữa các quốc gia trong lĩnh vực này.

1. 2. Quá trình hình thành và phát triển Luật Biển quốc tế

1. 2. 1. Trước năm 1930

1. 2. 2. Hội nghị pháp điển hóa Luật quốc tế năm 1930

1. 2. 3. Hội nghị Luật biển lần 1 năm 1958

1. 2. 4. Hội nghị Luật biển lần 3 năm 1982

1. 3. Nguyên tắc của Luật Biển quốc tế

1. 3. 1. Nguyên tắc tự do biển cả: Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển.

1. 3. 2. Nguyên tắc sử dụng hợp lý và bảo tồn tài nguyên biển: các quốc gia có nghĩa vụ đảm bảo sao cho hoạt động khai thác và sử dụng biển phải được tiến hành một cách hợp lý và kèm theo hoạt động bảo tồn.

1. 3. 3. Nguyên tắc công bằng: Quyền của các quốc gia không có biển hoặc bất lợi về mặt địa lý; Công bằng trong sử dụng biển cả; Công bằng trong quản lý, khai thác và phân chia tài nguyên của Vùng; Công bằng trong phân định biển;

1. 3. 4. Nguyên tắc bảo vệ môi trường biển: các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển

1. 3. 5. Nguyên tắc sử dụng biển cả vì mục đích hoà bình: các quốc gia không được sử dụng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực ở vùng biển cả.

1. 3. 6. Nguyên tắc giữ gìn di sản chung của nhân loại: Vùng và tài nguyên trên vùng là tài sản chung của nhân loại, thuộc quyền sở hữu của cộng đồng quốc tế thay mặt cho tất cả các quốc gia.

1. 4. Nguồn của Luật Biển quốc tế

1. 4. 1. Nguồn cơ bản

a) Điều ước quốc tế

b) Tập quán quốc tế

c) Quan hệ ĐƯQT & TQQT

1. 4. 2. Các nguồn bổ trợ

a) Nguyên tắc pháp luật chung

b) Phán quyết của tòa án quốc tế

c) Các học thuyết

CHƯƠNG 2: CÁC VÙNG BIỂN THUỘC CHỦ QUYỀN QUỐC GIA

2. 1.  Đường cơ sở

2. 1. 1.   Khái niệm

Đường cơ sở là đường dùng để xác định chiều rộng các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia.

2. 1. 2.   Các phương pháp xác định đường cơ sở

a) Đường cơ sở thông thường là ngấn thủy triều xuống thấp nhất dọc bờ biển; áp dụng đối với các quốc gia có bờ biển thẳng, bằng phẳng, không có các đoạn lồi lõm ven bờ và ngấn nước thủy triều xuống thấp nhất thể hiện rõ ràng.

b) Đường cơ sở thẳng là đường nối những điểm nhô ra nhất của bờ biển và những điểm nhô ra nhất của các đảo ven bờ; áp dụng đối với các quốc gia có bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm; hoặc có một chuỗi đảo chạy dọc và nằm ngay sát ven bờ; hoặc có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của bờ biển như sự hiện diện của các châu thổ.

2. 1. 3.   Xác định đường cơ sở khi có hoàn cảnh đặc biệt

d) Cửa sông: Đường cơ sở là một đường thẳng được kẻ ngang qua cửa sông nối liền các điểm ngoài cùng của ngấn nước triều thấp nhất ở hai bên bờ sông.

e) Cảng biển: các công trình thiết bị thường xuyên là bộ phận hữu cơ của một hệ thống cảng, nhô ra ngoài khơi xa nhất, được gọi là thành phần của bờ biển.

f) Công trình lấn biển: Các công trình lấn biển (không phục vụ mục đích cảng) được các quốc gia xác định là một phần của bờ biển.

g) Đảo: là vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Chuỗi đảo chạy dọc và nằm ngay sát ven bờđược sử dụng để xác định đường cơ sở.

h) Bãi cạn lúc chìm lúc nổi: Vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. Khi các bãi cạn này ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì không được sử dụng để xác định đường cơ sở. Khi các bãi cạn này ở cách lục địa hoặc một đảo khoảng cách không quá chiều rộng của lãnh hải, quốc gia ven biển được quyền: (i) hoặc áp dụng phương pháp đường cơ sở thông thường; (ii) hoặc áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng nếu ở các bãi cạn đó có những đèn biển hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước.

i) Vịnh thiên nhiên: là một vùng lõm sâu rõ rệt vào đất liền. Một vùng lõm chỉ được coi là một vịnh nếu như diện tích của nó ít nhất cũng bằng diện tích của một nửa hình tròn có đường kính là đường thẳng kẻ ngang qua cửa vào của vùng lõm. Giới hạn tối đa bề rộng của cửa ra vào vịnh là 24 hải lý (1 hải lý = 1. 852 m) .

j) Vịnh lịch sử: là một vịnh biển mặc dù cửa vịnh có thể vượt quá 24 hải lý nhưng có vị trí địa lý đặc biệt, liên quan trực tiếp về an ninh, chính trị, kinh tế,. . . đối với quốc gia ven biển. Nó gắn liền với các hoạt động của quốc gia trong nhiều lĩnh vực và đã được quốc gia ven biển chiếm hữu, sử dụng từ lâu (thể hiện tính lịch sử đặc biệt) .

k) Vùng nước lịch sử nhiều khi bao gồm cả vịnh lịch sử, nhưng vùng nước lịch sử có nghĩa rộng hơn vịnh lịch sử. Vùng nước này là vùng nước thuộc các biển, vịnh, vũng đậu tàu , cửa eo biển,. . . Việc xác định một khu vực biển nào đó là vùng nước lịch sử căn cứ vào những yếu tố sau đây:

– Có danh nghĩa lịch sử có nghĩa là quốc gia ven biển đã chiếm hữu, sử dụng, khai thác từ lâu đời mà không có quốc gia nào phản đối.

– Có vị trí địa lý đặc biệt gắn liền với lãnh thổ quốc gia và là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia.

– Có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng đối với quốc gia ven biển.

– Vùng đó nằm cách xa đường hàng hải quốc tế.

– Có sự chấp nhận công khai hoặc sự im lặng không phản đối từ phía quốc gia khác đặc biệt là từ phía các nước láng giềng có quyền lợi từ vùng này.

2. 2. Nội thủy

2. 2. 1. Khái niệm

Nội thủy là vùng nước có tính chất biển được giới hạn bởi một bên là đuờng bờ biển của quốc gia và một bên là đường cơ sở.

2. 2. 2. Các bộ phận thuộc nội thủy

a) Cảng biển

b) Vịnh thiên nhiên

c) Vịnh lịch sử

d) Vùng nước lịch sử

2. 2. 3. Chế độ pháp lý của nội thủy

a) Đặc điểm chế độ pháp lý của nội thủy:

– Nội thủy là bộ phận của lãnh thổ quốc gia, thuộc chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của quốc gia ven biển;

– Mọi qui chế, luật lệ ban hành trên đất liền đều áp dụng cho nội thủy. Chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt này được áp dụng cho cả lớp nước biển, lòng đất dưới đáy biển cũng như vùng trời của nội thủy.

b) Chế độ đi lại trong nội thủy đối với tàu thuyền nước ngoài:

– Bất cứ tàu thuyền nào của nước ngoài muốn vào nội thủy của quốc gia ven biển đều phải xin phép trước và được phép của quốc gia ven biển mới được vào;

– Tàu thuyền thương mại vào các cảng biển quốc tế trên cơ sở nguyên tắc tự do thông thương và có đi có lại.

– Tàu quân sự và tàu của nhà nước dùng trong lĩnh vực phi thương mại phải xin phép;

– Khi vào nội thủy của quốc gia ven biển tất cả các tàu thuyền nước ngoài đều phải dùng hoa tiêu của quốc gia sở tại.

c) Quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với tàu thuyền nước ngoài ở nội thủy

– Đối với tàu quân sự và tàu nhà nước dùng trong lĩnh vực phi thương mại

+ Được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối về tư pháp và được coi là bất khả xâm phạm. Quốc gia ven biển không có quyền tài phán hành vi vi phạm và thiệt hại do các tàu này gây ra. Tuy nhiên các tàu thuyền này vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành mọi luật lệ có liên quan của quốc gia ven biển.

+ Trường hợp có hành vi phạm pháp thì quốc gia ven biển có quyền:

Yêu cầu chiếc tàu đó ra khỏi nội thủy trong một thời gian nhất định.

Yêu cầu quốc gia có tàu phải áp dụng chế tài hợp pháp với thủy thủ vi phạm.

Yêu cầu quốc gia có tàu phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của tàu đó gây ra trong thời gian đậu ở nội thủy của quốc gia ven biển

– Đối với tàu dân sự dùng trong lĩnh vực thương mại

+ Về mặt hình sự:

Nếu có vi phạm pháp luật phải chịu sự tài phán của quốc gia ven biển.

Quốc gia ven biển có quyền bắt giữ, truy tố, xét xử theo pháp luật của nước mình và trước Tòa án của nước mình đối với hành vi phạm pháp trên đất liền và trên nội thủy

Những hành động phạm pháp xảy ra trên tàu trong thời gian tàu đang đậu ở nội thủy của quốc gia ven biển thì quốc gia ven biển có quyền xét xử trong các trường hợp sau:

üNếu hành vi phạm tội do một người ngoài thủy thủ đoàn thực hiện.

üNếu thuyền trưởng yêu cầu chính quyền sở tại can thiệp.

üNếu hậu quả của nó ảnh hưởng tới an ninh trật tự của nội thủy.

+ Về mặt dân sự: Tòa án của quốc gia ven biển có quyền xét xử các vụ kiện dân sự:

Giữa các tàu nước ngoài cùng đậu ở nội thủy của quốc gia ven biển.

Giữa thủy thủ đoàn của tàu với công dân nước sở tại.

+ Về mặt hành chính: Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu và thủy thủ đoàn khi vi phạm pháp luật trên đất liền, trong lãnh thổ của quốc gia ven biển.

2. 3. Chế độ pháp lý của đảo

2. 3. 1.   Khái niệm

Đảo là vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

2. 3. 2.   Chế độ pháp lý

– Đảo xa bờ là một bộ phận lãnh thổ vùng đất của quốc gia thuộc chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của quốc gia.

– Đảo có đường cơ sở riêng.

– Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của đảo được hoạch định như lãnh thổ đất liền.

– Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

2. 4. Vùng nước quần đảo

2. 4. 1. Khái niệm quần đảo và vùng nước quần đảo

– Quần đảo là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

– Vùng nước quần đảo là vùng biển nằm bên trong của đường cơ sở quần đảo dùng để tính chiều rộng lãnh hải do quốc gia quần đảo ấn định.

2. 4. 2. Đường cơ sở quần đảo

– Là đường nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất.

– Tỷ lệ vùng nước xác lập bởi các tuyến đường cơ sở so với diện tich đất: 1:1 – 9:1.

– Chiều dài các đường cơ sở không vượt qua 100 hải lý.

– 3% tổng số các đường cơ sở không vượt quá 125 hải lý.

– Tuyến các đường cơ sở không được tách quá xa đường bao quanh chung của quần đảo

2. 4. 3. Chế độ pháp lý của quần đảo

– Vùng nước quần đảo thuộc chủ quyền của quốc gia quần đảo bất kể chiều sâu và khoảng cách xa bờ của chúng. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên vùng nước quần đảo, cũng như đến đáy vùng nước đó và lòng đất tương ứng và đến các tài nguyên ở đó.

– Tàu thuyền của tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong vùng nước quần đảo

2. 5. Eo biển quốc tế

2. 5. 1. Khái niệm eo biển quốc tế

– Eo biển dùng cho hàng hải quốc tế là là eo biển giữa một bộ phận của biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế và một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế.

– Eo biển quốc tế được sử dụng như một cửa ngõ huyết mạch trong giao thông đường biển, là con đường hàng hải ngắn nhất và tiện lợi nhất đối với các quốc gia. Thông thường eo biển quốc tế là một bộ phận thuộc lãnh thổ của một quốc gia.

2. 5. 2. Quy chế pháp lý của eo biển quốc tế

– Tất cả các tàu thuyền và phương tiện bay đều được hưởng quyền quá cảnh trên eo biển quốc tế mà không bị cản trở (Điều 38 CULB 1982) .

– Quá cảnh có nghĩa là việc thực hiện quyền tự do hàng hải và tự do hàng không với mục đích duy nhất là đi qua liên tục và nhanh chóng.

– Trong khi thực hiện quyền quá cảnh, các tàu thuyền và phương tiện bay (Điều 38 CULB 1982)

+ Đi qua hay bay qua không chậm trễ.

+ Không được đe dọa hay dùng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của các quốc gia ven eo biển quốc tế và kênh đào quốc tế.

+ Không được có hoạt động nào khác ngoài những hoạt động cần cho sự quá cảnh liên tục và nhanh chóng theo phương thức đi bình thường, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc nguy cấp.

2. 6. Lãnh hải

2. 6. 1. Khái niệm lãnh hải

– Lãnh hải là một vùng biển có chiều rộng nhất định (không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở – Điều 3 CULB 1982) một bên là đường cơ sở của quốc gia ven biển, bên kia là ranh giới phía ngoài của lãnh hải.

– Lãnh hải là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của quốc gia ven biển. Chủ quyền của quốc gia bao trùm lên cả vùng trời cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

– Đường ranh giới phía ngoài lãnh hải chính là đường biên giới của quốc gia trên biển.

2. 6. 2. Quy chế pháp lý của lãnh hải

a) Chế độ tàu nước ngoài qua lại vô hại ở lãnh hải

– Tàu thuyền nước ngoài được qua lại vô hại.

– Qua lại vô hại nghĩa là tàu đang trong trạng thái chuyển động bình thường, nhanh chóng và liên tục, không được dừng lại hoặc thả neo, không được lợi dụng việc qua lại vô hại để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trừ trường hợp tai nạn. Qua lại vô hại là không xâm phạm đến hòa bình, trật tự hoặc an ninh của nước ven biển.

– Việc qua lại của tàu thuyền nước ngoài bị coi là xâm phạm đến hòa bình, trật tự và an ninh của quốc gia ven biển nếu trong khi ở trong lãnh hải tàu thuyền đó có những hoạt động sau (Điều 19 CULB 1982) :

1. Đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển.

2. Hoạt động diễn tập quân sự.

3. Thu thập tin tức có liên quan đến việc phòng vệ hoặc an ninh của quốc gia ven biển.

4. Tuyên truyền hoặc gây hại đến việc phòng vệ hoặc an ninh của quốc gia ven biển.

5. Phóng lên, hạ cánh hoặc bốc lên tàu mọi loại máy bay.

6. Đưa ra, dỡ khỏi tàu hoặc bốc lên tàu mọi phương tiện quân sự.

7. Bốc hoặc dỡ hàng hóa, đưa lên, đưa xuống tiền bạc hoặc người trái với luật lệ hải quan, y tế hoặc nhập cư của quốc gia ven biển.

8. Gây ô nhiễm.

9. Đánh bắt hải sản.

10. Nghiên cứu hay đo đạc.

11. Hành động làm rối hệ thống liên lạc hoặc công trình thiết bị của nước ven biển

12. Hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc qua lại.

b) Quyền tài phán của quốc gia ven biển trong lãnh hải

– Đối với Tàu quân sự và tàu dân sự của nhà nước dùng trong lĩnh vực phi thương mại: được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối về tư pháp. Quốc gia mà tàu đó mang cờ phải chịu trách nhiệm trước mọi hành vi phạm pháp và thiệt hại do chúng gây ra trong lãnh hải của quốc gia ven biển.

– Đối với Tàu dân sự dùng trong lĩnh vực thương mại

+ Về mặt hình sự (Điều 27 CULB 1982)

Nếu chiếc tàu nước ngoài đi qua lãnh hải sau khi rời khỏi nội thủy của quốc gia ven biển mà vi phạm hình sự xảy ra trên con tàu thì quốc gia ven biển có quyền áp dụng mọi biện pháp bắt giữ, kiểm soát hoặc truy tố trước Tòa án của nước mình. Tuy nhiên khi áp dụng các biện pháp này, quốc gia ven biển phải thông báo cho cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà tàu đó mang cờ.

Nếu chiếc tàu nước ngoài đi qua lãnh hải của quốc gia ven biển (để vào nội thủy hoặc chỉ đi qua lãnh hải không vào nội thủy) mà vi phạm hình sự xảy ra trên con tàu trong khi nó đang ở trong lãnh hải thì quốc gia ven biển không có quyền thực hiện quyền tài phán của mình, trừ các trường hợp sau:

üNếu hậu quả của việc vi phạm đó mở rộng đến quốc gia ven biển.

üNếu sự vi phạm đó có tính chất phá hoại hòa bình hay trật tự trong lãnh hải

üNếu thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của chính quyền nước ven biển.

üNếu cần thiết để ngăn chặn các hành vi phạm tội như buôn lậu chất ma túy hoặc các chất kích thích.

Nếu chiếc tàu nước ngoài đi qua lãnh hải không vào nội thủy mà vi phạm hình sự xảy ra trước khi con tàu vào vùng lãnh hải của quốc gia ven biển thì quốc gia ven biển không can thiệp.

+ Về mặt dân sự (Điều 28 CULB 1982)

Quốc gia ven biển sẽ thực hiện quyền tài phán dân sự của mình đối với tàu nước ngoài đang đậu trong lãnh hải hoặc đang đi qua lãnh hải sau khi rời nội thủy.

Các trường hợp khác thì quốc gia ven biển không được bắt tàu đó phải dừng lại hoặc thay đổi hành trình chỉ với mục đích xét xử dân sự đối với một thành viên trên tàu đó.

CHƯƠNG 3: CÁC VÙNG BIỂN THUỘC QUYỀN CHỦ QUYỀN QUỐC GIA

3. 1. Vùng tiếp giáp

3. 1. 1. Khái niệm vùng tiếp giáp

Vùng tiếp giáp là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải, tiếp liền với lãnh hải, rộng không quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở (Điều 33. 2 CULB 1982) .

3. 1. 2. Quy chế pháp lý của vùng tiếp giáp

– Vùng tiếp giáp lãnh hải khác về bản chất so với vùng lãnh hải. Đây là một vùng biển mà quốc gia ven biển được hưởng các quyền mang tính chất chủ quyền trên những lĩnh vực nhất định (mang tính chất cảnh giác) .

– Các quyền thuộc chủ quyền quốc gia ở vùng biển này bao gồm (Điều 33. 1 CULB 1982) :

+ Ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật về qui định hải quan, thuế, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình.

+ Trừng trị những vi phạm đối với các luật và qui định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình.

3. 2. Vùng đặc quyền kinh tế

3. 2. 1. Khái niệm vùng đặc quyền kinh tế

Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải rộng không quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải (Điều 55 và 57 CULB 1982) .

3. 2. 2. Quy chế pháp lý của đặc quyền kinh tế

a) Quyền của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế

– Quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này nhằm mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió (Điều 56 CULB 1982) .

+ Đối với tài nguyên sinh vật:

Tự mình định ra khối lượng có thể đánh bắt (Điều 61. 1) .

Tự mình đánh giá khả năng thực tế của mình và tự mình ấn định số dư của khối lượng cho phép đánh bắt (Điều 62. 2) .

Thi hành mọi biện pháp thích hợp về bảo tồn và quản lý để duy trì các nguồn tài nguyên sinh vật khỏi bị ảnh hưởng do khai thác quá mức (Điều 61. 2) .

+ Đối với tài nguyên không sinh vật: quốc gia ven biển là người duy nhất có quyền thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên không sinh vật của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

– Quốc gia ven biển có quyền tài phán trong các lĩnh vực:

+ Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình (Điều 60) .

Đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và qui định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình.

Trên các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình này, quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt cả về mặt pháp luật và các qui định về hải quan, thuế, y tế, an ninh và nhập cư.

+ Nghiên cứu khoa học về biển: công tác nghiên cứu khoa học về biển trong vùng đặc quyền kinh tế phải được tiến hành với sự thỏa thuận của quốc gia ven biển (Điều 246. 1,2) và không được cản trở đến các quyền thuộc chủ quyền và các quyền tài phán khác của quốc gia ven biển. Quốc gia ven biển có quyền yêu cầu đình chỉ các công tác nghiên cứu khoa học về biển đang tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

+ Bảo vệ và giữ gìn môi trường biển:

Chống lại ô nhiễm bắt nguồn từ đất (Điều 207) .

Chống lại ô nhiễm do các hoạt động liên quan đến đáy biển thuộc quyền tài phán của quốc gia gây ra (Điều 208) .

Chống lại ô nhiễm do nhận chìm (Điều 210. 5) .

Chống lại ô nhiễm từ tàu (Điều 211) .

b) Quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác đối với vùng đặc quyền kinh tế

– Tàu thuyền và máy bay của tất cả các nước có biển hay không có biển đều được hưởng:

+ Quyền tự do hàng hải.

+ Quyền tự do bay trên không.

+ Quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm (phải được sự thỏa thuận của quốc gia ven biển) .

– Các quốc gia không có biển hoặc các quốc gia bất lợi về địa lý có quyền tham gia vào các hoạt động khai thác số dư của khối lượng cho phép đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển (Điều 69,70) thông qua các điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận liên quan, đặc biệt ưu tiên cho các quốc gia đang phát triển.

– Các quốc gia khác muốn nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền về kinh tế của quốc gia ven biển phải được sự đồng ý của quốc gia đó.

– Các quốc gia khác khi hoạt động ở vùng biển này phải tôn trọng pháp luật của quốc gia ven biển và những qui định của Luật quốc tế.

c) Tính chất pháp lý của vùng đặc quyền về kinh tế

Vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng biển đặc thù hoàn toàn không phải là lãnh hải và cũng không phải là vùng biển quốc tế, trong đó thể hiện sự cân bằng giữa các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển với các quyền và quyền tự do của các quốc gia khác.

3. 3. Thềm lục địa

3. 3. 1. Khái niệm thềm lục địa

Thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn; trong trường hợp rìa lục địa ở ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở và vượt quá 300 hải lý thì không được mở thềm lục địa ngoài giới hạn 350 hải lý hoặc không được vượt quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2. 500m là đường nối các điểm có chiều sâu 2. 500m (Điều 76 CULB 1982) .

3. 3. 2. Quy chế pháp lý của thềm lục địa

a) Quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển

– Quyền của quốc gia ven biển:

+ Thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình (Điều 77 CULB 1982) .

+ Đặc quyền cho phép và điều chỉnh việc khoan ở thềm lục địa với bất kỳ mục đích nào (Điều 81 CULB 1982) .

+ Tiến hành hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp đề bảo vệ môi trường biển.

+ Xây dựng, cho phép và qui định thể thức, điều kiện xây dựng, khai thác, sử dụng đảo nhân tạo (Điều 80 CULB 1982) .

– Nghĩa vụ của quốc gia ven biển:

+ Không cản trở đến chế độ pháp lý ở vùng nước phía trên và vùng trời phía trên vùng nước đó.

+ Không được cản trở quốc gia khác đặt dây cáp ngầm và ống dẫn ngầm trên thềm lục địa.

+ Quốc gia ven biển khai thác tài nguyên thiên nhiên nằm ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở thì phải nộp các khoản đóng góp bằng tiền hoặc bằng hiện vật (được miễn nộp trong 5 năm đầu tiên; mỗi năm tiếp theo đóng 1%, 2%, 3% cho đến 7%/năm là cố định) (Điều 82 CULB 1982) .

b) Quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác (Điều 78 CULB 1982)

– Tự do hàng hải.

– Tự do hàng không.

– Tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm.

– Tự do đánh bắt cá và tự do nghiên cứu khoa học đối với lớp nước phía trên nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế.

CHƯƠNG 4: BIỂN QUỐC TẾ VÀ VÙNG

4. 1. Biển quốc tế

4. 1. 1. Khái niệm biển quốc tế

Biển quốc tế là tất cả những phần biển không thuộc vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo (Điều 86 CULB 1982) .

4. 1. 2. Chế độ pháp lý của biển quốc tế

– Biển quốc tế được để ngỏ cho mọi quốc gia dù có biển hay không có biển (Điều 87 CULB 1982) . Quyền tự do trên biển quốc tế bao gồm

+ Tự do hàng hải.

+ Tự do hàng không.

+ Tự do đặt dây cáp hoặc ống dẫn ngầm dưới biển.

+ Tự do xây dựng các đảo nhân tạo và những thiết bị khác được Luật quốc tế cho phép.

+ Tự do đánh bắt cá.

+ Tự do nghiên cứu khoa học.

– Địa vị pháp lý của tàu thuyền các nước trên Biển quốc tế:

+ Tất cả các tàu thuyền trên Biển quốc tế đều có địa vị pháp lý ngang nhau.

+ Ở trên vùng Biển quốc tế các tàu thuyền của các quốc gia phải tuân theo luật treo quốc kỳ, có nghĩa là tàu thuyền đi trên Biển quốc tế chỉ thuộc quyền tài phán của quốc gia mà nó mang quốc kỳ/quốc tịch.

+ Tàu quân sự và tàu dân sự của nhà nước dùng trong lĩnh vực phi thương mại được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ tuyệt đối (Điều 95 và 96 CULB 1982) .

+ Tất cả các quốc gia phải chịu mọi hậu quả do tàu thuyền mang cờ của nước mình gây ra.

+ Tàu quân sự của các quốc gia được quyền khám xét, bắt giữ các tàu thuyền khác trên Biển quốc tế nếu nghi ngờ chiếc tàu đó: (Điều 110 CULB 1982) .

Tiến hành cướp biển.

Chuyên chở nô lệ.

Dùng vào các cuộc phát sóng không được phép.

Không có quốc tịch, hay

Thật ra là có cùng quốc tịch với chiếc tàu quân sự đang tiến hành bắt giữ, mặc dù chiếc tàu này treo cờ nước ngoài hay từ chối treo cờ của mình.

4. 1. 3. Cướp biển

– Là hành động trái phép bắt giữ hoặc bất kỳ sự cướp phá nào do thủy thủ hoặc hành khách trên một chiếc tàu hay một phương tiện bay tư nhân gây nên, vì những mục đích riêng tư, và nhằm: (i) . Chống lại một chiếc tàu hay một phương tiện bay khác, hay chống lại những người hay của cải ở trên con tàu hoặc phương tiện bay đỗ ở biển cả; (ii) . Chống lại một chiếc tàu hay một phương tiện bay, người hay của cải, ở một nơi không thuộc quyền tài phán của một quốc gia nào;

– Tàu quân sự hoặc tàu nhà nước dùng trong lĩnh vực phi thương mại của mọi quốc gia ở biển cả đều có thể bất giữ một chiếc tàu hay một phương tiện bay cướp biển. Tòa án của quốc gia đã tiến hành việc bắt đó xét xử đối với chiếc tàu đó.

4. 1. 4. Quyền truy đuổi trên biển quốc tế

– Được thực hiện bởi tàu quân sự, máy bay quân sự, các tàu bay và phương tiện bay khác có mang những dấu hiệu chỉ rõ rằng chúng được sử dụng cho cơ quan nhà nước và được phép làm việc này.

– Việc truy đuổi được tiến hành khi quốc gia ven biển có lý do đúng đắn cho rằng chiếc tàu này đã vi phạm pháp luật và qui định của quốc gia ven biển.

– Việc truy đuổi được tiến hành khi chiếc tàu nước ngoài đang ở trong nội thủy, trong vùng nước quần đảo, lãnh hải hay trong vùng tiếp giáp lãnh hải cho đến khi ra khỏi vùng biển của quốc gia tiến hành truy đuổi. Nếu chiếc tàu đang ở trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa thì quốc gia truy đuổi phải chứng minh được là nó đã vi phạm những qui định của quốc gia ven biển áp dụng theo đúng những qui định của CULB 1982 trong hai vùng này.

– Việc truy đuổi phải liên tục, không bị gián đoạn.

– Quyền truy đuổi chấm dứt khi chiếc tàu bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia và nó thuộc quyền hay một quốc gia khác.

– Nguyên tắc áp dụng cho mối liên hệ trực thuộc: áp dụng trong trường hợp chiếc tàu mẹ đang ở vùng biển quốc tế thả tàu con (xuồng, canô) và chiếc tàu con này đã vi phạm pháp luật trên những vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển, thì quốc gia ven biển không những được quyền bắt giữ tàu con vi phạm mà còn có quyền ra tận vùng biển quốc tế để bắt giữ tàu mẹ, trừ:

+ Tuy tàu con có mối liên hệ với tàu mẹ nhưng không cùng quốc tịch với tàu mẹ.

+ Tàu mẹ thả người nhái và những người này vi phạm pháp luật trên những vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển.

4. 2. Vùng (Đáy đại dương)

4. 2. 1. Khái niệm Vùng

Vùng là toàn bộ đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia.

4. 2. 2. Chế độ pháp lý của Vùng

– Vùng và tài nguyên của vùng là di sản chung của nhân loại. Không một quốc gia nào có thể đòi hỏi thực hiện chủ quyền hoặc các quyền thuộc chủ quyền ở một phần nào đó của vùng hoặc đối với tài nguyên của vùng đó.

– Mọi hoạt động trong vùng phải được tổ chức một cách có hiệu quả dưới sự điều hành, kiểm soát của cơ quan quyền lực quốc tế. Cơ quan này có quyền tự quyết định khai thác hoặc cho các nước khai thác theo điều kiện do cơ quan đó quyết định.

– Vùng phải được sử dụng nhằm mục đích hòa bình và an ninh quốc tế, vì lợi ích thúc đẩy sự hợp tác quốc tế.

– Mọi hoạt động thăm dò, khai thác ở vùng phải được tiến hành vì mục đích phục vụ toàn thể loài người, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt vị trí địa lý, nước có biển hay không có biển, đặc biệt chú ý đến nhu cầu của các nước đang phát triển.

– Tôn trọng đầy đủ các quyền lợi chính đáng của các quốc gia ven biển.

– Các hiện vật có tính chất cổ và lịch sử tìm thấy trong vùng sẽ được bảo tồn và định đoạt vì lợi ích của toàn thể loài người.

– Mọi hoạt động trong vùng phải tuân theo pháp luật và tập quán quốc tế.

CHƯƠNG 5: PHÂN ĐỊNH BIỂN, KHÁI THÁC CHUNG VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BIỂN

5. 1. Những vấn đề pháp lý và thực tiễn về phân định biển

5. 1. 1. Khái niệm

Phân định biển là quá trình do các quốc gia thực hiện nhằm xác định các danh nghĩa pháp lý tương ứng của mỗi quốc gia trên các vùng biển chồng lấn.

5. 1. 2. Đặc điểm

– Hành vi pháp lý quốc tế

– Các quốc gia tranh chấp có cùng danh nghĩa pháp lý

– Tồn tại sự chồng lấn của các vùng biển

5. 1. 3. Nguyên tắc và phương pháp phân định

– Các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền áp dụng nguyên tắc thỏa thuận;

– Trong trường hợp không có thỏa thuận, các bên áp dụng phương pháp đường trung tuyến/cách đều;

– Hiệu lực của đường trung tuyến/cách đều sẽ bị thay đổi  trong trường hợp tồn tại các hoàn cảnh đặc biệt:

+ Các yếu tố địa lý;

+ Hình dạng bờ biển (lồi lõm, khúc khuỷu…) ;

+ Tỷ lệ bờ biển trong khu vực phân định;

+ Sự thay đổi xu thế của bờ biển;

+ Sự hiện diện của các đảo;

4. 3. 3 Thực trạng phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực

a) Tình hình tranh chấp

b) Các tranh chấp đã giải quyết

– Việt Nam – Campuchia: Hiệp định Vùng nước lịch sử

– Việt Nam – Malaysia: Thỏa thuận khai thác chung

– Việt Nam – Thái Lan: Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa

– Việt Nam – Trung Quốc: Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá tại Vịnh Bắc Bộ

– Việt Nam – Indonesia:  Hiệp định phân định thềm lục địa

c) Các tranh chấp còn tồn tại

– Việt Nam – Campuchia: Phân định Vùng nước lịch sử

– Việt Nam – Malaysia: Phân định thềm lục địa

– Việt Nam – Thái Lan – Malaysia: Phân định vùng chồng lấn ba bên

– Việt Nam – Trung Quốc: Phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ

– Việt Nam – Indonesia: Phân định vùng đặc quyền kinh tế

5. 2. Khai thác chung

5. 2. 1. Khái niệm

Khai thác chung là thỏa thuận trong việc nghiên cứu, thăm dò, khai thác và quản lý nguồn tài nguyên biển ở vùng chồng lấn giữa các quốc gia đối diện nhau hoặc tiếp liền nhau hay những nơi có nguồn tài nguyên trải dài qua đường ranh giới đã hoạch định rõ ràng.

5. 2. 2. Đặc điểm

– Chủ thể: các quốc gia đối diện nhau hoặc tiếp liền nhau;

– Đối tượng khai thác chung: tài nguyên sinh vật và không sinh vật, nghiên cứu khoa học, môi trường, hàng hải…

– Vị trí khai thác chung:

+ tài nguyên nằm vắt ngang qua đường ranh giới;

+ vùng chồng lấn: Lãnh hải; Vùng đặc quyền kinh tế; Thềm lục địa

– Tính chất khai thác chung: là giải pháp tạm thời thay cho việc xác lập đường ranh giới

5. 2. 3. Khai thác chung đối với tài nguyên không sinh vật

– Khai thác chung ở nơi có mỏ tài nguyên nằm vắt ngang qua đường ranh giới đã được xác định.

– Khai thác chung trong khu vực biển chồng lấn mà các quốc gia chưa đạt được thỏa thuận phân định biển.

5. 2. 4. Khai thác chung đối với tài nguyên sinh vật

Áp dụng với tính chất tạm thời, không ảnh hưởng đến quá trình phân định và giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia hữu quan.

5. 2. 5. Mô hình quản lý khai thác chung

– Cơ chế một quốc gia quản lý;

– Cơ chế cùng khai thác;

– Cơ quan quyền lực chung.

5. 3. Những vấn đề pháp lý về giải quyết tranh chấp biển

5. 3. 1. Khái niệm

Tranh chấp quốc tế về biển là những xung đột giữa các chủ thể của luật quốc tế trong quá trình xác lập và phân định các vùng biển theo quy định của luật quốc tế.

5. 3. 2. Cơ chế giải quyết tranh chấp biển theo Công ước 1982

Cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế bao gồm tổng thể các nguyên tắc, biện pháp, cách thức, thủ tục, phương tiện và thiết chế pháp lý điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể tranh chấp, xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc giải quyết xung đột, mâu thuẫn phát sinh.

5. 3. 3. Biện pháp giải quyết tranh chấp biển theo Công ước 1982

– Các biện pháp mang tính ngoại giao

– Các biện pháp tư pháp

+ Tòa án quốc tế về luật biển được thiết lập theo đúng phụ lục VI của Công ước;

+ Tòa án quốc tế;

+ Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII;

+ Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo phụ lục VIII.

5. 3. 4. Tòa án quốc tế về luật biển

5. 3. 5. Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII

5. 3. 6. Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo phụ lục VIII

5. 3. 7. Vụ kiện Philippines – Trung quốc

a) Quan điểm giải quyết tranh chấp của Trung quốc

b) Vấn đề yêu cầu Tòa trọng tài giải quyết

c) Phán quyết của Tòa trọng tài

d) Tác động đối với Việt Nam

Danh mục tài liệu học tập môn Luật biển

I.   TÀI LIỆU HỌC TẬP

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2013) , Giáo trình Luật Quốc tế, NXB Hồng Đức.

II. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Trường Đại học Luật Hà Nội (2010) , Giáo trình luật Quốc tế, NXB Công an nhân dân,.

2.   Ngô Hữu Phước (2010) , Luật quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia, 2010.

3.   Nguyễn Hồng Thao (1997) , Giáo trình chuyên khảo về Luật biển quốc tế, tài liệu giảng dạy lưu hành nội bộ của Đại học Huế – Trung tâm đào tạo từ xa.

4.   Lê Mai Anh (2005) ,Luật biển quốc tế hiện đại, NXB Lao động-Xã hội.

5.   Ban biên giới, Bộ Ngoại giao (2004) , Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của Luật biển ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6.   Đỗ Hoà Bình,Phân định biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và thực tiễn Việt Nam. Tham luận tại hội thảo Chính sách pháp luật về biển và sự phát triển bền vững, Hạ Long 7/2005.

7.   Bộ Ngoại giao – Ban Biên giới (2002) , Sổ tay pháp lý cho người đi biển, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8.   Bộ Ngoại giao (đề tài KC. 09-14) , Hiện trạng thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 tại Việt Nam, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội.

9.   Bộ Ngoại giao- Ban biên giới (2004) , Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của Luật biển ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội

10. Phạm Ngọc Chi, Viện Quan hệ quốc tế (1990) , Thềm lục địa những vấn đề pháp lý quốc tế, NXB Pháp lý, Hà Nội

11. Huỳnh Minh Chính, Một số nét thực tiễn của Việt Nam về giải quyết hoà bình tranh chấp quốc tế trên biển. Tham luận tại hội thảo Chính sách pháp luật về biển và sự phát triển bền vững. Hạ Long 7/2005.

12. Nguyễn Bá Diến (2006) , chính sách pháp Luật Biển của Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững, Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội, NXB Tư pháp, Hà Nội.

13. Nguyễn Bá Diến, Vấn đề phân định biển trong Luật Biển quốc tế hiện đại, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, Kinh tế-Luật số 01/2007.

14. Nguyễn Bá Diến và cáctác giả khác (2006) , Chính sách, pháp Luật Biển của Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững, NXB Tư pháp, Hà Nội.

15. Nguyễn Bá Diến,Tổng quan pháp luật Việt Nam về biển. Tham luận tại hội thảo Chính sách pháp luật về biển và sự phát triển bền vững. Hạ Long 7/2005.

16. Phạm Giảng (1983) , Luật Biển những vấn đề cơ bản theo Công ước 1982, NXB Pháp lý.

17. Vũ Phi Hoàng (1988) , Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bộ phận lãnh thổ Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân.

18. Monique Chemillier Gendrau (1998) , Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sách tham khảo, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

19. Phòng bảo đảm hàng hải (1982) , Một số vấn đề về Luật Biển, NXB Bộ Tư lệnh Hải quân,.

20. Ngô Hữu Phước, Những vấn đề pháp lý cơ bản về đường cơ sở trong luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, Tạp chí Khoa học Pháp lý, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh số 5/2005.

20. Ngô Hữu Phước, Lê Đức Phương (2011) , Hỏi đáp về chủ quyền biển đảo trong luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, NXB Lao động xã hội.

22. Nguyễn Hồng Thao (1997) , Những điều cần biết về Luật Biển, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.

23. Nguyễn Hồng Thao (1997) , Luật biển, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.

24. Nguyễn Hồng Thao (2001) , Tòa án công lý quốc tế, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

25. Nguyễn Hồng Thao, Một số vấn đề cơ bản trong xây dựng dự thảo Luật các vùng biển Việt Nam. Tham luận tại hội thảo Chính sách pháp luật về biển và sự phát triển bền vững. Hạ Long 7/2005.

26. Nguyễn Hồng Thao (1998) , Luật biển và chính sách biển của Việt nam trong việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Viện thông tin khoa học xã hội, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia. Hà nội.

27. Nguyễn Hồng Thao, Tuyên bố cách ứng xử của các bên ở biển đông-bước tiến trên con đường thiết lập một bộ quy tắc ứng xử cho khu vực. Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 4/2003.

28. Nguyễn Hồng Thao (2006) , Toà án quốc tế về Luật biển. NXB Tư pháp, Hà Nội.

29. Nguyễn Hồng Thao (2003) , Ô nhiểm môi trường biển Việt Nam – Luật pháp và Thực tiễn. NXB Thống kê, Hà Nội.

30. Nguyễn Quang Thắng (2008) , Hoàng Sa Trường Sa lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp quốc tế, NXB Tri thức, thành phố Hồ Chí Minh.

31. Nguyễn Tiến Vinh (chủ trì) , Đề tài Nghiên cứu khoa học cơ bản cấp Đại học quốc gia Hà Nội CB. 04. 23: Quy chế pháp lý của khu vực biên giới quốc gia trên biển, Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế, Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội, 2005.

32. Trần Phú Vinh, Luật biển và lợi ích kinh tế của các quốc gia đang phát triển, Tạp chí Khoa học Pháp lý, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh số 7/2012.

33. Nguyễn Ngọc Minh,Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1977) , Luật Biển, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

III.   TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN

1.   Trung tâm nghiên cứu Biển Đông: nghiencuubiendong. vn

2.   Bộ ngoại giao, Ban biên giới Chính phủ: www. mofa. gov. vn

IV.   VĂN BẢN PHÁP LUẬT

4. 1 Văn bản pháp luật Việt Nam

1.   Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

2.   Luật Biên giới quốc gia năm 2003

3.   Luật Biển Việt Nam năm 2012

4.   Nghị định 55/NĐ-CP/1996 về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

5.   Nghị định 30-CP ngày 29-1-1980 về qui chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của CHXHCN Việt Nam.

6.   Nghị định 71/2006/NĐ-CP ngày 25-7-2006 về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.

7.   Nghị định 161/2003/NĐ-CP ngày 18-12-2003 về Quy chế biên giới biển.

8.   Nghị định 437-HĐBT ngày 22-12-1990 về Quy chế hoạt động nghề cá của người và phương tiện nước ngoài trong vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

9.   Nghị định 48-CP của Chính phủ ngày 12-8-1996

10. Nghị định 242/HĐBT ngày 5-8-1991

11. Nghị định số 71/2006/NĐ-CP về quản lý cảng biển và luồng hàng hải

12. Nghị định 137/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam

13. Nghị định số 62/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải

14. Nghị định 55/1996/NĐ-CP về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

15. Nghị định số 30/1980/NĐ-CP về quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

16. Nghị định số 140/2004 NĐ/CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ qui định chi tiết một số điều của luật Biên giơi quốc gia.

17. Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển năm 2008

18 Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày 25-4-1989

19. Quy tắc ứng xử Biển đông DOC 2002

20. Thông tư 04 TS/TT của Bộ thủy sản ngày 30-8-1990

21. Thông tư 10/2007/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 71/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.

22. Thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định 55/1996/CP-NĐ về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

23. Tuyên bố về vùng trời của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 5-6-1984.

24. Tuyên bố về đường cơ sở của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12-11-1982.

25. Tuyên bố về chiều rộng các vùng biển của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12-5-1977.

4. 2 Điều ước quốc tế

1.   Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển quốc tế năm 1982.

2.   Công ước quốc tế năm 1973 về ngăn ngừa ô nhiễm biển do tàu biển gây ra.

3.   Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 30-12-2000

4.   Hiệp ước Bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cămpuchia ngày 10-10-2005

5.   Hiệp định về Vùng nước lịch sử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Campuchia

6.   Hiệp định biên giới biển Việt Nam – Thái lan năm 1997.

7.   Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và hợp tác nghề cá giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 26-12-2000.

8.   Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Indonesia về phân định ranh giới thềm lục địa, năm 2003.

9.   Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào năm 1977.

10. Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào năm 1986.

11. Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ngày 1/3/1990.

12. Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ngày 1/3/1990.

13. Hiệp định về quy chế biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và CHND Căm Pu Chia năm 1983.

14. Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam –Trung Quốc giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa năm 2009.

Câu hỏi và bài tập môn Luật biển

I. CÂU HỎI LÝ THUYẾT

1. Chứng minh Luật Biển là một ngành luật độc lập của hệ thống Luật quốc tế?

2. Nguồn của Luật Biển quốc tế?

3. Trình bày cách xác định đường cơ sở theo CULB 1982. Liên hệ với việc xác định đường cơ sở của Việt Nam

4. So sánh tính chất chủ quyền quốc gia đối với nội thủy và lãnh hải?

5. Chế độ pháp lý của vùng nước quần đảo?

6. Định nghĩa eo biển quốc tế? Chế độ pháp lý của eo biển quốc tế?

7. Tàu biển là gì? Phân loại tàu biển?

8. Tại sao các tàu nước ngoài khi vào nội thủy của quốc gia ven biển bắt buộc phải dùng hoa tiêu?

9. Việc tàu nước ngoài phải xin phép khi vào nội thủy của Việt Nam được quy định như thế nào?

10. Quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với tàu thuyền nước ngoài ở nội thủy? So sánh quy định của CULB 1982 với Luật Biển Việt Nam 2012?

11. Quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với tàu thuyền nước ngoài ở lãnh hải? So sánh quy định của CULB 1982 với Luật Biển Việt Nam 2012?

12. Cách xác định và chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp? Tại sao lại có quy định về vùng tiếp giáp?

13. Quyền thuộc chủ quyền là gì? Phân biệt chủ quyền và quyền chủ quyền?

14. Cách xác định và chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế?

15. Cách xác định và chế độ pháp lý của thềm lục địa?

16. Khái niệm, chế độ pháp lý của Biển quốc tế?

17. Địa vị pháp lý của tàu thuyền trên biển quốc tế?

18. Vai trò của tàu quân sự trên biển quốc tế?

19. Quyền truy đuổi trên biển quốc tế: hành vi vi phạm? Địa điểm vi phạm? Phương tiện truy đuổi? Chấm dứt việc truy đuổi? Kết quả của việc truy đuổi?

20. Khái niệm và chế độ pháp lý của Vùng?

21. Quy chế pháp lý về việc khai thác tài nguyên của Vùng dành cho các quốc gia đang phát triển?

22. Nguyên tắc về việc phân định biển?

23. Phân tích thực trạng về việc phân định biển của Việt Nam với các quốc gia tiếp giáp hoặc có vùng chồng lấn?

24. Khái niệm và phân loại tranh chấp biển?

25. Cơ chế và biện pháp giải quyết tranh chấp biển theo CULB 1982?

26. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp biển của Việt Nam với các nước láng giềng?

27. Thực trạng tranh chấp biển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

II. BÀI TẬP

1. Có 3 chiếc tàu nước ngoài X (là tàu quân sự) , Y (là tàu chở khách) , X (là tàu chở hàng) đang ở vùng nội thủy của quốc gia A. Bằng kiến thức về Luật biển quốc tế đã được học, anh/chị hãy cho biết quốc gia A giải quyết thế nào trong trường hợp:

a. 3 chiếc tàu trên vi phạm pháp luật ở vùng nội thuỷ của quốc gia A?

b. Nhân viên của 3 chiếc tàu trên vi phạm pháp luật quốc gia A khi đã lên trên bờ?

2. Tàu đánh cá của quốc gia B khi đang đi qua lãnh hải của quốc gia cho 1 máy bay dân sự (đang đậu trên tàu ) cất cánh. Bằng kiến thức về Luật biển quốc tế đã được học, anh/chị hãy cho biết: Tàu đành cá và máy bay dân sự vi phạm nội dung gì? Cơ sở pháp lý? Quốc gia A được thực hiện quyền gì đối với tàu đánh cá và máy bay dân sự nói trên? Cơ sở pháp lý?

3. Tàu chở hàng cùa quốc gia B khi trong đi qua vùng tiếp giáp của của quốc gia A đã thực hiện các hành vi sau: a) Cho 1 máy bay dân sự chở 1 kiện hàng cất cánh; b) Cho dỡ 1 container hàng (chứa xe hơi) chuyển xuống tàu hàng của quốc gia A. Bằng kiến thức về Luật biển quốc tế đã được học, anh/chị hãy cho biết: quốc gia A có quyền gì đối với hai chiếc tàu và máy bay nói trên? Cơ sở pháp lý?

4. Trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia A, tàu của quốc gia B thực hiện: a) đánh bắt hải sản; b) cho máy bay hạ cánh xuống tàu. Bằng kiến thức về Luật biển quốc tế đã được học, anh/chị hãy cho biết: quốc gia A có quyền gì đối với tàu và máy bay nói trên? Cơ sở pháp lý?

5. Quốc gia A tiến hành khai thác dầu khí trong khu vực cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 280 hải lý. Bằng kiến thức về Luật biển quốc tế đã được học, anh/chị hãy cho biết:

a. Quốc gia A có quyền nêu trên không? Điều kiện? Cơ sở pháp lý?

b. Nghĩa vụ của quốc gia A trong trường hợp này?

6. Tàu quân sự của quốc gia B đi qua lãnh hải (không vào nội thủy) của quốc gia A. Bằng kiến thức về Luật biển quốc tế đã được học, anh/chị hãy cho biết:

a. Tàu quân sự của quốc gia B có cần phải xin phép quốc gia A? Cơ sở pháp lý?

b. Tàu quân sự của quốc gia B có cần phải thông báo trước cho quốc gia A? Cơ sở pháp lý?

c. Nếu quốc gia A là Việt Nam, Luật Biển Việt Nam 2012 quy định về vấn đề này như thế nào? Cơ sở pháp lý? Đánh giá và nhận xét dưới góc độ Luật quốc tế?

7. Tàu đánh cá của quốc gia B đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bằng kiến thức về Luật biển quốc tế và Việt Nam đã được học, anh/chị hãy cho biết:

a. Tàu đánh cá của quốc gia B có quyền này không?

b. Việt Nam có cho phép các quốc gia khác được khai thác số dư của khối lượng cho phép đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không? Cơ sở pháp lý?

c. Các cơ quan có thẩm quyền nào của Việt Nam được thực hiện quyền truy đuổi? Kết quả của hành vi truy đuổi là gì?

8. Tháng 6/2014, Trung Quốc chính thức đưa ra Tuyên bố đường yêu sách 10 đoạn (năm 2009 là 9 đoạn) trên Biển Đông (đường lưỡi bò) chiếm hầu hết (hơn 90%) diện tích Biển Đông. Bằng kiến thức về Luật biển quốc tế đã được học, anh/chị hãy cho biết:

a. Tuyên bố trên có cơ sở pháp lý không? Tại sao?

b. Những quốc gia nào bị ảnh hưởng bởi Tuyên bố nói trên? Tại sao?

9. Năm 2016, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của CULB 1982 đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc; bằng kiến thức về Luật biển quốc tế đã được học, anh/chị hãy cho biết:

a. Philippines kiện Trung Quốc về vụ việc gì?

b. Phụ lục VII của CULB 1982 đề cập đến nội dung gì?

c. Phán quyết của Tòa đề cập tới nội dung gì?

10. Tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách Đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý. Bằng kiến thức về Luật biển quốc tế đã được học, anh/chị hãy cho biết:

a. Việt Nam dùng Đảo Lý Sơn để làm gì theo quy định của CULB 1982? Việc sử dụng đó có phù hợp với quy định của CULB 1982 không?

b. Giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt ở vùng biển nào theo quy định của CULB 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012?

c. Trung Quốc đã vi phạm nội dung gì theo quy định của CULB 1982?

d. Việt Nam có thể áp dụng cơ chế nào để giải quyết tranh chấp vụ việc này?

Trưởng bộ môn Luật biển: Thầy Trần Phú Vinh

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Đáp án câu hỏi và bài tập môn Luật biển

Do hệ thống lưu trữ dữ liệu của Hocluat.vn thường xuyên bị quá tải nên Ban biên tập không đính kèm File Đáp án câu hỏi và bài tập môn Luật biển PDF trong bài viết. Nếu bạn cần File word/pdf tài liệu này, vui lòng để lại Email ở phần bình luận dưới bài. Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì sự bất tiện này!

Tìm kiếm có liên quan: Tài liệu môn Luật biển quốc tế, Bài tập tình huống luật biển quốc tế, Trắc nghiệm Luật biển quốc tế, Câu hỏi về Luật biển quốc tế, Đề cương ôn tập môn Luật biển quốc tế, Nhận định môn luật biển có đáp án, Giáo trình Luật biển quốc tế, Tập quán trọng Luật biển quốc tế

Môn Luật Biển cung cấp cho người học những kiến thức gì?

Học xong môn Luật Biển sinh viên/học viên sẽ nắm được:
– Những kiến thức nên tảng lý luận về Luật Biển quốc tế và Luật Biển Việt Nam;
– Khái niệm, nguồn và nguyên tắc của Luật Biển quốc tế và Luật Biển Việt Nam;
– Khái niệm, cách xác định và chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia (nội thủy và lãnh hải) ;
– Khái niệm, cách xác định và chế độ pháp lý của đảo, quần đảo và vùng nước quần đảo;
– Khái niệm, cách xác định và chế độ pháp lý của eo biển quốc tế;
– Khái niệm, cách xác định và chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia (vùng tiếp giáp lãnh hải; đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) ;
– Khái niệm, cách xác định và chế độ pháp lý của biển quốc tế và đáy đại dương;
– Các vấn đề pháp lý về phân định biển;
– Các vấn đề pháp lý liên quan đến khai thác chung;
– Các vấn đề pháp lý về tranh chấp biển và giải quyết tranh chấp biển.

Nội dung của Giáo trình Luật Biển quốc tế – HLU?

Giáo trình Luật Biển quốc tế – Đại học Luật Hà Nội trình bày những nội dung cơ bản của môn học Luật Biển quốc tế, gồm: lí luận chung về Luật Biển quốc tế; đường cơ sở trong Luật Biển quốc tế; các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia; các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia; các vùng biển ngoài phạm vi quyền tài phán của quốc gia; phân định biển giữa các quốc gia đối diện hoặc liền kề;…

5/5 - (2 bình chọn)

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền