Bàn về Nghị án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Chuyên mụcLuật tố tụng hình sự nghi-an

Điều 326 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về “Nghị án” đây là một trong những quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa, được tiếp theo sau thủ tục tranh tụng. Nghị án là một hoạt động tố tụng mà chỉ có Hội đồng xét xử mới là chủ thể duy nhất thực hiện, chỉ Thẩm phán, Hội thẩm là thành viên của Hội  đồng xét xử mới có quyền nghị án. Việc nghị án phải được tiến hành tại phòng nghị  án. Khi Hội đồng xét xử nghị án thì không ai được quyền tham dự, kể cả Chánh án Tòa án và cũng không ai được quyền can thiệp vào việc nghị án. Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi nghị án để đưa ra các phán quyết về vụ án. Chủ tọa phiên tòa chủ trì việc nghị án, có trách nhiệm đưa từng vấn đề của vụ án phải giải quyết để Hội đồng xét xử thảo luận, quyết định. Chủ tọa phiên tòa có thể phân công một thành viên của Hội đồng xét xử hoặc tự mình ghi biên bản nghị án. Tất cả các vấn đề phải giải quyết đều phải thảo luận và biểu quyết theo đa số. Khi thảo luận và biểu quyết, Hội thẩm phát biểu và biểu quyết trước, Thẩm phán là thành viên Hội đồng xét xử biểu quyết sau và Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa phát biểu, biểu quyết cuối cùng (đối với trường hợp Hội đồng xét xử gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm). Nếu Hội đồng xét xử gồm 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm thì Hội thẩm phát biểu, biểu quyết trước, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phát biểu và biểu quyết sau.

Trong trường hợp không có ý kiến đa số thì chủ tọa phiên tòa phải cho thảo luận lại vấn đề đó và biểu quyết lại để lấy ý kiến đa số. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ vụ án.

Trong thực tiễn cũng có thể xảy ra trường hợp sau khi thảo luận, biểu quyết nhiều lần nhưng không có ý kiến đa số, tức là không thể tuyên án được. Trường hợp này Tòa án cũng không thể hoãn phiên tòa, tạm ngừng phiên tòa vì cả hai quyết định này đều không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Mặc dù đây là trường hợp rất hãn hữu nhưng không có nghĩa là không xảy ra và khi xảy ra thì Luật lại không quy định thủ tục giải quyết thế nào. Nếu gặp trường hợp “khó xử” này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nên cân nhắc xem ý kiến nào hợp lý hơn, đúng hơn (dù là  chưa hẳn là đúng) thì biểu quyết theo ý kiến đó để có ý kiến đa số và quyết định theo đa số. Sau khi tuyên án, nếu thấy việc xét xử không đúng thì báo cáo Chánh án Tòa án để kiến nghị nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Việc nghị án chỉ được căn cứ  vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác.

Xem xét tài liệu, chứng cứ tức là  đánh giá chứng cứ, tài liệu đã được thu thập trong quá trình điều tra hoặc được xuất trình tại phiên tòa. Trước hết chứng cứ tài liệu đó có hợp pháp không, có được dùng để chứng minh trong vụ án không, tính trung thực của chứng cứ, tài liệu, đó là một vấn đề rất quan trọng đặt ra khi nghị án. Đánh giá sai, sử dụng sai chứng cứ, tài liệu thì chắc chắn sẽ xét xử sai.

Theo chúng tôi, ngoài những vấn đề đưa ra để thảo luận và biểu quyết quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h khoản 3 Điều 326: vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không; tính hợp pháp của những chứng cứ tài liệu do Cơ quan điều tra, điều tra viên, VKS, KSV thu thập, luật sư bị can, bị cáo và người tham gia tố tụng khác cung cấp; xác  định có hay không có căn cứ kết tội bị  cáo, điểm, khoản, điều của BLHS được áp dụng (kể cả trường hợp có tội và không có tội); vấn đề hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo, trách nhiệm bồi thường thiệt hại; vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; bị cáo có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay không;  án phí hình sự, dân sự, xử lý vật chứng; kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi phạm… thì một số vấn đề quan trọng khác mà điều luật chưa đề cập đến nhưng trong thực tiễn xét xử, khi nghị án Hội đồng xét xử cần phải thảo luận và quyết định, đó là:

Thứ nhất, có hành vi phạm tội xảy ra hay không? thời gian, địa điểm xảy ra sự việc phạm tội. Nếu không có sự việc phạm tội xảy ra, không có hành vi phạm tội xảy ra thì không có căn cứ để khởi tố vụ án và đó là căn cứ để Tòa án đình chỉ vụ án và tuyên bị cáo không phạm tội.

+ Thứ hai, hành vi của bị cáo bị VKS truy tố có cấu thành tội phạm không? Hành vi phạm tội đó vi phạm điểm, khoản, điều nào của BLHS Nếu không cấu thành tội phạm thì Tòa án phải tuyên bị cáo không phạm tội.

+ Thứ ba, chủ thể phạm tội là ai? Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đó như thế nào. Có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự không, nhân thân của bị cáo.

+ Thứ tư, trường hợp nếu không có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt thì Hội đồng xét xử thảo luận và biểu quyết về hình phạt gì, có cho hưởng án treo hay không?

+ Thứ năm, Hội đồng xét xử thảo luận, quyết định về hình phạt bổ sung nếu như  điều luật có quy định về hình phạt bổ sung; thảo luận, quyết định về việc có áp dụng hay không áp dụng các biện pháp tư pháp; bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo…

Đây là những vấn đề cơ bản, quan trọng cần giải quyết vụ án khi nghị án, tuy nhiên tại khoản 3 của Điều 326 chưa đề cập đến, do đó cần có sự nghiên cứu bổ sung thêm các vấn đề cần giải quyết trong quá trình nghị án nêu trên để giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện và đầy đủ theo quy định của pháp luật.

 

Nguồn: Lawnet

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền