Các yếu tố cấu thành Tội cản trở giao thông đường thủy tại Bộ luật Hình sự 2015

Chuyên mụcLuật hình sự Giao thông đường thủy

Tội cản trở giao thông đường thủy quy định tại Điều 273 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 207). Tương ứng với Điều … BLHS 1999.

 

Các nội dung liên quan:

>>> Xem thêm: Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng

 

Điều 273. Tội cản trở giao thông đường thủy

1. Người nào khoan, đào trái phép làm hư hại kết cấu của công trình giao thông đường thủy; tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu; di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu; tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công trình giao thông đường thủy; lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy hoặc hành vi khác cản trở giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Cản trở giao thông đường thủy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

 

Bình luận tội cản trở giao thông đường thủy 

1. Khái niệm

Cản trở giao thông đường thủy là hành vi khoan, đào trái phép làm hư hại kết cấu của các công trình giao thông đường thủy; tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu; di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu; tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công trình giao thông đường thủy; lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy hoặc có hành vi khác cản trở giao thông đường thủy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội cản trở giao thông đường thủy

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm vào những quy định của Nhà nước về an toàn giao thông đường thủy, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe công dân, tài sản của Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

– Tội phạm được thể hiện ở hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy như: khoan, đào trái phép làm hư hại các kết cấu của các công trình giao thông đường thủy; tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu; di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu; tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công trình giao thông đường thủy; lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy hoặc hành vi khác cản trở giao thông đường thủy.

– Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc:

+ Gây chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng tới sức khỏe, tài sản của người khác;

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý.

2.4. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là những người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo luật định thực hiện tội phạm.

(Nội dung được trích dẫn từ: Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 – TS. Trần Văn Biên – TS. Đinh Thế Hưng – tr 438, 439).

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền