Tóm tắt: Sở hữu là một phạm trù rộng, là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của các ngành khoa học như kinh tế, triết học và luật học. Trong khoa học kinh tế, sở hữu được tiếp cận dưới giác độ của một phạm trù kinh tế – chính trị có nội hàm là mối quan hệ giữa người với người trong tổ chức sản xuất xã hội. Trong khi đó, các triết gia coi sở hữu như một mặt quan trọng của quan hệ sản xuất, gắn liền với một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Tuy nhiên, trong khoa học luật, sở hữu được tiếp cận thông qua quan hệ pháp lý về tài sản. Các yếu tố căn bản hình thành chế độ sở hữu trong Hiến pháp, bao gồm: (i) cơ sở tư tưởng, (ii) cơ sở chính trị; (iii) cơ sở xã hội; (iv) cơ sở pháp lý. Các yếu tố này được dùng để giải thích căn nguyên của sự xuất hiện chế độ sở hữu trong các bản Hiến pháp.
Abstract: The ownership notion covers a broad category, which is the main study subject of the economics, philosophy and jurisprudence. In economics science, ownership is approached in terms of an economic-political category that is the relationship among individuals in a production society. The philosophers, on the other hand, consider the ownership as an important aspect of production relations under a certain socio-economic modality. However, in the jurisprudence sciences, the ownership is approached through legal relationships on properties. The basic factors for ownership formation in the Constitution includes: (i) ideological foundation, (ii) political foundation; (iii) social foundation; and (iv) legal one. These factors are used to explain the origin of the ownership regime in the Constitutions.
1. Quan niệm về sở hữu và chế độ sở hữu trong Hiến pháp
Sở hữu là một phạm trù rộng, là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của các ngành khoa học như kinh tế, triết học và luật học. Trong khoa học kinh tế, sở hữu được tiếp cận dưới giác độ của một phạm trù kinh tế – chính trị có nội hàm là mối quan hệ giữa người với người trong tổ chức sản xuất xã hội. Trong khi đó các triết gia coi sở hữu như một mặt quan trọng của quan hệ sản xuất, gắn liền với một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Tuy nhiên, trong khoa học luật, sở hữu được tiếp cận thông qua quan hệ pháp lý về tài sản. Phạm trù sở hữu khi được luật hóa sẽ trở thành quyền sở hữu, đến lượt mình – quyền sở hữu được thực hiện thông qua một cơ chế được hiện thực hóa trong xã hội thì trở thành chế độ sở hữu[1].
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã không đặt vấn đề “sở hữu là gì?”, mà theo K. Marx, sở hữu không phải là mục đích, mà chỉ là điều kiện, phương tiện của sản xuất. Chỉ khi nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, ông mới buộc phải nghiên cứu vấn đề sở hữu. Mặc dù không đưa ra định nghĩa chính thức nào về “sở hữu”, song qua các tác phẩm: Bản thảo kinh tế triết học năm 1844; Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước; Hệ tư tưởng Đức; Bàn về Pruđông; Tư bản; Những nguyên lý của chủ nghĩa Cộng sản (1847), K. Marx đã đưa ra quan niệm của mình về thuật ngữ này. Theo đó, khái niệm sở hữu có những đặc trưng cơ bản sau: (i) sở hữu là quan hệ của con người đối với tư liệu sản xuất; (ii) sở hữu là điều kiện của sản xuất; (iii) sở hữu là sự chiếm hữu mang tính xã hội; (iv) sở hữu luôn luôn gắn liền với vật dụng – đối tượng của sự chiếm hữu; (v) sở hữu không chỉ đơn thuần là vật dụng, nó còn là quan hệ giữa con người với nhau về vật dụng[2]. Tuy nhiên, tìm hiểu khái niệm sở hữu nếu chỉ dừng lại ở nghĩa “sở hữu là gì?”, “sở hữu cái gì, của ai?” thì đó mới chỉ là cách hiểu bên ngoài. Quan trọng hơn, cần phải nhận thức được nội dung của sở hữu. Theo K. Marx, sở hữu luôn luôn có hai nội dung kinh tế và pháp lý. Nội dung kinh tế là hình thái hiện thực của sở hữu, còn nội dung pháp lý là “vỏ bọc” của nó. Dù sở hữu tồn tại dưới hình thức nào thì cũng luôn phản ánh các mối quan hệ kinh tế, giai cấp, xã hội và pháp lý nhất định. Vì thế, nhìn vào một chế độ sở hữu là có thể thấy ngay xã hội đó do ai thống trị, xã hội đó bảo vệ lợi ích của ai[3].
Trong quan niệm về sở hữu, các học giả tư sản không phân biệt sở hữu thành hai phạm trù kinh tế và pháp lý như trường phái Marxist. Đối với các quốc gia theo hệ thống civil law, quyền sở hữu thường được tiếp cận trên cơ sở các quy định mang tính kinh điển của Luật La Mã cổ. Thật vậy, quyền sở hữu ban đầu được hiểu là những hành vi mà chủ sở hữu có thể thực hiện đối với vật sở hữu thông qua ba quyền năng là quyền sử dụng, quyền thu lợi và quyền định đoạt[4]. Tuy nhiên, ở các quốc gia, do sự phân hóa cách tiếp cận, bên cạnh cách hiểu truyền thống, quyền sở hữu còn được hiểu là chỉ bao gồm hai quyền năng là quyền hưởng dụng[5] và quyền định đoạt. Thí dụ, Điều 544 Bộ luật Dân sự Napoléon quy định: “Quyền sở hữu là quyền được hưởng dụng và định đoạt tài sản một cách tuyệt đối nhất, miễn là không sử dụng tài sản vào những việc pháp luật cấm”[6]. Trong một chừng mực nào đó, sự chiếm hữu thực tế được coi là “biểu hiện bề ngoài” của quyền sở hữu[7]. Tiếp tục phát triển theo hướng này, các học giả cho rằng, cần phải xác định phạm vi và nội hàm của quyền sở hữu theo nhiều cấp độ. Ở cấp độ bao quát nhất, chỉ nên đề cập nội dung của quyền sở hữu một cách khái quát, bao trùm mọi quyền có tính chất tư pháp về tài sản. Theo đó, trong từng lĩnh vực pháp luật cụ thể sẽ tiếp tục xác định những quyền năng cụ thể của quyền sở hữu theo hướng, có sự phân biệt khái niệm sở hữu trong các lĩnh vực pháp luật khác nhau như luật Hiến pháp, luật dân sự, luật kinh tế[8].
Ở các quốc gia theo hệ thống common law, quyền sở hữu được các học giả tiếp cận theo hướng khái niệm hóa quyền sở hữu thành quyền tài sản. Cách tiếp cận này có ưu điểm là sự minh định và khả năng mở rộng phạm vi quyền sở hữu mà không bị gò bó chỉ bởi ba quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt[9]. Việc khái niệm hóa quyền sở hữu thành quyền tài sản cho phép tiếp cận linh động hơn khi đối mặt với sự đa dạng về các quyền; bởi quyền sở hữu thì trừu tượng: nội dung của nó không thể được mô tả bằng cách liệt kê từng quyền riêng lẻ, và không có quyền nào trong số những quyền này cần thiết phải hợp pháp hóa một cách cụ thể, riêng biệt, hay liên quan đến một mục tiêu xã hội có thể chấp nhận được[10]. Việc tiếp cận nội dung quyền sở hữu ở dạng những quyền tài sản cụ thể và riêng biệt dẫn đến hệ quả là ranh giới giữa quyền sở hữu với quyền sử dụng ngày càng trở nên khó phân định. Cần lưu ý rằng, điều này không dẫn đến việc tách quyền sử dụng ra khỏi quyền sở hữu, thực chất của cách tiếp cận này là xu hướng tuyệt đối hóa quyền sử dụng, nhằm xác lập quyền sử dụng tài sản của người không phải là chủ sở hữu một cách sâu rộng trên cơ sở sự trao quyền của chủ sở hữu với hệ quả là vai trò trung tâm của chủ thể sở hữu trong quá trình thực hiện quyền sở hữu đã dần được thay thế bởi chủ thể sử dụng[11].
Sự xuất hiện của các xu hướng tiếp cận quyền sở hữu trên cho thấy, quan niệm về quyền sở hữu tại các quốc gia theo truyền thống common law và civil law đã có sự xích lại gần nhau theo hướng khái niệm hóa quyền sở hữu dưới dạng các quyền tài sản cụ thể tùy thuộc vào đối tượng sở hữu và phương thức tổ chức thực hiện quyền sở hữu trong từng lĩnh vực tùy thuộc vào mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội cũng như tính chất của từng hình thức sở hữu[12]. Tính chủ đạo của xu hướng này là tiếp cận quyền sở hữu trên cơ sở tập trung vào quyền sử dụng và sự phân chia các quyền năng sở hữu cho các chủ thể khác nhau thực hiện ngày càng đa dạng và linh hoạt. Ở đây, chúng tôi tiếp cận sở hữu từ góc độ pháp lý, theo đó, “sở hữu” được hiểu là các quyền bao trùm lên các mối quan hệ giữa người với vật và quan hệ giữa người và người với vật.
Thuật ngữ “chế độ” được hiểu chủ yếu theo hai nghĩa sau: (i) là chỉnh thể chính trị, kinh tế, văn hóa hình thành trong những điều kiện lịch sử nhất định; hoặc (ii) những điều quy định cần tuân theo trong một việc nào đó[13]. Có thể thấy rằng, đây là các mặt bản chất và hình thức của khái niệm chế độ. Theo đó, nếu xét trên quan điểm hình thức, “chế độ sở hữu” là tổng thể các quy định pháp lý điều chỉnh vấn đề sở hữu của một quốc gia. Nếu xét trên quan điểm thực chất, “chế độ sở hữu” là một chỉnh thể chính trị – pháp lý, trong đó toát lên bản chất của vấn đề như: xác định ai là người chi phối, kiểm soát và phân phối các tài sản, nguồn lực trong xã hội. Theo nghĩa này, chế độ sở hữu liên quan chặt chẽ tới Hiến pháp, văn kiện quan trọng xác lập các nguyên tắc nền tảng của đời sống chính trị quốc gia như: chủ thể của quyền lực nhà nước, cách thức phân phối quyền lực và kiểm soát quyền lực cùng các nguồn lực trong xã hội. Từ các phân tích trên, có thể đưa ra định nghĩa; “Chế độ sở hữu trong Hiến pháp được hiểu là tổng thể các quy định của Hiến pháp điều chỉnh vấn đề sở hữu, nhằm xác định ai là người chi phối, kiểm soát và phân phối các tài sản, nguồn lực trong xã hội của một quốc gia”.
2. Cơ sở hình thành chế độ sở hữu trong Hiến pháp
Các nhà kinh tế – chính trị như John Millar, Adam Ferguson và Adam Smith được xem là những người đầu tiên mở rộng phân tích về những quan hệ sở hữu để tìm mối liên hệ với sự hình thành các giai cấp. Chính điều này đã kích thích K. Marx đưa ra giải thích có hệ thống về tầm quan trọng của sở hữu, nhấn mạnh tới sự liên kết giữa quyền sở hữu tài sản, sự thống trị chính trị và sự biểu hiện (representations) hệ tư tưởng. Trong hệ thống quan điểm của K. Marx, sở hữu chính là quyền lực, và những hình thức sở hữu khác nhau xác lập các điều kiện tồn tại của trật tự xã hội, tức kiến trúc thượng tầng bao gồm ba (03) thiết chế tác động lẫn nhau là nhà nước (quyền lực chính trị) – xã hội (dân sự) – hệ tư tưởng. Max Weber[14] cũng thừa nhận và cho rằng, những giai cấp có sở hữu được cá biệt hóa rất cao về loại hình sở hữu mà họ nắm giữ cũng như về ý nghĩa của việc sử dụng quyền sở hữu đó[15].
2.1 Cơ sở tư tưởng
Mỗi chế độ sở hữu trong Hiến pháp đều có nội dung thể hiện một hệ tư tưởng nhất định. Chẳng hạn, cốt lõi của chế độ sở hữu của chủ nghĩa tư bản là quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất; cốt lõi của chế độ sở hữu của chủ nghĩa xã hội là quyền sở hữu (quyền sử dụng tất cả các tư liệu sản xuất) thuộc về toàn dân do nhà nước đại diện sở hữu; cốt lõi của chế độ sở hữu của chủ nghĩa can thiệp là quyền sở hữu tư nhân được điều tiết, kiểm soát bằng các chính sách của chính quyền (hay sự can thiệp của chính quyền)[16].
Tư tưởng là những ý niệm chung của con người về hiện thực khách quan[17]. Như vậy, cơ sở tư tưởng của chế độ sở hữu trong Hiến pháp được hiểu là những quan điểm nền tảng về chế độ sở hữu của mỗi quốc gia, cộng đồng, phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng đó. Vì thế, cơ sở tư tưởng của chế độ sở hữu trong Hiến pháp trở thành các nguyên tắc dẫn dắt trong quá trình thiết kế chế định sở hữu và các chế định khác có liên quan. Cơ sở tư tưởng đồng thời phản ánh ý chí của lực lượng chi phối xã hội, trang bị các phương thức kiểm soát và phân phối nguồn lực của xã hội nhất quán với tương quan quyền lực chính trị trong xã hội.
Tính cởi mở của cơ sở tư tưởng phản ánh sự bắt kịp nhu cầu xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn xã hội, bởi mỗi xã hội đều có những đặc trưng về bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa, do đó không thể áp dụng cứng nhắc các hệ hình tư duy lên đó. Chẳng hạn, các tác gia kinh điển của chủ nghĩa Mác cho rằng, nền kinh tế XHCN chỉ được xây dựng trên cơ sở chế độ công hữu tư liệu sản xuất đơn nhất, không có vấn đề cơ cấu sở hữu tư liệu sản xuất và hình thức kinh tế nhiều thành phần. Nhưng thực tiễn cho thấy, dưới chủ nghĩa xã hội, không chỉ tồn tại chế độ công hữu có hình thức khác nhau mà còn tồn tại hình thức kinh tế của chế độ sở hữu phi XHCN, nhất là ở những nước mà trình độ lực lượng sản xuất còn lạc hậu như ở Việt Nam, đang trong thời kỳ quá độ để bắt kịp các nước tiến bộ.
2.2 Cơ sở chính trị
Chế độ sở hữu là một chỉnh thể chính trị – pháp lý được hình thành trong những điều kiện lịch sử nhất định. Tính chính trị của chế độ sở hữu được thể hiện thông qua các nội dung mà nó phản ánh như quyền sở hữu, hình thức sở hữu, thành phần kinh tế, tất cả toát lên mục đích nhằm xác định xem ai là người chi phối, kiểm soát và phân phối các tài sản, nguồn lực trong xã hội của một quốc gia. Chủ nghĩa Mác quan niệm về bản chất của pháp luật nói chung cũng như của Hiến pháp nói riêng trên cơ sở nhìn nhận bản chất giai cấp của nó: Hiến pháp là của ai? Phục vụ cho lợi ích của giai cấp (hoặc các giai cấp) nào? Hiến pháp được tạo ra vì một trật tự xã hội theo định hướng giai cấp nào? Đó chính là quan điểm phương pháp luận kinh điển của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác về Hiến pháp cùng thời. Theo đó, mọi Hiến pháp đều là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, đều là công cụ mà giai cấp hoặc liên minh chính trị sử dụng để khẳng định và duy trì sự thống trị của mình[18]. Quan điểm giai cấp về Hiến pháp của K. Marx và F. Engels được F. Lassalle[19] tiếp thu trên cơ sở đối chiếu giữa bản tính pháp lý và bản tính xã hội thực tế của Hiến pháp. Theo F. Lassalle, một bản Hiến pháp thành văn chỉ có sự vững chắc và có ý nghĩa khi nó là sự phản ánh chính xác mối tương quan thực tế của các lực lượng xã hội[20]. Như vậy, chế độ sở hữu trong Hiến pháp trên thực tế là sự phản ánh mối tương quan chính trị giữa các lực lượng xã hội, nhằm chiếm giữ tư liệu sản xuất, quyết định quy mô sản xuất và phân phối sản phẩm đến xã hội.
2.3 Cơ sở xã hội
Nhìn vào thực tiễn của lịch sử lập hiến trên thế giới có thể nhận thấy rằng, việc xác nhận bản chất của chế độ sở hữu trong Hiến pháp chỉ từ góc độ lợi ích giai cấp là chưa đủ. Hiến pháp trước hết ghi nhận và thể hiện những lợi ích cơ bản của các thế lực thống trị, một cách tinh tế hơn, của tầng lớp nổi trội nhất trong xã hội. Hiến pháp đồng thời là cơ sở pháp lý của toàn xã hội “nhằm ghi nhận và thể hiện những lợi ích tương hợp của các tầng lớp xã hội, lợi ích chung của nhân dân, của dân tộc”, ở đó luôn thường trực ý chí của lực lượng xã hội chủ đạo trong từng thời kỳ lịch sử nhất định[21]. Như vậy, chế độ sở hữu trong Hiến pháp trước hết thể hiện sự thâu tóm lợi ích cục bộ của lực lượng nổi trội trong xã hội, song đồng thời thể hiện sự điều hòa lợi ích của toàn bộ xã hội, hay giữa lực lượng chi phối xã hội và các lực lượng còn lại của xã hội. Sự điều hòa lợi ích đóng vai trò quan trọng giúp cho các lực lượng xã hội tìm kiếm thỏa hiệp, giúp xã hội ổn định và phát triển mà không nhất thiết rơi vào xung đột, nhất là xung đột vũ trang.
Bản chất xã hội của chế độ sở hữu trong Hiến pháp ngày nay phản ánh một giai đoạn mới của chủ nghĩa lập hiến hiện đại. Theo đó, Hiến pháp đã được trao trở lại sứ mệnh của một bản khế ước về mặt pháp lý của các lực lượng xã hội mà đối tượng điều chỉnh trọng tâm là chế độ sở hữu. Ở đó toát lên sự thoả hiệp lợi ích giữa các giai tầng xã hội, các lực lượng xã hội. Mức độ của sự tương hợp lợi ích có thể rất khác nhau và đó là cơ sở để mỗi bản Hiến pháp xác định cho mình phương pháp điều chỉnh hợp lý. Đó có thể là sự liên minh của các lực lượng tuy có khuynh hướng chính trị và lợi ích khác nhau nhưng thân thiện và hợp tác hữu nghị; cũng có thể đó là sự thoả hiệp ở những lợi ích nhất định của các lực lượng đối lập nhau và vì vậy, sự thoả hiệp xã hội được Hiến pháp ghi nhận là kết quả của quá trình vừa đấu tranh, vừa hợp tác giữa các lực lượng xã hội. Lẽ đương nhiên, phản ánh mối quan hệ như vậy, Hiến pháp không thể chỉ đứng về phía lợi ích của một lực lượng mà luôn phải tìm thế cân bằng về lợi ích, mặc dù trên thực tế ở bất kỳ quốc gia và dân tộc nào thì trong xã hội luôn luôn có những lực lượng, những lợi ích giữ vị trí ưu thế[22].
Bản chất xã hội của chế độ sở hữu trong Hiến pháp thể hiện sự ghi nhận những giá trị xã hội được toàn xã hội và cộng đồng dân cư địa phương vun đắp và chia sẻ. Đó là các giá trị như nhân quyền, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tập thể, xã hội chia sẻ… Sự phát triển của văn minh nhân loại đã góp phần chuẩn hoá và kết tinh các giá trị xã hội giúp các quốc gia lựa chọn các giá trị ưu tiên trên con đường phát triển của mình, và thể hiện nó trong Hiến pháp – văn kiện pháp lý quan trọng nhất của mỗi nước. Chế độ sở hữu không nằm ngoài quy luật chung đó. Thí dụ: lịch sử của quyền sở hữu tư nhân (về tư liệu sản xuất) gắn liền với mỗi cá nhân kể từ thời bán khai cho đến thời hiện đại là một sự trùng hợp có tính bản chất (tính giá trị) hơn tính lịch sử (tức có thể sinh ra và có thể mất đi)[23]. Ngày nay, hầu như không có quốc gia nào phủ nhận quyền sở hữu tư nhân, dù ở các mức độ khác nhau.
2.4 Cơ sở pháp lý
Chức năng của Hiến pháp
Chức năng của Hiến pháp là tác dụng của Hiến pháp trong việc bảo vệ các thiết chế chính trị, thiết chế nhà nước và các quan hệ xã hội quan trọng của một quốc gia. Có ý kiến cho rằng, chức năng của Hiến pháp biến đổi theo thời gian, song không vì thế mà những chức năng nguyên thủy của Hiến pháp biến mất. Do đó, bên cạnh việc giữ gìn hòa bình thì Hiến pháp vẫn có chức năng cổ điển là giới hạn quyền lực nhà nước để bảo vệ các quyền cá nhân[24]. Như vậy, quyền sở hữu – với tư cách là một nhân quyền cơ bản – cần được bảo vệ bởi Hiến pháp, dù cho chức năng của Hiến pháp có sự biến đổi theo thời gian.
Ý kiến khác cho rằng, về cơ bản Hiến pháp có sáu (06) chức năng sau: (i) Hiến pháp trao quyền cho các cơ quan nhà nước; (ii) Hiến pháp giới hạn quyền lực của các cơ quan nhà nước; (iii) Hiến pháp bảo vệ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; (iv) Hiến pháp củng cố tính chính đáng (legitimacy) và tính ổn định của chính quyền; (v) Hiến pháp là hình thức để tuyên bố các giá trị được thừa nhận chung của cộng đồng; (vi) Hiến pháp là một hình thức để tuyên bố các định hướng cơ bản của sự phát triển đất nước (chức năng này đặc biệt thể hiện rõ trong các nhà nước XHCN và các nước chuyển đổi).[25] Như vậy, các dấu hiệu số (iii), (v) và (vi) cho thấy chức năng cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới có khuynh hướng bảo vệ cả chế độ sở hữu, với tư cách là một quyền cơ bản, một giá trị chung của cộng đồng và không thể thiếu trong định hướng phát triển ở mỗi quốc gia.
Cho dù là một Hiến pháp có kỹ thuật lập pháp hoàn hảo hay chưa hoàn hảo, có bản chất dân chủ hay phi dân chủ thì những người làm ra nó đều hướng đến khả năng hợp pháp hóa các thiết chế trong đó. Như vậy, chức năng trước tiên và tổng quát của Hiến pháp chính là đặt nền tảng chính danh và hợp pháp cho một chính quyền. Chức năng thứ hai của Hiến pháp là quy định cơ sở cho xuất phát điểm và định hướng cho quá trình phát triển và hoàn chỉnh các chế định pháp lý, tạo khuôn khổ pháp lý chung cho toàn bộ hệ thống pháp lý. Những quy định của Hiến pháp về mục tiêu phát triển đất nước, những bảo đảm pháp lý cho quyền và tự do của con người sẽ định hướng cho hoạt động của nhà nước và hành vi của cá nhân, tổ chức nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của mọi người trong một quốc gia. Chức năng thứ ba của Hiến pháp là chức năng ổn định hóa các quan hệ xã hội. Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất và có tính ổn định tự thân, do đó, sự hiến định các thiết chế chính trị, thiết chế nhà nước và các quan hệ xã hội quan trọng cũng nhằm bảo vệ và ổn định các thiết chế này hiệu quả. Cả ba chức năng trên của Hiến pháp đều có tác dụng bảo vệ chế độ sở hữu của một quốc gia. Theo đó, Hiến pháp hợp pháp hóa cơ sở tồn tại của chế độ sở hữu, Hiến pháp định hướng cho quá trình phát triển và hoàn chỉnh các chế định pháp lý về sở hữu, đồng thời Hiến pháp giúp cho chế độ sở hữu được vận hành ổn định trong một khoảng thời gian đủ lâu, thường là cho tới khi Hiến pháp được sửa đổi lại./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ luật Dân sự Pháp (Bản tiếng Việt), Trương Quang Dũng, Đoàn Thanh Loan, Hồ Thu Phương, Đào Thị Nguyệt Ánh dịch, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, năm 2005.
- Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và chính trị học (bản in lần 2), Saigon, năm 1969.
- Trần Thị Kim Cúc, Tìm hiểu di sản lý luận của các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2010.
- Lương Minh Cừ – Vũ Văn Thư, Sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay: một số nhận thức về lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2011.
- Ngô Huy Cương, Cải cách pháp luật Việt Nam đáp ứng các đòi hỏi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam”, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 12/01/2018, Hà Nội.
- Nguyễn Đăng Dung, Chức năng của Hiến pháp, Tạp chí Khoa học – Chuyên san Luật học (Đại học Quốc gia Hà Nội), số 2 (Vol 27), năm 2011.
- Nguyễn Đăng Dung, Chế độ kinh tế trong Hiến pháp các nước và Hiến pháp Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2+3 (234+235), năm 2013.
- Nguyễn Ngọc Điện, Quyền sở hữu và quyền chiếm hữu – bài học về tình huống luật xa rời cuộc sống, tại: http://www.nclp.org.vn/ban_ve_du_an_luat/kinh-te-dan-su/quyen-so-huu-va-quyen-chiem-huu-bai-hoc-ve-tinh-huong-luat-xa-roi-cuoc-song (truy cập ngày 18/01/2018).
- Nguyễn Minh Đoan, Chế độ sở hữu trong các Hiến pháp Việt Nam và xu hướng phát triển chế độ sở hữu ở Việt Nam hiện nay, trong “Hiến pháp: những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, năm 2011.
- Gordon Marshall (chủ biên), Từ điển xã hội học Oxford (Oxford Dictionary of Sociology), Bùi Thế Cường, Đặng Thị Việt Phương, Trịnh Huy Hóa dịch, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
- Hà Thị Mai Hiên, Quyền sở hữu của công dân ở Việt Nam (Luận án Phó tiến sĩ Khoa học Kinh tế), Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Hà Nội, năm 1996.
- Ludwig von Mises, Chủ nghĩa tự do truyền thống (Liberalism), Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, năm 2013.
- Phan Trung Lý, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Sĩ Dũng (đồng chủ biên), Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2012.
- Peter Ho, “Who owns China’s land? Policies, Property rights and Deliberate Institutional Ambiguity”, The China Quarterly, (166), 2001.
- Rod Hague, Martin Harrop and Shaun Breslin, Political Science – A Comparative Introduction, St. Martin’s Press, New York, 1993.
- Bùi Ngọc Sơn, Các mô hình Hiến pháp trên thế giới và một số kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam, Tạp chí Luật học số 10, năm 2012.
- Từ điển trực tuyến: http://tratu.soha.vn/
- Đào Trí Úc, Hiến pháp trong đời sống xã hội và quốc gia, trong “Hiến pháp: những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, năm 2011.
- Phạm Văn Võ, Chế độ pháp lý về sở hữu & quyền tài sản đối với đất đai, Nxb. Lao Động, TP. Hồ Chí Minh, năm 2012.
Nguyễn Quang Đức, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Pháp lý (Leres), NCS. Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội
[1] Tham khảo: Lương Minh Cừ – Vũ Văn Thư, Sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay: một số nhận thức về lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 119 -120.
[2] Tham khảo: Trần Thị Kim Cúc, Tìm hiểu di sản lý luận của các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2010, tr. 64 – 65.
[3] Tham khảo: Trần Thị Kim Cúc, Sđd, năm 2010, tr.66 – 67.
[4] Nguyễn Ngọc Điện, Quyền sở hữu và quyền chiếm hữu – bài học về tình huống luật xa rời cuộc sống, tại: http://www.nclp.org.vn/ban_ve_du_an_luat/kinh-te-dan-su/quyen-so-huu-va-quyen-chiem-huu-bai-hoc-ve-tinh-huong-luat-xa-roi-cuoc-song, truy cập ngày 18/01/2018).
[5] Thực chất, quyền (người) hưởng dụng (usufructuary) bao gồm quyền sử dụng (usus) và quyền thu lợi (fructus).
[6] Bộ luật Dân sự Pháp (Bản tiếng Việt), Trương Quang Dũng, Đoàn Thanh Loan, Hồ Thu Phương, Đào Thị Nguyệt Ánh dịch, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, năm 2005, tr. 409.
[7] Nguyễn Ngọc Điện, Tlđd, Truy cập ngày 18/01/2018.
[8] Tham khảo: Hà Thị Mai Hiên, Quyền sở hữu của công dân ở Việt Nam (Luận án PTS), Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Hà Nội, năm 1996.
[9] Tham khảo: Phạm Văn Võ, Chế độ pháp lý về sở hữu & quyền tài sản đối với đất đai, Nxb. Lao Động, TP. Hồ Chí Minh, năm 2012, tr. 23.
[10] Tham khảo: Peter Ho, “Who owns China’s land? Policies, Property rights and Deliberate Institutional Ambiguity”, The China Quarterly, (166), 2001, tr.402.
[11] Tham khảo: Phạm Văn Võ, Sđd, năm 2012, tr.24 – 25.
[12] Tham khảo: Phạm Văn Võ, Sđd, năm 2012, tr.24.
[13] Theo Từ điển trực tuyến: http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Ch%E1%BA%BF_%C4%91%E1%BB%99 (Tra cứu lần cuối: 21/11/2017).
Xem thêm: Từ điển “Petit Larousse Illustré 1992” giải thích tương tự: “1. Cách thức vận hành của một tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế của một nhà nước; 2. Tập hợp các cách sắp đặt hợp pháp điều khiển một đối tượng đặc thù”.
[14] Max Weber (1864 – 1920): Nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức.
[15] Gordon Marshall (chủ biên), Từ điển xã hội học Oxford (Oxford Dictionary of Sociology), Bùi Thế Cường, Đặng Thị Việt Phương, Trịnh Huy Hóa dịch, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2010, tr. 520 – 521.
[16] Tham khảo: Ludwig von Mises, Chủ nghĩa tự do truyền thống (Liberalism), Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, năm 2013, tr. 147–153.
[17] Xem Từ điển trực tuyến: http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/T%C6%B0_t%C6%B0%E1%BB%9Fng (tra cứu ngày 15/01/2018).
[18] Tham khảo: Đào Trí Úc, Hiến pháp trong đời sống xã hội và quốc gia, trong “Hiến pháp: những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, năm 2011, tr. 29.
[19] Ferdinand Lassalle (1825 – 1864): Nhà văn, Chính trị gia dân chủ xã hội người Đức.
[20] Dẫn lại: Đào Trí Úc, Sđd, năm 2011, tr. 30.
[21] Tham khảo: Đào Trí Úc, Sđd, năm 2011, tr. 30.
[22] Tham khảo: Đào Trí Úc, Sđd, năm 2011, tr. 31.
[23] Tham khảo: Ludwig von Mises, Sđd, năm 2013, tr. 147–148.
[24] Nguyễn Đăng Dung, Chức năng của Hiến pháp, Tạp chí Khoa học – Chuyên san Luật học (Đại học Quốc gia Hà Nội), số 2 (Vol 27), năm 2011, tr.95.
[25] Tham khảo: Phan Trung Lý, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Sĩ Dũng (đồng chủ biên), Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2012, tr. 19 – 20.
Để lại một phản hồi