Trong vụ án hôn nhân và gia đình, khi đương sự có yêu cầu chia tài sản chung thì Tòa án phải tiến hành việc xem xét thẩm định tại chỗ. Tuy nhiên, có vụ án người có yêu cầu chia tài sản là nguyên đơn nhưng có vụ án người yêu cầu chia tài sản là bị đơn, có vụ án họ tự thỏa thuận chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận của họ … Vậy trong vụ án ly hôn, khi Tòa án giải quyết chia tài sản chung thì ai là người phải nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ?
Khoản 3 Điều 157 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định rõ: “Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ”. Tuy nhiên, việc hiểu và áp dụng quy định này trong thực tiễn vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, ở các trường hợp cụ thể:
Trường hợp bị đơn không đồng ý ly hôn; nguyên đơn là người có yêu cầu chia tài sản và không thỏa thuận được việc chia tài sản chung với bị đơn.
Trường hợp nguyên đơn và bị đơn thuận tình ly hôn; nguyên đơn là người có yêu cầu chia tài sản và không thỏa thuận được việc chia tài sản chung với bị đơn;
Trường hợp nguyên đơn và bị đơn thuận tình ly hôn; bị đơn là người có yêu cầu chia tài sản và không thỏa thuận được việc chia tài sản chung với nguyên đơn;
Trường hợp nguyên đơn và bị đơn thuận tình ly hôn; nguyên đơn là người có yêu cầu chia tài sản và thỏa thuận được việc chia tài sản chung với bị đơn; các vấn đề còn lại trong vụ án không thỏa thuận được.
Trường hợp nguyên đơn và bị đơn thuận tình ly hôn; bị đơn là người có yêu cầu chia tài sản và thỏa thuận được việc chia tài sản chung với nguyên đơn; các vấn đề còn lại trong vụ án không thỏa thuận được.
Trường hợp nguyên đơn và bị đơn thuận tình ly hôn; nguyên đơn và bị đơn tự thỏa thuận được việc chia tài sản chung và đề nghị Tòa án ghi nhận trong bản án hoặc quyết định trước khi hòa giải.
Đối chiếu quy định tại khoản 3 Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vào các trường hợp trên, hiện có hai loại ý kiến như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì nguyên đơn là người phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ (nếu vợ chồng không thuận tình ly hôn) mà không phân biệt ai là người có yêu cầu chia tài sản và có thỏa thuận được việc chia chia tài sản hay đòi lại tài sản hay không. Trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn thì vợ, chồng mỗi người chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ mà không phân biệt họ có thỏa thuận được việc chia tài sản chung; có yêu cầu Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận chia tài sản chung trước khi hòa giải hay không.
Ý kiến thứ hai cho rằng, nếu buộc nguyên đơn phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không hợp lý. Bởi lẽ, khi Tòa án phân chia tài chung của vợ chồng thì cả nguyên đơn và bị đơn đều được chia tài sản hoặc hưởng giá trị tài sản thông thường là ngang nhau. Thậm chí việc Tòa án giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng là theo yêu cầu của bị đơn. Trong khi đó nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá theo khoản 2 Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia. Do đó, trong vụ án ly hôn có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng thì phải áp dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để xem xét giải quyết như sau:
Trường hợp nguyên đơn và bị đơn không thuận tình ly hôn và không thỏa thuận được việc chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.
Trường hợp nguyên đơn và bị đơn không thuận tình ly hôn và thỏa thuận được việc chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.
Trường hợp nguyên đơn và bị đơn thuận tình ly hôn và không thỏa thuận được việc chia tài sản chung hoặc thỏa thuận được việc chia tài sản chung thì mỗi bên phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Trường hợp nguyên đơn và bị đơn thuận tình ly hôn và có yêu cầu Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận chia tài sản chung trước khi hòa giải thì mỗi bên phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Trường hợp nguyên đơn và bị đơn không thuận tình ly hôn và có yêu cầu Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận chia tài sản chung trước khi hòa giải thì mỗi bên phải chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Từ những ý kiến khác nhau về việc xác định ai phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án hôn nhân và gia đình có yêu cầu chia tài sản chung như đã nêu trên cho thấy, việc hiểu và áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là chưa thống nhất. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần thống nhất, sớm ban hành hướng dẫn áp dụng pháp luật, đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất./.
Dương Tấn Thanh – TAND TX. Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát
Để lại một phản hồi