Vai trò của Cơ quan công tố trong xử lý tội phạm về ma túy

Cơ quan công tố

Bất cứ một vụ án ma tuý của một quốc gia nào cũng đều có đóng góp quan trọng của Cơ quan công tố (Viện công tố/Viện kiểm sát). Mọi hoạt động của Cơ quan công tố đều phải tuân theo quy định của pháp luật.

1. Quy định của luật pháp quốc tế

Vai trò của Công tố viên trong điều tra tội phạm về ma túy được thể hiện rất rõ trong “Các hướng dẫn về vai trò của Công tố viên năm 1990”, được thông qua tại Đại hội Liên hợp quốc lần thứ 8 về Phòng ngừa tội phạm và cách xử lí tội phạm tại Havana, Cuba năm 1990. Các Công tố viên thể hiện vai trò chủ động trong vụ án, gồm tiến hành truy tố và nếu được ủy quyền bởi luật hay tuân theo thực tế nước sở tại trong việc điều tra, giám sát việc thực hiện quyết định của Tòa án và thực hiện các chức năng khác, là đại diện của lợi ích công chúng.

Hoạt động của Cơ quan công tố trong điều tra, truy tố tội phạm ma tuý được thể hiện cuốn Drug Law prosescution and judicial reference hand book (Sổ tay tham khảo về hoạt động tư pháp và truy tố tội phạm ma tuý), của Cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), năm 2003. Cuốn sổ tay là tài liệu nghiên cứu, tổng hợp và cung cấp hoạt động của những trường hợp truy tố hoặc hoạt động tư pháp của mỗi quốc gia thành viên đã tham gia 3 Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống và kiểm soát ma tuý (năm 1961, 1971, 1988). UNODC cung cấp những thông tin và kinh nghiệm thực tế cho mục đích nghiên cứu nhằm tăng cường sự hiểu biết cơ bản của sự cộng tác đấu tranh chống tội phạm về ma tuý trên toàn cầu. Mỗi quốc gia có Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) khác nhau, có thể theo những hệ thống pháp luật khác nhau, vấn đề xử lí tội phạm ma tuý chủ yếu bằng luật nội địa, song hoạt động xử lý tội phạm về ma tuý đều phải tuân theo các thủ tục của điều tra, truy tố và xét xử để xử lý tội phạm về ma tuý có hiệu quả. Cuốn sách đặc biệt chú ý đến luật pháp và sự hợp tác chống tội phạm ma tuý của 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam. Giải quyết các vụ án ma tuý liên quan đến người nước ngoài, Cơ quan Công tố có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện các tương trợ tư pháp cũng như yêu cầu tương trợ tư pháp.

Điểm chung nhất của Cơ quan công tố theo pháp luật quốc tế và pháp luật mỗi nước là thay mặt cho nhà nước truy tố đối với người phạm tội về ma túy và là đầu mối tương trợ tư pháp trong giải quyết các vụ án ma túy có yếu tố nước ngoài.

2. Cơ quan công tố các nước Châu Á

Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc

Trung quốc là một quốc gia có hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy đầy đủ, toàn diện. Ngoài BLTTHS, Trung Quốc có Luật phòng, chống ma túy năm 2007, Nghị định về kiểm soát ma túy năm 1987, Nghị định về quản lý các tiền chất, hóa chất năm 2005…

Theo quy định của BLTTHS Trung Quốc, trong giai đoạn điều tra, VKSND kiểm sát thực hiện các hoạt động cụ thể là: kiểm sát việc khởi tố của Cơ quan điều tra, thẩm tra, phê chuẩn lệnh bắt giữ của Cơ quan điều tra. VKSND phải quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn việc bắt giam trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu phê chuẩn việc bắt giam của Cơ quan điều tra. Nếu VKSND không phê chuẩn việc bắt thì khi nhận được thông báo đó Cơ quan điều tra phải thả ngay và thông báo cho VKSND biết. VKSND có chức năng: kiểm sát việc chấp hành pháp luật của Cơ quan điều tra, đảm bảo việc điều tra được thực hiện đúng pháp luật, khắc phục tình trạng bắt giữ trái phép, ép cung, bức cung, truy tố người phạm tội ra trước Toà án để xét xử.

VKSND cũng có quyền quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh bắt, lệnh tạm giam. Đối với trường hợp VKSND ra quyết định bắt tạm giam thì trong thời hạn 24 giờ sau khi bắt tạm giam Kiểm sát viên phải tiến hành thẩm vấn người bị bắt tạm giam. Theo Điều 117 BLTTHS Trung Quốc thì VKSND có thể kiểm tra hoặc phong toả tài khoản, đồ vật gửi giữ của nghi can theo qui định.

Ở giai đoạn điều tra Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc khởi tố của cơ quan Công an; phê chuẩn lệnh bắt giữ của cơ quan Công an; kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, yêu cầu cơ quan Công an cung cấp chứng cứ cần thiết… bảo đảm cho hoạt động điều tra được thực hiện đúng pháp luật; khắc phục tình trạng bắt giữ trái phép, ép cung, bức cung, hãm hại, báo thù, khám xét trái phép, xâm phạm thân thể, quyền dân chủ của công dân.

Công pháp quốc tế
(Ảnh minh họa)

Chỉ đạo điều tra, truy tố của cơ quan Công tố Nhật Bản

Viện công tố Nhật Bản trong giải quyết án hình sự cũng như án ma tuý theo TTHS: có thẩm quyền tiến hành điều tra; là cơ quan duy nhất có quyền đề nghị Thẩm phán ra lệnh tạm giam; khởi tố, truy tố, tranh tụng tại Toà; giám sát công tác thi hành các bản. Theo BLTTHS, Luật về Viện Công tố và Luật Cảnh sát thì những vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển đến, Công tố viên sẽ cân nhắc truy tố hay không truy tố hoặc điều tra bổ sung. Công tố viên có quyền chỉ huy, chỉ đạo đối với Điều tra viên (của Cảnh sát), yêu cầu xử lý kỷ luật Điều tra viên trong trường hợp Điều tra viên không tuân theo chỉ đạo của Công tố viên mà BLHS qui định. Điều 246 Bộ luật này qui định: khi Cảnh sát điều tra tội phạm, cần phải chuyển các vụ án tới Viện Công tố, trừ vụ án ít nghiêm trọng và các vụ án khác do Công tố viên chỉ định. Khi Cảnh sát bắt người để tạm giam, phải trình vụ việc cho Công tố viên trong vòng 48 giờ kể từ khi bị bắt. Nếu Công tố viên cho rằng việc giam giữ là cần thiết thì trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận bị can phải yêu cầu Thẩm phán ra lệnh giam giữ bị can, nếu không phải thả ngay bị can. Nếu Công tố viên bắt một bị can, thì phải tuân thủ các thủ tục tương tự trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt.

Công tố viên có quyền độc lập xét hỏi bị can hoặc những người tham gia tố tụng khác. Trường hợp một tội phạm nằm trong một số khu vực quản lý của Cảnh sát thì Công tố viên có thể chỉ huy thông thường đối với Cảnh sát trong khu vực quản lý để yêu cầu hợp tác, phối hợp điều tra. Tổng Công tố trưởng, Viện trưởng Viện Công tố có thể yêu cầu Uỷ ban An ninh Nhà nước hoặc Uỷ ban An ninh tỉnh, thành phố cảnh cáo, cách chức đối với Điều tra viên khi Điều tra viên không tuân thủ chỉ thị hoặc chỉ huy của Công tố viên mà không có lý do chính đáng (Điều 194).

Công tố viên có quyền: bắt giam bị can; khám xét và tịch biên, lưu giữ hồ sơ; kiểm tra đối tượng; kiểm soát việc giao nhận, thu chặn các thông tin liên lạc với tội phạm có tổ chức nghiêm trọng; hỏi đối tượng tình nghi và nhân chứng; đề nghị các cá nhân cung cấp thông tin; đề nghị tạm giam, thả đối tượng; lấy lời khai nhân chứng.

Cơ quan Công tố Thái Lan

Trong giai đoạn điều tra vụ án, Cảnh sát điều tra độc lập. Theo qui định của tố tụng hình sự Thái Lan thì Công tố viên chỉ tham gia vào hoạt động tố tụng sau khi Cảnh sát kết thúc việc điều tra và chuyển hồ sơ cho cơ quan Công tố.

Luật về Các biện pháp trấn áp người phạm tội liên quan đến ma túy ở Thái Lan (năm 1991) qui định về hoạt động của Công tố viên: “Sau khi Công tố viên đã ra lệnh truy tố và tài sản bị thu giữ hoặc bị niêm phong theo lệnh của Uỷ ban như qui định ở Điều 22 là tại sao tài sản có dính líu tới hành vi phạm tội liên quan đến ma túy, Công tố viên sẽ làm đơn đề nghị Tòa án ra lệnh tịch biên tài sản đó” (Điều 27). Công tố viên có quyền gửi đơn đề nghị lên Tòa án đề nghị ra lệnh tịch thu đối với mọi dụng cụ, thiết bị, phương tiện đối tượng phạm tội đã sử dụng để vận chuyển máy móc hoặc tài sản khác được sử dụng trong hành vi phạm tội liên quan đến ma túy, hoặc được sử dụng như các phương tiện bổ trợ cho sự phạm tội hoặc bị chiếm hữu để sử dụng trong việc phạm tội, sẽ bị tịch thu, bất kể người đó có bị Tòa án kết tội hay không (Điều 30). Công tố viên xem xét hồ sơ vụ án ma túy của Cảnh sát chuyển đến một cách độc lập, nếu thấy không có chứng cứ để truy tố bị can thì có thể Công tố viên sẽ không đưa vụ việc ra Tòa. Công tố viên có quyền quyết định việc không truy tố, nếu việc truy tố đó không phục vụ lợi ích công cộng.

Cơ quan công tố Vương quốc Campuchia

Luật về kiểm soát ma tuý của Campuchia năm 1994, tại Điều 67 qui định việc kiểm tra, khám xét và thu giữ tại những nơi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại ma tuý cần phải có sự cho phép bằng văn bản của Công tố viên hoặc Thẩm phán điều tra khi vụ án có liên quan đến Công tố viên và Thẩm phán điều tra đó.

Trong quá trình giải quyết vụ án ma tuý “Công tố viên hoặc Thẩm phán điều tra có thể: Tổ chức kiểm soát các tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản khác được coi như tài khoản ngân hàng; Tổ chức kiểm soát và nghe lén đường dây điện thoại; Kiểm tra hệ thống máy tính; Yêu cầu cung cấp tất cả các giấy tờ cá nhân đáng tin cậy và các tài liệu ngân hàng, thương mại, tài chính. Khi có đầy đủ bằng chứng chứng minh rằng những tài khoản, đường dây điện thoại hoặc hệ thống máy tính được sử dụng có thể được sử dụng bởi những người bị nghi là tội phạm.

Cơ quan Công tố Philippines

Bộ luật kiểm soát toàn diện các chất ma tuý nguy hiểm năm 2002 của Philippines qui định cụ thể một số hoạt động của Cơ quan Công tố:

Tại Phần 65. Trách nhiệm của Công tố viên trong quá trình tiến hành tố tụng qui định: “Công tố viên cấp tỉnh hoặc thành phố hoặc trợ lí của họ hoặc Kiểm sát viên cấp nhà nước có trách nhiệm chuẩn bị Cáo trạng trong quá trình xét xử”.

Phần 90, Chương XI thẩm quyền xét xử các vụ án ma tuý nguy hiểm, Công tố viên có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu: “Sẽ bổ nhiệm các Công tố viên đặc biệt chuyên thụ lí các vụ án liên quan đến các hành vi vi phạm Luật này. Hoạt động điều tra ban đầu đối với các vụ án bị khởi tố theo Luật này sẽ phải hoàn thành trong vòng 30 ngày kể từ khi khởi tố vụ án.” Khi đã có đủ chứng cứ buộc tội, Công tố viên đệ trình lên Toà án trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm kết thúc điều tra.

Cơ quan công nước Cộng hoà Indonexia

Ngoài qui định của BLTTHS, Luật phòng, chống ma tuý của nước Cộng hoà Indonexia qui định về hoạt động của Văn phòng Chưởng lý như sau:

Khi tiến hành tiêu huỷ chất ma tuý, Cơ quan điều tra Cảnh sát Quốc gia sẽ tiến hành với sự tham gia của các quan chức Văn phòng Trưởng lý khu vực sẽ quyết định có sử dụng hiện vật bị thu giữ làm bằng chứng chứng minh trong vụ án xét xử không hoặc cho tiêu huỷ trong vòng không quá 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo về việc thu giữ hiện vật từ Điều tra viên.

Tổng Chưởng lý yêu cầu và thủ tục về thực thi thẩm quyền sử dụng hiện vật (ma tuý) bị thu giữ làm bằng chứng chứng minh trong xét xử vụ án hoặc hiện vật là ma tuý đem tiêu huỷ. Điều 63 và Điều 64 của Luật này qui định việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma tuý trước Toà án sẽ được tiến hành theo qui định của pháp luật hiện hành, trừ trường hợp Luật này qui định khác. Các vụ án về ma tuý sẽ được ưu tiên đưa ra Toà án để xét xử và giải quyết trong thời gian ngắn nhất.

Mỗi quốc gia Châu Á có quy định khác nhau trong xử lý tội phạm về ma tuý, song nhìn chung các quốc gia đều coi đó là vấn đề trọng yếu của phòng, chống tội phạm, phải tăng cường hợp tác đấu tranh kiên quyết chống loại tội phạm này./.

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát 

đánh giá bài viết

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền