Trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm tại BLHS 2015 

Chuyên mụcLuật hình sự phat-hien-toi-pham

Trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm được quy định tại điều 4 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

 

Điều 4. Trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm

1. Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng.

2. Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức của mình.

3. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.

 

Bình luận về trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Điều luật này cho thấy rằng trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm là của toàn xã hội mà không chỉ bị giới hạn bởi trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thuộc bộ máy nhà nước. Tuy vậy nghĩa vụ này không được đánh đồng đối với tất cả các chủ thể. Điều này thể hiện ở quy định tại Khoản 3: Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm. Cấu trúc của quy định này cho thấy sự khuyến khích hơn là bắt buộc. Hoàn toàn khác với quy định tại Khoản 1 khi quy định rằng: Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Quy định này thể hiện sự rõ ràng, tách bạch giữa nghĩa vụ mang tính bắt buộc và nghĩa vụ mang tính khích lệ, khuyến khích. Chính xác là nghĩa vụ chính trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm phải thuộc về các cơ quan nhà nước. Nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho cuộc sống của người dân là nhiệm vụ thuộc về nhà nước. Hiến pháp đã trao quyền tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống quyền lực công và sử dụng công cụ hệ thống quân đội, nhà tù, công an, cảnh sát v.v…để thực hiện mục tiêu gìn giữ hòa bình, ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong mối quan hệ này người dân phải thực hiện nghĩa vụ về thuế và những nghĩa vụ khác để tạo nguồn thu ngân sách duy trì hoạt động của hệ thống trên. Mỗi bên đều có những nghĩa vụ rất rõ ràng của mình được quy định trong Hiến pháp. Do vậy nhiệm vụ cùng tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm của công dân là để đảm bảo được tính toàn diện và tính nhanh chóng kịp thời trong việc xử lý tội phạm, nó là một nghĩa vụ phái sinh và mang tính chất khuyến khích là chính, làm cho mọi công dân thấy được bổn phận của mình đối với công tác phòng chống tội phạm.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền