Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

Người thi hành công vụ

Thuật ngữ “hoàn trả” (reimbursement) dưới góc độ thuật ngữ Luật học được hiểu là “trả lại cho một người một khoản tiền mà trước đó người đó đã chi trả”. Trong mối quan hệ giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật về hoàn trả, có quan điểm cho rằng, đối với chủ thể có quyền yêu cầu đối với người có nghĩa vụ hoàn trả thì bản chất của “hoàn trả” là việc “trả trước hộ ai đó và sau đó đòi lại”[1]. Trong quan hệ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có thể hiểu một cách chung nhất “hoàn trả” là việc người thi hành công vụ phải trả lại một khoản tiền cho Nhà nước mà trước đó Nhà nước đã bỏ ra để bồi thường cho người bị thiệt hại[2].

Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là một trong những nội dung rất được quan tâm trong quá trình tổng kết thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009. Theo đó, cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa được thực hiện kịp thời, số lượng vụ việc đã xem xét trách nhiệm hoàn trả trong cả 3 lĩnh vực (chủ yếu là trong quản lý hành chính và thi hành án dân sự) là rất ít. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nêu ra một số quan điểm về trách nhiệm hoàn trả trong quá trình xây dựng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, phân tích các quy định và một số lưu ý trong quá trình áp dụng quy định về trách nhiệm hoàn trả.

1. Một số quan điểm về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ 

Trong quá trình xây dựng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, còn nhiều quan điểm tranh luận, trao đổi về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, cụ thể như sau:

Về căn cứ lỗi để xác định trách nhiệm hoàn trả, quan điểm thứ nhất cho rằng, để nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ thì cần buộc người thi hành công vụ phải hoàn trả trong mọi trường hợp[3]. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, cần phải có quy định miễn trừ trách nhiệm hoàn trả đối với chức danh thẩm phán trong hoạt động tố tụng hình sự, mà chức danh thẩm phán chỉ phải chịu trách nhiệm kỷ luật[4]. Đồng thời, cũng có quan điểm cho rằng cần giữ nguyên quy định người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả, vì trong quá trình thi hành công vụ, do nhiều yếu tố chủ quan hoặc khách quan, nhất là nhận thức về pháp luật của cán bộ thi hành công vụ nên việc áp dụng pháp luật sẽ không tránh khỏi những sai sót nhất định[5]. Và quan điểm cuối cùng được chấp thuận, theo đó, quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ cần căn cứ vào nguyên tắc xác định mức độ lỗi theo quy định của pháp luật hiện hành[6] và người thi hành công vụ chỉ có trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp có lỗi cố ý hoặc vô ý trong cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, không có quy định đặc thù riêng cho lĩnh vực tố tụng hình sự.

Về tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ, có quan điểm cho rằng, cần giữ mức hoàn trả như quy định hiện hành nhưng phải tăng trách nhiệm kỷ luật đối với người thi hành công vụ có lỗi trong việc gây ra thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để tránh tác động tiêu cực đến ý thức của đội ngũ công chức trong thực thi công vụ[7], do điều kiện kinh tế ở nước ta còn thấp, đời sống của cán bộ, công chức còn nhiều khó khăn, do vậy, quy định tỷ lệ hoàn trả như thế nào cần được nghiên cứu, tính toán cho phù hợp và có thể có sự hỗ trợ của một Quỹ nào đó để công chức thực hiện việc hoàn trả[8]. Quan điểm được đa số các ý kiến nhất trí và đã được thể hiện trong Luật đó là, tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại, tuy nhiên, có bổ sung quy định về các trường hợp được xét giảm mức hoàn trả, đồng thời, quy định cụ thể việc xác định mức hoàn trả căn cứ vào lỗi, mức độ lỗi, số tiền Nhà nước đã bồi thường[9] vừa bảo đảm tính răn đe vừa không ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Về xỷ lý kỷ luật người thi hành công vụ, có quan điểm cho rằng, cần quy định cụ thể các hình thức kỷ luật tương xứng với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và mức thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường theo nguyên tắc mọi trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại đều phải chịu một hình thức kỷ luật[10]. Theo đó, tại dự thảo Luật Bộ Tư pháp trình Chính phủ đã quy định theo hướng bổ sung quy định về xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại theo hướng người thi hành công vụ gây thiệt hại phải bị kỷ luật, quy định đặc thù về áp dụng hình thức kỷ luật, thời hạn xử lý kỷ luật[11]. Tuy nhiên, có ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng, cần cân nhắc quy định này vì chưa phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức về việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức[12]. Quan điểm này đã được chấp thuận, theo đó, Luật không quy định cụ thể về việc xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại mà chỉ quy định trách nhiệm xử lý kỷ luật của các cơ quan.

2. Những điểm mới trong quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017

So với Chương VII Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, Chương VII Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, theo hướng:

Thứ nhất, quy định trách nhiệm hoàn trả bình đẳng giữa các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước mà không có sự phân biệt như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 giữa hoạt động tố tụng hình sự với các hoạt động còn lại[13]. Theo đó, quy định trong mọi trường hợp ở cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại thì đều có nghĩa vụ hoàn trả. Trước đây, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 thì trong hoạt động tố tụng hình sự, người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả[14].

Thứ hai, quy định cụ thể hơn việc xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại. Trong đó, bỏ quy định về “nghĩa vụ liên đới hoàn trả”[15] và quy định theo hướng trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và được xác định tương ứng theo quy định với trường hợp có 01 người thi hành công vụ gây thiệt hại nhưng tổng mức hoàn trả không vượt quá số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Thứ ba, bỏ quy định về căn cứ xác định mức hoàn trả là “điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ” và coi đây là một trong những căn cứ để xác định giảm mức hoàn trả.

Thứ tư, quy định mức hoàn trả ngay trong Luật (trước đây nội dung về mức hoàn trả chỉ được quy định cụ thể tại Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành), đồng thời, sửa đổi theo hướng tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ tương ứng với mức độ lỗi, cụ thể: (1) đối với trường hợp có lỗi cố ý chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức tăng từ “tối đa không quá 36 tháng lương”[16] lên mức “từ 30 đến 50 tháng lương”; (2) đối với trường hợp lỗi vô ý, mức tăng từ “tối đa không quá 03 tháng lương” [17] lên mức hoàn trả “từ 03 đến 05 tháng lương”; đối với 02 mức nêu trên thì cũng không quá 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường[18].

Quy định về mức hoàn trả như trên là nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, bảo đảm tính răn đe nhưng cũng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của bộ máy nhà nước, hoàn trả lại một phần kinh phí mà Nhà nước đã bồi thường[19].

Ngoài ra, bổ sung thêm quy định đối với trường hợp 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 30 tháng lương (với lỗi cố ý mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) hoặc thấp hơn 03 tháng lương (đối với lỗi vô ý) thì số tiền người thi hành công vụ phải hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường. Quy định này dựa trên cơ sở tính toán tới khả năng hoàn trả cũng như bảo đảm mức độ hợp lý để người thi hành công vụ có thể tiếp tục yên tâm làm việc[20].

Thứ năm, bổ sung quy định về điều kiện được giảm mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ. Thực chất, quy định này được tách ra từ quy định về mức hoàn trả để bảo đảm quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định giảm mức hoàn trả là trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, theo đó có không ít các trường hợp, người thi hành công vụ thuần túy chỉ có thu nhập từ lương, có điều kiện kinh tế khó khăn, thiệt hại mà họ gây ra là không lớn, và nhất là họ có thái độ thiện chí, tích cực phối hợp trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường[21].
Thứ sáu, quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả, đồng thời, có quy định đặc thù riêng cho lĩnh vực tố tụng hình sự.

Thứ bảy, bổ sung quy định hoãn việc hoàn trả đối với trường hợp người thi hành công vụ phải hoàn trả là người đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc phụ nữ đang mang thai, nhằm bảo đảm cuộc sống ổn định, bình thường của người thi hành công vụ là đối tượng này.

Thứ tám, bổ sung 04 điều mới quy định về xác định trách nhiệm hoàn trả trong một số trường hợp cụ thể: xử lý tiền đã hoàn trả, trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường không còn là căn cứ yêu cầu bồi thường; trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chuyển sang cơ quan, tổ chức khác; trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc và trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết.

Việc bổ sung các điều mới trên đây là xuất phát từ thực tế qua hơn 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, nhiều cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước lại chưa có quy định cụ thể. Chính vì vậy, việc bổ sung thêm các quy định mới về xác định trách nhiệm hoàn trả tại dự thảo Luật sẽ góp phần thực hiện nghiêm túc hơn việc xác định trách nhiệm hoàn trả trên thực tiễn[22].

Ngoài ra, liên quan tới quy định về trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết, so với quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 đã có sự thay đổi về quan điểm. Theo đó, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 coi quan hệ hoàn trả như một quan hệ dân sự thông thường nên đã đặt ra vấn đề trách nhiệm của người thừa kế đối với việc hoàn trả. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 lại quy định theo hướng, trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết thì quyết định hoàn trả chấm dứt hiệu lực tại thời điểm người đó chết. Như vậy, theo quy định này thì trách nhiệm hoàn trả chỉ đặt ra đối với cá nhân người thi hành công vụ mà không đặt ra đối với người thừa kế của người đó. Quy định này dựa trên quan điểm coi quan hệ hoàn trả là quan hệ đặc biệt giữa Nhà nước và người thi hành công vụ gây thiệt hại và gắn liền với trách nhiệm thực thi công vụ. Chính vì vậy, Luật không quy định trách nhiệm của người thừa kế của người thi hành công vụ gây thiệt hại đối với việc hoàn trả[23].

3. Quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017

3.1. Về nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ như sau:

(1) Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

(2) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.

3.2. Về xác định mức hoàn trả và giảm mức hoàn trả

(1) Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về căn cứ xác định mức hoàn trả bao gồm:

– Mức độ lỗi của người thi hành công vụ;

– Số tiền Nhà nước đã bồi thường.

(2) Trường hợp có một người thi hành công vụ gây thiệt hại thì mức hoàn trả được xác định như sau:

– Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại mà có bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên người đó phạm tội thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại;

– Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 đến 50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;

– Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 03 đến 05 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
Trường hợp 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 30 tháng lương quy định tại điểm b khoản 2 Điều 65 của Luật hoặc thấp hơn 03 tháng lương quy định tại điểm c khoản 2 Điều 65 của Luật thì số tiền người thi hành công vụ phải hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.

(3) Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì mức hoàn trả của từng người được xác định tương ứng theo quy định đối với trường hợp có 01 người thi hành công vụ gây thiệt hại nhưng tổng mức hoàn trả không vượt quá số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

(4) Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định người thi hành công vụ được giảm mức hoàn trả khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Chủ động khắc phục hậu quả;

– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và đã hoàn trả được ít nhất 50% số tiền phải hoàn trả;

– Người thi hành công vụ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Thẩm quyền quyết định giảm mức hoàn trả thuộc Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại và mức giảm tối đa là 30% trên tổng số tiền phải hoàn trả.

3.3. Thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả như sau:

(1) Về thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.

– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày chi trả xong tiền bồi thường, Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.

– Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây thiệt hại, Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải có sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan đến việc gây thiệt hại.

(2) Về trách nhiệm của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả

– Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải hoàn thành việc xác định những người thi hành công vụ gây thiệt hại, mức độ lỗi của người thi hành công vụ gây thiệt hại, trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả của từng người và có văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường.

– Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng tối đa là 30 ngày.

(3) Về thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường.

Trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả, Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường thực hiện:

– Ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại, trừ trường hợp quyết định việc hoàn trả trong hoạt động tố tụng hình sự;

– Ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại do mình quản lý trong hoạt động tố tụng hình sự và kiến nghị Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại do cơ quan đó quản lý.

(4) Quyết định hoàn trả phải được gửi tới người thi hành công vụ có nghĩa vụ hoàn trả, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thu tiền hoàn trả.

3.4. Quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định về quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả như sau:

(1) Hiệu lực của quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả.
Quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả có hiệu lực kể từ ngày ký.

(2) Xem xét lại quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả.
Trong trường hợp quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả không phù hợp với quy định tại Điều 65 và Điều 66 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước kiến nghị Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại xem xét lại quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả.

(3) Trách nhiệm thu tiền hoàn trả.

Căn cứ vào quyết định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu số tiền phải hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác.

3.5. Thực hiện việc hoàn trả

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định việc hoàn trả được thực hiện, cụ thể như sau:

(1) Việc hoàn trả có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và phải được xác định trong quyết định hoàn trả.

(2) Trường hợp việc hoàn trả được thực hiện bằng cách trừ dần vào thu nhập từ tiền lương hằng tháng của người thi hành công vụ thì mức trừ tối thiểu là 10% và tối đa là 30% thu nhập từ tiền lương hằng tháng.

(3) Trường hợp người thi hành công vụ phải hoàn trả là người đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc phụ nữ đang mang thai thì được hoãn việc hoàn trả theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.

3.6. Trách nhiệm hoàn trả trong một số trường hợp cụ thể

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về trách nhiệm hoàn trả trong một số trường hợp cụ thể như sau:

a) Xử lý tiền đã hoàn trả, trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường không còn là căn cứ yêu cầu bồi thường 

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định việc xử lý tiền đã hoàn trả, trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường không còn là căn cứ yêu cầu bồi thường như sau:

(1) Trường hợp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định không còn là căn cứ yêu cầu bồi thường mà người thi hành công vụ gây thiệt hại đã hoàn trả thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm trả lại số tiền mà người đó đã hoàn trả.

(2) Trường hợp Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại chưa ban hành quyết định hoàn trả thì đình chỉ việc xác định trách nhiệm hoàn trả.

b) Trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ chuyển sang cơ quan, tổ chức khác 

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ chuyển sang cơ quan, tổ chức khác như sau:

(1) Cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng, trả lương cho người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu tiền hoàn trả theo quyết định hoàn trả.

(2) Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm yêu cầu cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng, trả lương cho người thi hành công vụ gây thiệt hại thu tiền hoàn trả theo quyết định hoàn trả và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

c) Trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc 

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc như sau:

(1) Cơ quan Bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu tiền theo quyết định hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước.

(2) Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc nhưng không hưởng lương hưu hoặc không làm việc tại cơ quan, tổ chức nào khác thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật.

d) Trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết 

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết thì quyết định hoàn trả chấm dứt hiệu lực tại thời điểm người đó chết.

4. Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình áp dụng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước  2017 về trách nhiệm hoàn trả

a) Về xác định trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại

Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại thì đều có nghĩa vụ hoàn trả không phân biệt lĩnh vực nào. Như vậy, trong mọi trường hợp ở cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, cơ quan đã chi trả tiền bồi thường đều có trách nhiệm thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ có lỗi vô ý hay cố ý gây thiệt hại.

b) Về trách nhiệm thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả

Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, dù trong trường hợp có 01 người thi hành công vụ gây thiệt hại hay có nhiều người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc nhiều cơ quan khác nhau, thì trách nhiệm thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả đều là cơ quan đã chi trả tiền bồi thường. Trong đó, trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau thì Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải có sự tham gia của đại diện các cơ quan có liên quan đến việc gây thiệt hại.

c) Về thẩm quyền ra quyết định hoàn trả 

– Đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự thì thẩm quyền ra quyết định hoàn trả thuộc Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường.
– Riêng đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường chỉ ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại do mình quản lý.
Đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại do cơ quan khác quản lý, thì Thủ trưởng cơ quan đã chi trả tiền bồi thường chỉ thực hiện việc kiến nghị để Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan ra quyết định hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại do cơ quan đó quản lý.

d) Về thẩm quyền ra quyết định giảm mức hoàn trả

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định chỉ Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ra mới có thẩm quyền ra quyết định giảm mức hoàn trả.

Khánh Vân / Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)

[1] Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp, Báo cáo ngày 05/05/2006 về kết quả Tọa đàm về Luật Bồi thường nhà nước trong khuôn khổ hợp tác với dự án JICA, trang 11.
[2] Khoản 8 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định “Hoàn trả là trách nhiệm của người thi hành công vụ gây thiệt hại phải trả lại một khoản tiền cho ngân sách nhà nước theo quy định của Luật này”.
[3] Chính phủ, Tờ trình số 336/TTr-CP ngày 23/9/2016 của Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 9.
[4] Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp, Tham luận “Những định hướng lớn và điểm mới trong dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)” phục vụ Hội nghị góp ý dự án Luật Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) của Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trang 3.
[5] Bộ Công an, Công văn số 323/BCA-V19, ngày 27/2/2017 tham gia ý kiến dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
[6] Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo số 111/BC-UBTVQH14 ngày 17/5/2017 báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 13.
[7] Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp, Tham luận “Những định hướng lớn và điểm mới trong dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)” phục vụ Hội nghị góp ý dự án Luật Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) của Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trang 3.
[8] Thông báo số 268/TB-BTP ngày 27/01/2016 của Bộ Tư pháp thông báo kết quả phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 4.
[9] Chính phủ, Tờ trình số 336/TTr-CP ngày 23/9/2016 của Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 9.
[10] Bộ Tư pháp, Báo cáo số 47/BC-BTP ngày 14/3/2016 báo cáo Chính phủ báo cáo những định hướng lớn xây dựng dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 7.
[11] Bộ Tư pháp, Tờ trình số 42 ngày 15/7/2016 của Bộ Tư pháp trình Chính phủ dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 11.
[12] Bộ Tư pháp, Báo cáo số 224 /BC-BTP ngày 19/8/2016, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 3.
[13] Cục Bồi thường nhà nước (2017), Những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nguyễn Văn Bốn (chủ biên), NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2017, trang 153.
[14] Khoản 2 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009.
[15] Khoản 2 Điều 57 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 quy định “Trường hợp nhiều người thi hành công vụ gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ liên đới hoàn trả”.
[16] Điều 16 Nghị định 16/2010/NĐ-CP.
[17] Điều 16 Nghị định 16/2010/NĐ-CP.
[18] Trịnh Quang Hưng, Nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ thông qua quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Số chuyên đề “Triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, trang 155-, trang 164.
[19] Chính phủ, Tờ trình số 336/TTr-CP ngày 23/9/2016 trình Quốc hội dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), trang 9.
[20] Cục Bồi thường nhà nước (2017), Những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nguyễn Văn Bốn (chủ biên), NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2017, trang 155.
[21] Cục Bồi thường nhà nước (2017), Những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nguyễn Văn Bốn (chủ biên), NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2017, trang 156.
[22] Cục Bồi thường nhà nước (2017), Những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nguyễn Văn Bốn (chủ biên), NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2017, trang 160-161.
[23] Cục Bồi thường nhà nước (2017), Những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nguyễn Văn Bốn (chủ biên), NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2017, trang 164.
đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền