Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người và một số bất cập

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có quy định về tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, góp phần phòng ngừa và đấu tranh, chống tội phạm đạt hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, chúng tôi nhận thấy có một số hạn chế, cần được khắc phục.

1. Một số hạn chế, bất cập

Trong bối cảnh các hành vi mua bán bộ phận cơ thể người đang diễn ra tràn lan và gây tác động tiêu cực đến con người thì việc bổ sung quy định về tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người trong BLHS năm 2015 đã tạo cơ sở vững chắc để xử lý loại tội phạm này cũng như góp phần phòng ngừa và đấu tranh, chống tội phạm đạt hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, chúng tôi nhận thấy có một số hạn chế, bất cập phát sinh như sau:

Thứ nhất, có nên xem xét mô là một đối tượng tác động của hành vi phạm tội Điều 154 BLHS không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006: “Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người”. Vậy mô là gì, nó quan trọng như thế nào trong cơ thể?

Cơ thể người là một hệ thống nhất, có thể chia thành nhiều mức độ tổ chức khác nhau, với mức độ lớn nhất là cơ thể rồi đến hệ thống cơ quan, cơ quan, mô, tế bào và phân tử. Trong đó, tế bào là đơn vị sống cơ bản về cấu tạo và chức năng của mọi cơ thể sống. Tuy nhiên, cơ thể đa bào hiếm khi chỉ có một tế bào đơn độc thực hiện một chức năng nào đó, mà thường là một tập hợp tế bào (cùng chất gian bào) cùng nhau thực hiện, đó chính là mô. Trong một chỉnh thể lớn đang đề cập là cơ thể, thì mô tồn tại và được nhắc tới như một tập hợp các tế bào thực hiện các chức năng nhất định, cao hơn mô là cơ quan (bộ phận cơ thể) rồi đến hệ cơ quan. Như vậy, xét đến đối tượng của hành vi phạm tội, mô là đơn vị nhỏ nhất nó chỉ có chức năng của một tập hợp tế bào, là thành phần cấu tạo nên một bộ phận cơ thể.

Từ thực tiễn cho thấy hầu hết các hành vi mua bán, chiếm đoạt đều xảy ra với đối tượng tác động là bộ phận cơ thể người như nội tạng, giác mạc… Việc mua bán, trao đổi, giao dịch mô dường như không có ảnh hưởng đến sức khỏe bởi lẽ mô là tập hợp của tế bào, tế bào là một thực tế có thể tái sinh, không bị mất đi vĩnh viễn.

Xem:  Khái niệm tội phạm về chức vụ theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

Trên thực tế các thẩm mỹ viện họ sử dụng các công nghệ làm đẹp để hút mô mỡ, cắt mô biểu bì (da bụng) để làm săn chắc vòng bụng của phụ nữ; cấy mỡ tự thân để làm đầy cằm, độn mông, giảm hóp má… Tất cả những hành vi đó đều là sử dụng (có thể là mua bán, chiếm đoạt) mô của cơ thể người khác nhưng lại không xem đó là bất hợp pháp. Bởi lẽ, việc sử dụng đó không gây nguy hiểm cho sức khỏe, mà ngược lại còn tốt hơn rất nhiều so với các công nghệ làm đẹp khác từ filler, boxton…

Trường hợp sử dụng mô máu, mô huyết tương trong việc hiến máu nhân đạo, cho máu, bán máu không thực sự gây nguy hại cho sức khỏe của con người, và thực tế không xem đây là hành vi phạm tội.

Thứ hai, bất cập trong việc xử lý đối với hành vi môi giới mua bán bộ phận cơ thể người.
Hiện nay, hành vi mua bán bộ phận cơ thể người thực hiện một cách tràn lan, bất hợp pháp là do sự góp mặt của bên trung gian môi giới giữa người mua và người bán. Hành vi môi giới này rất nguy hiểm, bởi những người này chỉ chú ý tới số tiền lợi nhuận thu được mà không quan tâm tới tình trạng sức khỏe của người bán nội tạng, hay chất lượng của cuộc phẫu thuật lấy nội tạng. Chưa kể đến sự sa sút về sức khỏe sau phẫu thuật.

Vậy, xử lý hình sự như thế nào đối với những đối tượng này? Trường hợp này hiện nay tồn tại hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng người môi giới mua bán bộ phận cơ thể người sẽ bị xử lý về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người với vai trò đồng phạm cùng với người mua, người bán. Quan điểm khác thì cho rằng người môi giới mua bán bộ phận cơ thể người nên được xử lý ở tội riêng biệt, có thể đề xuất điều luật là tội môi giới mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Bởi lẽ, hành vi môi giới này cũng có tính chất, mức độ nguy hiểm không kém gì so với hành vi mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người.

Xem:  CSGT Đà Nẵng dùng MXH Facebook để thông báo phương tiện vi phạm

Thứ ba, bất cập trong chế tài hình phạt áp dụng đối với hành vi phạm tội.

Về mức hình phạt tối thiểu 10.000.000 đồng chưa thể hiện được tính răn đe của pháp luật, vì đây là nhóm tội liên quan đến vấn đề xâm phạm sức khỏe, thân thể, tính mạng con người. Bên cạnh đó, giá trị của những bộ phận cơ thể người được bán đi với giá lên đến hàng chục ngàn đô la Mỹ (USD), mang lại lợi nhuận phi pháp cực kỳ lớn cho người phạm tội. Khoản tiền lợi nhuận này lớn hơn nhiều so với mức phạt tiền ở trên.
Thứ tư, bất cập trong việc xác định đối tượng và hình phạt của hành vi mua bán bộ phận cơ thể người gây ra thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác

Có quan điểm cho rằng: “Điều luật quy định “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, mà không quy định là “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân” nên trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội chỉ cần gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (có thể cho nạn nhân hoặc không phải cho nạn nhân) thì người phạm tội vẫn bị áp dụng tình tiết phạm tội này”.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đưa ra ví dụ cụ thể như sau: T, C và H đều là đồng phạm trong hành vi chiếm đoạt bộ phận cơ thể của bà K để đem đi bán lấy tiền. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội T, C và H bị chồng bà K là ông X phát hiện nên hai bên đã xảy ra xung đột, đánh nhau. Giám định thương tật kết luận ông X bị gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 40%, bà K chưa bị lấy đi bộ phận nào của cơ thể, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 0%. Vậy quan điểm nêu trên, theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 154 BLHS thì T, C và H phải chịu hình phạt tù đối với tội mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người từ 07 đến 15 năm.

Theo chúng tôi, bản chất của hành vi phạm tội quy định ở Điều 154 BLHS là hành vi lấy đi, làm mất đi bộ phận cơ thể trên người bà K. Bộ phận cơ thể của bà K mới là đối tượng tác động của hành vi phạm tội của T, C và H. Do Bà K không bị thương tật, nhưng hành vi phạm tội của T, C và H đã đủ hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 154 BLHS nên T, C và H phải chịu hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Trong trường hợp này, T, C và H đã thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho ông X là hành vi độc lập với hành hành vi chiếm đoạt bộ phận cơ thể bà K. Việc T, C và H cố ý gây thương tích cho ông X là do muốn thực hiện đến cùng hành vi chiếm đoạt bộ phận cơ thể bà K. Do vậy, việc gây tổn thương cho ông X của T, C và H đã phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điểm a khoản 2 Điều 134 BLHS.

Xem:  Xác định yếu tố đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích qua ví dụ

2. Kiến nghị, đề xuất

Để giải quyết những vướng mắc, bất cập chúng tôi xin đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả đấu tranh, chống tội phạm mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người.

Thứ nhất, không cần thiết quy định mô là đối tượng tác động của hành vi phạm tội của Điều 154 BLHS mà điều luật chỉ cần tập trung vào đối tượng là bộ phận cơ thể người.

Thứ hai, liên quan đến hành vi trung gian môi giới của việc mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người, kiến nghị sửa đổi tên Điều 154 BLHS thành: “Tội môi giới, mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người”. Ngoài ra, hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 4 Điều 154 BLHS là chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Bởi lẽ, hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người mang lại mức siêu lợi nhuận, lớn hơn rất nhiều so với chế tài của điều luật đưa ra. Chúng tôi đề xuất tăng mức phạt tiền tối thiểu lên 50.000.000 đồng. Về mức tối đa, nâng lên mức 500.000.000 đồng. Như vậy, Điều 154 BLHS nên được chỉnh sửa như sau:

“Điều 154. Tội môi giới, mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người

1. Người nào môi giới, mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

…4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Thứ ba, cần hướng dẫn cụ thể về tình tiết tăng nặng “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Để tránh những cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng pháp luật cần hướng dẫn cụ thể đây là trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân.

ĐỒNG NÔNG PHÚC (Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.