Những nội dung cơ bản về hợp đồng vận chuyển tài sản trong BLDS 2015

Hợp đồng vận chuyển tài sản

Hợp đồng vận chuyển tài sản là một trong những hợp đồng rất phổ biến trong thực tế và đặc biệt phát triển trong nền kinh tế thị trường. Loại hợp đồng này cũng có những đặc điểm chung giống như nhiều loại hợp đồng khác, điểm khác biệt chủ yếu nằm ở đối tượng của hợp đồng vận chuyển chỉ là các loại tài sản có thể di dời vận chuyển…

1. Khái niệm hợp đồng vận chuyển tài sản

Tại Điều 530 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) đã đưa ra khái niệm hợp đồng vận chuyền tài sản như sau: Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.”

Trong hợp đồng vận chuyển các bên không chỉ thỏa thuận đối tượng của hợp đồng vận chuyển, địa điểm tiếp nhận tài sản để vận chuyển, địa điểm cần chuyển tài sản tới và giao tài sản đó cho chủ thể có quyền, trách nhiệm tiếp nhận và thỏa thuận về cước phí vận chuyển. Dù trong Điều 530 BLDS 2015 về khái niệm của hợp đồng vận chuyển tài sản không đề cập đến phương tiện vận chuyển nhưng tùy theo tính chất của tài sản mà trong hợp đồng vận chuyển các bên còn có thể thỏa thuận phương tiện để vận chuyển tài sản đó, nếu chủ thể thực hiện việc vận chuyển có nhiều loại phương tiện vận chuyển khác nhau.

Do nhu cầu của bên vận chuyển và phương tiện vận chuyển tài sản đa dạng, phong phú từ phương tiện vận chuyển thô sơ như xe xích lô, xe ba gác, xe có động cơ như xe gắn máy, các loại xe ô tô, tàu hỏa, tàu biển và phương tiện hiện đại như các loại tàu cao tốc, siêu thanh, máy bay, tàu vũ trụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của đời sống, sản xuất. Để phù hợp với thực tế cuộc sống, BLDS 2015 không coi hình thức của hợp đồng vận chuyển là điều kiện có hiệu lực về hình thức của hợp đồng. Do đó, hợp đồng vận chuyển tài sản có thể được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói và BLDS 2015 đã bổ sung một hình thức cũng được coi là xác lập hợp đồng đó là xác lập bằng hành vi cụ thể.

Trong nhiều trường hợp, giao dịch về vận chuyển hàng hóa các bên cũng không lập hợp đồng vận chuyển, trên thực tế các bên coi vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên và điều này đã được luật hóa trong nhiều văn bản luật, trong các BLDS của Việt Nam.

Việc giữa bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển lựa chọn hình thức hợp đồng như thế nào sẽ phụ thuộc ý chí của các bên và đối tượng tài sản cần vận chuyển để thực hiện việc giao kết hợp đồng bằng lời nói hay bằng văn bản. Tuy nhiên, để bảo đảm bên vận chuyển thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của bên vận chuyển, cũng như nhằm hạn chế tranh chấp thì khi cần vận chuyển khối lượng tài sản lớn, nhiều kiện hàng, cung đường vận chuyển dài hoặc đối tượng vận chuyển đòi hỏi những điều kiện chăm sóc nhất định,bảo đảm chất lượng, hạn chế hư hao trong quá trình vận chuyển thì hai bên cần thể hiện việc giao kết hợp đồng bằng văn bản, văn bản đó có thể được thực hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc vận đơn v.v.

Dù việc giao kết hợp đồng vận chuyển bằng lời nói hay được thể hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản hay chỉ là vận đơn… thì đều có giá trị pháp lý như nhau. Điều quan trọng là việc thu thập tài liệu cũng như chứng minh cho việc có giao kết hợp đồng hay không, nội dung mà các bên đã thỏa thuận khi giao kết, thực hiện hợp đồng để có sự nhận thức, đánh giá đúng những gì diễn ra trên thực tế trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng. Muốn xác định đúng bên nào vi phạm, có lỗi phải căn cứ vào các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng, các tài liệu, chứng cứ chứng minh quá trình thức hiện hợp đồng, trên cơ sở đó rút ra kết luận.

Để bên vận chuyển thực hiện được việc vận chuyển sau khi hai bên đã giao kết hợp đồng vận chuyển tài sản và trong hợp đồng vận chuyển hai bên không có thỏa thuận cụ thể về việc bên nào chịu trách nhiệm đóng gói (đối với tài sản phải đóng gói), chi phí xếp, dỡ tài sản lên phương tiện thì bên thuê vận chuyển ngoài việc phải giao tài sản cho bên vận chuyển đúng thời hạn, địa điểm và đóng gói theo đúng quy cách đã thỏa thuận; phải chịu chi phí xếp, dỡ tài sản lên phương tiện vận chuyển. Tuy nhiên, nếu trong hợp đồng hai bên thỏa thuận bên vận chuyển thực hiện việc đóng gói, chịu chi phí xếp, dỡ tài sản lên phương tiện vận chuyển thì bên nhận vận chuyển có trách nhiệm thực hiện theo thỏa thuận. Trong trường hợp này ngoài việc các bên thỏa thuận về cước phí vận chuyển thì các bên phải thỏa thuận bên thuê vận chuyển phải trả cho bên vận chuyển những chi phí cho các công việc mà bên vận chuyển đã thực hiện theo thỏa thuận.

Các bên trong hợp đồng vận chuyển đều phải thực hiện đúng thời gian giao tài sản và tiếp nhận tài sản vận chuyển như đã thỏa thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển giao tài sản không đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận làm cho bên vận chuyển phải chờ đợi, thì phải thanh toán chi phí chờ đợi và tiền vận chuyển tài sản đến địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng cho bên vận chuyển. Phí chờ đợi nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào số nhân lực, phương tiện mà bên vận chuyển đã chuẩn bị cho việc thực hiện công việc vận chuyển. Tiền vận chuyển tài sản đến địa điểm đã thỏa thuận nhiều hay ít dựa trên cung đường cũng như sự thuận tiện hay khó khăn khi vận chuyển.

Vấn đề đặt ra là, nếu địa điểm tiếp nhận tài sản bị thay đổi, nhưng cung đường từ điểm tiếp nhận tới địa điểm chuyển giao sau khi đã vận chuyển ngắn hơn, thuận tiện hơn so với địa điểm tiếp nhận tài sản vận chuyển đã thỏa thuận lúc đầu trong hợp đồng, thì bên thuê vận chuyển vẫn phải trả đúng số tiền như đã thỏa thuận trong hợp đồng hay có quyền bớt tiền thuê vận chuyển? Nếu việc thay đổi địa điểm tiếp nhận tài sản vận chuyển được thông báo trước cho bên vận chuyển, được bên vận chuyển đồng ý, dù cung đường ngắn hơn, thuận tiện hơn trong quá trình vận chuyển nhưng hai bên không có thỏa thuận mới về giá thuê vận chuyển thì bên thuê vận chuyển vẫn phải thanh toán đúng số tiền như đã thỏa thuận. Trường hợp hai bên có thỏa thuận mới bổ sung trong đó có việc giảm tiền thuê vận chuyển thì bên thuê vận chuyển trả tiền thuê vận chuyển theo giá thỏa thuận bổ sung sau đó.

Trường hợp bên vận chuyển chậm tiếp nhận tài sản tại địa điểm đã thỏa thuận thì bên vận chuyển phải chịu chi phí phát sinh do việc chậm tiếp nhận.

Về cước phí vận chuyển, tại Điều 533 BLDS 2015 có quy định:

1. Mức cước phí vận chuyển do các bên thỏa thuận; nếu pháp luật có quy định về mức cước phí vận chuyển thì áp dụng mức cước phí đó

Bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí vận chuyển sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Từ quy định trên, các bên trong quan hệ hợp đồng vận chuyển và cơ quan giải quyết tranh chấp cần lưu ý: Khi pháp luật có quy định về cước phí vận chuyển thì các bên, đặc biệt là bên vận chuyển phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Nếu bên vận chuyển tính cước phí cao hơn là vi phạm, nếu có tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp không chấp nhận phần cước phí vượt quá so với quy định.

Trường hợp pháp luật không có quy định về cước phí thì hai bên có quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận về cước phí vận chuyển. Khi hai bên đã thống nhất về cước phí thì hai bên đều phải tuân thủ cước phí đã thỏa thuận.

Nếu các bên không có thỏa thuận về thời điểm thanh toán cước phí thì bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí vận chuyển sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển. Trường hợp hai bên có thỏa thuận về thời điểm thanh toán cước phí, ví dụ như thanh toán cước phí ngay sau khi hai bên ký kết hợp đồng, hoặc khi bên vận chuyển đã hoàn tất việc vận chuyển và bàn giao tài sản cho người có quyền nhận. Trong trường hợp này, bên vận chuyển phải vận chuyển tài sản đến địa điểm đã xác định trong hợp đồng và giao tài sản cho người có quyền nhận thì bên thuê mới phải thanh toán cước phí. Khi có tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp căn cứ vào việc bên vận chuyển đã giao tài sản đầy đủ, đúng địa điểm đã thỏa thuận chưa, nếu bên vận chuyển đã thực hiện việc vận chuyển đúng như thỏa thuận thì căn cứ mức phí vận chuyển mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng để giải quyết.

2. Quyền, nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng vận chuyển tài sản

Hợp đồng vận chuyển tài sản là hợp đồng song vụ, có đền bù. Do đó, trong hợp đồng vận chuyển tài sản, bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển đều có nghĩa vụ tương ứng với nhau, nghĩa vụ của bên này là quyền của bên kia và ngược lại. Chỉ khi mỗi bên thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì quyền lợi của bên kia mới được bảo đảm. Để bảo đảm lợi ích của mình, thì mỗi bên phải có ý thức thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ thì mới tránh được tranh chấp.

2.1. Quyền, nghĩa vụ của bên vận chuyển

2.1.1. Nghĩa vụ của bên vận chuyển (Điều 534 BLDS 2015)

Một trong những nghĩa vụ của bên vận chuyển là bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.

Khi bên vận chuyển đã tiếp nhận tài sản vận chuyển thì dù về pháp lý tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của bên vận chuyển nhưng kể từ thời điểm đó, bắt đầu phát sinh trách nhiệm của bên vận chuyển về sự an toàn của tài sản.

Bên vận chuyển phải có trách nhiệm bảo quản tài sản, phải áp dụng mọi biện pháp bảo đảm cho việc vận chuyển tài sản đến địa điểm đã được xác định trong hợp đồng một cách an toàn, đúng thời hạn, không để mất mát, hư hỏng tài sản. Đồng thời, có nghĩa vụ giao tài sản cho người có quyền nhận. Dù đã chuyên chở tài sản đến địa điểm nhưng không giao tài sản cho đúng người có quyền nhận dẫn đến mất mát, thất thoát tài sản thì bên vận chuyển sẽ phải chịu trách nhiệm. Do đó, khi bàn giao tài sản, bên vận chuyển phải kiểm tra có đúng đối tượng có quyền nhận hay không thì mới giao.

Trong quá trình vận chuyển bên vận chuyển phải chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, không yêu cầu bên thuê vận chuyển chịu những chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển như chi phí xăng, dầu; chi phí cho người bảo vệ tài sản trên đường vận chuyển; chi phí bảo quản tài sản; chi phí cho các trạm thu phí trên đường vận chuyển… Tuy nhiên, nếu hai bên có thỏa thuận mọi chi phí liên quan đến vận chuyển tài sản bên thuê vận chuyển chịu thì khi đó bên thuê vận chuyển mới chịu các chi phí nói trên.

Các phương tiện vận chuyển bằng động cơ luôn là nguồn nguy hiểm cao độ với mọi người xung quanh. Đặc biệt khi phương tiện vận chuyển lưu hành thì nguy cơ xuất hiện những rủi ro với cả tài sản trên phương tiện vận chuyển càng lớn, nên vừa để nâng cao trách nhiệm cho bên vận chuyển, vừa để kịp thời khắc phục hậu quả nếu không may xảy ra sự cố, BLDS 2015 quy định bên vận chuyển phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật. Đây là một nghĩa vụ bắt buộc, chứ không phải là tùy nghi nên bên vận chuyển phải thực hiện nghiêm chỉnh.

Trong trường hợp bên vận chuyển không bảo quản tốt, không bảo đảm an toàn tài sản trên đường vận chuyển dẫn đến mất mát, hư hỏng tài sản của bên thuê vận chuyển thì bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển.

Bên vận chuyển chỉ không phải bồi thường trong trường hợp hai bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2.1.2. Quyền của bên vận chuyển

Để bảo đảm thực hiện đúng đối tượng của hợp đồng vận chuyển thì Điều 535 BLDS 2015 quy định cho bên vận chuyển có quyền kiểm tra sự xác thực của tài sản. Việc kiểm tra tài sản dựa trên cơ sở đối tượng vận chuyển mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, dựa trên vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác. Từ đó bên vận chuyển xác định tài sản mà “bên thuê” vận chuyển giao cho mình có đúng như đã thỏa thuận hay không.

Trường hợp bên vận chuyển phát hiện tài sản mà “bên thuê” vận chuyển bàn giao cho mình (có thể là bên thuê vận chuyển trực tiếp bàn giao tài sản, có thể khách hàng của bên thuê bàn giao tài sản…) không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận thì bên vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Bên vận chuyển có quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn.

Như trên đã phân tích, nếu các bên không có thỏa thuận về thời điểm thanh toán cước phí vận chuyển thì bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí vận chuyển sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển.

Trường hợp hai bên có thỏa thuận về thời điểm thanh toán cước phí, ví dụ như hai bên thỏa thuận khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển thì bên thuê vận chuyển thanh toán 2/3 cước phí vận chuyển. Khi tài sản được vận chuyển đến đúng địa điểm đã thỏa thuận và bàn giao tài sản đầy đủ cho bên có quyền nhận thì bên thuê vận chuyển thanh toán nốt 1/3 số tiền cước phí vận chuyển còn lại. Bên thuê vận chuyển phải thực hiện đúng thời hạn đã thỏa thuận khi bên vận chuyển đã hoàn thành tốt việc vận chuyển.

Trong trường hợp bên thuê vận chuyển giao cho bên vận chuyển những tài sản mà luật cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, khi biết được hoặc theo quy định của pháp luật buộc bên vận chuyển phải biết thì bên vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển những loại tài sản đó. Khi luật quy định buộc bên vận chuyển phải biết tài sản mà bên vận chuyển đã nhận thuộc loại luật cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại là xuất phát từ quy định tại khoản 1 Điều 535 BLDS 2015 về quyền kiểm tra sự xác thực của tài sản và những quy định khác của luật hiện hành.

2.2. Quyền, nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển

2.2.1. Nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển (Điều 536 BLDS 2015)

Khi bên vận chuyển thực hiện một dịch vụ thì theo lẽ công bằng bên vận chuyển phải nhận được những lợi ích tương xứng với công sức, chi phí đã bỏ ra.

Lợi ích trong hoạt động vận chuyển chính là được hưởng cước phí vận chuyển. Do đó, bên thuê vận chuyển phải trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thỏa thuận. Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn và phương thức thanh toán cước phí thì bên thuê vận chuyển phải thanh toán cước phí theo quy định tại khoản 2 Điều 533 BLDS 2015.

Để bên vận chuyển thực hiện tốt nghĩa vụ của bên vận chuyển được quy định tại khoản 1 Điều 534 BLDS 2015, Điều 536 BLDS 2015 cũng đặt ra nghĩa vụ cho bên thuê vận chuyển là phải cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển.

Nếu bên thuê vận chuyển không cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển, dẫn đến không bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển thì bên thuê vận chuyển sẽ là bên có lỗi. Tuy nhiên, việc xác định lỗi của mỗi bên đến đâu cần căn cứ vào thỏa thuận của hai bên, về mức độ vi phạm cung cấp thông tin của bên thuê vận chuyển để xem xét, đánh giá, xác định trách nhiệm.

Trong trường hợp bên thuê vận chuyển không cử người áp tải, trông coi tài sản vận chuyển mà hai bên thỏa thuận đó là trách nhiện của bên vận chuyển thì bên vận chuyển phải trông coi tài sản trên đường vận chuyển. Tuy nhiên, trong trường hợp bên thuê vận chuyển cử người áp tải, trông coi tài sản mà tài sản bị mất, hư hỏng thì bên thuê vận chuyển phải tự chịu những thiệt hại đã xảy ra, không được bồi thường.

2.2.2. Quyền của bên thuê vận chuyển (Điều 537 BLDS 2015)

Khi hai bên đã giao kết hợp đồng, bên cạnh việc bên thuê vận chuyển thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc luật định thì bên thuê vận chuyển có quyền yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận.

Khi tài sản được chuyên chở đến địa điểm mà hai bên đã thỏa thuận, bên thuê vận chuyển có quyền trực tiếp nhận tài sản hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển.

(Còn nữa)

 


Các tìm kiếm liên quan đến hợp đồng vận chuyển tài sản, đối tượng của hợp đồng vận chuyển tài sản, mẫu hợp đồng vận chuyển tài sản, hợp đồng vận chuyển hàng hóa, so sánh hợp đồng vận chuyển hành khách và hợp đồng vận chuyển tài sản, đặc điểm pháp lý của hợp đồng vận chuyển, hợp đồng vận chuyển hàng hóa đơn giản, mẫu hợp đồng nguyên tắc vận chuyển hàng hóa, quy định về hợp đồng vận chuyển

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền