Ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự

Khởi kiện vụ án dân sự

Thực tiễn công tác xét xử hiện nay đang có sự không thống nhất trong nhận thức về một số quy định của pháp luật, trong đó có việc ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự. Do vậy, để tránh việc áp dụng không đúng quy định của BLTTDS theo hướng bắt buộc người có quyền và lợi ích bị xâm hại phải ký hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện và để bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật rất cần có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Điều 186 BLTTDS 2015 về quyền khởi kiện quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Khoản 2 Điều 189 BLTTDS 2015 về việc làm đơn khởi kiện của cá nhân tại các điểm a và b quy định:

a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;

b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;”.

 Các quy định nêu trên dẫn đến có những quan điểm khác nhau:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng, Điều 186 BLTTDS 2015 quy định về quyền khởi kiện, theo đó cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án và người đại diện hợp pháp ở đây bao gồm người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật. Do đó, người đại diện theo ủy quyền có thể trực tiếp ký đơn hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện. Tức là, người có quyền và lợi ích bị xâm hại có thể ủy quyền cho người khác khởi kiện và tham gia tố tụng từ giai đoạn làm đơn khởi kiện để nộp đến Tòa án[1].

– Quan điểm thứ hai cho rằng, quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015 đã xác định đối với cá nhân có quyền, lợi ích bị xâm hại là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì phải trực tiếp ký hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện và cho rằng đây là quyền nhân thân của người khởi kiện, không thể chuyển giao cho người khác. Chỉ trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ mới ký hoặc điểm chỉ đơn khởi kiện vụ án. Nói cách khác, người có quyền, lợi ích bị xâm hại phải trực tiếp ký, điểm chỉ vào đơn khởi kiện và việc ủy quyền tham gia tố tụng giải quyết vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích của họ chỉ được thực hiện sau khi khởi kiện và Tòa án đã thụ lý vụ án.

Quan điểm thứ hai này dẫn đến trong thực tiễn giải quyết các vụ án, khi người khởi kiện là người đại diện hợp pháp theo ủy quyền nộp đơn khởi kiện đến Tòa án thì một số Tòa án đã không nhận đơn khởi kiện để thụ lý và yêu cầu bắt buộc người có quyền, lợi ích bị xâm hại phải trực tiếp ký hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện chứ không phải thông qua người đại diện theo ủy quyền[2].

Theo tác giả, với các quy định tại Điều 186 và Điều 189 của BLTTDS 2015 nêu trên là hoàn toàn logic và tương thích với các quy định của BLDS năm 2015. Ở đây, hoàn toàn không vướng mắc về quy định của pháp luật mà chỉ là do chưa có sự nhận thức đúng đắn về quy định tại các điều 186 và 189 BLTTDS mà thôi. Tác giả cũng đồng tình với quan điểm thứ nhất và cho rằng quan điểm thứ hai là không đúng và không phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về người đại diện và không đúng với tinh thần Hiến pháp năm 2013. Quan điểm thứ hai đã hạn chế quyền tự do định đoạt của người có quyền, lợi ích bị xâm hại vì họ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc khởi kiện. Bởi lẽ:

(1) Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, khoản 2 Điều 2 BLDS năm 2015 quy định: Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

(2) Theo quy định tại Điều 134 và Điều 135 BLDS năm 2015 thì đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó. Cụ thể như sau:

Điều 134. Đại diện

Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Điều 135. Căn cứ xác lập quyền đại diện

Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).

Đồng thời, BLDS 2015 cũng quy định quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện; cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác cũng như hậu quả của hành vi đại diện, thời hạn đại diện và phạm vi đại diện tại các điều 139, 140 và 141[3]. Theo các quy định này thì người đại diện thực hiện hành vi đại diện trong thời hạn đại diện và phù hợp phạm vi đại diện sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người được đại diện.

(3) Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 85 của BLTTDS 2015 cũng có quy định:

4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.

Với quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 nêu trên thì người đại diện theo ủy quyền theo quy định của BLDS là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự; luật chỉ quy định đối với việc ly hôn thì đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình[4] thì cha, mẹ, người thân thích đó là người đại diện.

Như vậy, ngoài quy định đối với việc ly hôn đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng thì không có quy định nào của luật hạn chế việc ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự.

Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người có quyền, lợi ích bị xâm hại trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh việc áp dụng không đúng quy định tại các điều 186, 189 của BLTTDS theo hướng bắt buộc người có quyền và lợi ích bị xâm hại phải ký hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện như trên và để bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật rất cần có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTP TANDTC).

Để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong TAND, cần có sự thống nhất trong nhận thức về quy định của pháp luật. Vì vậy, cần hướng dẫn cụ thể việc ủy quyền khởi kiện của cá nhân. Theo tác giả, có thể hướng dẫn như sau: Cá nhân là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền và lợi ích bị xâm hại trực tiếp ký hoặc điểm chỉ đơn khởi kiện hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký hoặc điểm chỉ đơn khởi kiện, trừ trường hợp luật không cho phép hoặc luật quy định phải trực tiếp tham gia tố tụng.

Chú thích:

[1] Huỳnh Minh Khánh, Cá nhân có được quyền ký vào đơn thay cho người khởi kiện?, đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 18/12/2017.

http://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/ca-nhan-co-duoc-quyen-ky-vao-don-thay-cho-nguoi-khoi-kien/HyTKM1SfG.html

[2] Nguyễn Huy Hoàng , Trao đổi bài viết “Cá nhân có được quyền ký vào đơn thay cho người khởi kiện hay không?”, đăng trên tạp chí điện tử ngày 17/01/2018.

http://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/trao-doi-bai-viet-ca-nhan-co-duoc-quyen-ky-vao-don-thay-cho-nguoi-khoi-kien-hay-khong/S1kMWI2EG.html

[3] Các điều 139, 140 và 141 BLDS năm 2015 quy định:

Điều 139. Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện

Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.

Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.

Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.

Điều 140. Thời hạn đại diện

Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thời hạn đại diện được xác định như sau:

a) Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;

b) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.

Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận;

b) Thời hạn ủy quyền đã hết;

c) Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;

d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này;

g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

Đại diện theo pháp luật chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;

b) Người được đại diện là cá nhân chết;

c) Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

d) Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

Điều 141. Phạm vi đại diện

Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

b) Điều lệ của pháp nhân;

c) Nội dung ủy quyền;

d) Quy định khác của pháp luật.

Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.”

[4] Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”.

SOURCE: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/uy-quyen-khoi-kien-vu-an-dan-su/B1I4UElBG.html

5/5 - (645 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.