Tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” trong Bộ luật hình sự 2015

Chuyên mụcLuật hình sự, Thảo luận pháp luật pham-toi-02-lan-tro-len

“Phạm tội 02 lần trở lên” trong Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết định khung hình phạt trong rất nhiều tội phạm quy định tại các điều của các chương khác nhau mà trong một số điều luật thì tình tiết này có sự thể hiện nội dung và ý nghĩa khác nhau.  

 

Các nội dung liên quan:

 

Phạm tội 02 lần trở lên

Chẳng hạn, Điểm d khoản 1 Điều 134 tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”; Điểm d khoản 2 Điều 141 tội “Hiếp dâm”; Điểm e khoản 2 Điều 142 tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”; Điểm b khoản 2 Điều 143 về tội “Cưỡng dâm”;… Nếu điều luật không quy định là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt thì tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” là tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS 2015.

Tình tiết Phạm tội nhiều lần trong Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009)

Trước đây, trong BLHS 1999, tình tiết này (phạm tội nhiều lần) được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48. Trong Luật Hình sự Việt Nam, nhà làm luật chưa đưa ra khái niệm chính thức thế nào là “Phạm tội nhiều lần”. Nhưng thông qua một số văn bản hướng dẫn từ phía các cơ quan tư pháp trung ương, giáo trình luật hình sự, tình tiết này được giải thích như sau: Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS thì:  

… tình tiết “Phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 Điều 133, khoản 2 Điều 134a… (đối với một số tội phạm có tính chất tham nhũng và tội phạm liên quan đến tình dục) được hiểu là đã có tất cả từ hai lần phạm tội đó trở lên (hai lần phạm tội tham ô trở lên, hai lần phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại, nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản.

  Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, do nhà xuất bản Công an nhân dân, 2001, tại trang 214 “Phạm tội nhiều lần là trường hợp thực hiện tội phạm mà trước đó người phạm tội đã phạm tội này ít nhất là một lần và chưa bị xét xử. hành vi phạm tội trong trường hợp này là sự lặp lại tội đã phạm trước đó nên có mức độ nguy hiểm cao hơn trường hợp bình thường.” Tại Tiểu mục 2.3, Mục 2, Phần I Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT/BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTP, ngày 24/12/2007 của Bộ Công an – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII các “Tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999, thì:  

Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy của các lần cộng lại, nếu điều luật có quy định về số lượng chất ma túy để định khung hình phạt. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đối với một người từ hai lần trở lên cũng bị coi là phạm tội nhiều lần.

  Theo quy định tại Mục 4 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự,  thì, tình tiết “Phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 254 của BLHS được hướng dẫn như sau:  

4.1.  Chỉ áp dụng tình tiết “Phạm tội nhiều lần” đối với người chứa mại dâm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a. Chứa mại dâm (không phân biệt tại một địa điểm hay tại các địa điểm khác nhau) một đôi hoặc nhiều đôi mua bán dâm khác nhau từ hai lần trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau (không phân biệt thời gian dài hay ngắn); b. Chứa mại dâm hai đôi mua bán dâm trở lên độc lập với nhau trong cùng một khoảng thời gian; c. Chứa mại dâm một người mua bán dâm với hai người trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau. 4.2. Không coi là phạm tội nhiều lần trong các trường hợp sau đây: a. Chứa mại dâm một đôi mua bán dâm trong một khoảng thời gian liên tục; b. Chứa mại dâm nhiều người (một nhóm) cùng đến mua bán dâm, nhưng chỉ một người trong số họ hoặc một số người trong số họ hoặc tất cả họ cùng nhau thoả thuận đứng ra giao dịch với người chứa mại dâm để trả tiền thuê địa điểm, phương tiện một lần và việc mua bán dâm diễn ra trong cùng một khoảng thời gian.

Vậy, Phạm tội nhiều lần – Phạm tội 02 lần trở lên hiểu thế nào cho đúng?

Tổng hợp các quan điểm trên và từ thực tiễn xét xử, theo quan điểm của tác giả tình tiết “Phạm tội nhiều lần – Phạm tội 02 lần trở lên” có thể được hiểu như sau: i). Người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng, xâm phạm đến cùng một khách thể trực tiếp, mà mỗi hành vi ấy đã có đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập (cùng là hành vi trộm cắp, hiếp dâm, lừa đảo…). ii). Khi xét xử, các hành vi đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội vẫn chưa bị xét xử hoặc bị xử lý bằng các hình thức khác (đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra…). iii). Nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.

Đặc điểm của Phạm tội 02 lần trở lên

Xét về bản chất của tình tiết “Phạm tội nhiều lần” nay là “Phạm tội 02 lần trở lên” có các đặc điểm sau:

  • Một là, phạm tội 02 lần trở lên là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau (ví dụ: nhiều lần trộm cắp, nhiều lần hiếp dâm…).
  • Hai là, nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẽ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập.
  • Ba là, tất cả các hành vi phạm tội đó đều được quy định tại một điều luật cụ thể trong phần riêng BLHS (cùng là tội trộm cắp, hiếp dâm…), có thể cùng một khoản, cũng có thể phạm tội ở các khoản khác nhau của cùng một điều luật.
  • Bốn là, các hành vi phạm tội đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, như: Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án… và cùng bị đưa ra xét xử một lần trong cùng một vụ án.
  • Năm là, nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.

Tuy nhiên, việc áp dụng tình tiết “Phạm tội nhiều lần” hay “phạm tội 02 lần trở lên” vào từng trường hợp cụ thể không phải đều giống nhau và tùy theo các tội phạm cụ thể nên nội dung, ý nghĩa của tình tiết này có thể khác nhau. Cụ thể: Theo quy định tại điểm 3.3, khoản 2 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS thì:  

Đối với nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Vậy, với trường hợp theo quy định tại BLHS 2015, người bị buộc tội theo “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” (Điều 207); “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác” (Điều 208); … khi điều tra, truy tố, xét xử liệu các cơ quan tiến hành tố tụng có được áp dụng tinh thần hướng dẫn tại Thông tư trên không? Bởi tại các điều luật vừa trích dẫn, nhà làm luật không quy định “Phạm tội 02 lần trở lên” là tình tiết định khung tăng nặng tại các điều luật tương ứng, nên sẽ khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn. Tương tự như vậy, trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, không phải bất cứ vụ án cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản; cướp giật tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản;…đều được cơ quan điều tra phá án thành công, đều đó đồng nghĩa với việc trong những trường hợp vừa nêu, Tòa án khi xét xử chỉ có thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người bị buộc tội trong khung hình phạt đó, mà không thể là tình tiết định khung. Điều này là không hợp lý, không bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Chẳng hạn, một người 02 lần phạm tội “Xâm phạm quyền bình đẳng giới” và 02 lần phạm tội đó bị đưa ra xét xử trong cùng một lần thì người phạm tội đó chắc chắn bị Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “Phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 165 BLHS 2015, trong khi đó, một người đã 02 thực hiện hành vi cướp tài sản, nhưng không là trường hợp phạm tội chuyên nghiệp, lần phạm tội trước đó do may mắn trốn thoát, Tòa án đưa ra xét xử 02 lần phạm tội này trong cùng một vụ án, theo khoản 1 Điều 168 BLHS 2015, như vậy về nguyên tắc, Tòa án chỉ được coi tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 và như vậy, mức hình phạt cũng chỉ nằm trong khung quy định của khoản 1 của Điều luật đang áp dụng đối với tội danh đó, mà không được chuyển khung. Rõ ràng là không công bằng, không bảo đảm sự bình đẳng như tinh thần của điểm b khoản 1 Điều 3 BLHS 2015 đã quy định. Từ phân tích trên, tác giả đề nghị cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung BLHS 2015, tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” cần được quy định trong các điều luật quy định tội phạm cụ thể, với ý nghĩa đó là tình tiết phản ánh tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để có xác định khung hình phạt phù hợp hơn.  

Nguồn: Phạm Thị Hồng Đào – Văn phòng luật sư Thạnh Hưng


Các tìm kiếm liên quan đến Phạm tội 02 lần trở lên, phạm tội liên tục, phạm nhiều tội và phạm tội nhiều lần, phạm tội nhiều lần là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội nhiều lần 138, hướng dẫn điều 48 bộ luật hình sự, tình tiết định khung tăng nặng, đang chấp hành bản án mà phạm tội mới là tái phạm, so sánh tội liên tục và phạm tội nhiều lần
5/5 - (4 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền