05 thói quen cần có của một sinh viên luật

Chuyên mụcCafe Dân Luật Sinh viên luật cần làm gì

Thói quen tốt là nền tảng của sự thành công. Nội dung bài viết “05 thói quen cần có của một sinh viên luật” của bạn Lily Trương đã đăng tải trên trang cá nhân sẽ cực kỳ hữu ích với bạn nếu bạn thực sự muốn trở thành một sinh viên luật có những năm tháng đại học tuyệt vời.

 

Những nội dung liên quan:

 

Mình còn nhớ khi bước vào năm nhất, mình vẫn giữ những thói quen ở cấp ba mà mình vẫn làm. Mình chờ đợi thầy cô giáo cho bài tập về nhà làm, làm xong rồi cũng chẳng muốn tìm hiểu sâu hơn một vấn đề nào khác nữa. Thật may mắn vì chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó, mình đã điều chỉnh ngay tư duy học tập của chính mình.

01. Tự học

Có một sự thật là khi bạn lên đại học: không có ai đốc thúc, không có ai nhắc nhở, không có ai gọi bạn dậy khi bạn đi học muộn, không có học thêm,…và bạn sẽ phải TỰ làm tất cả mọi thứ.

Nếu ở cấp ba mọi thứ luôn bày sẵn trước mặt chúng ta, từ thời khóa biểu, giờ giấc, đi lại đã có bố mẹ đưa đón tận nơi, và việc của chúng ta chỉ đơn giản là HỌC. Nếu bạn bước chân vào giảng đường và mong rằng mọi thứ đều sẵn có thì xin lỗi, bạn đã nhầm to!

Bạn sẽ hiểu thế nào là cảm giác hồi hộp khi phải tranh nhau đăng kí tín chỉ. Bạn sẽ phải dành hẳn một ngày để nghiên cứu và lựa chọn các môn mình sẽ học, nên học giảng viên nào, học khung giờ nào cho hợp lý. Bạn sẽ mừng rơi nước mắt vì sau hàng giờ chờ đợi, bạn có thể đăng kí lớp học ưng ý của mình.

Bạn sẽ hiểu thế nào là cô đơn khi một mình trong phòng trọ lạ lẫm, lần đầu tự tay nấu một bữa cơm cho chính mình… sẽ còn rất nhiều những trải nghiệm lần đầu như thế để giúp bạn ngày một trưởng thành hơn.

>>> Xem thêm: Sinh viên luật cần làm gì để có 04 năm Đại học thành công?

Có một câu hỏi mà mình luôn trăn trở đó là: “Điều gì làm nên một sinh viên xuất sắc?”.  Có thể chúng ta học cùng một thầy cô, học chung một lớp, cùng chừng ấy thời gian một tiết 90 phút mỗi ngày, vậy mà tại sao lại tồn tại sinh viên xuất sắc và những sinh viên yếu kém.

Hóa ra sự khác biệt không nằm ở thời gian trên lớp. Bạn hãy nhìn vào những gì mà họ làm trước và sau giờ học?

02. Đọc trước giáo trình

Trước một vấn đề mới, chúng ta sẽ không khỏi bỡ ngỡ với những khái niệm hàn lâm. Khung tư duy của học sinh và sinh viên có những điểm khác biệt tương đối lớn. Khi còn học cấp ba, chúng ta quen với những từ ngữ đơn giản, phổ thông, đọc một lần có thể hiểu ngay, nhưng giáo trình lại là một đẳng cấp khác. Hồi đầu khi nhận giáo trình Hiến Pháp dày 500 trang, mình háo hức muốn mở ra xem nội dung chính là gì? Niềm vui nhỏ nhoi vụt tắt khi mình cảm thấy chỉ cần đọc hết phần “Lời nói đầu” của các thầy cô đã là cả một “kì tích” rồi!

Chính vì quá nhiều từ ngữ khó hiểu, chúng ta sẽ rất dễ nản và chán. Vì thế, trước khi đến giờ lí thuyết, bạn nên:

+ Xem qua mục lục và các tiêu đề chính để nắm được những nội dung sơ bộ của vấn đề.

+ Dùng bút highlight đánh dấu những câu quan trọng hoặc những khái niệm không hiểu.

Ví dụ, học về Hiến Pháp, bạn chỉ cần biết là Hiến pháp là gì? Nó có quan trọng không?. Hiến pháp là bộ Luật cơ bản của một quốc gia, là tiền đề của các luật khác. Đại ý nôm na là như vậy!

>>> Xem thêm: Nếu là sinh viên luật thì nên “thay đổi tư duy”

Để hiểu hơn về cách đọc giáo trình hiệu quả, bạn có thể đọc thêm bài viết: “Tặng bạn 03 tips đọc giáo trình hiệu quả”

03. Dự giờ lí thuyết đầy đủ

Mình thấy các bạn hay truyền tai nhau một câu thế này “Học không chơi, đánh rơi tuổi trẻ/ Chơi không học, mất cả tương lai”. Nếu như đời sinh viên mà không có một lần “bùng học” thì đó không phải là sinh viên nữa. Mình đồng ý là chúng ta có thể không đi học đầy đủ vì một số chuyện phát sinh, gia đình có việc hay những vấn đề bất khả kháng. Nhưng mình khuyên bạn một điều rất chân thành đó là bạn nên đi học đầy đủ.

Không chỉ dừng lại ở việc giải thuần lí thuyết, thứ mà các thầy cô giảng trên lớp có thể  không có trong giáo trình, không có trên slide hay bất kì luận văn luận án nào mà bạn có thể tìm thấy. Đó là những câu chuyện nghề, là những góc khuất của ngành luật mà không phải thầy cô nào cũng dám nói ra, đó là việc áp dụng luật trong thực tế còn xa vời với lí thuyết, là những chiêu trò mà một bộ phận trong xã hội vẫn đang lợi dụng kẽ hở để lấy lời…Mình tự hỏi bản thân: “Không biết sau này, mình có đủ sức để thay đổi thế giới.” Luật sư không cần đến vũ khí, họ chiến thắng bằng lí lẽ và pháp luật.

Mình thấy có nhiều bạn đến lớp chỉ để điểm danh, nếu bạn thấy việc học là quá mệt mỏi và mỗi ngày đến trường là một ngày chán ngán, mình nghĩ rằng bạn nên ngủ ở nhà hoặc bùng tiết thì hơn.

04. Ghi chú cẩn thận

Song song với việc nghe giảng, việc bạn cần làm đó là takenote. Bạn có thể viết bằng máy tính hoặc sổ bút. Mỗi một phương pháp ghi chép lại có những ưu nhược điểm riêng (mà mình sẽ phân tích ở một bài viết sau). Khi ghi chép, mình sẽ viết lại lời thầy cô giảng theo ý hiểu của mình, từ đó mình sẽ ghi nhớ lâu hơn vì kiến thức được liên hệ thực tiễn.

>>> Xem thêm: 10 điều sinh viên luật nên đọc dù chỉ một lần

05. Luôn luôn đặt câu hỏi “Tại sao?”

Khi học về các quy định pháp luật, thay vì chấp nhận rằng luật quy định thế thì “cứ theo luật mà làm”.” Nếu thực sự Luật chỉ cần đọc và áp dụng thì chúng ta chẳng cần đến luật sư, và các em cũng chẳng cần ngồi đây để học làm gì vì ai cũng sẽ mở luật ra đọc và làm đúng như thế!” .- trích nguyên văn lời nhắc nhở của cô giáo mình. Bạn nên đặt câu hỏi tại sao để hiểu các nhà làm luật đã dựa trên nguyên lý nào để đề ra những điều luật như thế. Khi còn học cấp ba, mình đã từng mặc định rằng tất cả những gì thầy cô nói là đúng và điều này dẫn đến thiên kiến sai lệch trong tư duy. Từ khi rèn luyện critical thinking, mình đã liên tục tự hỏi chính mình “Tại sao luật lại quy định như thế? Tại sao phải là 03 năm mà không phải là 02 năm? Tại sao lại có trường hợp ngoại lệ ở đây?…” Khi hỏi là khi chúng ta chủ động tư duy về vấn đề thay vì chỉ tương tác một chiều trong buổi lí thuyết. Tự hỏi, tự trả lời là cách tốt nhất để chúng ta nhận ra “điểm mù” kiến thức của bản thân.

Bạn nên đặt câu hỏi tại sao để hiểu các nhà làm luật đã dựa trên nguyên lý nào để đề ra những điều luật như thế!

lilytruong

Mong rằng một vài chia sẻ trên đây có thể giúp bạn một phần nào đó trên hành trình bước vào đại học. Mình không nói học Luật là dễ, khó hay dễ còn tùy thuộc vào định nghĩa của mỗi người. Cho đến giờ, mình vẫn đang phân vân không biết mình có đủ tâm huyết để theo đuổi nghề hay không? Dù sao đó là chuyện của tương lai, của năm, bảy năm nữa! Giờ đây mình chỉ muốn sống trong hiện tại, được viết và sẻ chia về những trải nghiệm đã qua, mong rằng những tâm sự này có thể giúp đỡ một ai đó.

05 thói quen cần có của một sinh viên luật

Link bài viết gốc: https://www.facebook.com/linhhkhanhtruong/posts/1279993035785263

Các bạn hãy kết nối, ủng hộ cũng như theo dõi nhiều bài viết thú vị, hữu ích hơn nữa về chủ đề “kinh nghiệm học đại học” từ bạn Lily Trương bằng cách thường xuyên ghé thăm những nền tảng sau:

– Facebook: https://www.facebook.com/linhhkhanhtruong/
– Page: https://www.facebook.com/lilytruongnguoigochu/
– Blog: https://lilytruongg.com/

4.5/5 - (505 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền