Quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người chưa thành niên

Quyền bào chữa của bị can, bị cáo và vấn đề quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự Việt Nam

 

Quyền bào chữa là nguyên tắc hiến định được ghi nhận trong các bản Hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa các bản Hiến pháp trước đó, quy định một cách cụ thể, rõ ràng về quyền bào chữa của công dân. Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo là một trong những chế định quan trọng, vừa mang tính lí luận, vừa mang tính thực tiễn. Từ trước đến nay, quyền bào chữa đã được nhiều tác giả nghiên cứu song khái niệm, nội dung quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự còn có nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, xác định nội dung quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người chưa thành niên trên cơ sở lí luận và thực tiễn phù hợp với quy định của pháp luật là cần thiết nhằm không ngừng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, củng cố cơ sở pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân1. Trong phạm vi bài viết này, tác giả làm rõ 2 vấn đề:

 

Vấn đề thứ nhất, về quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp, được Nhà nước bảo đảm thực hiện, đồng thời công dân cũng có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm quyền lợi của người khác. Một trong các hình thức thực hiện quyền cơ bản của công dân được nhà nước đảm bảo thực hiện là quyền được bảo vệ mình trước cơ quan pháp luật, trong đó có quyền bào chữa. Tại Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nhiệm vụ đảm bảo cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình”. Theo quy định này thì trong những trường hợp luật định, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì các cơ quan nói trên phải yêu cầu đoàn luật sư cử người bào chữa cho họ. Mặt khác, để đảm bảo giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện và đầy đủ, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội thì việc bào chữa là cần thiết, giúp cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan của vụ án. Hơn nữa, việc tham gia của người bào chữa trong quá trình giải quyết vụ án hình sự không chỉ có buộc tội mà còn có yếu tố gỡ tội. Việc có sự tham gia của người giám hộ, cha mẹ, nhà trường cũng rất quan trọng. Đó cũng là một trong những cơ sở giúp tòa án giải quyết vụ án được chính xác.

 

Từ trước đến nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm bào chữa: Ở một số nước trên thế giới, Luật tố tụng hình sự cũng có những quy định khác nhau về quyền bào chữa. Theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự Nhật Bản: “Bị cáo hoặc người bị tình nghi có thể lựa chọn luật sư bào chữa bất kì lúc nào”. Theo quy định tại điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự Bungari, “quyền bào chữa  quyền của bị can, bị cáo, trong đó quyền bào chữa của bị can được coi là bị hạn chế vì họ chỉ có quyền nhờ người bào chữa trong một số trường hợp cụ thể.

 

Như vậy, khái niệm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự các nước được hiểu rất khác nhau và chủ thể của quyền bào chữa được nhấn mạnh là bị can, bị cáo, người bị tình nghi. Hiện nay, trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam và dự thảo luật sửa đổi chưa đưa ra khái niệm thế nào là quyền bào chữa, chính vì không đề cập đến khái niệm cho nên nội dung bào chữa, phạm vi bào chữa, chủ thể bào chữa và cơ chế đảm bảo quyền bào chữa chưa được xác định rõ ràng và thiếu thống nhất. Do đó đã trực tiếp làm giảm chức năng bào chữa trong tố tụng hình sự và quyền của bị can, bị cáo là người chưa thành niên không được bảo đảm.

 

Từ trước đến nay đã có rất nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề này: Theo PGS, TS. Phạm Hồng Hải: “Quyềo chữa trong tố tụng hình sự là tổng hòa các hành vi tố tụng do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án thực hiện trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phủ nhận một phần hay toàn bộ sự buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng, làm giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự của mình trong vụ án hình sự”. Theo quan điểm này thì chủ thể của quyền bào chữa bao gồm: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và người bị kết án.

 

PGS, TS. Hoàng Thị Minh Sơn đưa ra quan điểm của mình về quyền bào chữa như sau:Quyền bào chữa bị can, bị cáo là tổng thể các quyền mà pháp luật quy định bị can, bị cáo có thể sử dụng nhằm bác bỏ một phần hay toàn bộ sự buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho họ”.  Quan điểm khác cho rằng: “Quyền bào chữa là tổng hòa các hành vi tố tụng hướng tới việc bác bỏ sự buộc tội và xác định bị can không có lỗi hoặc nhằm làm giảm trách nhiệm của bị can”.  Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy  định: “Người bị tạm  giữ, bị can, b ocó quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”.  Trong Hiến pháp năm 2013 tại Khoản 4 Điều 31 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”

 

Như vậy, pháp luật hiện hành quy định quyền bào chữa thuộc về người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và quyền này chỉ giới hạn trong việc bác bỏ một phần hay toàn bộ lời buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Đối với việc bảo vệ các quyền và lợi ích các chủ thể đó không trực tiếp liên quan tới việc bác bỏ sự buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho họ trong vụ án thì không thuộc về giới hạn của quyền bào chữa. Tuy nhiên, khi đã bào chữa cho người bị bắt, tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo trong vụ án thì người bào chữa cũng đồng thời giúp cho họ trong việc bảo vệ các quyền đó.

 

Khác với những người tham gia tố tụng khác, bị can, bị cáo tham gia tố tụng chịu sự buộc tội của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy không phải mọi trường hợp buộc tội đối với bị can, bị cáo đều chính xác mà vẫn còn có những trường hợp buộc tội oan. Do vậy, quyền bào chữa thuộc về bị can, bị cáo là yêu cầu khách quan trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được đúng đắn. Theo Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, sau khi bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội rõ ràng đã là người có tội, họ không còn là đối tượng được xem xét là có tội hay không nữa.

 

Như vậy, theo chúng tôi, đối tượng bị buộc tội là người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Bị can bị buộc tội trước hết bởi quyết định khởi tố bị can. Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can”. Khi bị can bị tòa án quyết định đưa ra xét xử thì họ trở thành bị cáo. Lúc này bị cáo bị buộc tội bởi quyết định truy tố của cơ quan Viện kiểm sát. Đối với bị can, bị cáo thì sự buộc tội của họ đã được khẳng định bằng quyết định khởi tố và bản cáo trạng nên đương nhiên pháp luật phải quy định cho họ quyền bào chữa.
 

Vấn đề thứ 2, nội dung quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

Bị can là NCTN trong TTHS Việt Nam được hiểu là người đang ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi tại thời điểm họ bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố về trách nhiệm hình sự vì có đủ căn cứ xác định người đó đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm theo qui định của pháp luật TTHS. Bị cáo chưa thành niên là người đang ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi đã bị VKS truy tố bằng bản cáo trạng  ra trước Tòa án và Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003 quy định độ tuổi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên, đồng thời ghi nhận các quyền cũng như việc bảo đảm quyền tố tụng của bị can, bị cáo chưa thành niên.

 

Như vậy, quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người chưa thành niên là tổng thể các quyền mà pháp luật quy định bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể sử dụng nhằm bác bỏ một phần hay toàn bộ sự buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho họ. Để bảo đảm quyền công dân nói chung, quyền củangười tham gia tố tụng hình sự nói riêng, trong những năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Tuy nhiên, công tác tư pháp vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất  cập;  tình  hình  tội  phạm  vẫn  diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng.

 

Để thực hiện nhiệm vụ phát triển và bảo vệ đất nước, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 49-NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến 2020. Nội dung quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người chưa thành niên bao gồm 2 nội dung chính sau đây:

– Mở rộng quyền con người thông qua việc quy định quyền tố tụng của người chưa thành niên. Trong pháp luật tố tụng hình sự, quyền tố tụng hình sự của bị can, bị cáo là người chưa thành niên là các quyền được Bộ luật Tố tụng hình sự ghi nhận cho công dân tham gia vào trong hoạt động tố tụng hình sự với tư cách là bị can hay bị cáo. Các quyền này có thể thấy rằng đây chính là sự thể chế hóa những quyền con người cơ bản trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948, Công ước quyền trẻ em năm 1989 và những quyền, tự do cơ bản của Hiến pháp năm 1992 vào trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và đồng thời tiếp tục được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 nhằm mục đích bảo đảm tuân thủ các quyền tự do cơ bản đó của công dân trong lĩnh vực hoạt động nhà nước hết sức đặc thù là lĩnh vực tố tụng hình sự. Đây là lĩnh vực hoạt động quyền lực nhà nước có nhiều khả năng xâm phạm hoặc hạn chế các quyền và tự do hiến định của công dân, do đó, nhu cầu cụ thể hóa, điều chỉnh cụ thể của Bộ luật Tố tụng hình sự và tăng cường bảo đảm cho các quyền đó từ phía nhà nước là nhu cầu khách quan cần thiết. Như vậy, quyền của bị can, bị cáo là người chưa thành niên – những chủ thể tham gia hoạt động tố tụng hình sự trước tiên là phải được quy định bởi Bộ luật Tố tụng hình sự, đồng thời nó cũng phải được Bộ luật Tố tụng hình sự bảo đảm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đều quy định các cơ quan bảo vệ pháp luật khi tiến hành các hoạt động tố tụng phải thực hiện nhiệm vụ: Mọi hành vi phạm tội phải được điều tra, xử lý kịp thời, không để lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội. Không để một người nào bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế  các  quyền  công  dân,  danh  dự  và nhân phẩm một cách trái pháp luật. Đảm bảo việc điều tra, xét xử khách quan toàn diện, đầy đủ, chính xác và đúng pháp luật. Những vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng phải được phát hiện, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm minh. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự của một người phải có đầy đủ căn cứ theo quy định của pháp luật6. Do đó, có thể hiểu rằng đây là nhiệm vụ có tính hai mặt của các cơ quan tiến hành tố tụng: Vừa phải khám phá tội phạm và kẻ phạm tội, vừa phải tuân thủ các quyền con người của các chủ thể tham gia trong hoạt động tố tụng hình sự mà trước hết là của bị can, bị cáo, không được hạn chế các quyền tự do hiến định của họ trái với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và không làm oan người vô tội.

– Mở rộng bảo đảm quyền con người của bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự. Quyền con người được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật thành hệ thống các quy định nêu trên, đồng thời tinh thần mở rộng bảo đảm quyền của bị can, bị cáo là người chưa thành niên đã được ghi nhận trong dự thảo mới của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu không có cơ chế bảo đảm thực hiện các quy định đó thì không thể nói đã có đảm bảo pháp lý bảo vệ quyền con người. Vì vậy, phải triển khai các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, giải thích pháp luật, hướng dẫn thực hiện pháp luật… nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho các thành viên xã hội, hình thành văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội. Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc tổ chức thực hiện pháp luật, nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật của bộ máy Nhà nước, phải bảo đảm cho các quy định nhằm thực hiện bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hệ thống pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân ngày càng giảm, còn có hiện tượng vi phạm thì càng phải được phát hiện, xử lý kịp thời. Khái niệm về bảo vệ quyền con người được hình thành sau khi thành lập Liên Hơp Quốc, được ghi nhận trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc năm 1945, Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948. Sau khi tuyên bố, bản Tuyên ngôn nhân quyền đã được các quốc gia trên thế giới quan tâm và tham gia ký kết.
Bảo đảm quyền của bị can, bị cáo là người chưa thành niên được pháp luật tố tụng hình sự thực hiện bằng các hình thức, biện pháp khác nhau:
      Thứ nhất, các biện pháp liên quan đến ban hành các quy định đúng đắn, khả thi, hợp lý trong pháp luật tố tụng hình sự và đảm bảo thực hiện các quy định đó trong thực tiễn. Quy định đầy đủ quyền của bị can, bị cáo là người chưa thành niên; quy định các thủ tục tố tụng, bảo đảm hạn chế mức thấp nhất việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên; quy định các biện pháp pháp lý cho việc thực hiện các quyền của bị can, bị cáo là người chưa thành niên; đồng thời quy định các biện pháp xử lý các vi phạm quyền của bị can, bị cáo là người chưa thành niên.
      Thứ hai, biện  pháp  xác  định  trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Cần xây dựng một chế độ trách nhiệm rõ ràng, minh bạch của các chủ thể này trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
      Thứ ba, các biện pháp xử lý vi phạm quyền của bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Tùy theo mức độ mà đưa ra hình thức xử lý cho phù hợp, có thể áp dụng các biện pháp xử lý như: Xử lý kỷ luật đối với người tiến hành tố tụng; bồi thường thiệt hại cho bị can, bị cáo; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người; thay đổi người tiến hành tố tụng…
      Thứ tư, biện  pháp  bảo  đảm  quyền khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Khiếu nại, tố cáo là những biện pháp quan trọng tạo điều kiện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên phát hiện cơ quan tiến tụng hoặc người tiến hành tố tụng vi phạm đến những quyền của bị can, bị cáo được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
      Như vậy, quyền và bảo đảm quyền là hai vấn đề gắn liền nhau nhưng hoàn toàn khác nhau. Quyền sẽ không đi vào thực tế nếu như không có cơ chế cụ thể để bảo đảm. Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo được Bộ luật Tố tụng hình sự ghi nhận và thực thi trong thực tiễn có tính hiện thực vì nếu không có những bảo đảm đi kèm theo các quyền tố tụng đó thì các quyền này chỉ là những câu khẩu hiệu trống rỗng. Thiết nghĩ việc xác lập mối quan hệ giữa quyền bào chữa của bị can, bị cáo chưa thành niên với việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo chưa thành niên có ý nghĩa pháp lý cực kỳ quan trọng. Nhà nước quy định cho công dân mình được hưởng những quyền nhất định, tuy nhiên để đảm bảo cho quyền đó được thực thi trên thực tế thì đồng thời Nhà nước phải có nghĩa vụ đối với việc bảo vệ quyền lợi cho công dân của mình. Do đó, quyền và bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo chưa thành niên có mối quan hệ tác động qua lại  lẫn  nhau, Nhà nước quy định cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên hưởng quyền, đồng thời cũng quy định nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo đảm cho quyền đó được thực hiện, nhằm bảo đảm tốt nhất cho quyền lợi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

 

Tác giả bài viết: ThS. Phan Thị Thanh Tâm – Giảng viên Bộ môn Pháp luật, Trường Đại học CSND
Nguồn tin: Bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí KHGD CSND số 72 (tháng 2/2016)

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền