Phân tích những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm?

Tội phạm

Phân tích những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm? © Đây là nội dung con số 2 nằm trong mục Mặt khách quan của tội phạm

 

I. KHÁI NIỆM VÀ Ý NGHĨA CỦA MẶT KHÁCH QUAN CỦA TỘI PHẠM?

>>> Xem thêm: Khái niệm và ý nghĩa của mặt khách quan của tội phạm?

 

II. CÁC DẤU HIỆU THUỘC MẶT KHÁCH QUAN CỦA TỘI PHẠM

1. Hành vi khách quan của tội phạm

a. Khái niệm

Các nhà lý luận Luật hình sự trước kia quan niệm mặt khách quan là yếu tố vật chất của tội phạm. Vì thế, họ đồng nhất hành vi khách quan là mặt khách quan của tội phạm. Theo họ, yếu tố vật chất của tội phạm là một hành vi tích cực hay tiêu cực nhưng không cần thiết là hành vi ấy phải gây hậu quả.

Lý luận Luật hình sự Việt nam hiện hành xem hành vi khách quan của tội phạm là sự  thống nhất giữa các yếu tố khách quan và chủ quan (nghĩa rộng) hay là những biểu hiện của con người ra thế giới khách quan qua những hình thức cụ thể nhằm đạt những mục đích đã định trước (nghĩa hẹp).

Hành vi khách quan của tội phạm là yếu tố quan trọng nhất của mặt khách quan của tội phạm, không có hành vi thì tất cả những yếu tố khác như hậu quả, phương tiện, công cụ, phương pháp phạm tội…không có ý nghĩa gì cả. Ngoài ra, những biểu hiện của mặt chủ quan như lỗi, mục đích, động cơ phạm tội cũng luôn gắn liền với hành vi khách quan cụ thể. Những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan về thực tế nó được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển. Chính vì thế, chỉ khi có hành vi nguy hiểm được thực hiện thì vấn đề lỗi mới được đặt ra. Tuy nhiên, một hành vi có thể có lỗi hoặc không có lỗi. Biểu hiện ra bên ngoài của con người sẽ không được xem là hành vi khách quan (với tư cách là một biểu hiện của mặt khách quan) nếu nó không được ý thức kiểm soát hoặc không phải là hoạt động ý chí. Ví dụ, phản xạ không điều kiện, phản ứng trong tình trạng xúc động quá mạnh, những biểu hiện trong tình trạng bộ não mất khả năng nhận thức, điều khiển…

Trường hợp biểu hiện gây thiệt hại do bị cưỡng bức là một biểu hiện không phải là hành vi khách quan. Dù rằng về mặt thực tế, biểu hiện của con người đã dẫn đến gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ nhưng đó không phải là hành vi phạm tội vì nó không phải là kết quả của hoạt động ý chí của chính họ mà là kết quả của sự tác động bên ngoài. Chẳng hạn, hành vi không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (trong quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự), dù có đủ mọi điều kiện nhưng bị giữ chặt bởi một người khác không thể thoát ra, hoặc bị một người dùng sức mạnh nắm tay “điểm chỉ” vào một tờ đơn tố cáo sai sự thật (trong quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự). Hai hành vi nói trên đều không phải là hành vi khách quan của tội phạm theo quy định của Luật hình sự hiện hành.

Hành vi khách quan của tội phạm có 3 đặc điểm sau:

– Hành vi khách quan của tội phạm phải có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Đây là đặc điểm cơ bản của dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm. Nó giúp phân biệt giữa hành vi phạm tội với các hành vi khác. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi khách quan thể hiện ở chỗ hành vi gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phụ thuộc vào tính chất của quan hệ xã hội mà hành vi đó xâm hại (đã nghiên cứu nội dung này ở bài Tội phạm).

– Hành vi khách quan của tội phạm là hoạt động có ý thức và ý chí. Hành vi được thực hiện chỉ được coi là hành vi khách quan của tội phạm khi nó được biểu hiện trong sự  thống nhất với ý thức và ý chí. Không có sự kiểm soát của ý thức và ý chí thì hành vi không được coi là hành vi khách quan của tội phạm.

– Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi trái pháp luật hình sự. Hành vi khách quan của bất cứ tội phạm nào cũng đều được quy định trong Luật hình sự. Do vậy, đã gọi là hành vi phạm tội thì bắt buộc hành vi đó phải trái pháp luật hình sự, nghĩa là hành vi đó được Luật hình sự quy định.

Tóm lại, mặt khách quan của tội phạm có thể được hiểu là tất cả những xử sự của con người được biểu hiện ra thế giới khách quan dưới những hình thức nhất định, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ.

b. Các dạng biểu hiện của hành vi khách quan

Hành vi khách quan có thể được biểu hiện thông qua hành động hoặc không hành động.

Hành động phạm tội là hình thức của hành vi phạm tội làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động gây thiệt hại cho khách thể của nó bằng cách thực hiện một việc mà pháp luật hình sự cấm. Ví dụ, giết người bằng cách bóp cổ, dùng súng bắn, dao đâm…, trộm xe đạp bằng cách dùng tay bẻ khoá, dẫn đi…

+ Hành động phạm tội có thể chỉ là một hành vi đơn giản diễn ra trong một thời gian ngắn. Ví dụ, dùng tay đấm một đấm gây thương tích, lái xe giật dây chuyền vàng trên cổ người khác…

+ Hành động phạm tội có thể tổng hợp nhiều hành vi khác nhau, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Chẳng hạn, hành vi phạm tội tham ô được tiến hành bằng cách thủ quỹ mỗi ngày lấy trong ngân quỹ một số tiền nhất định, sau nhiều năm mới bị phát hiện.

+ Hành động phạm tội có thể dùng trực tiếp bằng các bộ phận của cơ thể người phạm tội. Ví dụ, dùng vũ lực bằng tay hoặc thực hiện hành vi giao cấu bằng dương vật.

+ Hành động phạm tội cũng có thể thông qua các phương tiện, công cụ. Chẳng hạn, dùng chất nổ để phá huỷ công trình, phương tiện thông tin liên lạc.

+ Hành động phạm tội có thể thông qua việc làm bằng tay chân… hoặc cũng có thể thực hiện thông qua lời nói. Ví dụ, tố cáo sai sự thật, tuyên truyền chống phá cách mạng bằng lời nói.

– Không hành động phạm tội là hình thức của hành vi phạm tội làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho khách thể của nó bằng việc chủ thể không thực hiện một việc mà pháp luật yêu cầu hoặc làm không đến mức yêu cầu dù có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện.

Tính trái pháp luật hình sự trong không hành động phạm tội thể hiện ở chỗ chủ thể đã không thực hiện những nghĩa vụ pháp lý (dù có đủ khả năng và điều kiện thực hiện). Các nghĩa vụ pháp lý đó phát sinh từ một số căn cứ sau:

+ Do luật định. Luật quy định trong những trường hợp cụ thể đó, chủ thể phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định cần thiết đối với xã hội. Ví dụ, nghĩa vụ phải cứu giúp người trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102 ), nghĩa vụ tố giác tội phạm (Điều 314)…

+ Do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ, hành vi không chấp hành bản án của Toà án (Điều 304), hành vi không thi hành nghĩa vụ quân sự (Điều 259)…

+ Do nghề nghiệp. Đây là nghĩa vụ của chủ thể phát sinh khi làm một nghề nhất định. Chẳng hạn, bác sĩ có nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho bệnh nhân, nhân viên bảo vệ phải bảo vệ tài sản của cơ quan…

+ Do hợp đồng. Ví dụ, hợp đồng giữ tài sản làm phát sinh nghĩa vụ phải trông giữ tài sản

+ Do xử sự trước đó của chủ thể. Ví dụ, hành vi gây ra tai nạn giao thông buộc chủ thể phải có trách nhiệm cấp cứu người bị thương (Điều 202).

Tất cả các nghĩa vụ phát sinh đều dựa trên cơ sở quy định của pháp luật (có thể quy định trong luật hoặc các văn bản dưới luật quy định về nghề nghiệp cụ thể). Pháp luật không quy định thì không hành động không thể xem là hành vi phạm tội. Do đó, hai điều kiện cần và đủ buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không hành động phạm tội là:

+ Người đó phải có nghĩa vụ hành động (theo quy định của pháp luật);

+ Người đó có đủ khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ này.

Trong tất cả các tội phạm, có tội phạm chỉ thực hiện được bằng hành động phạm tội. Ví dụ, tội cố ý gây thương tích (Điều l04), tội hiếp dâm (Điều 111)…Có tội phạm chỉ thực hiện bằng không hành động phạm tội. Chẳng hạn, tội cố ý không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều l02), tội không tố giác tội phạm (Điều 314). Cũng có tội phạm vừa thực hiện được bằng không hành động và cả hành động. Ví dụ, tội huỷ hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143) (không hành động là trường hợp người có trách nhiệm bảo vệ tài sản nhưng đã không ngăn cản tài sản đang bị huỷ hoại khi có khả năng, điều kiện làm điều đó).

c. Các dạng cấu trúc đặc biệt của hành vi khách quan

Tội ghép được tạo thành bởi nhiều hành vi khách quan, mỗi hành vi xâm hại đến một khách thể nhất định nhưng chúng lại hợp thành một tội phạm. Ví dụ, tội cướp tài sản bao gồm hành vi tấn công vào người quan lý tài sản (quan hệ nhân thân) và hành vi chiếm đoạt tài sản (quan hệ sở hữu). Dù hành vi gây phương hại đến nhiều khách thể trực tiếp nhưng ta chỉ xem xét về một tội phạm.

– Tội kéo dài là tội phạm mà hành vi khách quan có khả năng diễn ra không gián đoạn trong một thời gian dài. Ví dụ, tội tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép (Điều 230). Tội kéo dài chỉ bị coi là một tội, có xem xét trên tổng số thời gian phạm tội.

– Tội liên tục là tội phạm có hành vi khách quan gồm nhiều hành vi cùng loại xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian, cùng xâm hại đến một khách thể và đều bị chi phối bởi một ý định phạm tội cụ thể thống nhất. Ví dụ, thủ quỹ lấy tiền của cơ quan 2 triệu mỗi tháng, kéo dài trong ba năm (cấu thành tội tham ô tài sản, Điều 278). Trong trường hợp này, tội liên tục cũng có thể bị coi là phạm tội nhiều lần. Một trường hợp khác, các hành vi phạm pháp mỗi lần chưa cấu thành một tội phạm độc lập, nhưng nhiều lần, dựa trên tổng số thiệt hại thì cấu thành tội phạm. Ví dụ, một tên trộm mỗi lần trộm một con chó trị giá 400 ngàn đồng, nhưng trong ba ngày trộm được 3 con chó (tổng trị giá là 1,2 triệu đồng). Tội phạm liên tục cũng chỉ xem xét xử một tội nhưng có cân nhắc trên tổng số tài sản thiệt hại để xác định khung hình phạt và lượng hình.

2. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

a. Khái niệm

Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho các quan hệ xã hội – khách thể của tội phạm.

Thiệt hại gây ra đối với khách thể của tội phạm thể hiện qua sự làm biến đổi tình trạng bình thường của các bộ phận cấu thành quan hệ xã hội là khách thể của Luật hình sự. Chẳng hạn, người chết, bị thương tật, tài sản phạm tội trị giá bao nhiêu…Bất cứ một tội phạm nào cũng đều có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động. Trong cấu thành tội phạm, không phải lúc nào dấu hiệu hậu quả cũng được phản ánh. Chỉ có các cấu thành tội phạm vật chất thì dấu hiệu hậu quả mới được thể hiện trong cấu thành tội phạm cơ bản. Khi đó, dấu hiệu hậu quả được thể hiện thông qua sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động. Xác định hậu quả của tội phạm được thực hiện thông qua việc xác định, đánh giá các đặc điểm của đối tượng tác động hoặc sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động. Chúng ta không được đồng nhất giữa khái niệm hậu quả và sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động.

b. Các loại hậu quả của tội phạm

– Hậu quả vật chất là những thiệt hại mà con người trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện kỹ thuật có thể xác định được một cách chính xác mức độ của nó. Thiệt hại loại này có thể là thiệt hại về vật chất hoặc thể chất.

+ Thiệt hại về vật chất thường được thể hiện thông qua sự biến đổi tình trạng bình thường của các đối tượng vật chất là khách thể của quan hệ xã hội. Ví dụ, tài sản bị phá huỷ, bị chiếm giữ, bị sử dụng trái phép…

+ Thiệt hại về thể chất biểu hiện qua sự biến đổi tình trạng bình thường của thực thể
tự nhiên con người. Nó có thể là tính mạng, sức khoẻ…

– Hậu quả phi vật chất là những thiệt hại không thể tính toán một cách chính xác bằng các phương tiện đo lường. Sự thiệt hại này chỉ được đánh giá thông qua hoạt động tư duy của con người. Thiệt hại loại này có thể kể đến như danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người, chính trị, xã hội, đạo đức…

Ngoài ra, tình trạng nguy hiểm cho xã hội cũng được một số nhà lý luận Luật hình sự xem là một dạng hậu quả của tội phạm. Theo chúng tôi, điều này cũng có cơ sở. Tình trạng nguy hiểm này không phải tự nhiên có mà phải là kết quả của một sự tác động nào đó với vai trò là nguyên nhân trong mối quan hệ nhân quả. Tình trạng nguy hiểm ở đây được hiểu là khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm gây ra. Nếu khả năng nguy hiểm đó không được ngăn chặn tất yếu nó sẽ dẫn đến hậu quả trên thực tế. Trong Bộ luật hình sự hiện hành của nước ta vẫn có một số tội phạm quy định dấu hiệu hậu quả loại này. Ví dụ, khoản 4 Điều 202, khoản 4, Điều 203, khoản 4, Điều 208…Bộ luật hình sự.

c. Ý nghĩa của việc nghiên cứu hậu quả của tội phạm:

Về mặt lý luận, dấu hiệu hậu quả của tội phạm có vai trò trong việc xây dựng cấu thành tội phạm trong phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Trên thực tế, các trường hợp phạm tội của cùng một loại tội rất khác nhau, phần lớn phụ thuộc vào hậu quả của tội phạm xảy ra ở mức độ nào. Vì vậy, hậu quả của tội phạm trong nhiều trường hợp được phản ánh trong cấu thành tội phạm, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, hậu quả có thể thuộc cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng, cấu thành tội phạm giảm nhẹ. Bên cạnh đó, hậu quả của tội phạm còn là cơ sở để đánh giá tính nguy hiểm về mặt chính trị – xã hội của tội phạm. Từ cơ sở đó, nó trở thành căn cứ để thực hiện nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở hậu quả của tội phạm, nhà làm luật xây dựng các cấu thành tội phạm (cơ bản, tăng nặng, giảm nhẹ) tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Về mặt thực tiễn, hậu quả của tội phạm có ý nghĩa trước hết là cơ sở rất quan trọng để xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa đối với tội phạm có cấu thành vật chất. Bởi vì, các tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, luật đòi hỏi phải có dấu hiệu hậu quả xảy ra. Ví dụ, tội phạm quy định tại Điều 104 yêu cầu mức độ thương tích phải đạt từ 11% trở lên (trừ những trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1), tội phạm Điều 202 yêu cầu phải có dấu hiệu hậu quả thì hành vi mới bị xem là tội phạm…Trong nhiều trường hợp, dấu hiệu hậu quả đóng vai trò là tình tiết định khung hình phạt. Ví dụ, tội phạm Điều 216 trong trường hợp gây “hậu quả nghiêm trọng” thì chuyển sang khoản 2, tội phạm Điều 230 ở khoản 2 cũng có tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”… Nhiều trường hợp khác, hậu quả có ý nghĩa quan trọng để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, là cơ sở để quyết định hình phạt.

3. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc phải có để cấu thành tội phạm (đối với tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất) mặc dù dấu hiệu này không được thể hiện trong cấu thành tội phạm. Về nguyên tắc, một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình nếu giữa hành vi đó và hậu quả của tội phạm có mối quan hệ nhân quả. Chính vì vậy, khi xác định tội phạm ngoài việc xác định hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi khách quan, chúng ta còn phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa chúng. Để xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chúng ta cần dựa vào các cơ sở có tính nguyên tắc sau:
– Hành vi được coi là nguyên nhân phải là hành vi trái pháp luật hình sự và xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian. Nguyên nhân phải xảy ra và vận động kết hợp với nhữngđiều kiện nhất định cần thiết mới có thể dẫn đến phát sinh hậu quả. Vì vậy, giữa nguyên nhân và hậu quả bao giờ cũng có một khoản thời gian nhất định mà nguyên nhân là cái diễn ra trước. Chẳng hạn, A bị phát hiện là treo cổ chết. Tuy nhiên, qua khám nghiệm tử thi không cho thấy các dấu hiệu của chết treo cổ (thè lưỡi, xuất tinh, tiểu…).

Mặt khác, trong dạ dày A có một loại chất độc và theo kết luận, A chết do loại chất độc đó. Như vậy, hành vi treo cổ xảy ra sau hậu quả chết người. Hành vi treo cổ không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả này.

– Giữa nguyên nhân và hậu quả phải có mối quan hệ nội tại và tất yếu. Một nguyên nhân bao giờ cũng chứa đựng mầm mống nội tại nhằm phát sinh kết quả nhất định. Đối với hành vi (với tư cách là nguyên nhân) cũng thế. Trong những điều kiện nhất định, hành vi đó phải tất yếu dẫn đến kết quả nhất định nào đó chứ không phải là kết quả khác. Chúng ta cần hết sức chú ý khi xem xét nguyên nhân chứa đựng mối quan hệ nội tại và tất yếu bởi vì có trường hợp vẫn có nguyên nhân tất yếu nhưng thực tế hậu quả xảy ra là do một nguyên nhân khác. Chính vì thế, cần xem xét hậu quả nguy hiểm xảy ra phải là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi trái pháp luật. Ví dụ, Nguyễn Thị A có mang ngoài giá thú, sợ xấu hổ nên tìm đến một nhóm chuyên phá thai bất hợp pháp. Nhóm người này thực hiện công việc vô trách nhiệm, vả lại bào thai quá to dẫn đến A bất tỉnh. Họ ngỡ A
đã chết nên phát hoảng đem thi thể A ném xuống dòng sông. Khi phát hiện thì A đã chết và nhóm người thực hiện việc phá thai này bị bắt. Biên bản khám nghiệm tử thi xác định A bị chết do ngạt thở, cổ họng có nhiều đất bùn chứng tỏ khi bị ném xuống sông, A vẫn còn sống. Như vậy, A chết không phải vì nguyên nhân phá thai mà là vì hành vi ném xuống sông. Hành vi ném xuống sông là nguyên nhân có mối quan hệ nhân quả với hậu quả chết người dù rằng hành vi phá thai vẫn có khả năng dẫn đến hậu quả tử vong.

Cần phân biệt trường hợp trên đây với trường hợp hành vi tiếp sau không phải là nguyên nhân độc lập mà chỉ có tác dụng thúc đẩy hậu quả do hành vi đầu sớm xảy ra. Khi đó, hành vi đầu tiên vẫn có mối quan hệ nhân quả với hậu quả. Ví dụ, C lái xe tông vào G gây trọng thương G và được đưa đi cấp cứu nhưng do bệnh viện chậm trễ nên dẫn đến G chết vì vết thương đó. Hành vi của C vẫn có mối quan hệ nhân quả với cái chết của G.

Trong thực tế, một sự vật, hiện tượng có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra và có thể một nguyên nhân sinh ra nhiều sự vật hiện tượng. Vì vậy, trong sự đa dạng của tội phạm, một hậu quả có thể được sinh ra từ nhiều nguyên nhân và tất cả những nguyên nhân đó đều có mối quan hệ nhân quả với hậu quả ấy. Chẳng hạn, T vào trộm tài sản của cơ quan X, B là bảo vệ của cơ quan phát hiện nhưng không đuổi bắt T dẫn đến tài sản bị mất. Vậy, hậu quả mất tài sản của cơ quan là nguyên nhân của hành vi trộm cắp của T và hành vi thiếu trách nhiệm của B.

Tương tự như thế, một nguyên nhân cũng có thể gây ra nhiều hậu quả mà mỗi hậu quả đều có quan hệ nhân quả với nguyên ấy. Ví dụ, N đặt chất nổ để phá toà nhà là cơ quan Nhà nước (chống chính quyền) và thực tế, toà nhà bị phá huỷ và một số người trong toà nhà chết và bị thương. Như vậy, hành vi đặt chất nổ của N là nguyên nhân gây ra hậu quả công trình công cộng bị phá huỷ và gây chết người, gây thương tích cho người khác.

Trong thực tế, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả của tội phạm tồn tại dưới các dạng sau đây:

– Dạng quan hệ nhân quả đơn trực tiếp là quan hệ nhân quả mà chỉ có một hành vi trái pháp luật đóng vai trò là nguyên nhân của hậu quả tội phạm. Bản thân sự vận động nội tại của hành vi trái pháp luật này độc lập đã có khả năng trực tiếp đưa đến hậu quả. Ví dụ, hành vi bóp cò súng bắn chết người, lén lút vào nhà người khác trộm tài sản…

– Dạng quan hệ nhân quả kép trực tiếp là quan hệ nhân quả trong đó nhiều hành vi trái pháp luật cùng đóng vai trò là nguyên nhân của hậu quả của tội phạm. Trong thực tế, chúng ta rất khó xác định dạng quan hệ nhân quả thuộc loại này. Ví dụ, một người thợ săn bắn nhằm một người (người này núp trong bụi cây, thợ săn ngỡ là thú) thủng dạ dày, đầu đạn đã được lấy ra coi như an toàn, thoát chết. Không may, người nhà không biết nên cho ăn cơm, dạ dày bị nhiễm trùng mà chết. Hậu quả chết người do hai nguyên nhân là bắn nhằm và cho ăn cơm (người thợ săn phạm tội “vô ý gây thương tích nặng” , người nhà không có tội).

Ngoài ra, trong một số trường hợp, các nhà lý luận Luật hình sự còn đưa ra khái niệm quan hệ nhân quả dây chuyền là trường hợp có một hành vi đóng vai trò là nguyên nhân một đưa đến hành vi nguyên nhân hai và làm phát sinh hậu quả. Cả hai hành vi đều được xem là có mối quan hệ nhân quả với hậu quả. Ví dụ, Q cho P mượn súng và biết rằng P không biết sử dụng súng. Hậu quả P gây chết người. Như vậy, cả Q và P đều phải chịu trách nhiệm về hậu quả chết người. Tuy nhiên, quan điểm này hiện nay chưa được giới nghiên cứu Luật hình sự chấp nhận rộng rãi.

Việc nghiên cứu mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả của tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định có tội phạm xảy ra không, xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa, xác định mức độ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong từng trường hợp cụ thể, cũng như xác định hậu quả xảy ra là của hành vi nào.

4. Những biểu hiện khác của mặt khách quan của tội phạm

Bên cạnh các mặt biểu hiện đã nêu, mặt khách quan của tội phạm còn được biểu hiện qua các nội dung khác như phương pháp, phương tiện, công cụ phạm tội, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội…Phương tiện phạm tội như phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, tiền…Công cụ phạm tội như gậy gộc, súng, chất độc… là những đối tượng được chủ thể sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Phương tiện phạm tội trong một số trường hợp là dấu hiệu định tội và định khung hình phạt. Ví dụ, tội phạm tại khoản 2 Điều 133, Điều 202…

Phương pháp, thủ đoạn phạm tội là cách thức thực hiện hành vi phạm tội, cách thức sử dụng các công cụ, phương tiện phạm tội. Phương pháp, thủ đoạn phạm tội trong một số trường hợp cũng có ý nghĩa định tội hoặc định khung hình phạt. Chẳng hạn, Điều 146 quy định thủ đoạn phạm tội là dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản, khoản 2 Điều 133 quy định thủ đoạn nguy hiểm là tình tiết định khung…Trong trường hợp phương pháp, thủ đoạn không được thể hiện trong cấu thành tội phạm thì nó trở thành là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và có ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm (xem điểm đ khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự).

Thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội đôi lúc được phản ánh trong cấu thành tội phạm cơ bản, tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 48. Ví dụ, Điều 83, Điều 94 (quy định người mẹ giết con mới sinh)…v.v…

 


Các tìm kiếm liên quan đến Phân tích những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm: mặt chủ quan của tội phạm, mối quan hệ giữa mặt khách quan và chủ quan của tội phạm, khái niệm hành vi khách quan của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm là gì, mặt khách thể của tội phạm, dấu hiệu cấu thành tội phạm, chủ thể của tội phạm, tại sao nói hành vi nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản của tội phạm

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền