Quan hệ pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam

luat-thi-hanh-an-dan-su-2014

Khái niệm, đặc điểm của quan hệ pháp luật thi hành án dân sự, thành phần của quan hệ pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam.

 

1. Khái niệm, đặc điểm của quan hệ pháp luật thi hành án dân sự

a. Khái niệm quan hệ pháp luật thi hành án dân sự

Quá trình thi hành án dân sự có sự tham gia của nhiều chủ thể. Để đảm bảo được việc thi hành án dân sự nhanh chóng, đúng đắn, Nhà nước phải đặt ra các quy phạm pháp luật quy định quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào các quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự. Từ đó, các quan hệ này trở thành các quan hệ pháp luật thi hành án dân sự.

Như vậy, quan hệ pháp luật thi hành án dân sự là quan hệ giữa cơ quan thi hành án dân sự, toà án, trọng tài, hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, viện kiểm sát, các đương sự, người đại diện của đương sự, tổ chức liên quan đến việc thi hành án dân sự, phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự và được các quy phạm pháp luật thi hành án dân sự điều chỉnh.

b. Đặc điểm của quan hệ pháp luật thi hành án dân sự

– Quan hệ thi hành án dân sự phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự và do luật thi hành án dân sự điều chỉnh.
Việc thi hành án dân sự làm phát sinh các quan hệ khác nhau giữa cơ quan thi hành án dân sự, toà án, trọng tài, hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, viện kiểm sát, các đương sự, người đại diện của đương sự, tổ chức liên quan đến việc thi hành án dân sự. Các quan hệ này được các quy phạm pháp luật thi hành án dân sự điều chỉnh nên trở thành quan hệ pháp luật thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, trên thực tế có một số quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự nhưng không thuộc đối tượng điều chỉnh của LTHADS mà thuộc đối tượng điều chỉnh của luật hành chính nên không phải là quan hệ pháp luật thi hành án dân sự điều chỉnh, ví dụ quan hệ giữa các đương sự với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc công chứng, chứng thực việc uỷ quyền, bản sao giấy tờ liên quan đến việc thi hành án…

– Việc tham gia quan hệ thi hành án của nhiều chủ thể mang tính thụ động, bắt buộc. Trong một số trường hợp không phải chủ thể nào cũng tự nguyện tham gia vào quá trình thi hành án. Vì thế để quá trình thi hành án được diễn ra một cách hiệu quả thì pháp luật thi hành án quy đnhj một số chủ thê bắt buộc phải tham gia quá trình thi hành án. Vì thế một số chủ thể tham gia vào quá trình thi hành án mang tính thụ động và bắt buộc.

– Cơ quan thi hành án dân sự thường là một bên của quan hệ pháp luật thi hành án dân sự.

– Trong quan hệ pháp luật thi hành án dân sự các chủ thể khác đều phải phục tùng cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự là chủ thể pháp luật quy định được thực hiện quyền lực của Nhà nước để tổ chức thi hành án dân sự nêu trong thi hành án dân sự, các chủ thể khác đều phải phục tùng và chấp hành quyết định của cơ quan thi hành án dân sự.

2. Thành phần của quan hệ pháp luật thi hành án dân sự

a. Chủ thể của quan hệ pháp luật thi hành án dân sự

Bao gồm: cơ quan thi hành án dân sự, toà án, trọng tài, hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, viện kiểm sát, các đương sự, người đại diện của đương sự, tổ chức liên quan đến việc thi hành án dân sự. Có thể chia thành ba nhóm;

+ Nhóm các chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc tổ chức, kiểm sát thi hành án dân sự như cơ quan thi hành án dân sự, toà án, trọng tài, hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, viện kiểm sát.

+ Nhóm các chủ thể tham gia thi hành án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác như đương sự, người đại diện của đương sự.

+ Nhóm các chủ thể tham gia thi hành án dân sự có tính chất hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án dân sự như người định giá tài sản, uỷ ban nhân dân các cấp, người được giao giữ tài sản kê biên để thi hành án dân sự.

b. Khách thể của quan hệ pháp luật thi hành án dân sự

Khách thể của quan hệ pháp luật thi hành án dân sự là việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong các bản án, quyết định được đưa ra thi hành.

Nó là cái mà các chủ thể mong muốn đạt được và là động lực thúc đẩy chủ thể tham gia quan hệ. Tuy nhiên, yếu tố tài sản, lợi ích vật chất không mang tính quyết định đối với việc tham gia quan hệ pháp luật thi hành án dân sự của các chủ thể. Trong nhiều trường hợp, việc thực hiện được quyền, nghĩa vụ của họ trong thi hành án dân sự do pháp luật quy định là động lực chính thức đẩy các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thi hành án dân sự.

c. Nội dung của quan hệ pháp luật thi hành án dân sự

Nội dung của quan hệ pháp luật thi hành án dân sự bao gồm toàn bộ các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật thi hành án dân sự.

Pháp luật thi hành án dân sự quy định cho mỗi chủ thể các quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong đó, các quyền và nghĩa vụ của cơ quan thi hành án có tính chất đặc biệt, nó là chủ thể duy nhất được nhà nước trao cho quyền lực cần thiết để tổ chức thi hành án dân sự.

Để đảm bảo việc thi hành án dân sự được nhanh chóng, đúng đắn thì các chủ thề phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình theo đúng quy định của pháp luật.

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.