Phân tích về cái chết bất thường của TS.LS Bùi Quang Tín – Án mạng hay tai nạn?

Vụ Bùi Quang Tín

Những ngày vừa qua, Luật sư Ngô Việt Bắc – Trưởng văn phòng của Văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên đã có rất nhiều bài phân tích về cái chết bất thường của TS.LS Bùi Quang Tín chia sẻ trên trang facebook cá nhân. Luật sư cho cho rằng theo ‘kinh nghiệm và cảm nhận về vụ án ở góc độ chủ quan thì đây là một vụ án mạng chứ không phải là một vụ tự sát’.

 

Những nội dung cùng được quan tâm:

 

Điều tra dấu hiệu bất thường về cái chết của tiến sĩ Bùi Quang Tín

Liên quan đến vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi lầu tử vong tại Chung cư New Sài Gòn xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, chiều 7/4 Công an huyện Nhà Bè đã chuyển giao vụ việc cho Văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để mở rộng điều tra.

Bước đầu, Công an xác định, từ trưa đến chiều ngày 5/4, nhóm 9 người lãnh đạo chủ chốt của trường đại học Ngân hàng TP.HCM đã tổ chức ăn trưa và có dùng rượu, bia căn hộ của ông Trần Việt Dũng (Viện trưởng viện đào tạo quốc tế) tại chung cư N.S ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Chung cư New Sài Gòn, nơi ông Tín được phát hiện tử vong
Chung cư New Sài Gòn, nơi ông Tín được phát hiện tử vong

Đến 16h chiều kết thúc bữa cơm, một số người chuyển sang uống trà.

Nhiều người lần lượt ra về, cuối cùng chỉ còn ông Dũng, Tiến sĩ Bùi Quang Tín và PGS-TS Nguyễn Đức Trung (Hiệu phó trường đại học Ngân hàng).

17h chiều ông Dũng có việc ra ngoài. Trong căn hộ chỉ còn ông Trung và Tiến sĩ Tín còn ngồi nói chuyện.

Theo tường trình với Công an của ông Nguyễn Đức Trung, ông và Tiến sĩ Tín có nằm nghỉ ở salon. Một lúc sau, Tiến sĩ Tín đứng dậy chào ra về. Ông Trung có khuyên nằm nghỉ cho khoẻ hoặc gọi người nhà đến đón nhưng ông Tín nói tự về được.

Ít phút sau, ông Trung nghe tiếng va đập bên ngoài nên chạy ra kiểm tra. Nhìn xuống dưới, ông Trung dù không thấy rõ nhưng linh tính có chuyện chẳng lành nên gọi cho ông Dũng quay về. Lúc này ông Tín đã rơi lầu tử vong.

Được biết, đến nay người vợ của Tiến sĩ Tín và dư luận hoài nghi về cái chết của ông, cho là có những điều không bình thường.

Trong đơn tường trình với Công an, người vợ có nêu về những lời kể trước đây của chồng, về việc có người bị đe doạ, có mâu thuẫn với 1 số cán bộ trong trường nơi ông Tín đang công tác.

Khi vào cuộc điều tra, cơ quan Công an khám nghiệm hiện trường rất kỹ lưỡng. Được biết, khu vực trong căn hộ của ông Dũng, hành lang phía trước và các tầng lầu không có gắn camera an ninh. Camera chỉ gắn trong hệ thống thang máy.

Nguồn thông tin cho hay, khi khám nghiệm hiện trường bên trong căn hộ của ông Dũng có 1 ghế gỗ bị gãy phần lưng ghế. Trong phòng có thu giữ 2 điện thoại của Tiến sĩ Tín. Ngoài ra, dép của ông Tín vẫn còn để ở trước cửa căn hộ.

Công an bước đầu xác định ông Tín tử vong do chấn thương, va đập mạnh khi ngã từ trên cao xuống. Qua trao đổi điện thoại, người vợ của tiến sĩ Tín cho hay, tại thời điểm khám nghiệm tử thi trong đêm hôm đó, bà nhận thấy không có gì bất thường trên thi thể của chồng.

Hiện Công an vẫn chưa thông tin chính thức về cái chết của tiến sĩ Bùi Quang Tín và đang tiếp tục làm rõ những tình tiết liên quan.

>>> Xem chi tiết bài viết tại: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dieu-tra-dau-hieu-bat-thuong-ve-cai-chet-cua-tien-si-bui-quang-tin-631616.html

Đơn đề nghị khởi tố vụ án của đề nghị khởi tố vụ án của bà Nguyễn Thanh Bích vợ TS.LS Bùi Quang Tín
Đơn đề nghị khởi tố vụ án của đề nghị khởi tố vụ án của bà Nguyễn Thanh Bích vợ TS.LS Bùi Quang Tín >>> Xem chi tiết tại đây

Luật sư phân tích về cái chết bất thường của TS.LS Bùi Quang Tín

BBT của Hocluat.vn xin tổng hợp 05 bài phân tích của Luật sư Ngô Việt Bắc về cái chết bất thường của TS.LS Bùi Quang Tín mà luật sư đã chia sẻ trên trang Fb cá nhân trong những ngày vừa qua.

Vụ án luật sư Bùi Quang Tín – Án mạng hay tai nạn? (bài số 1)

Xin gửi đến Quý Luật sư Đồng nghiệp nén tâm nhang tự đáy lòng và sự chia sẻ sâu sắc đến với người vợ mà Anh hết mực yêu thương cùng gia đình Anh!

Từ sáng qua ngay khi biết tin Anh mất ở độ tuổi 44 – độ tuổi chín muồi về mọi mặt, đặc biệt đây là độ tuổi của sự hội tụ của tinh hoa nghề nghiệp cao nhất! Thành công và sự nghiệp rộng mở hơn nữa đang đón đợi Anh phía trước là điều không phải bàn cãi.

Qua thông tin Báo chí và Facebook của đồng nghiệp thì cô đọng lại một số tình tiết sau đây để làm sáng tỏ sự ra đi của Anh:

1. Cuối buổi chiều hôm ấy chỉ còn Anh và một người còn lại ngồi nói chuyện khi chủ nhà đi ra ngoài. Đây là nhân chứng cuối cùng khi Anh ra đi, nên lời khai của người này so với hiện trường vụ án sẽ sớm xác định người này có phải là hung thủ hay không. Bởi nếu cửa căn hộ khi còn hai người ở lại mở toang từ trong ra ngoài thì việc Anh đi ra người kia ở lại phòng sẽ thấy rõ các hành động của Anh, tức Anh sẽ đeo dép khi bước ra, khác với hiện trường đôi dép của Anh còn đặt ở cửa, còn nếu căn hộ khi đó đóng cửa ở bên trong giả sử lúc này xảy ra xô xát Anh mở cửa phóng ra ngoài lúc này thì không kịp đeo dép là hợp lý.

Khu vực phát hiện thi thể ông Tín - Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Khu vực phát hiện thi thể ông Tín – Ảnh: Ngọc Khải / Tuổi Trẻ Online

2. Vậy khoảng cách từ nhà ra tới chỗ lan can nơi Anh rơi xuống là bao xa, quãng đường này có vết máu hay không? Nếu có xô xát xảy ra thì phải chăng Anh bị nội thương, và khi đến điểm đó thì đuối sức tay chỉ kịp vịn vào hành lang, lúc này hung thủ chạy liền kề sau nhân cơ hội túm ngược hai chân sau và đưa cao hơn qua rào chắn khi ấy cơ thể anh sẽ rơi tự do.

3. Kết quả khám nghiệm tử thi sẽ cho ra một trong ba kết luận:

3.1 Có vết tổn thương trên cơ thể do ngoại lực tác động hay không?

3.2 Nội tạng có bị đầu độc hay không?

3.3 Thời điểm chết.

4. Dấu vết hiện trường rất quan trọng, vì qua một số trang Facebook xác nhận thì lan can phía sau rất cao. Nếu muốn trèo qua thì cũng rất khó khăn, còn nếu đúng như giả thiết mình nói ở trên, khi ấy Anh đã đuối sức hoặc đã chết trước đó thì tại hiện trường sẽ để lại có thể như cúc áo, một số sợi tơ vải vướng lại, thậm chí mặt đồng hồ bị trầy xước hoặc một số bộ phận trên cơ thể như mặt, tay, chân bị trầy khi có người cố tình đẩy lên, trong tình huống sự việc này đối chứng ở mức 1 – 1 thì càng khó đẩy lên để bật người ra khỏi lan can, nên hiện trường chắc chắn sẽ để lại nhiều dấu vết.

5. Với bản khai của người Vợ thì khả năng tự tử của Anh rất thấp. Và nếu khả năng đó xảy ra thì chí ít Anh cũng phải mang theo đôi dép của Anh trước khi buông mình xuống.

6. Với khả năng, kinh nghiệm và cảm nhận về vụ án ở góc độ chủ quan thì đây là một vụ án mạng chứ không phải là một vụ tự sát.

Tưởng nhớ về Anh người Luật sư tài năng Ts.Ls Bùi Quang Tín.

Luật sư Ngô Việt Bắc

Vụ án luật sư Bùi Quang Tín – Án mạng hay tai nạn? (bài số 2)

Qua bài số 1 (một) Việt Bắc đã chia sẻ thì nhận được nhiều trao đổi từ những người trong ngành, thực sự cảm kích về sự quan tâm của con dân ngành luật với đồng đội của mình. Nay, Việt Bắc mạn phép viết tiếp về góc nhìn thứ hai liên quan đến “điểm tiếp đất” của Luật sư Bùi Quang Tín (xin được phép viết tắt để bớt đau thương).

Qua hai hình ảnh hiện trường mà mình nhận được, một hình ảnh tại điểm lầu 14 và một hình ảnh tại mặt đất (thực sự rất thương xót), mình có một số nhận định tiếp theo như sau.

1. Thành lan can tại lầu 14

Thành có thanh chắn bằng kim loại chiều rộng khoảng 2m, chiều cao ngang ngực của người đàn ông trưởng thành tức khoảng 1,2m, hai đầu gắn chặt vào tường phía dưới, gắn trên nền thành trụ bê tông có chiều cao khoảng 10cm nên tổng cộng từ dưới nền lên đến điểm cao nhất của lan can khoảng 130cm. Thành phía trên bằng kim loại phủ màu sơn trắng bạc kích thước khoảng 5*3 hình chữ nhật, rỗng bên trong, ở giữa có những song chắn ngang dãn cách đều khoảng 10cm được ngăn cách bởi những thanh thép có kích thước 3*2 hình chữ nhật rỗng bên trong, như vậy nếu muốn chui lọt xuống một cách tự nhiên là điều không thể xảy ra dù là với em bé chứ chưa nói đến người trưởng thành. Nên chỉ còn hai khả năng là tự trèo qua buông mình xuống hai là có người nâng lên rồi buông xuống.

Một hình ảnh tại điểm lầu 14
Một hình ảnh tại điểm lầu 14

2. “Điểm tiếp đất”

Để chụp và xem bức ảnh này phải là những người “can đảm”. Luật sư Bùi Quang Tín nằm gần như rất sát vách tường, phần đầu đập xuống trước, hai chân chổng lên trời hai tay dang ngang đầu hình chữ U, có vết máu loang qua đầu khoảng 70 cm, nằm gọn về một bên góc tường phía bên trái, nếu nhìn từ trên lầu 14 xuống, xung quanh và chân không hề thấy dép.

Qua những tình tiết vừa nêu sẽ thấy:

– Khó nhận định được đây là một vụ tự sát, bởi lẽ nếu tự sát (nhảy từ trên cao xuống), thì có hai khả năng. Thứ nhất chân sẽ bị gãy và cơ thể sẽ nằm úp thay vì chân lại chổng cao lên trời theo hình ảnh hiện trường ghi lại. Thứ hai tay chân sẽ sõng xoài và nằm tư thế úp mặt xuống đất. Cả hai khả năng nếu tự sát thì điểm rơi thường sẽ nằm xa hơn chân tường (do lực bật nhảy ở chân) làm cơ thể tại điểm tiếp đất sẽ nằm cách xa hơn so với phần chân tường, nhưng hình ảnh hiện trường ghi nhận Luật sư Bùi Quang Tín nằm rất gần so với chân tường và nằm sát về bên trái.

Một hình ảnh tại mặt đất
Một hình ảnh tại mặt đất

– Khả năng rất cao đây là một vụ án mạng, và có thể Luật sư Bùi Quang Tín đã mất khả năng kháng cự tại điểm lầu 14. Bởi lẽ, như phân tích ở trên điểm tiếp đất rất sát chân tường, do trọng lực chiếu theo phương thẳng đứng (vì không có lực bật nhảy trong trường hợp tự vẫn). Tư thế Luật sư Bùi Quang Tín nằm phần đầu thấp, phần chân cao, tiếp đất trọn phần đầu và vai, phần đầu bị dập và phần vai bị gãy còn phần chân qua hình ảnh gần như không bị tác động. Từ đó có thể hình dung, hung thủ đã vắt người của nạn nhân qua thành lan can của lầu 14 sau đó dùng lực nâng hai chân sau lên và buông xuống thì mới có hiện trường tiếp đất như vậy. Từ đó có thể nhận định đây rất có thể là một vụ án mạng.

– Bên cạnh đó có một số tình tiết như chiếc ghế gãy ở trong phòng, rất có thể chiếc ghế là vật gây án và Luật sư Bùi Quang Tín đã bất tỉnh hoặc đã chết tại thời điểm này, sau đó hung thủ mới kéo nạn nhân ra lan can và thực hiện hành vi như mô tả ở trên nhằm gầy dựng hiện trường giả nhằm làm lạch hướng điều tra.

* Kết luận rằng: khả năng rất cao đây là một vụ án mạng và chúng ta cần chờ đợi kết luận của cơ quan Điều tra.

** Việt Bắc viết ra những điều này vì thương và quý Anh ấy, để cho chúng ta những ai quan tâm có thêm góc nhìn về vụ án. Chứ không phải vì mục đích thi thố hay thể hiện tài năng gì ở đây cả ạ. Chỉ trong đợi cơ quan Điều tra sớm làm rõ vụ án và rộng đường dư luận.

Trân trọng và tưởng nhớ Anh Luật sư Bùi Quang Tín!
Luật sư Ngô Việt Bắc.

Vụ án luật sư Bùi Quang Tín – Án mạng hay tai nạn? (bài số 3)

Xác định điểm rơi.

Cuộc sống vốn có sinh ly tử biệt là điều mà tất cả chúng ta ai rồi cũng phải đối diện nó, song có những sự chia ly, sinh tử ly biệt đến một cách đột ngột, bất ngờ và tàn nhẫn. Nó gây ra bao nỗi mất mát và tiếc thương vô hạn, khiến cho những người thân, những bè bạn, đồng nghiệp, những người yêu quý rất khó chấp nhận đó là sự thật, dù thực tế đúng là sự thật.

Ở hai bài trước Việt Bắc có đề cập đến các khía cạnh của hiện trường vụ án, quý vị quan tâm theo dõi phần nào cũng đã nắm bắt được. Ở bài viết này, tôi sẽ phân tích và trình bày một cách chi tiết và rõ ràng hơn, để xác định vị trí điểm rơi tại tầng số 14 nơi Luật sư Bùi Quang Tín gặp nạn.

Chúng ta sẽ bắt đầu bằng hình ảnh số 1 và số 2;

Hình ảnh hiện trường vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi tầng 14 tử vong 1

Hình ảnh hiện trường vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi tầng 14 tử vong 2

Ở hình ảnh này chúng ta sẽ thấy có một khoảng trống giữa hai dãy nhà, có chức năng thông khí, nếu đi theo lối vào thang máy đứng quan sát thì ba mặt là tường chỉ có chỗ lối vào thang máy là có lan can. Khoảng trống có chiều ngang khoảng 4m, chiều dài khoảng 8m, được chia làm ba phần, phần đầu là máy thông gió chiếm khoảng 1,5m, sau đó được chia đôi làm hai nửa: một nửa có lớp kiếng cường lực, nửa còn lại là lớp gạch nền. Vị trí Luật sư Bùi Quang Tín tiếp đất là nơi tôi đánh số 1. Từ vị trí số 1 đến vị trí số 2 phía tiếp xúc với lan can dài khoảng 5m.
Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục quan sát bức ảnh số 3.

Hình ảnh hiện trường vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi tầng 14 tử vong 3

Khi quan sát bức ảnh số 3 chúng ta sẽ thấy hành lang có chiều rộng khoảng 1,2m, từ thang máy bước ra nhìn chéo một góc khoảng 30 độ sẽ thấy có một lan can, từ lan can nhìn ra sẽ thấy khu vực thông gió chiếu thẳng đứng từ dưới đất lên. Phần lan can bao gồm cả phần chân đế cao khoảng 1,4m. Như vậy một người có chiều cao khoảng 1,6m nếu có ý định tự tử chỉ cần trèo qua khỏi lan can đã là một việc rất khó khăn, và khi trèo qua được thì gần như khó có điểm bám để dùng lực chân nhảy ra xa, khi đó điểm tiếp đất chỉ cách vị trí số 2 khoảng 3m, đó là một khoảng cách rất xa rồi, ngoài ra nếu nhảy xuống tự sát thì tư thế tiếp đất sẽ nằm dài, hoặc người nằm úp nếu chân tiếp đất trước, chứ không thể nằm phần đầu thấp hơn như tôi có đề cập ở bài viết số  2.

Vậy, giả thiết nếu Luật sư Bùi Quang Tín lao ra khỏi nhà để nhảy xuống ở vị trí lan can kế ngoài thang máy thì khó có thể tiếp đất cách vị trí nhảy 5m theo phương nằm ngang vì điều này bất khả thi, nên chúng ta loại bỏ giả thiết này.

Tiếp tục quan sát qua bức ảnh số 4;

Hình ảnh hiện trường vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi tầng 14 tử vong 4

Khi nhìn vào bức hình số 4 từ trên xuống chúng ta sẽ thấy rất rõ, nếu Luật sư Bùi Quang Tín có ý định tự vẫn và nhảy từ điểm ảnh số 3 (phần tô xanh ở bức ảnh này) thì vị trí tiếp đất rất khó nằm ở vị trí điểm 1 (phần tô đỏ ở bức ảnh này), bởi khoảng cách rất xa nhau (tới 5m) và gần như không có điểm tựa để dùng hết lực bật của chân nên điểm tiếp đất nằm ở vị trí 1 gần như không thể như tôi vừa nói ở trên.

Quan sát mặt tường ở vị trí bên trái nhìn từ phía lan can, là một bức tường phẳng nên không có gì bàn thêm ở mảng tường này, chúng ta bỏ qua.

Hình ảnh hiện trường vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi tầng 14 tử vong 5

Hình ảnh hiện trường vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi tầng 14 tử vong 6

Hình ảnh hiện trường vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi tầng 14 tử vong 7

Còn mảng tường quý vị thấy tôi đánh số lần lượt 4, 5, 6 tôi sẽ giải thích tiếp theo như sau;

Vị trí số 4 là lối cửa xuống cầu thang bộ, và con người có thể nhảy xuống từ lối này, tuy nhiên phải chạy ra khỏi nhà, mở cửa và leo xuống khoảng 9 bậc thang sau đó trèo lên mới nhảy được bằng lối này và chiều cao từ điểm giữa chân cầu thang lên tới mép cửa vị trí số 4 cũng khoảng 1,5m nên rất khó khăn để trèo qua, vì gần như không có điểm bám, và nếu Luật sư Bùi Quang Tín có trèo qua và buông xuống thì vị trí điểm tiếp đất sẽ nằm cách khoảng 2m về mép tường phía đối diện tính từ điểm số 2 hình số 1 nhìn ra, chứ không thể nằm như bản ảnh hiện trường được, nên lối này tiếp tục bị loại trừ.

Ở vị trí ký hiệu số 5 đó là phần cửa sổ nhà bếp, cửa này có chức năng thông gió thông khói bếp, hai cánh cửa chỉ mở góc tối đa là 30 độ, tuy nhiên ở giữa hai cánh cửa này lại có một thanh chắn ngang chịu lực bằng thép nên việc tuồn người qua vị trí số 5 khu vực cửa bếp tiếp tục được loại bỏ.

Ở vị trí có ký hiệu số 6, vị trí này các căn hộ dùng để gắn máy lạnh và làm điểm phơi đồ, ở vị trí này thì phần lan can cũng khá cao cả phần chân đế nữa thì chiều cao lan can cũng khoảng 1,3m, chiều rộng của phần lan can này vào khoảng 1,2m và nếu một người rơi từ vị trí số 6 xuống thì điểm tiếp đất sẽ nằm đúng vào vị trí số 1 ở bức ảnh số 1 (tức là phần tô đỏ nhìn từ trên xuống trong bức hình này). Đây cũng là vị trí Luật sư Bùi Quang Tín tiếp đất dù đã mấy ngày nhưng những vết đen của máu vẫn còn thẫm trên lớp đá nền, nên có thể phân biệt được so với những viên gạch nền ở vị trí xung quanh.

Từ những hình ảnh tôi vừa phân tích, nếu Luật sư Bùi Quang Tín rơi từ vị trí số 6 với một góc khoảng 5 độ, lệch hơn góc thẳng đứng một chút xíu thôi thì sẽ rơi theo hình cánh cung, như vậy vị trí rơi đúng vào điểm tiếp đất tại vị trí số 1 là hợp lý.

Từ đó chúng ta sẽ có kết luận rằng:

Điểm xuất phát rơi Luật sư Bùi Quang Tín là phần ban công bên trong căn hộ và nằm ở sau căn hộ được đánh số 6, có một phía tiếp cửa bếp và một phía vị tiếp với vị trí thông gió, chứ khó có thể nào là vị trí ban công bên ngoài căn hộ (chỗ tô màu xanh) được.

Phần còn lại, quý vị tiếp tục phân tích dựa trên tất cả thông tin mà quý vị theo dõi hoặc tiếp cận được.

Bài viết này, tôi chỉ làm rõ và phân tích thêm điểm xuất phát rơi của Luật sư Bùi Quang Tín để chúng ta có thêm góc nhìn về vụ việc đau buồn đến với Luật sư Bùi Quang Tín.

Tôi viết và tiếp cận vụ việc trên tinh thần tình Anh Em đồng nghiệp quý mến nhau như khi Anh ấy còn sống. Không phải vì mục đích câu like hay muốn tìm kiếm sự thương mến như một số quý vị có suy nghĩ. Chúng ta kết bạn vì chúng ta yêu thích và quý mến nhau, còn không thì chúng ta không cần phải kết bạn, thậm chí có thể block cho “bõ ghét”, thay vì tự chủ động đọc những bài viết của nhau để rồi bi ai.

Bài viết này, cũng như hai bài viết trước đây tôi đề cập về vụ việc chỉ mang tính chất tham khảo, bởi tất thảy chỉ cần một chi tiết nhỏ thay đổi thì sẽ cho ra một đáp án hoàn toàn khác và chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi kết quả điều tra.

Tưởng nhớ về Anh Luật sư Bùi Quang Tín – người Anh, người đồng nghiệp tôi quý mến.
Luật sư Ngô Việt Bắc.

Vụ án luật sư Bùi Quang Tín – Án mạng hay tai nạn? (bài số 4)

Tiếng vọng khoảng không!

Con người, cơ thể này là do Cha Mẹ ta ban cho, nếu không có Cha Mẹ thì chắc chắn không có chúng ta. Khi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đến thế giới này với đôi bàn tay trắng, suốt đời cống hiến hi sinh cho đến khi ra đi, rút cuộc cũng chỉ có đôi bàn tay trắng. Vàng ư? Đô la ư? Kim cương? Nhà lầu, xe hơi, chức tước ư? Không! Không có gì còn giá trị hay ý nghĩa khi con tim chúng ta ngừng đập cả, ngoại trừ một thứ là tình yêu ở lại và lúc này đây, tình yêu mọi người dành cho Anh rất nhiều Anh nhé! Và em tin Anh cảm nhận được điều này! Luật sư Bùi Quang Tín Anh đừng buồn nữa nhé! Em sẽ nỗ lực, sẽ cố gắng để tìm ra sự thật để Anh, gia đình Anh và những người yêu mến anh được thanh thản, được nhẹ lòng!

Qua ba bài phân tích lần lượt về vụ việc của Luật sư Bùi Quang Tín chắc hẳn quý vị đã dần nắm được chân tướng của sự việc, nhưng tất cả chúng ta hãy cùng chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra. Bản thân Việt Bắc nhìn nhận và đánh giá, phân tích sự việc trên nền tảng của sự khách quan dưới lăng kính và góc nhìn cá nhân của mình, không quy chụp hay kết tội ai cả.

Hôm nay, Việt Bắc sẽ có một góc nhìn khác, một sự phân tích đánh giá khác để chúng ta cùng mổ xẻ thêm về vụ án này.

Đã mấy ngày nay, Việt Bắc tôi cố gắng khéo léo tìm kiếm và thu thập thêm thông tin về vụ việc nhưng rất khó khăn, bởi tâm lý và nỗi sợ gần như bao trùm cả khu dân cư nơi sự việc xảy ra, nên việc thu thập thông tin lúc này thực sự rất khó.

Giờ thì chúng ta cùng hướng vào bức hình số 1.

Hình ảnh hiện trường vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi tầng 14 tử vong 8

Quý vị sẽ thấy gần như tất cả 4 mặt đều bị che kín bằng bê tông, hai mặt đều là mặt phẳng, phía cuối mặt phẳng bên tay trái (nhìn từ hướng ban công) có một khoảng trống, khi ta đứng nhìn từ hướng ban công sẽ không thấy khoảng trống này hướng vào đâu, chỉ thấy được đường đi của ánh sáng cắt ngang qua về phía cuối bức tường. Khi tôi đi lui đi tới quan sát chung cư này từ các hướng, thì chỉ có khung hình mà quý vị nhìn thấy gần như là vị trí góc chết, ít người nhìn thấy, và những người di chuyển bên ngoài trong phần đường nội bộ của chung cư cũng không thể nhìn vào khu vực này được.

Nếu, Luật sư Bùi Quang Tín có ý định tự tử thì khi mở khoá phòng lao ra ngoài, đã có ngay một ban công nhỏ ngay trước cửa căn hộ (ban công 1) có chiều rộng khoảng 1,2m và chiều cao khoảng 1,4m và chỉ cần nhảy ngay vị trí này vừa nhanh, gọn không phải di chuyển nhiều, nhưng tại sao Luật sư Bùi Quang Tín không nhảy vị trí này? Chạy tới tiếp 12 viên gạch lát nền tính từ mép cửa căn hộ mở ra (mỗi viên có chiều ngang 1,2m * 0,3m tức chiều ngang viên gạch 30cm * 12 viên thì khoảng 3,6m lúc này sẽ có một ban công tiếp theo (ban công 2) có kết cấu tương tự ban công số 1, nếu Luật sư Bùi Quang Tín có ý định tự tử cũng có thể nhảy từ ban công này, nếu tiếp tục chạy thẳng thì sẽ gặp một ban công đối diện ban công số 1 tạm gọi là (ban công số 3) có chiều dài cộng thêm khoảng 3,6m, nếu Luật sư Bùi Quang Tín có ý định tự tử thì cũng có thể nhảy ở ban công này. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra, Luật sư Bùi Quang Tín lại quẹo phải để rồi tới ban công ở giữa chung cư rồi bay xuống. Lúc này quãng đường sẽ dài hơn các vị trí ban công 1,2,3 mà tôi vừa nêu. Còn vị trí đáp, cách điểm xuất phát với khoảng cách 5m (theo phương cắt ngang), dù có cộng thêm chiều dài của cơ thể cũng không thể xa được như vậy, bởi điều này quá sức bật xa của một người bình thường khi không có điểm trụ lực của chân. Tôi phân tích thêm để quý vị thấy nếu Luật sư Bùi Quang Tín có nhảy tự tử thì anh đã lựa chọn ngay điểm nào gần nhất và nhanh nhất có thể, chứ tại sao lại lựa chọn một điểm che khuất hoàn toàn với bên ngoài?, cộng thêm một cú bật xa 5m so với điểm xuất phát từ trên không, điều này là sự phi thường trong cái bất thường, phải không ạ?

Bây giờ chúng ta cùng bước tiếp qua bức hình số 2!

Hình ảnh hiện trường vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi tầng 14 tử vong 9

Tôi xin quay trở lại với đường đi ánh sáng ở cuối bức tường. Khoảng trống này nếu nhìn từ ban công phía trong căn hộ trong bức hình số hai, nhìn một góc khoảng 20 độ sẽ thấy ban công nhà đối diện, tức góc nhìn rất hẹp. Quý vị thử tưởng tượng, với một góc nhìn hẹp chỉ cần xê dịch một chút thôi là phía căn nhà đối diện sẽ không thể nhìn thấy. Điều đặc biệt là tại căn hộ nơi xảy ra sự việc hai cục nóng của máy điều hoà chiếm mất khoảng 30cm khiến cho góc nhìn bị thu hẹp hơn (chỉ cần lùi lại một chút nữa thôi thì phía căn đối diện sẽ không thể nhìn thấy được), đó là lý do tại sao điểm tiếp đất của Luật sư Bùi Quang Tín lại rơi vào trạng thái hơi xéo về bên trái so với ban công bên trong của căn hộ nếu nhìn thẳng đứng từ trên xuống!

Giờ thì tôi xin nói tiếp về những thông tin tôi thu thập được. Tôi đã tìm hiểu và nghe một số cư dân ở hiện trường (tôi đã phải cam đoan không tiết lộ và không nêu tên hay nói thêm bất kỳ thông tin gì về họ) nói rằng: lúc đó khoảng 5 giờ 30 chiều, họ nghe “âm thanh rất lớn, như nhà nào rớt vật dụng gì đó, phải một cái gì đó rất lớn vì âm thanh lớn lắm” và sau khoảng 2 giây sau chú bảo vệ tầng 1 la hét lên “có người rơi ở D2 rồi, có người rơi ở D2 rồi, tiếng la của chú rõ gần”. Như vậy chỉ có âm thanh rất lớn, như nhà nào rớt một vật dụng gì đó rất to, nặng. Một tình tiết rất nhỏ nhưng rất có giá trị, bởi vì chỉ có âm thanh tiếp đất của Luật sư Bùi Quang Tín thôi, hoàn toàn không và không có bất kỳ âm thanh của sự la hét, hay kêu gào gì trong khoảng thời gian ấy.

Quay lại bức hình số 1, quý vị có thấy nó giống một cái giếng ở quê ngày xưa không? Khi hét một tiếng xuống dưới thì âm thanh sẽ vọng ngược lên bởi phản xạ âm thanh trong không gian hẹp. Và nếu Luật sư Bùi Quang Tín trước thời điểm rơi có sự tỉnh táo, sự chống cự thì chắc chắn sẽ có những tiếng la hét, hoặc phát ra âm thanh phản xạ tự nhiên khi gặp nguy hiểm, và khi ấy thì sẽ có nguyên một tổng hợp âm thanh và có thể rất nhiều người sẽ nghe thấy, tuy nhiên gần như không ai nghe thấy điều gì bất thường cho đến khi một âm thanh đơn độc và khô khốc khi cơ thể Luật sư Bùi Quang Tín tiếp đất. Điều này chúng ta sẽ suy luận ra hai khả năng: Luật sư Bùi Quang Tín khi ấy đã bất tỉnh hoặc đã chết. Dù cho khả năng nào thì chung quy lại là Luật sư Bùi Quang Tín khi ấy gần như mất hoàn toàn khả năng điều khiển hành vi. Còn vì sao, tại sao thì cái này chúng ta phải chờ đợt kết quả của cơ quan điều tra.

Qua hai bức hình tôi vừa phân tích, hy vọng chúng ta có thêm một góc nhìn, một sự tiếp cận khác về vụ việc. Và tất cả, chúng ta phải tuyệt đối bình tĩnh, phải bình tĩnh thực sự để chờ đợi kết quả của cơ quan điều tra.

Tôi cũng xin nhấn mạnh lại rằng, mọi lời nói, phân tích này của tôi chỉ mang tính chất tham khảo và giả định, không quy chụp hay kết tội bất kỳ ai, mọi sự phân tích đều dựa trên quy luật của sự logic.

Trân trọng và tưởng nhớ Anh Luật sư Bùi Quang Tín!
Luật sư Ngô Việt Bắc.

Vụ án luật sư Bùi Quang Tín – Án mạng hay tai nạn? (bài số 5)

Luật sư T có tự tử ngoài ban công lớn hay không?

Đêm qua lại thêm một đêm nữa trong giấc ngủ tôi cứ nói ú ớ vào khoảng không. Chỉ nhớ hình ảnh có một bàn tay năm ngón tím tái chìa vào chạm lấy bàn tay của tôi. Giấc mơ không rõ muốn chuyển tải điều gì?

Sáng nay, vừa thấy Luật sư Quynh đăng tải là đã tìm thấy cặp mắt kiếng của Luật sư Bùi Quang Tín ở bên trong căn hộ, đây thực sự là một manh mối quan trọng củng cố cho hướng phân tích các bài phân tích của tôi vừa qua.

Qua một số bình luận và quan sát Việt Bắc có thấy một số bình luận đưa ra công thức toán, lý và hình học, đồng thời có người khẳng định Luật sư Bùi Quang Tín rơi ở ban công bên ngoài là có đủ cơ sở. Vì vậy, nay Việt Bắc sẽ phân tích thêm để chúng ta nhìn nhận là có cơ sở hay không nhé!

Luật sư T có tự tử ngoài ban công lớn hay không?

Quý vị hãy quan sát hình minh họa số 1.

Hình minh họa số 1
Hình minh họa số 1

Vì phần đầu điểm tiếp đất Luật sư Bùi Quang Tín nằm sát về bên trái của ban công nên người minh họa xin phép quay phần đầu vào sát mép ban công bên trái. Vì ban công cao khoảng 1,3m nên không thể nào phi thân qua được, mà buộc phải trèo qua, và khi trèo qua thì tư thế trèo sẽ giống hình minh hoạ số 1. Khi ấy, góc rơi gần như phương thẳng đứng và tại điểm tiếp đất cơ thể sẽ nằm song song với thành ban công. Nếu có xoay vòng thì điểm rơi cũng không thể nào nằm ở vị trí của Luật sư Bùi Quang Tín như phân tích ở bài 2, bởi vị trí tiếp đất của Luật sư Bùi Quang Tín có khoảng cách tới 5m so với điểm xuất phát khi quy về cùng một mặt phẳng, mà khi trèo qua thành ban công thì phương rơi gần như thẳng đứng. Bởi chỉ cần trèo qua khỏi thành ban công thì không còn điểm bám nên vì vậy gần như sẽ rơi ngay lập tức khi vừa trườn qua khỏi.
Như vậy, đối chiếu lại với điểm tiếp đất của Luật sư Bùi Quang Tín so với điểm xuất phát như hình minh họa 1 ở bài viết này chúng ta gần như chắc chắn loại trừ yếu tố Luật sư Bùi Quang Tín tự tử.

Nếu Luật sư Bùi Quang Tín không tự tử mà rơi xuống từ ban công lớn bên ngoài căn hộ thì điều gì xảy ra?

Quý vị cùng xem, hình minh họa số 2.

Hình minh họa số 2
Hình minh họa số 2

Giả định rằng, lúc này Luật sư Bùi Quang Tín đã bất tỉnh hoặc cơ thể đã đuối sức hoàn toàn, hoặc thậm chí là đã chết, không kiểm soát được hành vi, cơ thể gần như rệu rã. Lúc này kẻ ác thủ sẽ vác, bê, hoặc lôi kéo ra khỏi căn hộ (cũng không loại trừ Luật sư Bùi Quang Tín vừa ra khỏi căn hộ thì có người phục sẵn và đánh một đòn chí mạng, và sau đó mới bắt tay hành động). Vậy lúc này kẻ thủ ác chỉ cần cài hai tay lên thành ban công sau đó dùng lực nhấc phần hông lên hoặc dùng tay kéo cao phần chân thì khi ấy cơ thể sẽ rơi xuống.
Tới đây chúng ta tiếp tục chia làm hai giả định:

Giả định thứ nhất: phần hông được nâng lên.

Khi phần hông được nâng lên, thì phần đầu sẽ hướng xuống trước và tại điểm tiếp đất phần đầu sẽ có xu hướng quay ngược vào bên trong, và phần chân sẽ hướng ra ngoài tuy nhiên phần đầu và vai sẽ là điểm tiếp đất trước, y như tư thế tiếp đất của Luật sư Bùi Quang Tín mà tôi đã đề cập ở bài 2.

Lúc này, quý vị xem lại hình ảnh hiện trường đề cập tại bài 2 quý vị sẽ thấy rằng phần chân của Luật sư Bùi Quang Tín cao hơn đầu vì bị cản trở bởi bức tường, bởi bức tường làm cho lực xoay tròn bị chắn lại.
Tôi sẽ phân tích thêm chỗ này một chút: quý vị thấy rằng nếu nâng lên bằng hông, thì rất khó, bởi chiều cao ban công ngoài khoảng 1,3-1,4m, cơ thể người ở trạng thái rệu rã, buông lỏng hoàn toàn sẽ rất nặng (Luật sư Bùi Quang Tín nặng khoảng 60-65kg). Vậy nếu một người có sức nặng tương đương nâng phần hông lên khỏi lan can cao 1,3m để vứt xuống là điều rất khó thực hiện được, vì vậy cần phải có thêm người, bởi nếu chỉ hành động 1 người thì sẽ để lại dấu vết tại các phần ngực, bụng khi tiếp xúc và cọ xát vào thành lan can từ đó để lại dấu vết, tránh trường hợp để lại dấu vết thì mới phải cần tới hai người, nếu chỉ một người hành động thì rất có thể phần trên của cơ thể sẽ bị sàng qua sàng lại mà rơi ngược trở lại vào bên trong hành lang, vậy nếu phần hông được đưa lên cao thì phải có tới hai người như tôi vừa phân tích, vậy sẽ có yếu tố đồng phạm xuất hiện ở đây.

Lúc này quý vị có thể quay về xem lại bài số 4, sẽ thấy là; ban công phía sau và bên trong căn hộ có chiều ngang rất hẹp, lại vướng cục nóng máy lạnh bên phải (chiếm khoảng 30cm) mà để có điểm tiếp đất đúng của Luật sư Bùi Quang Tín ở bài số 2 thì điểm xuất phát sẽ trong trạng thái như hình minh họa số 2 ở bài viết này, vậy thì phải cần tới ít nhất 2 người mới nâng phần hông của Luật sư Bùi Quang Tín lên được.

Giả định thứ hai: Trong trường hợp phần chân được nâng lên khỏi thành ban công thì khi tiếp đất cơ thể sẽ nằm ngang song song với ban công như phân tích giả định trường hợp Luật sư Bùi Quang Tín tự tử ở trên. Ngoài ra phần chân có thể sẽ va vào mép của mái kiếng cường lực ở tầng trệt. Cho dù là cơ thể được nâng lên hay hai chân được nâng lên thì không phải tự Luật sư Bùi Quang Tín nâng lên mà phải có người nâng lên. Trường hợp kẻ thủ ác nâng phần chân sau lên, thì phải cần tới hai người, cần một người ghìm phần thân trên lại để tránh rơi bật trở lại vào ban công và người còn lại sẽ nhấc phần chân lên dọc theo chiều dài ban công. Tới đây chúng ta quay lại một chút nữa ở bài số 4 thì sẽ thấy phần ban công bên trong phía sau căn hộ rất hẹp, nhưng chiều cao thì tương ứng với ban công ở bên ngoài, cạnh đó lại vướng cục nóng máy lạnh và lại phải né tránh góc nhìn xéo từ ban công của căn hộ đối diện, với lại nếu nâng phần chân lên có thể sẽ vướng cục nóng của máy lạnh.

Từ những giả định trên chúng ta sẽ có kết quả:

Luật sư Bùi Quang Tín không tự tử bằng ban công bên ngoài căn hộ chỗ lối đi chung gần cửa thang máy.

Còn nếu giả sử Luật sư Bùi Quang Tín bị bất tỉnh, hoặc đã chết sau đó mới bị vứt xuống ở ban công phía sau bên trong căn hộ, như vậy vừa kín đáo vừa che khuất tầm nhìn xung quanh lại không phải lôi, kéo, khiêng, hay bê ra ngoài hành lang chung tránh bị người khác nhìn thấy, rõ ràng vị trí này là điểm lý tưởng để ra tay hành động: nếu chỉ có một người hành động thì sẽ để lại vết trầy xước phần trên phía trước của cơ thể Luật sư Bùi Quang Tín (tức phần ngực và bụng sẽ để lại vết trầy xước). Trong trường hợp nếu không để lại vết trầy xước thì có thể xác định đây không phải là vụ tự tử, và như vậy thì cần phải có ít nhất hai người ra tay hành động.

Cảm ơn tất cả quý vị đã theo dõi các loạt bài phân tích của mình về vụ việc của Luật sư Bùi Quang Tín. Cũng như các bài trước, tất cả đều là giả thiết, và chỉ mang tính chất tham khảo, không quy chụp, hay quy kết cho ai là người có bàn tay đen.

Tưởng nhớ về anh Luật sư Bùi Quang Tín!
Luật sư Ngô Việt Bắc.

Các tìm kiếm liên quan đến Tiểu sử bùi quang tín

  • Tiểu sử Bùi Quang Tín

  • Tieu su Bui Quang Tin

  • Bùi Quang Tín là ai

  • Bùi quang tín sinh năm

  • Tiểu sử tiến sĩ Bùi Quang Tín

  • Bùi Quang Tín

  • Tiến sĩ bùi quang tín quê ở đâu

  • Bùi quang tín quê ở đâu

  • Lý lịch Bùi Quang Tín

  • Tiểu sử ông Bùi Quang Tín

  • Tiến sĩ Bùi Quang Tín wikipedia

  • Bùi Quang Tín tin mới nhất

5/5 - (9615 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.

Phản hồi

  1. Hầu như ai cũng ngạc nhiên khi ông Trung nói đã uống rượu bia nhiều đưa đến trạng thái say xỉn , tiễn LS Tín về rồi ông vô nằm nghỉ ( chắc chắn có đóng cửa ? từ cửa đến balcon còn 1 khoảng cách ) sao lại nghe được tiếng va đập ( thân người ) ở tầng trệt . Ông Trung bảo nghe được chạy ra xem vì say ko thấy được bên dưới sao lại đoán rằng TS Tín rơi ? Sao không hỏi người chung quanh có gì đang xảy ra ở dưới hay chạy xuống xem biết rõ rồi mới phone ông Dũng ? Có phù hợp với phản xạ và cách cư xử bình thường không nhỉ ?

  2. Phân tích án (dành cho những người mê vụ án hình sự)

    Vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín “rơi từ tầng cao” xuống đất.

    Phân tích án dựa trên “Đơn đề nghị khởi tố vụ án” của Vợ tiến sĩ Bùi Quang Tín, đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM khởi tố vụ án hình sự có liên quan đến việc chồng bà, ông Tín bị rơi từ tầng cao chết tại một Chung cư ở Nhà Bè.

    Vụ việc ông Tín rơi từ tầng cao chết tại một chung cư ở Nhà Bè, mình xin không luận bàn về nội dung, vì chúng ta không ai biết được nội dung cụ thể, đúng, sai như thế nào. Mình chỉ luận bàn trên cơ sở lá đơn của người vợ, nhằm mang đến cho các bạn “một ít kiến thức cơ bản” về vụ án (nếu có) và cách suy luận, lập luận của người làm nghề Luật sư tố tụng, cũng như những nội dung cơ bản mà Cơ quan điều tra sẽ điều tra, “đối phương” của Vợ ông Tín sẽ phản biện.

    Trước khi đọc tiếp bài phân tích của mình, các bạn nên đọc “Đơn đề nghị khởi tố vụ án” dài 5 trang này.

    Phải thừa nhận rằng đây là một lá đơn viết với văn phong rất hay, vợ của ông Tín chắc có thể đã tham khảo trước với luật sư khi viết đơn này. Đọc lá đơn này chúng ta sẽ thấy có những tình tiết hấp dẫn, li kỳ, có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của người này người kia và có cả hình ảnh của hiện trường, của người chết…

    Nhưng thử phân tích một số điểm trong lá đơn xem sao nhé:

    Về sức ép trong công việc nơi ông Tín công tác: Theo lời vợ ông Tín thì ông có nhiều sức ép trong công việc nơi ông công tác.

    Trong khi điều tra hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra (mà cụ thể là Điều tra viên) họ sẽ điều tra như thế này:

    – Khi ông Tín tâm sự với vợ có ai biết không, nội dung nói chuyện tâm sự là gì?
    – Ông Tín ngoài tâm sự với vợ còn có tâm sự với ai khác không?
    – Sức ép trong công việc là sức em gì?
    – Ai là người gây sức ép cho ông Tín?
    – Người hoặc nhóm người gây sức ép ấy có đến mức phải dẫn đến một vụ án mạng hay không? (mấu chốt vấn đề nằm tại điểm này).

    Có một tình tiết rất hay trong lá đơn này, mọi người đọc và bán tán rất nhiều đó là “đôi dép và 2 chiếc điện thoại”. Cụ thể khi đọc xong lá đơn ai cũng cho rằng lời khai của ông Trung là mâu thuẫn với dấu vết của hiện trường. Theo như lá đơn viết, ông Trung khai ông Tín đi về, nhưng sao sau khi ông Tín về và rơi từ tầng cao xuống đất chết thì trong nhà ông Dũng vẫn còn 2 chiếc điện thoại và đôi dép của ông Tín, nghĩa là ông Tín về nhưng không cầm theo điện thoại, không mang dép.

    Vậy để giải quyết nghi vấn “2 chiếc điện thoại và đôi dép”, Cơ quan cảnh sát điều tra (mà cụ thể là Điều tra viên) họ sẽ điều tra như thế này:

    – Trước khi chuẩn bị ra về, ông Tín nói với ông Trung những gì?
    – Khi ông Tín bước ra khỏi cửa thì ai là người đóng cửa lại? (Câu này rất quan trọng, vì nếu ông Trung cùng đi theo để đóng của thì ông Trung có thể thấy được “hành trình đi từ điểm A đến điểm B của ông Tín như thế nào, còn nếu ông Tín tự đi, tự kéo cửa thì sau khi ông Tín bước ra khỏi cửa, ông Trung sẽ không thấy được hành trình di chuyển của ông Tín).
    – Ông Trung có thấy ông Tín mang dép, cầm điện thoại gì trước khi ra về hay không? (đây chỉ là câu hỏi phụ thôi, vì khi bạn bè đến chơi, chẳng ai để ý bạn bè mang theo mấy cái điện thoại và đôi dép loại gì).
    – Còn việc ông Tín để quên đôi dép và 2 chiếc điện thoại/hay không để quên… thì cần phải phân tích nhiều yếu tố nữa (hôm nào mình phân tích tiếp cho các bạn tham khảo).

    Ngoài ra, trong lá đơn còn đề cập đến lan can cao bao nhiêu mét, ông Tín cao bao nhiêu mét, tư thế của xác chết như thế nào… đọc đơn giản chỉ thấy hay và thú vị, chỉ vậy thôi.

    Có một cái dở (theo quan điểm của cá nhân mình) đó là “Đơn đề nghị khởi tố vụ án” viết rất chi tiết, cụ thể, phân tích nhiều điều, chỉ ra nhiều mâu thuẫn… nhưng lại show hết lên mạng xã hội. Ai cũng có thể đọc được, ai cũng có thể biết được… và nếu ví dụ đây là một vụ án thì “đối phương” đủ thời gian để nghiên cứu và “thông cung”.

    Một vụ án ngoài đời thực và một cuốn tiểu thuyết trinh thám hoàn toàn khác nhau, người làm phim trinh thám rất hay, rất hấp dẫn nhưng chắc chắn không bao giờ làm được Điều tra viên, Luật sư chuyên về tố tụng.

    Trong một vụ việc/vụ án phức tạp, cái đầu của người làm tố tụng phải lạnh lùng nhưng phải có một trái tim nóng bỏng, nhiệt huyết và phải cực kỳ thông minh trong xử lý tình huống, tuyệt đối không bao giờ để cho đối phương biết được mình đang suy nghĩ gì và mình sẽ làm gì, đừng show hết ruột gan ra cho người ta thấy.

    Vẫn mong sao Cơ quan điều tra tìm ra mấu chốt của vụ việc này, nhưng…

  3. Tôi tin đây là vụ án mạng, anh Tín bị đầu độc rùi vất xuống, mong cơ quan CA sớm tìm ra kỷ giết người để anh Tín đuoc an nghi.

    • Bài viết khá hay nhưng còn một số thông tin còn bỏ sót.
      1. Có test ông xem nạn nhân có uống rượu bia không? Có dùng chất kích thích gây ảo giác không?
      2. Từ vị trí ban công thang máy nạn nhân vẫn có thể bật nhảy va rơi xuống như hiện trường. (trèo qua lan cang, mặt xoay vào trong, chân đặt trên thành bê tông, nhảy bật ngửa người, chân có điểm tựa, tay buông trước. Hãy xem các vận động viên nhảy cầu, khi rơi sẽ có tư thế tiếp đất như ông Tín)
      3. Nều là tự tử thì chắc chắn có người gây sức ép. Và người đó phải có mặt trong buổi ăn nhậu đó. (bằng chứng là trong bao tử ông Tín ko có thức ăn, đây ko phải buổi ăn nhậu bình thường)

  4. Theo tôi, nếu ông Tín bị ném trên lầu xuống trong tình trạng bất động thì hung thủ chỉ cần 1 người bế vác ông Tín , đầu ông Tín trên vai mặt quay về phía sau lưng hung thủ. Khi bế vác ra lan can thì hung thủ cúi đầu để phần vai, cổ ông Tín trên thành lan can, sau đó cúi xuống cầm chân ông Tín nâng lên. Như vậy khi rời xuống đất, đầu và vai ông Tín tiếp đất, mặt ngửa hướng về phía tường dưới lan can, đầu hướng ra ngoài, chân dựa vào tường., như vậy mới phù hợp với hình ảnh hiện trường ở phần ” điểm tiếp đất” luật sư đăng ở trên.

  5. Toàn bộ xung quanh khu vực bị rơi từ giếng trời có được xem xét kỹ lưởng k. Vì trong quá trình rơi tự do có hoặc k sự va đập ở các vị trí khác nhau từ chiều cao tầng 14 đến khi tiếp đất.
    Cảm ơn loạt bài phân tích của Ls Bắc