Thẩm phán là một chức danh cao quý, được nhân danh Nhà nước khi xét xử. Thẩm phán thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, vì vậy được nhân dân tôn trọng. Thẩm phán là chỗ dựa vững chắc của công dân khi có việc yêu cầu Tòa án giải quyết… Đi kèm với vinh dự đó, Thẩm phán đang phải đối diện với những áp lực rất lớn…
Các nội dung liên quan:
Thẩm phán là một chức danh cao quý, do Chủ tịch nước bổ nhiệm để xét xử, thực hiện quyền tư pháp, khi xét xử Thẩm phán được nhân danh Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thẩm phán xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; căn cứ các tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thẩm phán ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân của đương sự. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Do đó, được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán là niềm tự hào, là mục tiêu mà hầu hết những công chức trong ngành Tòa án đều phấn đấu để đạt được.
Vì vậy, thông tin Chánh án Ung Thị Xuân Hương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, TAND TP HCM đã phải giải quyết cho gần 20 người nghỉ việc, trong đó có 10 Thẩm phán khiến dư luận rất quan tâm. Trong 10 Thẩm phán đó có người rất giỏi chuyên môn, có người vừa được bổ nhiệm một tháng. Lý do các Thẩm phán xin nghỉ việc là áp lực công việc quá lớn.
Và chuyện Thẩm phán xin nghỉ việc cũng đã diễn ra ở một số đơn vị Tòa án khác, không chỉ riêng TAND TP HCM.
Con số vụ án phải giải quyết mà Chánh án TAND TP HCM công bố chắc chắn khiến dư luận xã hội bất ngờ, mặc dù với nội bộ ngành Tòa án thì không ai ngạc nhiên. Năm 2016, Tòa án TP HCM thụ lý hơn 56.000 vụ, trong đó án hình sự hơn 8.400 vụ; năm 2017, thụ lý hơn 57.000 vụ, án hình sự hơn 6.700 vụ; 6 tháng đầu năm 2018, thụ lý hơn 49.000 vụ, trong đó án hình sự hơn 3.400 vụ.
Chánh án Ung Thị Xuân Hương cho hay, mỗi năm án hình sự đều giảm nhưng từ năm 2017 đến nay, án hình sự phức tạp, án điểm ở TP.HCM lại tăng cao. Có những vụ án lên tới 70 – 80 bị cáo, 200 người liên quan như vụ Ngân hàng Xây dựng có bị cáo Phạm Công Danh… Theo bà Hương, với tình hình này thì hết năm 2018, tổng số vụ án ở TP.HCM phải lên tới 100.000 vụ, tức chiếm ¼ tổng số vụ án của cả nước. Từ việc thụ lý án quá nhiều này, bà Hương nêu ngành Tòa án gặp áp lực về nhân lực, tức là thiếu Thẩm phán, thư ký nhưng nhiệm vụ phải giảm 10% biên chế.
Tổng kết giữa nhiệm kỳ 5 năm, mỗi Thẩm phán TAND TPHCM thụ lý 289 vụ việc, trung bình 10 vụ/tháng. Như vậy, nếu tính số ngày làm việc thì mỗi Thẩm phán chỉ có khoảng 2 ngày để giải quyết xong một vụ án. Thật là một con số kinh khủng.
Áp lực đầu tiên là chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án. Thời gian quá ít để nghiên cứu hồ sơ, để chuẩn bị xét xử thì chắc chắn chất lượng xét xử không cao, thậm chí sai lầm có thể xảy ra. Hậu quả của những bản án không khách quan, không đúng pháp luật rất phức tạp. Trước hết là những quy định ngày càng chặt, đòi hỏi ngày càng cao mà ngành Tòa án đặt ra, Thẩm phán xử sai có thể bị phê bình, tạm đình chỉ, đình chỉ công tác xét xử, không được tái bổ nhiệm khi hết nhiệm kỳ, tùy theo tính chất mức độ sai phạm.
Hiện nay đời sống kinh tế, xã hội phát triển đa dạng, nhiều tranh chấp trước đây chưa từng có đã xuất hiện, tội phạm hình sự cũng phức tạp hơn trước rất nhiều… đòi hỏi Thẩm phán phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nắm bắt được những thay đổi lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Nếu họ không cập nhật kiến thức, cập nhật thông tin thì khi giải quyết vụ án dễ dẫn đến sai lầm. Thẩm phán rõ ràng không chỉ nắm vững pháp luật đơn thuần, chưa kể hệ thống pháp luật ngày càng đồ sộ, nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Áp lực nâng cao năng lực đối với Thẩm phán không nhỏ.
Đã có vụ án Thẩm phán tuyên mức án tử hình oan, hoàn toàn do năng lực, trình độ của Thẩm phán, không có chuyện tiêu cực khác. Dù sau đó bị cáo được minh oan, được bồi thường, Thẩm phán cũng đã nghỉ hưu, không bị truy cứu trách nhiệm, nhưng bản án lương tâm chắc chắn đeo bám suốt đời.
Áp lực đối với Thẩm phán còn đến từ đương sự . Thực tế cho thấy những vụ án hình sự, nhất là những vụ án phạm tội có tổ chức, Thẩm phán có thể bị đe dọa, bị trả thù nhưng những vụ án dân sự còn gây bức xúc cho đương sự gay gắt hơn. Đã có Thẩm phán bị trả thù tàn độc bởi những đương sự thua kiện. Với 10 vụ án/ tháng thì Thẩm phán khó có thể suy đoán đến thái độ của tất cả các đương sự để đề phòng. Hơn nữa, Thẩm phán, gia đình Thẩm phán hiện nay chưa có chế độ bảo vệ.
Trong khi đó, sau khi kết thúc phiên tòa, trở về với cuộc sống thường nhật, Thẩm phán cũng như mọi người khác, phải đối diện với áp lực cơm áo, gạo tiền. Lương Thẩm phán sơ cấp hiện nay, trung bình khoảng 6 triệu đồng, Thẩm phán trung cấp 8 triệu đồng và Thẩm phán cao cấp trên 10 triệu đồng. Rõ ràng, mức thu nhập quá thấp, không đáp ứng đủ các nhu cầu của gia đình.
Lương thấp thì phải kiếm thêm thu nhập như bản năng sinh tồn của con người. Vì thế mới có chuyện bác sĩ nhận tiền của bệnh nhân, giáo viên dạy thêm đối với học sinh của mình… Dù những hành động đó ngành Y tế, ngành Giáo dục lên án nhưng nếu có xảy ra thì chế tài cũng chỉ là phê bình, nhắc nhở hay nặng hơn là các biện pháp kỷ luật hành chính. Tuy nhiên, dù cũng là công chức trong bộ máy Nhà nước như bác sĩ, giáo viên nhưng nếu Thẩm phán nhận tiền hay lợi ích vật chất nào khác từ đương sự, từ bị cáo hay người nhà họ là đồng nghĩa với phạm tội hình sự. Quy định của pháp luật về tội danh đưa, nhận hối lộ không phụ thuộc vào đưa trước hay đưa sau khi giải quyết vụ án, Thẩm phán nhận hối lộ phán quyết đúng hay sai pháp luật. Không ít thư ký, Thẩm phán đã bị kỷ luật, bị truy tố vì sai lầm này.
Áp lực thu nhập là một thách thức lớn đối với phẩm chất liêm chính của Thẩm phán hiện nay.
Câu chuyện Chánh án Ung Thị Xuân Hương đặt ra là điển hình trong hệ thống Tòa án vì đây là địa phương có số lượng vụ án phải giải quyết lớn nhất cả nước, nhưng dù mức độ khác nhau, áp lực đối với các Thẩm phán trong toàn hệ thống đều rất nặng nề.
Mỗi vụ án đều gắn liền với danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền tự do, sức khỏe thậm chí tính mạng con người nên không có vụ án nào đơn giản hơn vụ án nào, dù đó là vụ án ở Điện Biên, Sơn La hay Hà Nội, TP HCM, Tây Nguyên hay miền Tây Nam Bộ. Áp lực, không chỉ là những áp lực trên đây, còn có những áp lực khác nữa, luôn luôn thường trực đối với mỗi Thẩm phán.
Không chịu được áp lực và bỏ cuộc là điều rất đáng tiếc nhưng cũng là những quyết định đáng trân trọng. Họ bỏ việc cũng là thể hiện sự tự trọng vì họ e rằng sẽ xét xử không bảo đảm chất lượng, e rằng biết đâu đến ngày nào đó không vượt qua được thử thách cơm áo.
Cũng vì những người bỏ cuộc mà thấy những Thẩm phán đang gắn bó với ngành, vượt qua những áp lực để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng xét xử đúng pháp luật, khách quan, toàn diện… thật đáng quý trọng xiết bao.
Bài viết của tác giả Lê Uyên đã đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)
Để lại một phản hồi