Vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp trong hệ thống các cơ quan Nhà nước

Chuyên mụcLuật hiến pháp nước ngoài, Lý luận nhà nước và pháp luật Tư pháp

Vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp trong hệ thống các cơ quan Nhà nước

Trong chế độ quân chủ chuyên chế quyền lực Nhà nước nằm trọn trong tay nhà vua.

Hoàng đế là người duy nhất có quyền đặt ra pháp luật, là người tổ chức thực hiện pháp luật, đồng thời cũng là người có quyền tối hậu trong việc xét xử những người vi phạm pháp luật. Vì quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều nằm trong tay Hoàng đế nên khi xuất hiện một ông vua độc tài và bạo ngược thì đó là một tai họa khủng khiếp cho nhân dân. Khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời, sự phát triển của công nghiệp và đô thị, nền kinh tế hàng hóa thị trường và chế độ lao động làm thuê đòi hỏi con người phải có những tự do nhất định. Sự cạnh tranh làm mạnh của nền kinh tế thị trường đòi hỏi con người phải có quyền bình đẳng. Sự đòi hỏi đó của xã hội làm xuất hiện nhu cầu phải phá bỏ chế độ quân chủ chuyên chế.

Trong bối cảnh đó của lịch sử học thuyết về phân chia quyền lực của John Locke và Charle Montesquieu đã ra đời. Trong tác phẩm “tinh thần pháp luật” (L’Esprit des lois) Montesquieu đã trình bày những tư tưởng chủ yếu của mình về vấn đề phân chia quyền lực trong việc tổ chức bộ máy Nhà nước. Theo Montesquieu nếu quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp tập trung vào tay một người hay tập trung trong tay một cơ quan thì sẽ tạo ra sự áp bức, sự độc đoán và tự do sẽ biến mất. Vậy nên phải tổ chức bộ máy Nhà nước sao cho ba thứ quyền lực đó độc lập với nhau, khống chế và đối trọng lẫn nhau. Theo ông thì quyền lập pháp trao cho Nghị viện, quyền hành pháp trao cho Chính phủ và quyền Tư pháp trao cho Tòa án. Với nguyên tắc này hệ thống cơ quan tòa án trở thành một trong ba hệ thống cơ quan độc lập của bộ máy Nhà nước chuyên nắm quyền xét xử những vi phạm pháp luật và áp dụng những hình phạt đối với người vi phạm. Việc áp dụng nguyên tắc phân chia quyền lực trong việc tổ chức và thực hiện chức năng của bộ máy Nhà nước được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp của Pháp, Hoa Kỳ, Italia… ở Pháp một người là thẩm phán thì không thể là Nghị sĩ cũng như đã là Nghị sĩ thì không thể đồng thời là thành viên của Chính phủ. Nếu một thẩm phán ứng cử vào Nghị viện và trúng cử thì thẩm phán đó phải từ bỏ chức vụ thẩm phán.

>>> Xem thêm: Tổng hợp những cuốn sách hay mà dân luật nên đọc

Cùng với sự ra đời của Nhà nước tư sản và sự thiết lập hệ thống cơ quan xét xử độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp một số nguyên tắc cơ bản của tố tụng được hình thành. Đó là các nguyên tắc cơ bản sau đây:

– Khi xét xử thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;

– Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật;

– Không ai có thể bị truy tố ngoài những trường hợp mà luật trực tiếp quy định. Nguyên tắc này được thể hiện bằng công thức: “Không có tội nếu như không được quy định trong luật”;

– Không ai có thể bị trừng phạt bởi những hình phạt không được quy định trực tiếp trong luật. Nguyên tắc này được thể hiện theo công thức: “Không có hình phạt nếu hình phạt đó không được pháp luật quy định”;

– Không có tội nếu không đủ chứng cứ buộc tội.

Đặc điểm chung của tòa án tư pháp ở các Nhà nước tư sản là đều có tòa sơ thẩm, phúc thẩm và tòa phá án. Các thẩm phán thông thường do Tổng thống hoặc nhà vua bổ nhiệm suốt đời. Tuy nhiên, chế độ bầu thẩm phán vẫn tồn tại ở một số quốc gia. Ví dụ, thẩm phán một số bang ở Hoa Kỳ hoặc thẩm phán tòa án thương mại ở Pháp được hình thành do bầu cử. ở nhiều nhà nước tư sản hệ thống công tố không được tổ chức thành một hệ thống cơ quan độc lập như ở các nước xã hội chủ nghĩa. Ví dụ, ở Pháp các công tố viên và các thẩm phán xét xử đều có chung một tên gọi là thẩm phán (Magistrat)(1). Họ cùng làm việc trong trụ sở tòa án và là một bộ phận của tòa án; Các công tố viên cũng như các thẩm phán nằm dưới sự điều khiển của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ngoài thẩm phán xét xử, ở nhiều nhà nước tư sản còn có thẩm phán điều tra và thẩm phán áp dụng hình phạt. Cũng như sự phân chia pháp luật tư sản, tòa án tư sản được phân chia thành hai hệ thống tổ chức: Hệ thống Angloư Saxon và hệ thống Continental. Điểm khác nhau của hai hệ thống Tòa án này là các nước theo hệ thống Anglo – Saxon tòa án ngoài chức năng xét xử còn có chức năng sáng tạo pháp luật. Ví dụ, ở Hoa Kỳ pháp viện tối cao có quyền giải thích Hiến pháp và sự giải thích này có hiệu lực pháp luật như một văn bản quy phạm pháp luật. Việc áp dụng tiền lệ xét xử làm cho vai trò thực tiễn áp dụng pháp luật tăng lên. Bằng công tác thực tiễn xét xử Tòa án có thể sáng tạo ra pháp luật. Nhiều luật gia ở Hoa Kỳ đã nói rằng: “ở nước Mỹ luật pháp trong các bộ luật là con hổ giấy, luật pháp ở tòa án mới là con hổ thực”(2). Vào đầu thế kỷ XX một luật gia Mỹ là D.Gray đã viết: “Nhiều khi người ta nói rằng pháp luật Hoa Kỳ chia làm hai bộ phận: một bộ phận do các nhà lập pháp làm ra, một bộ phận khác do các thẩm phán làm ra nhưng trên thực tiễn tất cả đều do thẩm phán tạo ra”(3). Nhận xét về pháp luật và vai trò của tòa án trong việc sáng tạo pháp luật một luật gia có danh tiếng của Hoa Kỳ là ông P.Hay đã khẳng định: “Sự phát triển của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ là kết quả của sự tương tác giữa hoạt động xây dựng pháp luật của cơ quan lập pháp và hoạt động sáng tạo pháp luật của tòa án”(4).


(1) Ở Pháp người ta gọi thẩm phán xét xử là Magistrat du Siège (thẩm phán ngồi) còn công tố viên là Magistrat du debout (thẩm phán đứng).

(2) Xem: Pháp viện tối cao Hoa Kỳ: pháp luật và chính trị O.A.Rikốp, tr.130. Nxb khoa học; M.1985 (tiếng Nga).

(3) Xem: Dealing With Statutesư Hurst. J. New york 1982. P31.

(4) Xem: An introduction to the United states law – Hay.P. New York 1982. P.6.

5/5 - (3511 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền