Hiện nay, thực tiễn giải quyết các vụ án mua bán trái phép chất ma túy, việc áp dụng các tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm b khoản 2 và “đối với 02 người trở” lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự đang có nhiều quan điểm chưa thống nhất.
Các nội dung liên quan:
- Tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” trong Bộ luật hình sự 2015
- Tình tiết “Tái phạm và tái phạm nguy hiểm” trong Bộ luật hình sự 2015
- Phân biệt phạm tội liên tục với phạm tội nhiều lần
Ví dụ: Nông Văn A có hành vi mua 0,5 gam hê rô in về để sử dụng và bán lẻ cho các con nghiện. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định được A đã bán hêrôin cho B, C, D (mỗi người được mua 01 lần riêng biệt với A). Có ba quan điểm xử lý khác nhau: Quan điểm thứ nhất: A phạm tội với 02 tình tiết định khung “phạm tội 02 lần trở lên” và “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự. Quan điểm thứ hai cho rằng A phạm tội với tình tiết định khung “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự. Quan điểm thứ ba cho rằng A phạm tội với tình tiết định khung “đối với 02 người trở lên”.
Trên thực tiễn hiện nay, nhiều đơn vị đã xử lý Nông Văn A với 02 tình tiết định khung tại điểm b,c khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự.
Nghiên cứu lại điều luật và các văn bản hướng dẫn, chúng tôi thấy: Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 chỉ quy định tình tiết định khung “phạm tội nhiều lần” tại điểm b khoản 2 Điều 194. Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tình tiết định khung “phạm tội 02 lần trở lên” tại điểm b khoản 2 Điều 251 và mới quy định thêm tình tiết định khung “đối với 02 người trở lên” tại điểm c khoản 2 Điều 251. Như vậy, nhà làm luật đã quy định thêm một tình tiết tăng nặng nữa trong khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự. Thực tế hai tình tiết tăng nặng này, trước đây được hiểu là giống nhau và đều được xử lý theo điểm b khoản 2 Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999. Tại bình luận bộ luật hình sự[1] năm 2009 bình luận về điểm g khoản 1 Điều 48 bình luận: phạm tội nhiều lần được hiểu là một người phạm tội thực hiện tội phạm từ hai lần trở lên, với cùng một tội danh và mỗi lần thực hiện đều có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng chưa lần nào bị đưa ra xét xử.
Tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 các điều 197,198 và 200 của BLHS được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (ví dụ: Trong một lần phạm tội tổ chức cho từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong một lần phạm tội chứa chấp từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong một lần phạm tội cưỡng bức, lôi kéo từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy).Theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 được liên Bộ Công an, Viện KSND tối cao, Tòa án ND tối cao, Bộ Tư pháp sửa đổi bổ sung bằng Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 31/12/2015 quy định: Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vì trước đây, tại Điều 194 BLHS không quy định tình tiết phạm tội đối với nhiều người nên không có văn bản giải thích. Hiện nay chưa có văn bản giải thích tình tiết này tại Điều 251 Bộ luật hình sự. Do đó cần áp dụng tương tự để xử lý là đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo không áp dụng sai pháp luật và không gây bất lợi cho người phạm tội.
Quay lại ví dụ nêu trên, nếu áp dụng quan điểm thứ nhất là làm tăng nặng thêm cho người phạm tội. Nếu áp dụng quan điểm thứ ba lại càng không chính xác vì A có hành vi bán hê rô in cho B, C, D với từng lần riêng biệt.
Quan điểm của chúng tôi cho rằng áp dụng quan điểm thứ 2 là có căn cứ vì: Khi A bán hê rô in cho B, C, D thì mỗi hành vi bán cho từng người cụ thể vào thời gian cụ thể khác nhau đã cấu thành tội phạm riêng biệt. Do đó chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” để xử lý Nông Văn A là đúng theo quy định của Bộ luật hình sự và các văn bản dưới luật hướng dẫn. Đặt thêm giả thiết, nếu trong ví dụ của bài viết, tối thiểu có một lần giao dịch mua bán, A đã bán hê rô in cho cùng một lúc cả 02 người trở lên thì A sẽ phải chịu thêm tình tiết “đối với 02 người trở lên” và lúc này sẽ xử lý Nông Văn A với 02 tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” và “đối với 02 người trở lên” theo quy định tại các điểm b,c khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự.
Tác giả mong nhân được ý kiến của các đồng nghiệp trong việc áp dụng các tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” và “đối với 02 người trở” lên quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự.
Để lại một phản hồi