Vi phạm quyền con người về sử dụng hình ảnh bị can, bị cáo trên truyền thông

Chuyên mụcLuật dân sự, Thảo luận pháp luật nha-bao-tac-nghiep-tai-phien-toa
Nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa

Vi phạm quyền con người về sử dụng hình ảnh công dân (bị can, bị cáo) trên truyền thông.

Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.”. khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013, quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Bộ luật Dân sự 2015, đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân,… bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên… trong đó có quyền nhân thân đối với hình ảnh cá nhân. Quyền cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật ghi nhận và bảo vệ có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cá nhân, đây là yếu tố tinh thần gắn liền với mỗi cá nhân, hình ảnh của mỗi cá nhân bị xâm phạm không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng đên danh dự, nhân phẩm…

Pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ cho mỗi cá nhân quyền đối với hình ảnh đảm bảo quyền nhân thân, hạn chế một cách tối đa nhất hành vi xâm phạm. Ngoài ra, còn góp phần đảm bảo trật tự xã hội và giáo dục ý thức pháp luật cho mọi người tôn trọng quyền đối với hình ảnh của cá nhân. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, Điều 32 BLDS năm 2015 quy định:

 

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

 

Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh chỉ áp dụng với trường hợp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng hoặc trong các hoạt động công khai công cộng, như: hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Quy định như trên phù hợp với xu hướng luật pháp quốc tế cũng như văn hóa của người Việt, khích lệ các hành xử nhân văn, nhân ái trong xã hội và bảo vệ tốt hơn quyền đối với hình ảnh của công dân và bảo đảm tính khách quan, có trách nhiệm hơn của các cơ quan báo chí, của cộng đồng mạng xã hội.

Luật Báo chí 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, tại khoản 5 Điều 9 có quy định cấm “Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định những điều không được thông tin trên báo chí, tại khoản 3 Điều 5 quy định: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án).

Tại điểm e khoản 2 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác“. Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, theo điểm a khoản 1 Điều 5 của quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

Là người hành nghề luật sư tham gia tố tụng trong nhiều vụ án thực tế hiện nay cho thấy, việc sử dụng hình ảnh các bị can, bị cáo trong các vụ án đang chuẩn bị xét xử một cách tùy tiện và trái pháp luật đang diễn ra triền miền và phổ biến, vi phạm quyền con người và quyền nhân thân. Bởi vì nếu theo nguyên tắc một người chỉ coi là có tội khi bản án có hiệu lực pháp luật thì không ít người được minh oan, tuyên vô tội ai sẽ đền bù những thiệt hại bằng hình ảnh của họ, mà các báo và các mạng truyền thông đã sử dụng tùy tiện trái phép?

Đa số các quốc gia trên thế giới khi muốn đưa tin bài về các vụ án họ chỉ vẽ minh họa tượng trưng hình ảnh của vụ án mà hoàn toàn không sử dụng hình ảnh trực tiếp.

Trong pháp luật về hình sự nếu coi hình phạt là chế định cơ bản thì mục đích và nội dung của hình phạt không những nhằm trừng trị hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể tội phạm mà còn mục đích giáo dục, cảm hóa họ và răn đe phòng ngừa chung.. Trong pháp luật hình sự của bất kể chế độ xã hội nào vẫn phải thể hiện tính nhân đạo mới có tính nhân văn và hướng tới những điều tốt đẹp của con người trong xã hội, Việc sử dụng hình ảnh trái pháp luật sẽ là bước cản cho những người hãn mạn tù tái hòa nhập cộng đồng.

Việc sử dụng hình ảnh của các bị can, bị cáo tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều mục đích khi chưa xin phép cá nhân họ là xâm phạm quyền con người, vi phạm pháp luật cần được chấm dứt.

Là một luật sư của nhiều bị can, bị cáo chắc chắn tôi sẽ khởi kiện một vài vụ án để chứng minh và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

 

Ths.Ls Hoàng Văn Hướng / Văn phòng luật sư Hoàng Hưng

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền