Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2015

Chuyên mụcLuật dân sự, Thảo luận pháp luật Bộ luật Dân sự

1. Quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự (quan hệ dân sự)

Điều 1 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) xác định hai loại chủ thể quan hệ dân sự là: cá nhân, pháp nhân. Bên cạnh đó, dựa trên mục tiêu kinh tế khi hoạt động, có tìm kiếm lợi nhuận hay không, BLDS chia pháp nhân thành hai loại là pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.

 

Các nội dung liên quan:

 

Ngoài ra, BLDS còn xác định hộ gia đình và tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự. Từ Điều 101 đến Điều 104 BLDS đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, theo hướng minh định rõ trách nhiệm của các bên, phương thức tham gia giao dịch dân sự, theo đó “các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.

 

Các nội dung liên quan:

 

2. Xác định chủ thể quan hệ dân sự

2.1 Các quan điểm xác định chủ thể quan hệ dân sự trong BLDS

Trong thời gian qua, khi xử lý các vụ việc phát sinh trên thực tiễn, đã xuất hiện những ý kiến khác nhau về chủ thể quan hệ pháp luật dân sư. Công văn số 774/ KTrVB-KT ngày 26/12/2017 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp đã viện dẫn hai loại ý kiến sau đây:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, bên cạnh Nhà nước là chủ thể đặc biệt, theo quy định của BLDS năm 2015, chủ thể trong quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Quy định này được thể hiện xuyên suốt và nhất quán trên cơ sở lời văn và tinh thần của Bộ luật.

Đối với các thực thể pháp lý khác như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, Bộ luật không hạn chế mà vẫn bảo đảm sự tham gia quan hệ dân sự phù hợp với địa vị pháp lý và đặc thù của nó nhưng phải thông qua người đại diện hoặc thông qua thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân để xác định rõ trách nhiệm pháp lý.

Như vậy, quy định chủ thể được mở tài khoản tại tổ chức tín dụng chỉ gồm cá nhân và pháp nhân tại Thông tư số 32/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 32) là phù hợp với BLDS về chủ thể trong quan hệ dân sự. Bên cạnh đó, Thông tư 32 không hạn chế mà vẫn bảo đảm quyền mở tài khoản của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thông qua tài khoản thanh toán cá nhân. Ngoài ra, việc chuyển tài khoản thành tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung không gây nhiều tốn kém cho xã hội, nếu có thì đó là những chi phí hợp lý và cần thiết để bảo đảm tính minh bạch, lành mạnh, hạn chế rủi do cho các giao dịch dân sự.

Ý kiến thứ hai khẳng định, ngoài chủ thể đặc biệt là Nhà nước, chủ thể quan hệ dân sự chỉ gồm cá nhân và pháp nhân là chưa đầy đủ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 BLDS, luật khác có liên quan cũng điều chỉnh quan hệ dân sự trong lĩnh vực cụ thể, nếu sự điều chỉnh đó không trái với nguyên tắc cơ bản pháp luật dân sự. Do đó, cần phải hiểu quan hệ dân sự và chủ thể quan hệ dân sự theo nghĩa rộng hơn. Ngoài cá nhân, pháp nhân là hai chủ thể phổ biến trong quan hệ dân sự, còn có các chủ thể khác tham gia quan hệ dân sự được quy định trong các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Luật sư, Luật Phá sản doanh nghiệp…

Theo ý kiến này, quy định của Thông tư 32 về chủ thể được mở tài khoản tại tổ chức tín dụng chỉ gồm cá nhân và pháp nhân là không phù hợp với BLDS. Mặt khác, việc Thông tư 32 không cho phép các tổ chức không có tư cách pháp nhân được mở tài khoản thanh toán còn hạn chế quyền dân sự của các tổ chức này, trái với Điều 2 BLDS.

2.2 Các sửa đổi, bổ sung dẫn đến nhận thức khác nhau về chủ thể quan hệ dân sự trong BLDS

Điều 1 BLDS2005 xác định chủ thể quan hệ dân sự theo nghĩa rộng gồm cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác. Chủ thể khác chính là các tổ chức không có tư cách pháp nhân.

Tuy nhiên, Điều 1 BLDS 2015 quy định: “Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm”.

Như vậy, Điều 1 của BLDS2015 chỉ đề cập tới hai chủ thể là cá nhân, pháp nhân và bỏ cụm từ “chủ thể khác», tức không đề cập đến tổ chức không có tư cách pháp nhân trong Điều 1.

Ngoài ra, nếu như BLDS năm 2005 quy định theo hướng mặc định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể quan hệ dân sự và chủ hộ là đại diện đương nhiên của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự, còn tổ trưởng tổ hợp tác là người đại diện đương nhiên của tổ hợp tác trong các giao dịch dân sự, thì BLDS năm 2015 xuất phát từ bản chất của chủ thể, có cách tiếp cận khác với trước đây. Điều 101 BLDS quy định:

“1. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.

Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.

2. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.”

Quy định này dẫn đến hai cách hiểu khác nhau:

Thứ nhất, nếu tiếp cận theo hướng trong quan hệ dân sự chỉ có hai loại chủ thể như quy định tại Điều 1 thì dù Điều 101 có đề cập tới hộ gia đình, tổ hợp tác nhưng không phải với nghĩa khẳng định đây là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Do vậy, trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, trong quá trình hoạt động, cần tham gia giao dịch dân sự phục vụ cho hoạt động của mình thì không phải hộ gia đình, tổ hợp tác tham gia với tư cách chủ thể, do người đại diện theo ủy quyền thực hiện nhân danh hộ gia đình, tổ hợp tác, mà phải thông qua các thành viên, các thành viên khi tham gia giao dịch không nhân danh “hộ hay tổ” mà nhân danh cá nhân thành viên hoặc các thành viên ủy quyền cho người khác thì người được ủy quyền nhân danh người ủy quyền là các thành viên.

Thứ hai, Điều 101 đã thể hiện sự tham gia quan hệ pháp luật dân sự một cách chủ động với tư cách là chủ thể của “hộ gia đình…”, theo đúng bản chất của loại chủ thể này. Do đó, không mặc định tư cách chủ thể, tư cách đại diện như BLDS năm 2005 nên mới quy định: “trường hợp hộ gia đình… tham gia quan hệ dân sự thì…” quy định tiếp theo của Điều luật đã chỉ dẫn cách thức tham gia giao dịch của chủ thể đặc thù này bằng cách: “…các thành viên của hộ… là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Tức là tất cả các thành viên là người trực tiếp tham gia xác lập, thực hiện nhưng không phải với nghĩa là những cá nhân riêng rẽ, độc lập mà dựa trên mối liên kết “hộ gia đình” hoặc “hợp tác xã” trên cơ sở ý chí chung, ý chí của chủ thể “hộ hay tổ”, vì hoạt động của chủ thể này. Nếu các thành viên không trực tiếp tham gia được thì “hộ…” ủy quyền cho người đại diện tham gia… Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ…”. Cụm từ “Hoặc ủy quyền…” phải được gắn với mệnh đề ở trên, đó là “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì…”

Có thể thấy rằng, việc Điều 1 của BLDS bỏ cụm từ “chủ thể khác” và  Điều 101 không quy định theo hướng mặc định tư cách đại diện, tư cách chủ thể của “Hộ gia đình, Tổ hợp tác” nên dẫn đến hiểu, giải thích khác nhau là điều có thể hiểu được.

Chúng tôi cho rằng, dù xét dưới bất kỳ góc độ nào, việc Điều 1 BLDS bỏ cụm từ “chủ thể khác” là chưa chuẩn xác. Mặt khác, cách thể hiện chưa rõ ràng của Điều 101 BLDS cũng góp phần tạo ra nhận thức khác nhau.

2.3 Xác định chủ thể quan hệ pháp luật dân sự theo quy định của BLDS.

Từ các phân tích, bình luận ở trên đây, chúng tôi cho rằng, có thể xác định chủ thể của quan hệ dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác là tổ chức không có tư cách pháp nhân.

Ngoải ba loại chủ thể là cá nhân, pháp nhân, chủ thể là Nhà nước (pháp nhân đặc biệt) đã được xác định rõ trong BLDS, các chủ thể là hộ gia định, tổ hợp tác và tổ chức không có tư cách pháp nhân được quy định tại Chương VI BLDS cần phải được làm rõ thêm. Để tạo ra nhận thức thống nhất về chủ thể quan hệ dân sự, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước sớm có những văn bản quy định có tính định hướng chung về tổ chức, hoạt động hoặc yêu cầu chủ thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân phải có quy chế, điều lệ, quy tắc… phù hợp tính chất chủ thể. Trong đó, đối với những chủ thể tham gia quan hệ dân sự, cần quy định về thành viên, phương thức hoạt động, phương thức tham gia quan hệ pháp luật dân sự, trách nhiệm chủ thể và thành viên…

Dưới góc nhìn thực tiễn, ngoài chủ thể là hộ gia đình, tổ hợp tác, còn có rất nhiều chủ thể là những thực thể khác tham gia vào quan hệ dân sự nhưng không phải là cá nhân, pháp nhân như dòng họ, nhà thờ, nhà chùa, doanh nghiệp tư nhân, trang trại, các tổ chức hành nghề được thành lập theo mô hình doanh nghiệp tư nhân (văn phòng luật sư, văn phòng thừa phát lại, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản phá sản…).

Có lẽ trừ loại hình doanh nghiệp tư nhân có nhiều đặc thù, dù vẫn là trách nhiệm vô hạn của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp (chủ doanh nghiệp là một người) nhưng so với những chủ thể khác không có tư cách pháp nhân thì chủ thể là doanh nghiệp tư nhân có lẽ ít có nét tương đồng với chủ thể là cá nhân hơn, và càng khác biệt với chủ thể là pháp nhân, còn lại các chủ thể là tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, chứa đựng bản chất của chủ thể cá nhân rất rõ ràng.

3. Những đề xuất, kiến nghị

– BLDS đã xác định chủ thể quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cả tổ chức không có tư cách pháp nhân, khi chủ thể này xác lập, thực hiện giao dịch thì tư cách pháp lý trong quan hệ pháp luật dân sự, trong tố tụng dân sự là tổ chức đó với tên được xác định, chứ không phải là thành viên tổ chức. Nếu phát sinh trách nhiệm dân sự thì tổ chức chịu trách nhiệm bằng tài sản chung của tổ chức, trường hợp tài sản chung không đủ thực hiện nghĩa vụ thì các thành viên tổ chức liên đới chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình (trách nhiệm vô hạn).

– Việc chủ thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ tín dụng, mở tài khoản phải mang tên tổ chức đó. Không được ghi chủ tài khoản là tài khoản mang tên cá nhân thành viên tổ chức, vì tính chất pháp lý giữa cá nhân và tư cách đại diện của cá nhân với tổ chức là hoàn toàn khác nhau, đưa đến hậu quả pháp lý khác nhau. Tiền do cá nhân đứng tên trong tài khoản cá nhân được hiểu là tài sản của cá nhân đó, tài khoản đứng tên tổ chức, tiền trong tài khoản đó được xác định là của tổ chức, người đại diện chỉ là chủ tài khoản đại diện cho tổ chức đó, thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch. Việc cá nhân là người đại diện của tổ chức xác lập, thực hiện được coi là hành vi của tổ chức đó. Đây là vấn đề không được nhầm lẫn, không được chuyển từ tài khoản của tổ chức thành tài khoản cá nhân.

– Khi mở tài khoản cho tổ chức, người trực tiếp tham gia giao dịch, mở tài khoản phải là người đại diện của tổ chức theo hình thức đại diện theo ủy quyền. Do đó, người trực tiếp mở tài khoản, đặc biệt là thực hiện giao dịch thuộc tài khoản của tổ chức phải chứng minh tư cách đại diện tổ chức của mình.

– Nếu chủ thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân chỉ có quyền lợi, không xuất hiện nghĩa vụ trong quan hệ tranh chấp, hoặc tuy có nghĩa vụ nhưng tài sản của chủ thể này đủ thực hiện nghĩa vụ thì việc xác định thành viên tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có nhiều ý nghĩa thực tiễn, nhưng những trường hợp tổ chức không có tài sản hoặc tài sản nhưng không đủ thực hiện nghĩa vụ thì việc xác định có những thành viên nào của tổ chức để đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là yêu cầu không thể xem nhẹ.

– Trong trường hợp người xác lập, thực hiện giao dịch trình bày với cơ quan tài phán là hành vi đó không phải là hành vi vì lợi ích của cá nhân mình mà là thực hiện hành vi của tổ chức, vì lợi ích của tổ chức nhưng không xuất trình được tài liệu chứng minh, không bên nào cung cấp được đó là hành vi nhân danh tổ chức, thực hiện vì lợi ích của tổ chức thì phải xác định hành vi đó, giao dịch đó là của cá nhân, cá nhân đó chịu trách nhiệm. Đối với trường hợp thành viên không có quyền đại diện mà xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh các thành viên khác của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện đã được quy định tại Điều 104 của BLDS, cần căn cứ quy định này để xem xét, giải quyết.

– Việc xác định các thành viên tổ hợp tác có thể dựa trên hợp đồng hợp tác có chứng thực cơ quan có thẩm quyền hoặc quy chế tổ chức, hoạt động… của tổ hợp tác để xác định thành viên.

– Khi tranh chấp được đưa đến cơ quan tài phán (gồm tòa án, trọng tài) thì cơ quan tài phán phải xem xét, nếu quan hệ dân sự do tổ chức không có tư cách pháp nhân xác lập, thực hiện thì phải xác định chủ thể quan hệ dân sự này là tổ chức. Tùy thuộc diễn biến của quan hệ pháp luật bị tranh chấp để xác định địa vị pháp lý của tổ chức không có tư cách pháp nhân cũng như thành viên tổ chức là nguyên đơn hay bị đơn trong quan hệ tố tụng./.

(Tác giả: Tưởng Duy Lượng – Tòa án nhân dân tối cao)

5/5 - (26889 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền