CHÍNH TRỊ và nguồn gốc hình thành thuật ngữ ở phương Đông và phương Tây

Chính trị

Có thể nói “chính trị” là một khái niệm khá phức tạp. Ở phương Đông và phương Tây thời kỳ cổ đại đã có nhiều triết gia định nghĩa và đưa ra khái niệm về chính trị như Platon, Aristotle, Khổng Tử, Lão Tử, Hàn Phi Tử…

Hiện nay, trên thế giới đã hình thành 4 cách hiểu khác nhau vè chính trị: [1]

– Chính trị là nghệ thuật của phép cai trị
– Chính trị là những công việc của chung
– Chính tri là sự thỏa hiệp và đồng thuận
– Chính trị là quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lơi ích
Trong bài viết lần này chúng tôi sẽ không đưa ra khái niêm về chính trị mà phân tích thuật ngữ này dưới góc độ chữ nghĩa để bạn đọc hiểu rõ hơn và có thể có những quan điểm, góc nhìn của riêng mình về chính trị.
Chính trị có cách viết hán tự là 政治.Trong đó chữ chính (政) còn có một âm khác là chánh, có rất nhiều nghĩa khác nhau như : pháp lệnh hoặc sách lược cai trị (chính sách); việc quan, việc nước (tòng chánh), khuôn phép, quy tắc (gia chánh) còn chữ trị 治 có nghĩa là trừng phạt (như tri tội), sắp xếp, cai trị (như trị
quốc) .
Cần phải biết là chữ chính trong từ chính trị hoàn toàn khác so với chữ chính cùng âm (正) có nghĩa là đúng, ngay thẳng, ở giữa (như chính xác, chính trực, chính giữa). Chữ chính (政) trong từ chính trị được ghép từ chữ chính 正 và chữ phộc 攵 có nghĩa là đánh khẽ, vỗ nhẹ. Như vậy bản thân chữ chính 政 đã mang trong nó ý nghĩa là ngay thẳng, đúng đắn; tuy nhiên để có được sự ngay thẳng này thì cần phải có sự tác động của cái « đánh khẽ » nhằm nắn mọi việc vào khuôn phép. Có thể hiểu đây như là một quan điểm về sự mềm mỏng trong hoạt động quản lý và xây dựng nhà nước.
Khác với sự « mềm » của chữ phộc 攵, chữ trị lại có sắc thái khá cứng rắn, thể hiện tính nghiêm khắc và uy quyền đối với các hành vi đi ngược lại hoặc phá hoại sự cân bằng, ổn định trong xã hội. Khi ghép với chữ chính 政, chúng ta có từ chính trị đó là sự kết hợp giữa các biện pháp mềm mỏng và cứng rắn nhằm mục đích đưa mọi việc của quốc gia vào khuôn phép, ngay hàng và thẳng lối.
Từ Chính trị tiếng anh là Politic, mượn từ tiếng latin Politicus, từ gốc Hy Lạp là Politikos. Politikos vốn là một tính từ, cấu thành bởi danh từ « polis » nghĩa là thành bang/ thị quốc và « tikos » là hậu tố đi kèm. Từ này cũng chứa yếu tố « politēs » nghĩa là công dân.
Vì thế, Politikos chỉ những gì «liên quan đến công dân (trong thị quốc) », hoặc những gì « thuộc về thành bang ». Từ politikos cũng cùng gốc với « politeia » – nghệ thuật cai trị thành bang, tiền thân của thuật ngữ police-cảnh sát (đã được phân tích ở bài viết trước).

Tính từ Politikos với hàm nghĩa như trên phản ánh đời sống chính trị của người dân Hy Lạp cổ đại, với nền dân chủ sơ khai Athen cho phép mọi chuyện trọng đại của thành bang đều được đem ra bàn luận công khai giữa các công dân với nhau. Công dân thành bang cảm thấy mình có quyền và nghĩa vụ quan tâm đến những sự vụ của thành phố, và trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến. Cần chú ý rằng, vào thời Hy Lạp cổ đại, khái niệm thành phố hay thành bang (polis) được hiểu như một quốc gia (thị quốc) có chính quyền riêng. Việc công dân cùng nhau tham gia bàn thảo cũng chính là phương thức tham gia quản trị thành bang thuở sơ khai.

Ý nghĩa hiện đại của danh từ Chính trị – Politic được hình thành từ thế kỷ 13 ở Pháp, với hàm ý ban đầu là « khoa học về sự quản trị đất nước », dần dần tầng nghĩa này được mở rộng để chỉ những « việc công » (công việc có tính chất công cộng). Vào thế kỷ 14, Chính trị – Politique (tiếng Pháp) dùng để chỉ chung những gì liên quan đến quốc gia/nhà nước. Người Anh lúc này đã mượn nghĩa « chính trị » của người Pháp và thuật ngữ cổ của La Mã để hình thành nên từ « Politic » mà ngày nay vẫn thường sử dụng.

Tác giả: Linh-Anh

Minh họa: Anh
Tài liệu tham khảo
  1. Andrew Heywood, Politics (third edition), Palgrave Macmillan, New York, 2007
  2. Sabine & Pascaline , POLITIQUE,  http://lettres.tice.ac-orleans-tours.fr/php5/coin_eleve/etymon/hist/politi.htm
  3. Politique, Trésor de la langue Française informatisé, http://stella.atilf.fr/Dendien/scripts/tlfiv5/visusel.exe?15;s=434559780;r=1;nat=;sol=6;
  4. Từ điển oxford, https://en.oxforddictionaries.com/definition/politic

 

Nguồn: Hoàng Thảo Anh, Lê Thị Khánh Linh, “Chính trị” và nguồn gốc hình thành thuật ngữ ở phương Đông và phương Tây, Luật văn diễn dịch.
URL: https://luatvandiendich.wordpress.com/2018/07/27/chinh-tri-va-nguon-goc-hinh-thanh-thuat-ngu-o-phuong-dong-va-phuong-tay/

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.