1. Chế định bảo hiến
Hiện nay trong giới nghiên cứu luật ở Việt Nam xuất hiện ba thuật ngữ là “Chế độ bảo hiến”, “Cơ chế bảo hiến” và “Chế định bảo hiến” Tuy nhiêu trong bài viết này, tôi sử dụng thuật ngữ “Chế định bảo hiến” bởi vì:
Thứ nhất: Chế định là tập hợp một nhóm quy phạm pháp luật có đặc điểm giống nhau để điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội tương ứng trong phạm vi một ngành luật hoặc nhiều ngành luật. Chế định có thể được hiểu theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp. Nghĩa chung và rộng là các yếu tố cấu thành cơ cấu pháp lí của thực tại xã hội, nghĩa hẹp là tổng thể các quy phạm, quy tắc của một vấn đề pháp lí.
Cơ cấu bên trong của pháp luật có đặc điểm ở tính đa dạng của các chế định, trong đó có chế định liên ngành, nghĩa là có quan hệ đến một số ngành luật. Các chế định pháp luật liên ngành được hình thành và hoạt động không giống nhau. Hiến pháp là cơ sở pháp lí của tất cả các chế định pháp luật. Việc xác định đúng tính chất chung của mỗi nhóm quan hệ xã hội từ đó đề ra những quy phạm tương ứng có ý nghĩa quan trọng, đó là cơ sở pháp lý để tạo ra cơ cấp pháp lý của một ngành luật. Không thể xây dựng được một văn bản pháp luật tốt cũng như một ngành luật hoàn chỉnh nếu không xác định rõ giới hạn và nội dung của các chế định pháp luật. Nhiều chế định hợp lại sẽ cấu thành ngành luật, các ngành luật hợp lại sẽ tạo thành một hệ thống pháp luật.
Chế định pháp luật mang tính chất nhóm, mỗi chế định có một đặc điểm riêng nhưng chúng đều có mối liên hệ nội tại và thống nhất với nhau, chúng không tồn tại một cách biệt lập. Việc xác định ranh giới giữa các chế định nhằm tạo ra khả năng để xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Và phải đặt các chế định trong mối liên hệ qua lại trong một chỉnh thể thống nhất của pháp luật cũng như một ngành luật. Mỗi chế định pháp luật dùng mang đặc điểm riêng những nó cũng phải tuân theo các quy luật vật động khách quan, chịu sự ảnh hưởng và tác động của chế định khác trong hệ thống pháp luật.
Thứ hai: Hiên nay, trong hiến pháp một số nước, vấn đề bảo hiến được xem là một chế định bắt buộc có trong Hiến pháp. Ví dụ như trong Luật cơ bản 1949 của Cộng Hòa Liên Bang Đức.
Bảo hiến (hay còn được gọi là bảo vệ hiến pháp, kiểm hiến, giám sát tư pháp hoặc tài phán hiến pháp – constitutional review/judicial review), theo định nghĩa của một số từ điển pháp luật phổ biến, là thẩm quyền của các tòa án của một quốc gia được xem xét và đánh giá tính hợp hiến của các đạo luật hoặc quyết định của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Sở dĩ bảo hiến thường được gọi là tài phán hiến pháp (giám sát tư pháp/ judicial review) vì từ trước đến nay nó gắn liền với chức năng của tòa án trong việc xem xét tính pháp lý trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Tuy nhiên, có cách hiểu bảo hiến rộng hơn, trong đó chủ thể đóng vai trò này không chỉ là toà án mà còn bao gồm nghị viện và hội đồng hiến pháp
Bảo hiến là tư duy của pháp quyền. Phương thức tư duy của bảo hiến là hướng tới kiểm soát quyền lực của nhà nước để bảo vệ các quyền và tự do của con người. Chế định bảo hiến là một chế định xử lý những hành vi vi phạm hiến pháp của công quyền.
2. Cơ sở chế định bảo hiến
Ý nghĩa quan trọng và giá trị pháp lý của Hiến pháp chính là nguồn gốc phát sinh vấn đề bảo vệ, giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, và là cơ sở hình thành chế định bảo hiến. Chế định bảo hiến chỉ tồn tại trên cở sở một hiến pháp cương tính. Còn đối với hiến pháp nhu tính, thông thường các nhà lập pháp không đặt ra vấn đề bảo hiến. Hiến pháp nhu tính là hiến pháp được sửa đổi bởi chính cơ quan lập pháp thường, theo những thủ tục sửa đổi thường luật. Do đó không có sự phân biệt hiệu lực pháp lý giữa hiến pháp và thường luật, và như vậy không có sự mâu thuẫn giữa hiến pháp và thường luật. “Một đạo luật nghịch hiến pháp thực ra là một đạo luật sửa đổi hiến pháp” Hiến pháp không có ưu thế hơn thường luật nên nhà cầm quyền không bị giớn hạn bởi hiến pháp. Vì thế không phát sinh vấn đề bảohiến trong một chế độ hiến pháp nhu tính.
Hiến pháp cương tính là hiến pháp được sửa đổi theo những thủ tục đặt biệt. Tính đặt biệt này là do có sự phân cấp hiệu lực pháp lý giữa hiến pháp và thường luật: hiến pháp có hiệu lực pháp lý tối cao, thường luật phải hợp hiến, không được mâu thuẫn với hiến pháp. Do đó nhà cầm quyền bị giới hạn bởi hiến pháp. Với những đặc điểm đó, vấn đề bảo hiến được phát sinh trong một chế độ hiến pháp cương tính. Hiến pháp bất thành văn của Vương Quốc Liên Hiệp Anh Và Bắc Ireland thuộc loại hiến pháp nhu tính, nên ở Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland không tồn tại chế độ bảo hiến.
3. Chủ thể bảo hiến
Lập pháp và hành pháp là hai nhánh quyền lực mạnh và do đó dễ có nguy cơ lạm quyền. Lập pháp có quyền ấn định cách hành xử của cả xã hội. Hành pháp hàng ngày, hàng giờ tác động vào đời sống của con người, hay nói như Hegel là hành pháp “ quan hệ một cách trực tiếp hơn với cái đặc thù trong xã hội công dân và thực hiện lợi ích phổ biến ở bên trong những mục đích đặc thù đó”
Sau cơ quan lập pháp là các cơ quan hành pháp rất dễ ban hành các văn bản vi hiến. Vì Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ có thể được Quốc hội ủy quyền ban hành các văn bản pháp luật. Vậy hành vi vi phạm Hiến pháp thuộc phạm vi bảo hiến là những hành vi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có thể là luật và những văn bản pháp quy dưới luật làm thay đổi nội dung được quy phạm của Hiến pháp quy định. Thay vì phải tổ chức cho các quy định của Hiến pháp được thực hiện trên thực tế lại là những hành vi ngược lại cản trở Hành vi vi phạm hiến pháp cần phải bảo hiến là những văn bản hạn chế quyền của công dân đã được hiến pháp bảo hộ.
Khác với lập pháp và hành pháp, tư pháp là một ngành quyền lực ít có nguy cơ lạm quyền, ít nguy hiểm đối với các quyền hiến định của công dân, mà còn là một ngành quyền lực được tạo ra nhằm để giải quyết các khiếu nại của công dân khi các quyền hiến định của công dân bị chính quyền vi phạm.
Như vậy, việc trao cho tư pháp vai trò kiểm soát lập pháp và hành pháp xuất pháp từ nguyên lý tổ chức quyên lực. Chính vì vậy, trên thế giới hiện nay, về mặt phổ biến ở đa số các nước, tư pháp đều có vai trò kiểm soát lập pháp và hành pháp. Theo Báo cáo về tình hình phát triển thế giới năm 1997 của Ngân hành thế giới, tất cả các nước công nghiệp và nhiều nước đang phát triển đã dựa vào ngành tư pháp để buộc ngành hành pháp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và để giải thích và buộc phải thi hành các điều khoản của Hiến pháp.
4. Các mô hình bảo hiến
Do các nước có chế định về bảo hiến đều chọn cơ quan bảo hiến thuộc ngành tư pháp. Nên trên thế giới tồn tại 2 loại mô hình bảo hiến. Đó là mô hình tập trung hóa và mô hình phi tập trung hóa.
Mô hình tập trung hóa là việc kiểm tra tư pháp được thực thi bởi một cơ quan đặc biệt, độc lập với hệ thống tư pháp thường, và giữ độc quyền về tài phán Hiến pháp.
Mô hình phi tập trung hóa là việc kiểm tra tư pháp được xem như chức năng tự nhiên của cơ quan tư pháp. Nó không tồn tại bất cứ một cơ quan đặc biệt nào giữ độc quyền về tài pháp Hiến pháp.
Để lại một phản hồi