Luật Đất đai có kẽ hở, nhóm lợi ích thâu tóm đất đai

Chuyên mụcLuật đất đai, Thảo luận pháp luật Luật đất đai

Luật Đất đai 2013 đang có những “khoảng trống” cho nhóm lợi ích vận dụng trục lợi trong công tác giải phóng mặt bằng với giá đền bù thấp.

Khái niệm “mơ hồ” và không được phân loại

Quy định về đền bù giải phóng mặt bằng được tập trung trong Điều 62 và Điều 73 của Luật Đất đai 2013. Ở Điều 73, dự án phát triển kinh tế mà chủ đầu tư khi giải phóng mặt bằng tự thỏa thuận với người dân có giá đất đền bù dựa trên cơ sở giá thị trường. Còn Điều 62 là các dự án Quốc gia, công cộng, dự án bằng vốn ODA và dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích Quốc gia. Đền bù giải phóng mặt bằng giá đất được tính theo khung giá của Nhà nước quy định.

Nguy cơ “nhóm lợi ích” có thể hình thành trong công tác giải phóng mặt bằng bắt đầu từ khái niệm “dự án phát triển kinh tế -xã hội phục vụ lợi ích quốc gia” trong Điều 62 Luật Đất đai 2013.

Khái niệm “phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” khiến phạm vi các dự án được Nhà nước thu hồi đất là quá rộng. Trong đó, các dự án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận cũng bao hàm quá rộng, có cả các dự án khu đô thị mới, dự án khu dân cư nông thôn, dự án chế biến nông, lâm, thủy, hải sản…

Thực tế, các dự án phát triển kinh tế – xã hội nào mà chẳng vì lợi ích quốc gia. Việc phân định giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia trở nên mơ hồ!

“Khoảng trống” trong luật khiến hầu hết các doanh nghiệp khi thực hiện triển khai dự án ở địa phương đều đi theo hướng gắn dự án với tính chất là “phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia”. Như vậy, việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ do Nhà nước thu hồi, giá đất đền bù theo khung giá Nhà nước quy định, không phải thỏa thuận với người dân và thấp hơn nhiều giá thị trường.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng cho rằng, trong Luật Đất đai 2013 chưa phân biệt rõ ràng về các dự án kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia. Dự án kinh tế nào cũng đóng góp thuế cho địa phương, tạo được công ăn việc làm như thế thì đều có lợi ích quốc gia.

“Sửa đổi Luật Đất đai 2013 phải làm rõ khái niệm ra thế nào là kinh tế nhưng phục vụ lợi ích quốc gia, thế nào là kinh tế thuần. Qua đó, tạo ra sự minh bạch và giúp người dân, doanh nghiệp phân loại dự án rõ ràng, việc áp dụng quy định của Luật Đất đai 2013 trong công tác thu hồi giải phóng mặt bằng sẽ giảm bớt được khiếu kiện” – ông Nguyễn Thế Điệp nói.

Kẽ hở cho “nhóm lợi ích” thâu tóm đất đai     

Chính sự không rõ ràng ở khái niệm “phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” đã, đang là kẽ hở để các nhóm lợi ích lợi dụng. Những dự án phát triển kinh tế – xã hội thuộc diện thu hồi đất thỏa thuận với người dân theo quy định ở Điều 73 Luật Đất đai 2013 có thể bị “phù phép” trở thành những dự án do Nhà nước thu hồi đất dựa trên khái niệm “lợi ích quốc gia”.

Theo GS Đặng Hùng Võ, quy định về những trường hợp nào Nhà nước áp dụng cơ chế thu hồi đất thì đã được quy định trong Hiến pháp. Đó là, những trường hợp đất đai sử dụng cho quốc phòng, an ninh, phát triển vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng. Trong Luật Đất đai 2013 định nghĩa khá rõ thế nào là đất quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng nhưng vế thứ 2, cụm từ “phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia” thì hoàn toàn không có định nghĩa.

GS Võ phân tích, một khái niệm được đưa ra trong Luật Đất đai 2013 mà không định nghĩa thế nào là “lợi ích quốc gia” – đây là vấn đề. Nếu đối chiếu với Luật Đất đai 2003 thì thấy ở đây định nghĩa rất rõ khái niệm thế nào là đất sử dụng cho lợi ích quốc gia: Đất xây dựng các trụ sở của cơ quan Nhà nước, đất sử dụng phục vụ các dịch vụ công của Nhà nước, các nội hàm rất rõ ràng. Nhưng trong Luật Đất đai 2013 thì khái niệm này không được định nghĩa.

Nếu áp dụng ngay định nghĩa về “lợi ích quốc gia” của Luật Đất đai 2003 thì rất nhiều loại dự án ở trong quy định của Điều 62 Luật Đất đai 2013 là không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất.

“Chính vì sự không rõ ràng trong Điều 62, các dự án phát triển kinh tế – xã hội có thể gắn được mác “lợi ích quốc gia”. Việc thu hồi giải phóng mặt bằng từ cơ chế tự thỏa thuận với người dân sang cơ chế Nhà nước thu hồi, tiền đền bù giải phóng mặt bằng thấp hơn rất nhiều” – GS Võ nói.

Giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội là cần thiết, nhưng vấn đề lợi ích giữa người bị thu hồi đất và những doanh nghiệp nhận được đất cần được cân đối hài hòa. Thu hồi đất nông nghiệp giao cho doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sang sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ… lợi nhuận được tạo ra từ chuyển đổi sử dụng đất này người dân không được hưởng, dẫn đến những bất đồng, mâu thuẫn về lợi ích kinh tế.

Tiền sinh lời từ đất đai sẽ vào túi một nhóm lợi ích, Nhà nước và người dân đều không được lợi. Khái niệm không rõ ràng trong Luật Đất đai 2013 đang “vô tình” tạo điều kiện cho những “nhóm lợi ích” thâu tóm đất đai với giá chưa hợp lý với lợi ích của người bị thu hồi.

Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây. Theo ý kiến của các chuyên gia, một trong những nội dung nổi cộm cần quan tâm khi sửa đổi Luật Đất đai 2013 là những quy định về đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo VOV.VN

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền