Luật sư với hoạt động thi hành bản án, quyết định dân sự

Chuyên mụcCafe Dân Luật, Thi hành án dân sự thi-hanh-an-dan-su

Trong những năm gần đây, đội ngũ luật sư phát triển khá nhanh và đã khẳng định được vai trò của mình trong quá trình giải quyết các vụ việc theo các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và trong cả giai đoạn thi hành án. Thông qua việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa… Tuy nhiên, sự tham gia của luật sư trong hoạt động thi hành bản án, quyết định dân sự và thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự còn rất mờ nhạt, rất ít vụ việc có luật sư tham gia, nếu có tham gia thì cũng ở mức độ hạn chế, không phát huy được hết vai trò vốn có của luật sư trong hoạt động này.

1. Vai trò của luật sư đối với hoạt động thi hành bản án, quyết định dân sự

Theo quy định của Luật Luật sư hiện hành, thì luật sư có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc ngừời bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự; đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính… luật sư có thể thực hiện tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật [1]. Như vậy, luật sư có thể tham gia vào việc thi hành các vụ án dân sự và thi hành các quyết định dân sự trong vụ án hình sự.

Trong vụ án hình sự, luật sư được tham gia từ quá trình điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành các quyết định dân sự. Với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, hoặc là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đương sự (người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), cũng như là người tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và đại diện cho các đương sự trong quá trình thi hành án dân sự, luật sư có vai trò thúc đẩy quá trình thi hành án dân sự.

Thứ nhất, vai trò của luật sư liên quan tới trách nhiệm dân sự trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự

Trước hết, luật sư cũng góp phần vào việc chứng minh, làm rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm dân sự của người phạm tội, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được giải quyết cùng với vụ án hình sự. Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải tuân theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Bộ luật Dân sự năm 2005. Thực chất vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chính là việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được pháp luật dân sự điều chỉnh, nhưng nghĩa vụ dân sự này lại phát sinh trên cơ sở hành vi phạm tội, nên chúng không chỉ đơn thuần là những quan hệ dân sự mà còn là căn cứ quan trọng cho việc xác định tội phạm, hình phạt cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Do đó, ngoài việc giải quyết phần trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải chứng minh và giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án sao cho khách quan, thì mới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội, cá nhân, tổ chức.

Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người đại diện, hoặc người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự. Khi là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, thì luật sư sẽ phải xác định hành vi mà họ thực hiện có phải là tội phạm hay không? các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cũng như các trách nhiệm dân sự đối với họ. Khi là người đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, luật sư cũng phải xác định được các tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ, trong đó có các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm dân sự. Chỉ có xác định chính xác và đầy đủ các tình tiết nêu trên, thì luật sư mới có thể thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng đúng pháp luật và hiệu quả nhất.

Trên cơ sở tiếp xúc, trao đổi với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết hợp với quá trình thu thập chứng cứ, luật sư có thể tính toán, xác định tương đối chính xác nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự mà người phạm tội, các đương sự khác phải thực hiện. Trên cơ sở đó, luật sư sẽ kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng, để đảm bảo các quyền và nghĩa vụ hợp pháp cho khách hàng của mình. Các chứng cứ và kiến nghị của luật sư sẽ góp phần quan trọng giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Toà án xem xét, đánh giá chính xác và đầy đủ các chứng cứ và tình tiết của vụ án, xác định đúng và đủ các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm dân sự của người phạm tội, cũng như các đương sự khác, để ban hành bản án hoặc quyết định giải quyết phần dân sự của vụ án có căn cứ và đúng pháp luật, hạn chế các bản án hoặc quyết định bất hợp lý, khó thi hành, gây khó khăn cho các đương sự và cơ quan thi hành án dân sự sau này. Đồng thời, khi bản án hoặc quyết định của Toà án là công minh và đúng pháp luật, cũng sẽ khiến người phạm tội và các đương sự khác “tâm phục, khẩu phục”, thúc đẩy họ tự nguyện thi hành bản án/quyết định của Toà án, giảm tải cho cơ quan thi hành án.

Thứ hai, luật sư thúc đẩy quá trình tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm dân sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự

Khi luật sư là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, luật sư sẽ giải thích và tư vấn pháp luật, giúp cho các đương sự này hiểu rõ nội dung các quy định pháp luật, các quyền và nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm dân sự của mình. Kết hợp với kỹ năng đàm phán, thuyết phục của mình, luật sư có thể giúp các bên thương lượng, hoà giải, tự nguyện thực hiện đúng và đủ các quyền và nghĩa vụ dân sự của mình, hạn chế việc phải nhờ đến sự phân xử của Toà án, cũng như  hạn chế thực hiện các biện pháp cưỡng chế của cơ quan thi hành án sau này. Trong trường hợp, hành vi của họ đã cấu thành tội phạm, thì luật sư phải tư vấn cho họ nên có thái độ ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, để họ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và sự khoan hồng của pháp luật. Khi bị can, bị cáo tự nguyện bồi thường, khắc phục toàn bộ hậu quả, thì vấn đề nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự coi như được giải quyết, giúp cơ quan thi hành án sẽ được giảm bớt phần công việc. Người phạm tội có thể được xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả” do hành vi phạm tội của mình gây ra [2].

Một trong những nguyên nhân chính khiến việc thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự gặp khó khăn là tâm lý, tư tưởng của người phạm tội và thân nhân của họ. Bởi họ cho rằng, người phạm tội đã phải chịu trách nhiệm hình sự, thì phần nghĩa vụ dân sự họ sẽ không thực hiện, hoặc cũng có thể do tính toán cất giấu tiền, tài sản để có cơ hội thì sẽ sử dụng sao cho có hiệu quả, đó là một quan điểm, nhận thức sai lầm, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật. Theo quy định của Luật Đặc xá năm 2007, thì một trong các điều kiện để được hưởng đặc xá, là việc “… phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác” [3]. Trong các văn bản hướng dẫn về công tác cho hưởng đặc xá, khoan hồng của Tòa án nhân dân tối cao ở từng năm, thì một trong những điều kiện được xem xét cho hưởng đặc xá chính là người đang chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, tiền sung công quỹ nhà nước, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp đặc biệt chưa có khả năng thi hành án nhưng phải có cam kết hoặc có bảo lãnh cho việc thi hành các khoản tiền này (Công văn số 190/HS-ĐX ngày 30/7/2013). Điều này rất có lợi cho người đang chấp hành hình phạt tù. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với người phạm tội, thân nhân của họ, luật sư có thể khuyên họ nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ đối với việc nộp án phí, nộp tiền bồi thường thiệt hại, tiền do thi hành hình phạt bổ sung để sớm được xem xét và hưởng điều kiện đặc xá, sự khoan hồng của Nhà nước. Đối với nhiều vụ án hình sự, tiền tạm ứng án phí chỉ vài trăm nghìn, nhưng đối tượng thi hành nhất định không nộp, trong khi số lượng án hình sự, số lượng bị cáo cứ ngày một tăng thêm, khiến vụ việc thi hành án dân sự ngày càng tịnh tiến và tồn đọng. Như vậy, sự tham gia của luật sư rõ ràng đã giải quyết phần nào sự tắc nghẽn trong quá trình thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự.

Thứ ba, vai trò của luật sư với hoạt động thi hành bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật

Luật Thi hành án dân sự đã đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án. Tuy nhiên, nhiều đương sự không có kiến thức pháp lý, hoặc không có điều kiện để tự mình bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, họ đã phải mời đến các luật sư tham gia. Khi tham gia hoạt động thi hành án, luật sư không chỉ giải thích và tư vấn pháp luật, giúp các đương sự soạn thảo đơn đề nghị, yêu cầu, hoặc khiếu nại, tố cáo đối với các hành vi, quyết định trái pháp luật của chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự, mà còn có thể đại diện cho đương sự tham gia vào toàn bộ quá trình thi hành án… Khi có sự hỗ trợ pháp lý của luật sư, các đương sự sẽ hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi hành án. Có rất nhiều trường hợp, các đương sự không thể thoả thuận với nhau về việc thi hành án dân sự hoặc không chịu chấp hành các quyết định của cơ quan thi hành án dân sự là do sự thiếu hiểu biết pháp luật, không nhận thức đúng và đủ về các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của mình. Tuy nhiên, khi được luật sư giải thích pháp luật và thuyết phục, họ đã có nhận thức đúng đắn, có thể tự thương lượng thoả thuận với nhau, hoặc tự nguyện thi hành án dân sự theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được thi hành án dân sự, luật sư có thể tư vấn cho họ hoặc trực tiếp đi xác minh (theo uỷ quyền) về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án dân sự, đề nghị áp dụng các biện pháp như kê biên, phong toả tài sản nhằm tránh tình trạng tẩu tán tài sản. Công việc này góp phần rất quan trọng đối với công tác thi hành án dân sự, sẽ giảm thiểu tình trạng quyết định thi hành án dân sự đã có, nhưng người phải thi hành án dân sự lại không có tài sản để thi hành.

Với kiến thức pháp lý và chuyên môn nghiệp vụ của mình, luật sư sẽ kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm của chấp hành viên hoặc cơ quan thi hành án dân sự. Qua những ý kiến phản biện, kiến nghị hoặc khiếu nại của luật sư, sẽ đảm bảo cho quá trình thi hành án dân sự diễn ra khách quan, đúng pháp luật, bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

2. Những khó khăn, vướng mắc của luật sư khi tham gia hoạt động thi hành bản án, quyết định dân sự

2.1. Những khó khăn, vướng mắc

Một là, Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn không có quy định nào về sự tham gia của luật sư vào quá trình thi hành án. Do đó, luật sư gặp nhiều khó khăn khi tham gia trong giai đoạn thi hành án dân sự

Xin nêu một vụ việc cụ thể: Tại Hà Nội, bà NTB (Việt kiều Mỹ) được thi hành án hơn 1 tỉ đồng. Vì lý do không có mặt thường xuyên ở Việt Nam, bà B đã ủy quyền cho một luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thay mặt mình tham gia quá trình thi hành án cho đến khi vụ việc kết thúc. Thế nhưng khi bà đem giấy tờ ủy quyền cùng luật sư đến làm việc với cơ quan thi hành án dân sự… thì không được chấp nhận ngay, mà chỉ nhận được lời hứa “sẽ xem xét”. Trong khi đó, ở một vụ tương tự, bà TTNH lại được Cục thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh chấp nhận. Theo hồ sơ, bà H. khởi kiện người khác đòi nợ gần 2 tỉ đồng và được hai cấp Tòa án (sơ thẩm, phúc thẩm) tuyên thắng kiện. Vì phải đi nước ngoài chữa bệnh dài ngày, bà đã ủy quyền “trọn gói” cho một Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh được toàn quyền thay mặt mình tham gia hoạt động thi hành án dân sự cho đến khi vụ việc được giải quyết dứt điểm. Kiểm tra thấy thủ tục ủy quyền hợp pháp, cơ quan thi hành án dân sự đã chấp nhận làm việc với luật sư mà không hề gây khó khăn gì. Rõ ràng việc chấp nhận hay từ chối sự tham gia của luật sư vào quá trình thi hành án do Luật không quy định, nên tùy vào sự linh hoạt ở mỗi cơ quan có thẩm quyền, mà luật sư có thể được tham gia ngay hoặc phải chờ đợi.

Hai là, chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự nhiều khi còn gây khó khăn, cản trở luật sư tham gia quá trình thi hành án dân sự

Nhiều cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên còn cho rằng: Luật sư tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự sẽ làm phức tạp thêm vụ việc, sẽ vì lợi ích của đương sự mà gây khó khăn, cản trở hoạt động thi hành án dân sự, nên không tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia. Đồng thời, đây là hệ lụy phát sinh từ việc Luật Thi hành án dân sự không quy định cụ thể sự tham gia và quyền nghĩa vụ của luật sư trong thi hành án như thế nào?.

Ba là, một vấn đề cũng cần đề cập đến là việc tham gia quá trình thi hành án dân sự hay không, còn phụ thuộc vào sự lựa chọn của luật sư

Luật sư là một nghề độc lập, nên họ hoàn toàn có quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia vào quá trình nào của vụ án. Thực tế cho thấy, quá trình thi hành án dân sự cũng là giai đoạn trực tiếp đụng chạm đến quyền về tài sản của người dân. Quá trình đòi nợ “gian nan” và không lường trước được thời gian chấm dứt vụ việc. Do đó, luật sư rất “ngại” và thường có xu hướng “né tránh” việc tham gia vào giai đoạn thi hành án dân sự.

Bốn là, việc luật sư tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự là một loại hình dịch vụ pháp lý

Luật sư chỉ có thể tham gia khi được các đương sự mời và uỷ quyền. Tuy nhiên, người dân lại chưa có thói quen mời luật sư tham gia vào quá trình thi hành án dân sự. Nhiều người không biết luật sư có quyền tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự như thế nào. Do đó, tỷ lệ các vụ việc thi hành án dân sự có luật sư tham gia là rất ít, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

2.2. Một số giải pháp khắc phục

Thứ nhất, lý do luật sư hạn chế tham gia trong quá trình thi hành án dân sự là do Luật Thi hành án dân sự chưa quy định địa vị pháp lý của luật sư trong giai đoạn thi hành án dân sự. Do đó, để luật sư có thể tham gia triệt để vào hoạt động thi hành án dân sự, thì Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành cần có những quy định cụ thể về địa vị pháp lý của luật sư, quyền, nghĩa vụ và trình tự, thủ tục khi luật sư tham gia trong giai đoạn thi hành án dân sự.

Thứ hai, các cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên cần phải xoá bỏ những nhận thức, tư tưởng không đúng về việc tham gia hoạt động thi hành án dân sự của luật sư, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho luật sư trong quá trình tham gia hoạt động thi hành án dân sự, tạo ra mối quan hệ gắn kết, tương hỗ lẫn nhau giữa luật sư và cơ quan thi hành án dân sự, cùng thúc đẩy hoạt động thi hành án dân sự diễn ra nhanh chóng, khách quan và đúng pháp luật. Mặt khác, các luật sư cũng phải nhận thức đúng về vị trí và vai trò pháp lý, chức năng xã hội và đạo đức nghề nghiệp của mình, để tư vấn đúng cho khách hàng, tránh việc khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ, hoặc cản trở vô căn cứ, trái pháp luật đối với hoạt động thi hành án dân sự.

Thứ ba, đội ngũ luật sư cũng phải thay đổi nhận thức của mình về hoạt động thi hành án dân sự. Mặc dù đây là lĩnh vực có rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình tác nghiệp, nhưng cũng là lĩnh vực chuyên môn có nhiều “tiềm năng” và có ý nghĩa, đem lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, góp phần giữ gìn sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

Thứ tư, cần phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết của người dân về pháp luật thi hành án nói chung và thi hành án đối với phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự nói riêng, để họ có thể biết và thực hiện đúng đắn các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình, trong đó có quyền mời luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, hoặc thay mặt mình tham gia quá trình thi hành án.

ThS. Luật sư. Nguyễn Hồng Bách

Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự

đánh giá bài viết

Phản hồi

  1. Rất hay! Cảm ơn đã chia sẻ với mọi người, để mọi người hiểu luật để sống và thực hiện đúng theo pháp luật

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền