Những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị thực tập cho sinh viên luật

Chuyên mụcCafe Dân Luật Sinh viên luật đi thực tập

Những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị thực tập cho sinh viên luật” là tựa đề của bài viết mà Phạm Thảo – Giảng viên, Founder Luật sư 24/7 đã chia sẻ tại DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT vào ngày 16/5/2021. Một bài viết rất tâm huyết, mình xin chia sẻ lại hy vọng ‘sẽ giúp các bạn nhìn nhận, đánh giá và có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình đi thực tập sắp tới’ cũng mong muốn của tác giả Phạm Thảo.

Đối với những người làm luật nói chung và sinh viên học luật nói riêng, có lẽ khoảng thời gian thực tập tại các Công ty/Văn phòng Luật sư, Công ty tư vấn… là khoảng thời gian đọng lại nhiều cảm xúc và những ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với “nghề” mặc dù khoảng thời gian đó còn tương đối ngắn. Với cương vị là một người quản lý, lãnh đạo Công ty và đồng thời cũng là một người làm công tác giảng dạy, hơn ai hết, tôi hiểu được tâm lý và những khó khăn trong quá trình thực tập của các bạn sinh viên. Do đó, với những kinh nghiệm đã có của mình, dưới góc độ của một nhà quản lý, cũng như đã từng là sinh viên thực tập, tôi muốn chia sẻ với các bạn những kỹ năng cần có trong quá trình thực tập.

Thứ nhất, việc chuẩn bị cho mình một tâm trạng thoải mái, một tinh thần cầu thị, ham học hỏi là điều rất quan trọng trong quá trình các bạn thực tập. Điều đó sẽ quyết định đến việc các bạn sẽ tiếp thu, học hỏi được những gì trong khoảng thời gian đi thực tập. Nó hoàn toàn khác với việc các bạn chỉ đơn thuần đi đăng ký thực tập và hoàn thành việc thực tập như một nghĩa vụ để “trả” điểm cho Trường.

Sinh viên luật đi thực tập
Sinh viên luật đi thực tập – Ảnh minh họa

Thứ hai, tuân thủ đúng các nội quy, quy định và yêu cầu từ phía Công ty/Văn phòng luật là một điều quan trọng không kém dối với các bạn trong quá trình thực tập bởi thông qua đó, những người quản lý trong Công ty/Văn phòng sẽ nhìn nhận vào đó để đánh giá “ý thức” của các bạn. Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc: “thái độ là trên hết”, bởi vì tại thời điểm các bạn đi thực tập, hãy khoan nói về câu chuyện kiến thức và kinh nghiệm vì với sinh viện, tại thời điểm các bạn đi thực tập, có lẽ là kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn của các bạn gần như là con số 0. Đồng thời khoảng thời gian thực tập đó lại quá ngắn để người tiếp nhận hướng dẫn các bạn có thể đánh giá được năng lực và trình độ của các bạn. Tuy nhiên, họ lại có thể nhìn nhận vào thái độ và ý thức thực tập của các bạn để đánh giá các bạn, và dưới góc độ cá nhân của tôi cũng vậy.

Thứ ba, việc tìm hiểu lại các kiến thức cơ bản trong quá trình học nói chung và những kiến thức đối với lĩnh vực mà các bạn đăng ký thực tập nói riêng cũng là một điều mà các bạn cần lưu ý. Bởi suy cho cùng, việc các bạn có thể lĩnh hội được những bài học trong quá trình thực tập sẽ phụ thuộc rất lớn vào những kiến thức nền tảng của các bạn trước đó. Việc nắm chắc kiến thức cũng giúp cho các bạn sẽ tiếp thu một cách nhanh chóng, thuận lợi hơn khi được cán bộ hướng dẫn chia sẻ và góp ý.

Thứ tư, hãy phát huy những kỹ năng “mềm” mà các bạn đã tích luỹ và học hỏi được trước đó, ngay từ việc rất đơn giản đó là “đi hỏi, về chào” một cách lễ phép, vui vẻ đối với mọi người ngay tại chính nơi mà mình thực tập. Đây cũng sẽ là điểm cộng rất lớn đối với các bạn trong quá trình thực tập và cũng sẽ là những cơ sở, tiêu chí để những người quản lý xét tuyển vào làm việc chính tại Công ty/Văn phòng khi mà bạn có mong muốn được gắn bó lâu dài.

Thứ năm, ‘cái răng cái tóc là góc con người”, do đó việc chuẩn bị cho mình vẻ về ngoài chỉn chu, gọn gàng cũng sẽ giúp cho các bạn tự tin hơn rất nhiều trong quá trình thực tập. Nên hạn chế việc mặc những trang phục quá nổi bật, mang phong cách cá nhân hoặc trào lưu để đi thực tập. Nghề Luật cũng là một nghề mà khách hàng hay bất cứ một ai cũng đều sẽ nhìn nhận và đánh giá bạn một phần thông qua vẻ bề ngoài, ít nhất là trong lần đầu gặp mặt, bởi vậy mới nói “vẻ bề ngoài quan trọng thật” ?. Do đó, việc xây dựng hình ảnh theo phong cách truyền thống, giản dị, công sở sẽ được những người quản lý và khách hàng đánh giá cao.

Có lẽ rằng, sẽ còn rất nhiều những kỹ năng khác mà dưới góc độ mỗi người thì tầm quan trọng của nó sẽ khác nhau. Nhưng với tôi thì đây sẽ là những hành trang cần thiết để mà mỗi bạn sinh viên cần phải có trong quá trình đi thực tập nói riêng và sau này đi làm việc nói chung. Hi vọng những chia sẻ của tôi phần nào đó sẽ giúp các bạn nhìn nhận, đánh giá và có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình đi thực tập sắp tới. Chúc các bạn may mắn
5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền