Tìm hiểu về thị trường con gấu và con bò tót trong chứng khoán

Thị-trường-con-gấu-bear-market-và-thị-trường-con-bò-tót-bull-market

Mỗi ngày khi đọc các tạp chí về đầu tư tài chính, bạn sẽ nghe thấy cụm từ thị trường con gấu (bear market) và thị trường con bò tót (bull marketđể mô tả diễn biến của thị trường chứng khoán. Chúng ta sẽ thấy các bức tượng/biểu tượng hình con bò tót và con gấu đang đánh nhau được trưng bày ở các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới khi có dịp viếng thăm những nơi này.

 

Con bò phố Wall: Charging Bull

Trước khi tìm hiểu hai thuật ngữ trên, mời bạn thưởng thức một công trình điêu khắc rất đặc sắc và nổi tiếng: Charing Bull, đôi khi được gọi là con bò phố Wall (Wall Street Bull) hoặc Bowling Green Bull. Nó là một tác phẩm điêu khắc bằng đồng nằm ở công viên Bowling Green, gần phố Wall, NewYork.

 

Bowling Green bull – Con bò phố wall
Bowling Green bull – Con bò phố wall

 

Tác phẩm này điêu khắc một con bò đực, biểu tượng của sự lạc quan và thịnh vượng tài chính. Đầu của con bò hơi hạ xuống, cơ bắp xoắn nghiêng một bên, lỗ mũi nở với cặp sừng sắc nhọn như thể sẵn sàng cho một cú húc sấm sét. Đó là một con thú đang tức giận và đầy nguy hiểm.

Nhờ tác phẩm này của Arturo Di Modica mà công viên Bowling Green trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng ngàn người mỗi ngày, cũng như là một hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của NewYork.

 

Tại sao hình ảnh con bò tót với cặp sừng nguy hiểm lại là biểu tượng của sự lạc quan và thịnh vượng tài chính?

Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Blog Tôi Đầu Tư sẽ giúp bạn biết chính xác các thuật ngữ này, biểu hiện và cách thức mà chúng sẽ ảnh hưởng đến bạn khi tham gia đầu tư chứng khoán.

 

Bull market vs bear market
Bull market vs bear market

 

Thị trường con bò tót (bull market) là gì?

Thị trường con bò tót (bull market) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả xu hướng tăng giá liên tục của các mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong những thời điểm này, các nhà đầu tư có niềm tin rằng xu thế tăng giá sẽ tiếp tục trong dài hạn và họ sẽ rất hào hứng mua cổ phiếu để chờ bán ra với giá cao hơn nữa.

Nếu điều đó thực sự xảy ra trong dài hạn, nền kinh tế cũng được lợi, phát triển mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng lạm phát cũng sẽ tăng.

 

Thị trường con gấu (bear market) là gì?

Ngược lại với thị trường bò tót, thị trường gấu là biểu hiện các cổ phiếu đang không ngừng rớt giá trên thị trường chứng khoán. Lúc này, tâm lý  sợ hãi và bi quan của các nhà đầu tư lan rộng cả thị trường và họ sẽ bán tống bán tháo các cổ phiếu đang nắm giữ. Vòng xoáy đi xuống của giá cổ phiếu lại càng mạnh hơn.

Thị trường chứng khoán có thể sẽ sụp đổ nếu giá chứng khoán rớt kiên tục trong dài hạn. Cuộc đại khủng hoảng 1929 (còn được gọi là Ngày thứ ba đen tối hayĐêm trước của thế chiến thứ hai) là một minh chứng của thị trường con gấu.

Trong thị trường con gấu, nền kinh tế sẽ phát triển chậm lại (và thậm chí là suy thoái), tỷ lệ thất nghiệp tăng khi các công ty bắt đầu sa thải công nhân.

 

Nguồn gốc của thuật ngữ thị trường con gấu (bear market) và thị trường con bò tót (bull market)?

Nguồn gốc của thuật ngữ con bò (bull) và gấu (bear) không thực sự rõ ràng, dưới đây là hai giải thích được chấp nhận rộng rãi nhất:

– Các thị trường gấu và bò được đặt tên theo cách mà hai con vật này tấn công các con mồi của chúng.

Đặc điểm của con bò tót khi tấn công là nó sẽ dùng sừng của mình để húc lên (biểu tượng giá cổ phiếu đang tăng). Trong khi đó, con gấu thì ngược lại, nó sẽ dùng móng vuốt của mình để tát xuống con mồi bất hạnh (giá cổ phiếu đang đi xuống).

Bên cạnh đó, gấu và bò tót là những đối thủ khốc liệt cho các đấu sĩ tại các trận chiến ở đấu trường thời cổ đại (Rome và thời kỳ Elizabeth ở London).

Một thuật ngữ khá lãng mạn của phố Wall, nhà đầu tư là các đấu sĩ đang cố đánh bại thị trường với hai biểu tượng là con bò tót và gấu.

– Giải thích thứ hai là chuyện về những nhà buôn bán gấu bông ngày xưa, sẽ bán những bộ da mà họ chưa nhận được (đứng trung gian môi giới). Dù chưa có hàng trong tay, những thương nhân này sẵn sàng đi kiếm khách hàng và nhận tiền ứng trước. Lẽ dĩ nhiên, họ sẽ hy vọng rằng sẽ mua được những bộ da với giá thấp hơn trong tương lai từ những thợ săn. Những thương nhân môi giới này được gọi là “bearskin jobbers”, và thuật ngữ này sau đó được dùng để mô tả những người mong muốn giá cả thị trường sẽ giảm xuống trong tương lai.

 

Thị trường gấu và bò ở Việt Nam

Việt Nam, giai đoạn thị trường con bò tót (giá lên) là vào năm 2004-2007. Chỉ trong vòng 3 năm, chỉ số VN-Index tăng từ 170 lên 1.179 điểm (tăng trưởng 593%). Đây là thời kỳ mà cứ mua chứng khoán là có lời.

Ngay cả những bà nội trợ cũng gom góp, vay mượn vài chục triệu đồng để mua chứng khoán. Kết quả là lãi hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa nói đến các nhà đầu tư lớn bỏ ra vài tỷ đồng để “chơi chứng khoán”.

Thời kỳ này còn được gọi là “người người đánh chứng, nhà nhà đánh chứng”, cứ mua là lời.

 

Thị trường con bò tót và con gấu ở Việt Nam với tâm lý bày đàn
Thị trường con bò tót và con gấu ở Việt Nam với tâm lý bày đàn

 

Tuy nhiên, bong bóng chứng khoán thì cũng có lúc bắt đầu xẹp lại. Các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và cuối cùng là sợ hãi khi VN-Index bước vào thời kỳ con gấu vào năm 2008.

Với tâm lý bầy đàn, khi một lượng cổ phiếu bán ra đủ lớn để ảnh hưởng đến thị trường thì cơn tháo chạy trên diện rộng xảy ra, tâm lý hoảng loạn xuất hiện kéo theo vòng xoáy đi xuống của giá cổ phiếu.

Giá cổ phiếu liên tục giảm và nhiều nhà đầu tư bắt đầu trở nên trắng tay, nợ nần chỉ trong vài đêm.

 

Kiên Huỳnh / Blog Tôi Đầu Tư (toidautu.com)

đánh giá bài viết

Phản hồi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền