Các yếu tố cấu thành Tội đua xe trái phép – Điều 266 Bộ luật hình sự 2015

Chuyên mụcLuật hình sự Tổ chức đua xe trái phép

Tội đua xe trái phép quy định tại Điều 266 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều … BLHS 1999.

 

Các nội dung liên quan:

>>> Xem thêm: Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng

 

Điều 266. Tội đua xe trái phép

1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

e) Tham gia cá cược;

g) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;

h) Tại nơi tập trung đông dân cư;

i) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 

Bình luận Tội đua xe trái phép:

1. Đua xe trái phép là gì?

Đua xe trái phép là hành vi của hai hoặc nhiều người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe khác có gắn động cơ chạy thi trên đường bộ nhằm đuổi kịp hoặc vượt người cùng đua.

2. Các yếu tố cấu thành tội đua xe trái phép

2.1. Khách thể của tội phạm

– Tội phạm xâm phạm về các qui định của nhà nước về an toàn giao thông đường bộ.

– Hành vi đua xe trái phép còn đe dọa xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và an toàn, trật tự nơi công cộng.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

– Tội phạm thể hiện ở hành vi đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ. Việc đua xe này trái phép tức là không được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Hành vi thể hiện ở việc điều khiển các phương tiện giao thông là ô tô xe máy, các phương tiện có gắn động cơ khác chạy tốc độ cao trên một quãng đường nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường hành vi đua xe thường xảy ra ở những đường phố lớn, trên các đường quốc lộ, tỉnh lộ và thường xảy ra vào những ngày lễ lớn hoặc khi có các sự kiện về thể thao, văn hó.v.v…

– Điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự là khi có một trong 2 tình tiết sau:

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Người có hành vi đua xe trái phép cũng có thể đồng thời là người có hành vi tổ chức đua xe trái phép, trong trường hợp này họ phải chịu trách nhiệm về cả hai tội là tổ chức đua xe trái phép và tội đua xe trái phép.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo luật định.

(Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 – sửa đổi, bổ sung năm 2017 của TS. Trần Văn Biên – TS. Định Thế Hưng, trang 245).


Các tìm kiếm liên quan đến Tội đua xe trái phép, bình luận tội đua xe trái phép, tội đua xe trái phép blhs 2015, tội tổ chức đua xe trái phép, tội đua xe trái phép thuộc loại cấu thành tội phạm nào, tổ chức đua xe trái phép là vi phạm gì

4.3/5 - (3 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền