Quyền của bị đơn đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn

Khởi kiện vụ án dân sự

Về nguyên tắc, đương sự có quyền tự mình định đoạt đối với yêu cầu của mình mà không chủ thể nào khác có quyền can thiệp . Tuy nhiên, nguyên tắc này có ngoại lệ: Pháp luật tố tụng dân sự quy định cho bị đơn quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Trước đây, BLTTDS năm 2004 (BLTTDS 2004) chỉ cho phép bị đơn được thực hiện quyền này trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Đến BLTTDS 2015, quyền này của bị đơn không chỉ được ghi nhận trong giai đoạn xét xử phúc thẩm mà còn được ghi nhận trong giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. Liên quan đến quyền đồng ý hoặc không đồng ý của bị đơn đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, trong phạm vi bài viết, tác giả bình luận một số vấn đề: Thời điểm thực hiện; Trình tự, thủ tục thực hiện; Ủy quyền thực hiện và Hậu quả pháp lý khi bị đơn thực hiện quyền đồng ý hoặc không đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.

1. Thời điểm thực hiện

Theo quy định của BLTTDS hiện hành, bị đơn chỉ có quyền can thiệp vào việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn khi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã được giải quyết bằng bản án, quyết định trước đó. Nếu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mới được xét xử sơ thẩm lần đầu tiên thì bị đơn không được thực hiện quyền này. Như vậy, trong suốt quá trình tố tụng, không phải bất cứ giai đoạn nào bị đơn cũng có quyền can thiệp vào việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, mà việc can thiệp của bị đơn chỉ giới hạn trong những giai đoạn tố tụng nhất định. Việc đưa ra giới hạn về thời gian của BLTTDS là hợp lý vì trong tố tụng dân sự, các đương sự có quyền quyết định và tự định đoạt đối với các yêu cầu của mình, nếu để các đương sự khác can thiệp quá sâu vào việc định đoạt của đương sự khác thì sẽ không đảm bảo nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự và nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự; dẫn đến tình trạng bảo vệ tốt quyền lợi cho một bên nhưng lại làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên khác. Một đương sự chỉ có quyền đưa ra ý kiến với quyền định đoạt yêu cầu của đương sự khác khi sự định đoạt yêu cầu đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ.

Bị đơn có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong hai giai đoạn tố tụng: giai đoạn xét xử phúc thẩm; giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Thứ nhất, bị đơn có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm[1].

Theo khoản 1 Điều 299 BLTTDS 2015, quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong trường hợp này được thực hiện trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, cụ thể là trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm. Giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án dân sự bắt đầu khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý đơn kháng cáo và/hoặc đơn kháng nghị của các chủ thể có thẩm quyền. Nghĩa là, về nguyên tắc, phải có kháng cáo hoặc kháng nghị của chủ thể có thẩm quyền và Tòa án đã thụ lý kháng cáo, kháng nghị đó thì mới có thể phát sinh giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS (Nghị quyết 06) thì: Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm nhận được văn bản trả lời của bị đơn đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, thì không phân biệt trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị có đương sự nào kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị hay không, Tòa án cấp sơ thẩm đều phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị, văn bản rút đơn khởi kiện cho Tòa án cấp phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 269 của BLTTDS mở phiên Tòa giải quyết vụ án theo thủ tục chung (điểm b khoản 2 Điều 18).

Tác giả đồng ý với hướng giải quyết của Nghị quyết 06, vì mặc dù hướng dẫn tại Nghị quyết không đúng với trình tự thủ tục giải quyết vụ án dân sự thông thường nhưng hướng giải quyết này khá hợp lý, đúng với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt trong tố tụng dân sự và thuận tiện cho Tòa án cũng như các đương sự  khi tham gia vào quá trình giải quyết vụ án. Bởi vì, việc giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án suy cho cùng cũng là giải quyết tranh chấp về quyền lợi giữa các bên đương sự, nếu các bên đương sự đã thống nhất ý chí về cùng một vấn đề và sự thống nhất này không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì Tòa án nên công nhận.

Bên cạnh đó, hướng giải quyết của Nghị quyết 06 cũng giúp giảm bớt những thủ tục tố tụng, tiết kiệm thời gian cho Tòa án cũng như các đương sự.

Vì vậy, văn bản hướng dẫn BLTTDS 2015 cũng cần kế thừa quy định này trong Nghị quyết 06 để việc giải quyết vụ án trên thực tế được thống nhất.

Thứ hai, bị đơn có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm[2].

Đây là nội dung mới được bổ sung trong BLTTDS 2015. Tác giả cho rằng bổ sung của BLTTDS 2015 là hợp lý vì về bản chất việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn tại giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm cũng giống như trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, một cách khái quát là nguyên đơn rút đơn khởi kiện sau khi yêu cầu của nguyên đơn đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, cách thức “ứng xử” của Tòa án trong hai trường hợp này cần có sự tương đồng.

Hơn nữa, điểm mới quan trọng này giúp khắc phục vướng mắc trong trường hợp vụ án đã được xét xử và bản án có hiệu lực thi hành, cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án xong, sau đó có quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm tuyên hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại. Khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án, nguyên đơn đã nhận được tài sản theo đúng yêu cầu khởi kiện nên họ xin rút đơn khởi kiện hoặc cố tình không có mặt để làm việc theo giấy triệu tập của Tòa án. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2004 thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, dẫn đến vướng mắc do vụ án đã bị ngừng giải quyết nên tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên chưa được giải quyết triệt để, chưa rõ tài sản tranh chấp có thuộc về nguyên đơn hay không nhưng trên thực tế thì nguyên đơn đã được chiếm hữu tài sản thông qua việc thi hành án. Nghĩa vụ của người bị thi hành án bị thiệt hại, cơ quan thi hành án không thể tự động thi hành ngược lại đối với người được thi hành án nên họ phải khởi kiện ra Tòa án để đòi lại tài sản đã thi hành. Và như vậy lại bắt đầu một quá trình tố tụng mới, gây tốn kém về thời gian, công sức, chi phí tố tụng cho cả đương sự lẫn các cơ quan tiến hành tố tụng[3].

Theo quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015, đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn.

Vấn đề đặt ra, trường hợp Tòa án xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có bản án phúc thẩm (bản án của Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm) mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì có bắt buộc phải được sự đồng ý của bị đơn Tòa án mới đình chỉ giải quyết vụ án không? Với quy định hiện hành thì bị đơn không được quyền can thiệp vào việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi đã có bản án phúc thẩm. Điều này không hợp lý vì giai đoạn sơ thẩm sau khi có bản án phúc thẩm, giai đoạn sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hay giai đoạn phúc thẩm đều là các giai đoạn tố tụng sau khi vụ án đã được giải quyết tại Tòa án (ít nhất) một lần. Trong khi đó, mục đích của việc quy định cho bị đơn quyền đồng ý hay không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn là nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đương sự trong vụ án, nhất là bị đơn, vì yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên đã tốn thời gian, công sức, tiền bạc tham gia quá trình tố tụng kể từ khi nhận được thông báo thụ lý của Tòa án cho đến khi Tòa án ra bản án, quyết định. Do đó, việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn sau khi đã trải qua quá trình tố tụng nói trên cần phải được sự đồng ý của bị đơn.

2. Trình tự, thủ tục thực hiện

BLTTDS 2015 không quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện quyền đồng ý hay không đồng ý việc rút đơn khởi kiện của bị đơn và hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn Bộ luật này. Tại Nghị quyết 06 hướng dẫn BLTTDS 2004, sửa đổi, bổ sung 2011 có quy định như sau: “… Trường hợp nguyên đơn vẫn quyết định rút đơn khởi kiện thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn biết và yêu cầu bị đơn phải trả lời bằng văn bản cho Tòa án cấp sơ thẩm về việc họ có đồng ý hay không đồng ý trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án”[4]. Như vậy, theo Nghị quyết, trước phiên tòa phúc thẩm, bị đơn phải thể hiện ý kiến đồng ý hay không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn bằng văn bản và gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm trong thời hạn nhất định kể từ khi nhận được thông báo của Tòa án.

Thiết nghĩ, hướng dẫn tại Nghị quyết 06 là hợp lý, là cơ sở để bị đơn thuận lợi thực hiện quyền, đồng thời tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, tránh trường hợp cùng một vấn đề mà các Tòa án có hướng giải quyết khác nhau. Theo tác giả, văn bản hướng dẫn BLTTDS 2015 nên kế thừa quy định này và mở rộng phạm vi áp dụng trong trường hợp bị đơn thực hiện quyền định đoạt đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trước phiên tòa sơ thẩm (sau khi vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án).

Nghị quyết 06 cũng hướng dẫn trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn thực hiện quyền đồng ý hay không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn thì ý kiến này của bị đơn phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Như vậy, tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn thực hiện quyền đồng ý hay không đồng ý đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn một cách trực tiếp bằng lời nói. Tác giả cho rằng, quy định này của Nghị quyết 06 cần được kế thừa và mở rộng phạm vi đối với cả trường hợp bị đơn thực hiện quyền định đoạt đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm (sau khi vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án) trong văn bản hướng dẫn BLTTDS 2015.

3. Ủy quyền thực hiện

Về chủ thể thực hiện quyền, rõ ràng, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, bị đơn là chủ thể có quyền đồng ý hay không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong một số giai đoạn tố tụng. Vấn đề đặt ra là bị đơn có thể thực hiện quyền đồng ý hay không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn thông qua người đại diện theo ủy quyền của bị đơn hay không?

Sở dĩ tác giả đặt ra vấn đề này vì quyền của bị đơn có thể làm thay đổi hoàn Tòan “cục diện” một vụ án, có thể làm chấm dứt quá trình tố tụng của vụ án đó tại Tòa và làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bên chủ thể khác. Do vậy, theo tác giả, để người đại diện theo ủy quyền của bị đơn được thay mặt bị đơn thực hiện quyền này thì trong văn bản ủy quyền phải thể hiện rõ nội dung: Bị đơn ủy quyền cho người đại diện được thay mặt bị đơn đồng ý hay không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện.

4. Hậu quả pháp lý

Phụ thuộc vào việc bị đơn có đồng ý hay không đồng ý đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau.

Thứ nhất, bị đơn đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Nhìn chung, trường hợp này, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, do việc rút đơn khởi kiện có thể ở các giai đoạn tố tụng khác nhau nên việc đồng ý của bị đơn đối với việc rút đơn khởi kiện này có thể kéo theo những hậu quả pháp lý khác nhau.

Điểm b khoản 1 Điều 299 BLTTDS 2015 quy định: “Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật”.

Nghị quyết 06 cũng hướng dẫn hậu quả pháp lý trong trường hợp bị đơn đồng ý với việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong thời gian kháng cáo kháng nghị phúc thẩm “thì không phân biệt trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị có đương sự nào kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị hay không, Tòa án cấp sơ thẩm đều phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị, văn bản rút đơn khởi kiện cho Tòa án cấp phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 269 của BLTTDS mở phiên Tòa giải quyết vụ án theo thủ tục chung” (điểm b khoản 2 Điều 18).

Như vậy, trong giai đoạn phúc thẩm, bị đơn đồng ý với việc rút đơn hởi kiện của nguyên đơn thì Tòa án sẽ ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án và giải quyết những hậu quả pháp lý khác phát sinh như vấn đề về án phí…

Bị đơn đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm sau giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án[5]. Do sơ thẩm là giai đoạn xét xử đầu tiên nên Tòa án có thể trực tiếp ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Mặc dù khoản 4 Điều 217 không quy định một cách minh thị, nhưng theo tác giả những vấn đề pháp lý phát sinh như án phí… sẽ được giải quyết như trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong giai đoạn xét xử sơ thẩm lần đầu tiên (bên cạnh giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có).

Thứ hai, bị đơn không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Hướng giải quyết chung của Tòa án trong trường hợp này là sẽ không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Theo quy định tại Điều 299 BLTTDS 2015, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện mà bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Nghĩa là, trường hợp này Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án tại giai đoạn xét xử phúc thẩm theo quy định, các đương sự có kháng cáo thì Tòa án tiếp tục giải quyết kháng cáo của các đương sự, Viện kiểm sát có kháng nghị thì Tòa án tiếp tục giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát.

Nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị thì Nghị quyết 06 cũng hướng dẫn hậu quả pháp lý trong trường hợp bị đơn không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện này. Theo đó, việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn đương nhiên không được chấp nhận. Trường hợp này, bản án sơ thẩm được coi là không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị[6]. Như vậy, hướng dẫn tại Nghị quyết 06 đã giải quyết được vướng mắc của Tòa án trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm mà không có kháng cáo, kháng nghị (vì cả BLTTDS 2004 và BLTTDS 2015 đều không đề cập đến). Do đó, tác giả cho rằng văn bản hướng dẫn BLTTDS 2015 cần thiết kế thừa quy định này của Nghị quyết 06.

Đối với việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong giai đoạn sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, BLTTDS 2015 không quy định trực tiếp; khoản 4 Điều 217 quy định: “Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Thông qua quy định này có thể hiểu: Nếu bị đơn không đồng ý thì Tòa án không đình chỉ giải quyết vụ án, nghĩa là việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận, vụ án vẫn được tiếp tục giải quyết theo thủ tục thông thường.

Vấn đề đặt ra, bị đơn có được quyền thay đổi ý kiến đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn không? Chẳng hạn, trước khi mở phiên tòa (sơ thẩm, phúc thẩm), bị đơn không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, do đó, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Nhưng sau đó, tại phiên tòa, bị đơn đưa ra ý kiến đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Theo tác giả, văn bản hướng dẫn nên quy định theo hướng: Tại phiên tòa, bị đơn thay đổi ý kiến đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn (trước phiên tòa, bị đơn không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn) thì trường hợp này, Hội đồng xét xử phải hỏi nguyên đơn còn muốn tiếp tục rút đơn khởi kiện hay không. Nếu nguyên đơn vẫn muốn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử giải quyết như đối với trường hợp bị đơn đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn mà pháp luật tố tụng dân sự đã quy định. Trường hợp, trước khi mở phiên tòa, bị đơn đã có văn bản đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, nhưng sau đó, bị đơn muốn thay đổi ý kiến theo hướng không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn thì không chấp nhận việc thay đổi ý kiến này.

Lý do tác giả đưa ra các hướng xử lý khác nhau khi bị đơn thay đổi ý kiến về việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện như đã trình bày ở trên là vì:

Một là, xuất phát từ hậu quả pháp lý của các trường hợp bị đơn đồng ý hay không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Trường hợp bị đơn đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án[7], nếu bị đơn không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục thông thường. Như vậy, nếu ngay từ đầu bị đơn đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn thì Tòa án phải thực hiện các thủ tục để đình chỉ giải quyết vụ án. Trong khi đó, nếu ban đầu bị đơn không đồng ý cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì trên thực tế việc giải quyết vụ án không có gì thay đổi, không ảnh hưởng nhiều đến các đương sự khác cũng như cơ quan tiến hành tố tụng.

Hai là, khuyến khích bị đơn đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Quan hệ dân sự là quan hệ mang tính chất tư, người ta thường nói “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Giải quyết vụ án dân sự chính là giải quyết tranh chấp giữa các bên đương sự (mà chủ yếu là nguyên đơn và bị đơn) tại cơ quan tài phán Tòa án. Do đó, pháp luật tố tụng dân sự luôn đề cao sự thỏa thuận, tự nguyện của các bên. Điều này không những giúp cho bản án, quyết định của Tòa án “thấu tình, đạt lý”, hạn chế vụ án bị xét xử lại nhiều lần mà còn giúp cho việc thi hành án trên thực tế đạt hiệu quả. Chính vì vậy, nếu như nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn cũng đồng ý với việc rút đơn này thì pháp luật nên tạo điều kiện.

[1]gay từ BLTTDS 2004, bị đơn đã được ghi nhận cho quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm (Điều 269 BLTTDS 2004).

[2] Ngoài bị đơn, BLTTDS 2015 cũng quy định việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm phải được sự đồng ý của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết tác giả chỉ trình bày về quyền của bị đơn đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.

[3] Bùi Thị Huyền (2016), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, NXB Lao động, tr. 297.

[4] Khoản 2 Điều 18 Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[5] Khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015.

[6] Điều 18 Nghị quyết số 06 ngày 03/12/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[7] Trình tự thủ tục cụ thể tác giả đã trình bày ở trên nên không nhắc lại ở đây.

PHẠM THỊ THÚY ( Khoa Luật Dân sự – ĐH Luật Tp HCM)

Nguồn:  Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.