Ý nghĩa của quy định chiếm hữu trong quan hệ dân sự

chiem-huu

Ý nghĩa của quy định chiếm hữu đối với việc bảo vệ quyền của các chủ thể trong quan hệ dân sự

Chiếm hữu là một chế định quan trọng trong Luật Dân sự, được pháp điển trong nhiều bộ luật dân sự các quốc gia trên thế giới, mà sớm nhất phải kể đến Luật La Mã. Chế định chiếm hữu trong luật La Mã đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đối với pháp luật Dân sự của rất nhiều quốc gia theo truyền thống Dân luật.

>>> Xem thêm: Tư duy vật quyền qua chế định tài sản và chế định chiếm hữu trong pháp luật dân sự

Không như Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ xem chiếm hữu là một nội dung của quyền sở hữu, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn công nhận rằng bên cạnh quyền chiếm hữu, tồn tại một tình trạng thực tế là Chiếm hữu. Điều 179 quy định, “Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Như vậy ngay trong điều 179, ta đã thấy sự xuất hiện (tuy chưa rõ ràng nhưng rất đáng mừng) của 2 yếu tố corpus (nắm giữ, chi phối thực tế) và animus (như chủ thể có quyền đối với tài sản) trong cấu thành chiếm hữu của Bộ luật Dân sự năm 2015, cho thấy rằng luật Dân sự Việt Nam đang dần tiệm cận với các quan niệm mang tính học thuyết của luật Dân sự trên thế giới.

Bộ luật Dân sự

Bộ luật Dân sự năm 2015 cùng với việc quy định chiếm hữu trong một chương riêng, đã đưa ra một giải pháp giúp bảo về chiếm hữu theo một phương thức độc lập với chế định sở hữu. Điều 184 đã trao cho người chiếm hữu 2 suy đoán: (1) Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình, người nào phản đối phải chứng mình; và (2) Trong trường hợp có tranh chấp, người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền, người nào phản đối phải chứng minh.

Như vậy, trong Bộ luật Dân sự năm 2015, người chiếm hữu đã không còn phải chứng minh quyền của mình để được bảo vệ như ở Bộ luật Dân sự năm 2005 nữa. Đây là một điểm tiến bộ rất lớn trong quy định về chiếm hữu của Bộ luật Dân sự năm 2015. Ta sẽ cùng phân tích hiệu quả của sự bảo vệ này dưới góc độ người chiếm hữu và người kiện đòi khôi phục chiếm hữu.

Đối với người chiếm hữunhờ suy đoán ngay tình mà người chiếm hữu được nhận hoa lợi, lợi tức mà không cần chứng minh sự ngay tình của mình; được hưởng thời hiệu xác lập sở hữu mà không cần chứng minh. Đứng trước một sự xâm phạm trực tiếp vào tình trạng chiếm hữu (mà tranh chấp về cành cây vươn lấn sang không gian là một ví dụ), người chiếm hữu có thể kiện yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền buộc người xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại. Đứng trước một tranh chấp về chiếm hữu, người chiếm hữu cũng được bảo vệ mà không cần chứng minh mình có quyền. Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bảo vệ tốt đối với người chiếm hữu.

Tuy nhiên, đối với người đi kiện đòi khôi phục chiếm hữu thì Bộ luật Dân sự năm 2015 lại bày tỏ những bất cập. Như phân tích ở phần trước, người đi kiện đòi tài sản có thể tranh chấp về tình trạng, cũng có thể tranh chấp về quyền với người chiếm hữu. Tuy nhiên, dường như Bộ luật Dân sự năm 2015 không cho phép người đi kiện được phát một đơn kiện để đòi khôi phục tình trạng chiếm hữu. Khoản 1 điều 166 về quyền đòi lại tài sản quy định “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”. Như vậy, luật chỉ cho phép người có quyền được đòi lại tài sản của mình. Xét ví dụ: B ăn cắp xe máy từ A bán cho C, C ngay tình và lại bị ăn cắp chiếc xe máy đó bởi D. Như vậy, trong khi luật pháp các nước trên thế giới cho phép C kiện D để đòi khôi phục tình trạng chiếm hữu (không quan tâm đến việc C có phải là chủ sở hữu không) thì luật Việt Nam chỉ cho phép người có quyền, tức là A được phép kiện C thông qua hình thực kiện bảo vệ quyền sở hữu (vốn có nghĩa vụ chứng minh rất khó khăn).

Như vậy, chủ sở hữu nếu mất tài sản, khi đi kiện phải chứng minh mình là chủ sở hữu đích thực. Điều này là hoàn toàn không khả thi đối với thực tế hiện nay của Việt Nam, vì 2 lý do như sau:

Thứ nhất, hệ thống đăng ký quyền sở hữu của Việt Nam mới được xây dựng nên còn rất thiếu sót. Đơn cử như đối với tài sản là bất động sản, hiện nay có 2 hình thức đăng ký là đăng ký quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và đăng ký quyền sở hữu nhà và các tài sản khác trên đất (sổ hồng), do (1) những yêu cầu ngặt nghèo về chứng minh quyền sở hữu; (2) thủ tục hành chính phức tạp; và (3) lệ phí đăng kí và tiền thuế phải đóng khi đăng ký là lớn, cho nên phần lớn các chủ sở hữu đất ở Việt Nam vẫn không đăng ký các vật quyền này.[1] Mặt khác, trong thực tế động sản phải đăng ký nhiêu lúc được chuyển giao qua rất nhiều mà không có bất kỳ sự đăng ký nào.[2]

Như vậy, các chủ sở hữu ở Việt Nam muốn chứng minh quyền của mình, không thể dễ dàng dẫn chứng bằng chứng thư đăng ký vật quyền như ở các nước tiên tiến.

Thứ hai, nếu chủ sở hữu chứng minh tư cách sở hữu của mình bằng cách lần ngược về quá khứ, thì điều này là không khả thi. Điều này lại càng đặc biệt đúng khi xét đến điều kiện kinh tế (do thương mại không có lịch sử lâu đời, cho nên việc buôn bán ở nước ta cũng rất đơn giản, việc buôn bán dựa trên niềm tin là chủ yếu cho nên không để lại nhiều giấy tờ ghi chép lại các giao dịch dân sự)[3] và điều kiện lịch sử (do trải qua chiến tranh và chia cắt cho nên các quan hệ tài sản trong xã hội bị xáo trộn rất nhiều). Cho nên, thật khó mà tin được rằng, chủ sở hữu có thể chứng minh được tư cách sở hữu của mình bằng cách lần ngược về quá khứ.

Như vậy, rõ ràng rằng Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không thể tạo điều kiện cho người đi kiện bảo vệ lợi ích của mình.

Đứng trước một tranh chấp mà ta thấy rõ ràng rằng có một người bị thiệt hại, thì dù Bộ luật Dân sự năm thất bại trong việc bảo vệ người bị thiệt hại ấy, thì ta vẫn có thể đặt ra câu hỏi rằng, thực tế diễn ra như thế nào?

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện cho rằng, nghĩa vụ chứng minh quyền sở hữu của người đi kiện phần chỉ là thủ tục: nhà chức tranh có thể yêu cầu người đi kiện chứng minh nguồn gốc của tài sản, nhưng người đó vẫn có thể trả lời vu vơ rằng mình không còn giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc của tài sản tranh chấp, thì nhà chức trách vẫn trả lại tài sản cho người đi kiện chứ không tịch thu vào công quỹ.[4]

Có rất nhiều ví dụ cho thấy rằng trong thực tế, tòa án luôn tìm cách giải quyết các vấn đề mà luật dân sự chưa giải quyết được.[5]

Tóm lại, mặc dù trong thực tế đã có những giải pháp nhất định, nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thất bại trong việc cung cấp cho người chiếm hữu một khả năng khả thi để bảo vệ tình trạng chiếm hữu của mình.

Đối với người thứ ba ngay tình, Bộ luật Dân sự năm 2015 dành một sự bảo vệ rất yếu cho người thứ 3 ngay tình. Cũng theo điều 166 về quyền đòi vật, ta thấy rằng dù người chiếm hữu là ngay tình, chừng nào quyền sở hữu do thời hiệu chưa được xác lập thì kể cả khi thời dài chiếm hữu đã tương đối dài và tình trạng chiếm hữu của anh ta là ổn định, anh ta luôn có thể bị chủ sở hữu đòi lại tài sản. Về lý thuyết, một người mua một mảnh đất về xây nhà, kinh doanh buôn bán ổn định trong 29 năm, vẫn có thể bị đòi lại tài sản; một người chiếm hữu một động sản, thì sau 9 năm tình trạng chiếm hữu của anh ta vẫn bấp bênh. Đáng nói là khi anh ta bị đòi lại tài sản, anh là có một quyền lợi bị thiệt hại, thì chính anh ta lại phải tự mình tìm để kiện đòi bồi thường người đã chuyển giao tài sản cho mình bằng cách chứng minh thiệt hại và lỗi của người đó. Điều này thật là bất công đối với người thứ 3 ngay tình. Trong khi luật pháp các quốc gia khác trên thế giới quy định một thời hạn để kiện đòi tài sản, thì luật Việt Nam lại bảo vệ quyền sở hữu một cách tuyệt đối như thế. Sự bảo vệ tuyệt đối này không chỉ đem lại bất công, mà còn làm cho chủ sở hữu không có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản của mình.

Như vậy, chế định bảo vệ chiếm hữu trong Bộ luật Dân sự năm Việt Nam vừa khó thực thi, lại vừa bất công. Sự bảo vệ như vậy không thể nào giúp cho các mối quan hệ dân sự được vận hành một cách ổn định, gây nguy hại đến niềm tin của các chủ thể đối đối với sự bảo vệ của luật pháp, khiến cho nền kinh tế cứ vướng mắc vào tranh chấp quyền lợi mà không thể phát triển nhanh.


[1] Rất nhiều người dân Việt Nam sinh sống ở nông thôn không chịu kê khai đất mình đang ở để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất (cấp bìa đỏ),  vì họ suy nghĩ rất đơn giản rằng: “đất này là đất thổ cư do cha ông để lại, cần gì phải đăng ký cho phiền phức và tốn kém!”

[2] Có một tình trạng thực tế ở Việt Nam hiện nay là có những tài sản đã bị chuyển dịch một cách bất hợp pháp qua tay nhiều người, rất khó xác định được cụ thể đã qua tay những ai. Điển hình là xe máy: tìnhtrạng mua bán trao tay không qua thủ tục sang tên trước bạ diễn ra khá phổ biến.

[3] Xem: Chương I, Phần 2 “Kinh tế sinh hoạt”, “Xã Hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại” – Lương Đức Thiệp, NXB Tri Thức, 2016, Hà Nội

[4] “Giáo trình Luật Dân sự – Quyển 1 – Khoa Luật, ĐH Kinh Tế – Luật, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh”, Nguyễn Ngọc Điện chủ biên

[5] Vụ kiện đòi nhà giữa ông T và ông B tại tỉnh Tiền Giang. Vụ án có nội dung cụ thể như sau:

Ngôi nhà tại ấp 4, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được toạ lạc trên tổng diện tích 86,12 m2 nguyên thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn B (diện tích này ông B chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Vào năm 1978, ông B cho ông Huỳnh Văn T mượn nền nhà và đất trên để ở tạm. Nay có nhu cầu sử dụng, ông B yêu cầu ông T phải trả nền nhà và đất mà ông đã cho mượn năm 1978, nhưng ông T không thực hiện.

Sau khi thụ lý và điều tra vụ việc, Toà án nhân dân huyện Cái Bè đã đưa vụ án ra xét xử và đã ra phán quyết (bản án số 129/STDS ngày 22/8/1996) với nội dung: buộc ông T phải trả cho ông B toàn bộ nền nhà trên diện tích đất 86,12m2. Ông B có trách nhiệm thanh toán lại cho ông T tiền chi phí nâng cấp nền nhà, lấp ao, xây dựng… với tổng số tiền là 3.152.920 đồng.


Các tìm kiếm liên quan đến Ý nghĩa của quy định chiếm hữu đối với việc bảo vệ quyền của các chủ thể trong quan hệ dân sự, ý nghĩa của quyền chiếm hữu, ý nghĩa của chiếm hữu và quyền chiếm hữu, chiếm hữu ngay tình bộ luật dân sự 2015, ví dụ về quyền chiếm hữu, chế định quyền sở hữu trong bộ luật dân sự, chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình Bộ luật Dân sự năm 2015, vi du ve chiem huu khong ngay tinh, so sánh chiếm hữu ngay tình và không ngay tình, quyền sở hữu trong bộ luật dân sự 2015

5/5 - (13432 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.