Về tên gọi các văn bản Nghị định, Nghị quyết, Thông tư, Chỉ thị…

Chuyên mụcThảo luận pháp luật, Xây dựng văn bản pháp luật chi-thi

Khái niệm, cách phân biệt và thẩm quyền ban hành Nghị định, Nghị quyết, Thông tư, Chỉ thị… đã không còn quá xa lạ với người học luật và làm luật. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích ý nghĩa của tên gọi những văn bản này để hiểu vì sao chúng lại có tên gọi như thế? Những tên gọi này có liên hệ gì với thẩm quyền ban hành cũng như chức năng và nhiệm vụ của từng văn bản?

>>> Xem thêm: Hàm nghĩa của thuật ngữ “Tư pháp”

KỲ 1/ NGHỊ QUYẾT VÀ NGHỊ ĐỊNH

1. Diễn dịch Hán tự – sự khác nhau về chữ nghĩa

Nghị quyết (議 决) và Nghị định (議 定) đều có chung một thành tố “nghị” (議) có nghĩa là bàn bạc, thảo luận (như hội nghị). Như vậy, đặc điểm đầu tiên của 2 loại văn bản này đó là phải được hình thành thông qua sự bàn bạc và thảo luận của các cơ quan ban hành.

Chữ “quyết” (决) mang ý nghĩa là quyết đoán, quyết ý còn chữ “định” (定) có nghĩa là yên ổn, chắc chắn, không thay đổi. Hai chữ này có thể ghép thành từ “quyết định”, nghĩa là tính toán trước (quyết) và không thay đổi nữa (định).
Chữ QUYẾT có sắc thái mạnh mẽ và dứt khoát hơn, vậy nên từ “Nghị quyết” dùng để chỉ các văn bản được ban hành để quy định những nội dung quan trọng mang tính định hướng. Ví dụ như Nghị quyết của Quốc hội quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; Nghị quyết của UBTV Quốc hội về việc tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương; Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về biện pháp nhằm phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương…

Trong khi đó chữ ĐỊNH lại có sắc thái nhẹ và ôn hòa hơn, mang tính ổn định, lâu dài. Vậy nên, “Nghị định” chỉ những văn bản được Chính phủ ban hành với chức năng hướng dẫn luật hoặc quy định những việc phát sinh mà chưa có luật hoặc pháp lệnh nào điều chỉnh. Có thể hiểu nôm na mục đích của Nghị định đó là sắp xếp và ổn định trật tự của Luật sau khi được Quốc hội ban hành, điều này thể hiện đúng chức năng Chính phủ “là cơ quan chấp hành của Quốc hội” theo Hiến pháp 2013.

2. Nguồn gốc Latin – sự khác nhau về bản chất

Thuật ngữ « Nghị quyết » khi dịch sang tiếng anh là « Resolution » (tiếng Pháp là Résolution). Từ này có nghĩa thông dụng là GIẢI PHÁP; trong chính trị học thì thuật ngữ này dùng để chỉ văn bản do một hội đồng ban hành thông qua hình thức biểu quyết theo đa số, quyết định về quy chế nội bộ hoặc thể hiện ý chí của cơ quan đó về một vấn đề nhất định. Các cơ quan ở đây thường là Nghị viện, Hội đồng dân cử, tổ chức quốc tế…
Thuật ngữ này có gốc latin là RESOLUTIO , từ động từ RESOLVERE nghĩa là « giải quyết » một vấn đề nào đó (tiếng anh : resolve/tiếng pháp : résoudre). Như vậy, resolution là văn bản kết quả của sự bàn bạc, thảo luận của một HỘI ĐỒNG, nhằm GIẢI QUYẾT một vấn đề nhất định.

Có một điểm đặc biệt là, Nghị quyết – Resolution thường không được xem như là văn bản quy phạm pháp luật và không được công bố như đạo luật ở các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ…Ngoại trừ một số trường hợp văn bản này thể hiện nội dung thực hiện quyền hạn khác không phải « quyền làm luật » của cơ quan lập pháp, ví dụ như Nghị quyết của Nghị viện Hoa Kỳ công bố tình trạng chiến tranh (với nước khác), Nghị quyết đề nghị sửa đổi Hiến pháp…

« Nghị định » diễn dịch cho thuật ngữ Decree (tiếng Pháp là Decret), chỉ văn bản pháp luật do chính phủ ban hành, theo một trình tự luật định. Khái niệm này thay đổi tùy theo mỗi quốc gia. Decree/Decret còn có nghĩa là sắc luật do Tổng thống/người đứng đầu nhà nước ban hành, nghị định/quyết định của Thủ tướng chính phủ (Pháp).
Thuật ngữ Decree/Decret có gốc latin là DECRETUM, tạo thành từ phân từ quá khứ Decretus của động từ Decerno nghĩa là quyết định, ban bố, giải quyết một vấn đề nào đó.

Trong quá khứ, ở các nước phương Tây, thuật ngữ này còn dùng để chỉ các sắc luật do Nhà thờ ban hành trên các phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Tác giả : Linh-Anh 

Minh họa : Anh

Nguồn: Page Luật văn diễn dịch (https://www.facebook.com/VietnameseLegalTerm/)


Tài liệu tham khảo :

  • Từ điển Hán Việt
  • Từ điển Larousse
  • Từ điển thuật ngữ pháp luật Pháp-Việt, nhà xuất bản từ điển bách khoa, Hà Nội, 2009.
  • Resolution, Wikipedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Resolution_(law)
  • Résolution, wikitionary, https://fr.wiktionary.org/wiki/résolution
  • Decretum, wikitionary, https://fr.wiktionary.org/wiki/decretum
5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền