Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Bế mạc lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sự thuộc khu vực Nam sông Hậu.
Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư luôn được xác định là hoạt động quan trọng và trọng tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) cũng như các Đoàn Luật sư trong cả nước, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam, khẳng định vai trò, vị trí của nghề luật sư đối với cộng đồng xã hội.
Để hỗ trợ các Đoàn Luật sư tổ chức bồi dưỡng cho các luật sư thành viên, ngày 17-18 tháng 6 năm 2016 tại thành phố Cần Thơ, LĐLSVN đã tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư cho 403 luật sư thuộc các Đoàn Luật sư khu vực Nam sông Hậu, bao gồm: Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu.
Tham gia giảng dạy lớp bồi dưỡng gồm có: Luật sư Nguyễn Thế Phong – Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban khen thưởng kỳ luật LĐLSVN và Luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
Luật sư Trương Thị Hòa tham gia trao đổi kiến thức chuyên môn về một số quy định mới trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 từ Chương I đến chương XXIII. Theo đó, giáo viên và học viên trao đổi, thảo luận về các điểm mới và cách hiểu về các điều luật trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Luật sư Nguyễn Thế Phong trao đổi về Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Với thời lượng 01 ngày, lớp bồi dưỡng tập trung vào thảo luận về nội dung các quy tắc kết hợp với các tình huống thực tế để các luật sư hiểu đúng và áp dụng đúng Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Đặc biệt, bài giảng về Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam có sự lồng ghép giữa quy định của Quy tắc 12 Giữ bí mật thông tin quy định: “Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật; luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” với quy định tại khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 quy định về “Không tố giác tội phạm”: “3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Đều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”; Điểm g, khoản 2 Điều 73 Bộ luật TTHS 2015 quy định về nghĩa vụ của luật sư: “g. Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đich xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” để các luật sư cùng thảo luận.
Lớp bồi dưỡng đã thành công tốt đẹp. Căn cứ vào kết quả này, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư Việt Nam sẽ phối hợp với Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ cấp Giấy Chứng nhận tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư cho các luật sư đủ điều kiện theo quy định. Thời gian bồi dưỡng ghi trong Giấy Chứng nhận sẽ được tính vào thời gian bồi dưỡng bắt buộc theo quy định của Thông tư số 10/2014/TT/BTP ngày 07/4/2014 của Bộ Tư pháp quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư.
Cao Nga – Trung tâm BDNVLSVN
Để lại một phản hồi