Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật khi xét xử

Xét xử

Luật và pháp luật là hai khái niệm khác nhau nhưng trước đây không ít người nghĩ rằng “luật” chỉ là cách gọi tắt của “pháp luật”. Trong những năm gần đây, nhất là từ sau Hiến pháp 2013, trong nhiều văn bản pháp luật có quy định phân biệt khi nào thì “theo quy định của pháp luật”, khi nào thì “theo quy định của luật”. Đó là một trong những điểm cần đặc biệt lưu ý khi áp dụng pháp luật.

 

Những nội dung liên quan:

 

1. Lưu ý phân biệt Luật và Pháp luật

Pháp luật chính là các quy phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, có hiệu lực từ 01/7/2016) thì: “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được nhà nước bảo đảm thực hiện”.
Luật và bộ luật được gọi chung là luật. Theo quy định về Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) thì:

– Có giá trị cao nhất là Hiến pháp (khoản 1).

– Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội có giá trị ngang nhau và chỉ dưới Hiến pháp.

– Còn nhiều văn bản dưới luật như: Nghị quyết liên tịch, lệnh của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của các bộ…(từ khoản 3 đến khoản 14 Điều 4).

– Văn bản pháp luật thấp nhất là Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã (khoản 15 Điều 4).
Như vậy, luật (bao gồm cả bộ luật) là một bộ phận của pháp luật nhưng là bộ phận có giá trị pháp lý cao nhất ( chỉ dưới Hiến pháp và ngang với Nghị quyết của Quốc hội). Cũng vì giá trị pháp lý cao như vậy nên chỉ Quốc hội mới được ban hành luật.

Đối với pháp luật hiện hành (đang có hiệu lực) thì khi viện dẫn thường không nêu tên của luật gắn với năm ban hành nhưng khi nêu tên những pháp luật cũ thì phải gắn với năm ban hành. Ví dụ: Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Luật Đất đai năm 2003… Cần lưu ý là năm được nêu gắn với tên văn bản quy phạm pháp luật là năm ban hành văn bản chứ không phải là năm có hiệu lực của văn bản.

2. Việc áp dụng pháp luật khi xét xử có khác biệt gì cơ bản so với việc thi hành pháp luật chung?

Việc áp dụng pháp luật để xét xử có những khác biệt cơ bản với việc thi hành pháp luật chung. Việc thi hành pháp luật chung chủ yếu là việc chấp hành, tuân theo quy định của pháp luật đang có hiệu lực hiện hành.

Ví dụ: Người đi mua nhà ở vào năm 2016 thì phải ký kết hợp đồng theo đúng quy định của Luật Nhà ở 2013; người làm nhiệm vụ đăng ký kết hôn cho người xin đăng ký kết hôn vào năm 2015 thì phải kiểm tra các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Đối với người áp dụng pháp luật để xét xử thì có khác. Đối với những quy định pháp luật hình thức, tức là pháp luật tố tụng thì cũng là áp dụng pháp luật ở thời điểm thực hiện hành vi tố tụng. Ví dụ: Cũng là vụ án dân sự ấy, xử sơ thẩm trước ngày 01/7/2016 (ngày có hiệu lực của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) thì thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, xử phúc thẩm sau ngày 01/7/2016 thì thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng năm 2015. Còn đối với pháp luật nội dung, trong nhiều trường hợp, pháp luật chưa có hiệu lực đã phải áp dụng và pháp luật đã hết hiệu lực vẫn phải áp dụng.

2.1. Pháp luật chưa có hiệu lực đã phải áp dụng là pháp luật nào?

Đó thường là các quy định của pháp luật hình sự. Một nội dung quan trọng của chính sách hình sự phù hợp với chính sách nhân đạo, tiến bộ là không áp dụng quy định mới nặng hơn với những hành vi đã xảy ra trước đó và áp dụng sớm những quy định có lợi cho bị can, bị cáo. Những quy định có lợi cho bị can, bị cáo thường được áp dụng ngay từ khi công bố chứ không phải chờ đến khi luật mới có hiệu lực. Chính vì vậy, trong việc áp dụng pháp luật hình sự thì thời điểm “công bố luật” cũng có ý nghĩa rất quan trọng.

Ví dụ: Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì người tham gia đánh bạc với mức tiền từ 2 triệu đồng trở lên là phải chịu trách nhiệm hình sự (phạm tội đánh bạc). Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người tham gia đánh bạc với mức tiền 5 triệu đồng trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 được công bố ngày 19/12/2015 và ngày có hiệu lực là ngày 01/01/2018. Kể từ ngày bộ luật hình sự mới được công bố, 2 năm tiếp theo tuy chưa có hiệu lực nhưng quy định mới về mức tiền 5 triệu đồng là quy định có lợi cho những người có hành vi đánh bạc nên nếu họ đã tham gia với mức tiền 2 triệu đồng trở lên nhưng chưa tới 5 triệu đồng thì họ không bị kết tội đánh bạc. Quy định này được áp dụng cho cả những người đã tham gia đánh bạc trước ngày công bố luật mới mà sau ngày công bố luật mới mới bị phát hiện hoặc bị xem xét xử lý.

2.2. Pháp luật đã hết hiệu lực vẫn phải áp dụng là pháp luật nào?

Pháp luật dân sự là loại điển hình thuộc diện pháp luật đã hết hiệu lực vẫn phải áp dụng. Khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực”. Khi giải quyết tranh chấp, Tòa án phải xác định ai đã xử sự hợp pháp, ai vi phạm pháp luật, một chủ thể phải chịu hậu quả thế nào về xử sự của họ. Đế xác định những vấn đề này phải căn cứ vào pháp luật ở thời điểm thực hiện hành vi. Những hành vi xảy ra đã lâu, nay mới có tranh chấp, cần xem xét tính hợp pháp thì phải áp dụng pháp luật ở thời điểm thực hiện hành vi mặc dù pháp luật này đã không còn hiệu lực ở thời điểm xem xét.

Ví dụ: Một người lập di chúc vào năm 1995, đã chết năm 2000, nay các thừa kế mới tranh chấp thừa kế tài sản. Để xác định di chúc có hợp pháp không phải căn cứ vào pháp luật thừa kế ở thời điểm lập di chúc (1995) là Pháp lệnh Thừa kế chứ không thể áp dụng pháp luật thừa kế ở thời điểm tranh chấp (2019) là Bộ luật Dân sự năm 2015; mặc dù Pháp lệnh Thừa kế đã hết hiệu lực từ khi có Bộ luật Dân sự năm 1995 thay thế (01/7/1996).

Pháp luật hình sự cũng có trường hợp phải áp dụng pháp luật cũ đã hết hiệu lực. Đó là trường hợp pháp luật quy định trách nhiệm pháp lý mới hoặc trách nhiệm nặng hơn thì chỉ được áp dụng pháp luật cũ. Ví dụ: Một người có hành vi phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vào năm 1990 và trốn tránh đến năm 2010 mới bị phát hiện và đưa ra xét xử thì chỉ được áp dụng pháp luật ở thời điểm phạm tội (có mức hình phạt tối đa là 12 năm tù theo Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 1985) chứ không thể áp dụng pháp luật ở thời điểm xét xử với quy định nặng hơn (Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định xử phạt đến tù chung thân).
Khi xét xử các vụ án hành chính, Tòa án cũng thường xuyên phải áp dụng pháp luật cũ. Đó là những văn bản pháp quy về quản lý hành chính ở thời điểm ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính, mặc dù ở thời điểm xét xử thì những văn bản pháp quy này đã hết hiệu lực.

3. Một số vấn đề cơ bản về lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

3.1. Quy định chung

Khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.

Như vậy, nguyên tắc chung nhất là hành vi xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó. Chỉ áp dụng cho hành vi xảy ra trước, còn gọi là “hồi tố”, nếu có văn bản pháp luật quy định việc hồi tố (quy định ngay trong văn bản đó hoặc văn bản khác).

Ví dụ: Cũng là việc mua bán nhà ở nhưng nếu mua bán vào năm 2003 thì áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 (có hiệu lực từ 01/7/1996 đến 31/12/2005); nếu mua bán vào năm 1993 thì áp dụng Pháp lệnh Nhà ở (có hiệu lực từ 01/7/1991 đến 30/6/1995); nếu mua bán vào 1983 thì áp dụng Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quy định hồi tố có thể kể đến là quy định tại khoản 5 Nghị quyết Thi hành Bộ luật Dân sự năm 1995, đó là: Những quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 về chuyển quyền sử dụng đất “có hiệu lực áp dụng kể từ ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực”. Như vậy là những quy định này có hiệu lực hồi tố đối với việc chuyển quyền sử dụng đất xác lập từ trước 01/7/1996.

3.2. Quy định khác nhau về cùng một vấn đề

Khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.
Hiệu lực pháp lý của các loại văn bản quy phạm pháp luật được quy định ở Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Điều 4 có 15 khoản, cao nhất là Hiến pháp (khoản 1), thấp nhất là Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã (khoản 15). Các loại văn bản trong cùng một khoản của điều luật là văn bản có giá trị pháp lý ngang nhau. Ví dụ: Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội có giá trị pháp lý ngang nhau (cùng được quy định tại khoản 2 Điều 4).

Theo quy định của khoản 2 Điều 156 nêu trên thì khi cùng quy định về một vấn đề mà lại quy định khác nhau và văn bản đều cùng còn hiệu lực thì áp dụng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn.

Ví dụ: Trong vụ án xin ly hôn, khi Tòa án hòa giải mà kết quả là vợ chồng đồng ý trở về đoàn tụ thì theo quy định tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án ra Quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành. Cũng về vấn đề này, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì Tòa án ra Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Bộ luật có giá trị pháp lý cao hơn Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán. Do đó, từ thời điểm Bộ luật có hiệu lực (01/01/2005), Tòa án không ra Quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành nữa mặc dù Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP vẫn có hiệu lực.

3.3. Cùng một cơ quan ban hành mà quy định khác nhau

Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Cùng một cơ quan ban hành tức là có hiệu lực pháp lý ngang nhau và đều đang có hiệu lực thi hành. Ban hành sau là có hiệu lực sau về thời gian.

Ví dụ: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 do Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ 01/7/2016. Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự quy định tại Điều 2 là: “Đối với các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự số 24/2004/QHH11 đã được sửa đổi bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12.”

Như vậy, theo quy định của Nghị quyết 103/2015/QH13 nêu trên thì vụ việc phát sinh trước 01/01/2017 sẽ áp dụng quy định về thời hiệu theo luật cũ. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 ( điểm d khoản 1 Điều 688) lại quy định giao dịch xác lập trước 01/01/2017 thì “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”, tức là theo luật mới. Quy định về thời hiệu của pháp luật cũ và pháp luật mới có rất nhiều khác biệt. Ví dụ thời hiệu khởi kiện chia thừa kế của pháp luật cũ là 10 năm nhưng theo pháp luật mới là 30 năm kể từ ngày mở thừa kế”.

Do cùng cơ quan ban hành là Quốc hội, quy định cùng về một vấn đề là thời hiệu mà có nội dung khác nhau nên phải áp dụng văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau là Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực ngày 01/01/2017, Nghị quyết 103/2015/QH13 có hiệu lực ngày 25/11/2015).

3.4. Trường hợp quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn

Khoản 4 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới”. Không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn được áp dụng hồi tố phải được hiểu là không gây bất lợi cho các chủ thể liên quan khác. Trường hợp quy định trách nhiệm nhẹ hơn đối với một chủ thể nhưng đồng thời tăng trách nhiệm cho chủ thể tương ứng thì không thể coi là thuộc trường hợp nêu trên. Ví dụ: Bộ luật Dân sự năm 1995 có quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là: “Tùy từng trường hợp, xét tính chất của giao dịch dân sự vô hiệu, tài sản giao dịch và hoa lợi, lợi tức thu được có thể bị tịch thu theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 146).

Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về vấn đề này là: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 137).

Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về trường hợp bị tịch thu có nội dung chỉ tịch thu khi có quy định của pháp luật. Đây là quy định có tính giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý của người có tài sản, hoa lợi, lợi tức thuộc giao dịch vô hiệu so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995. Quy định này có lợi cho các bên tham gia vào giao dịch vô hiệu chứ không làm tăng trách nhiệm của chủ thể nào. Vì vậy, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 được áp dụng cho cả những giao dịch vô hiệu xác lập trước khi Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực. Đó cũng là lý do hình thành hướng giải quyết của Tòa án (từ 01/01/2006) cho người đứng tên hộ trong giao dịch mua nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người nhờ đứng tên được chia nhau khoản lợi từ việc mua nhà, chuyển nhượng đất (chênh lệch giá giữa thời điểm tranh chấp với thời điểm giao dịch) mà không bị tịch thu khoản lợi này.

4. Một số lưu ý cụ thể về áp dụng pháp luật khi xét xử

4.1.Lưu ý về áp dụng Bộ luật Hình sự

Nói chung, các bộ luật hình sự đều có quy định hồi tố với những quy định có lợi cho người phạm tội, tức là được áp dụng cho những người đã có hành vi trước khi luật có hiệu lực nhưng sau khi có hiệu lực mới phát hiện hoặc xử lý. Các quy định có lợi đó là:

– Xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng;

– Quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới;

– Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích;

– Các quy định khác có lợi cho người phạm tội, kể cả việc thay đổi một yếu tố làm cho trách nhiệm của người phạm tội giảm đi.

Những quy định bất lợi cho người phạm tội không được áp dụng cho người phạm tội trước khi luật có hiệu lực mà sau này mới phát hiện và xử lý.

Những quy định có lợi cho người phạm tội được áp dụng ngay từ khi luật mới được công bố chứ không phải từ khi luật mới có hiệu lực.

Bộ luật Hình sự năm 2015 có thời gian từ khi công bố đến khi có hiệu lực là rất dài (công bố ngảy 09/12/2015 nhưng sau đó lùi ngày có hiệu lực để sửa đổi, bổ sung, đến 01/01/2018 mới có hiệu lực). Trong 2 năm từ khi công bố đến khi có hiệu lực thì những quy định có lợi cho người phạm tội đã được áp dụng. Tuy nhiên cần chú ý có 2 giai đoạn là từ 09/12/2015 đến 02/7/2017 thì áp dụng những quy định có lợi của Bộ luật 100/2015/QH13 (bộ luật chưa sửa đổi, bổ sung), từ 03/7/2017 đến 31/12/2017 thì áp dụng những quy định có lợi của Luật số 12/2017/QH14 (bộ luật đã sửa đổi, bổ sung).

Một đặc biệt cần lưu ý là: Đối với một số tội tuy Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm nhưng người phạm các tội này trước khi bộ luật mới có hiệu lực (01/01/2018) đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì vẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Đó là các tội: Hoạt động phỉ (Điều 93); Đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149); Kinh doanh trái phép (Điều 159); Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165). Các tội này nếu sau ngày 01/01/2018 mới bị phát hiện thì không áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

4.2. Quan hệ giữa Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành

Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Là luật chung không có nghĩa luật khác (luật chuyên ngành) không được quy định khác với luật chung. Phạm vi chi phối của luật chung đối với luật chuyên ngành được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015 là: “Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”. Tuy nhiên, những nguyên tắc quy định ở Điều 3 là những nguyên tắc lớn, khi làm các luật chuyên ngành đã phải tuân theo nên hầu như không có tình trạng luật chuyên ngành vi phạm Điều 3 mà vẫn tồn tại để lựa chọn áp dụng. Do đó, khi có sự quy định khác nhau thì thường là quy định của luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng.

Ví dụ: Về tặng cho bất động sản, Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký” nhưng Luật Nhà ở năm 2005 lại quy định ở thời điểm “hợp đồng được công chứng”. Như vậy là quy định của Luật Nhà ở khác Bộ luật Dân sự nhưng không vi phạm những nguyên tắc quy định ở Điều 3 nên quy định của Luật Nhà ở (ban hành sau) được ưu tiên áp dụng.

Trong trường hợp Bộ luật Dân sự có quy định nhưng luật chuyên ngành không quy định thì những quy định của Bộ luật Dân sự lại được áp dụng (khoản 3 Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Ví dụ: Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định việc chia tài sản cho người vợ sống chung với gia đình người chồng hoặc người chồng sống chung với gia đình người vợ khi vợ chồng ly hôn. Đối với người con đã thành niên có đóng góp vào tài sản chung của cha mẹ, nay cha mẹ ly hôn, người con muốn chia tài sản thì không thuộc trường hợp quy định theo Điều 61 nêu trên mà phải áp dụng quy định về chia tài sản thuộc sở hữu chung của Bộ luật Dân sự (Điều 219 ).

5. Lưu ý về áp dụng các văn bản hướng dẫn thi hành luật

5.1. Hiệu lực của văn bản

Khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Tuy nhiên, pháp luật áp dụng là pháp luật tương ứng ở thời điểm thực hiện hành vi nên đã áp dụng luật cũ thì cũng đương nhiên phải áp dụng hướng dẫn thi hành luật cũ.

Ví dụ: Giải quyết tranh chấp việc mua bán nhà ở vào năm 2000 thì phải áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 (có hiệu lực từ 01/7/1996 đến 31/12/2005). Khi xem xét vấn đề đặt cọc thì phải áp dụng văn bản hướng dẫn thi hành Điều 363 của Bộ luật Dân sự năm 1995 là Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003.

Trong một văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành thường quy định nhiều vấn đề, cả về pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng. Do đó, các vấn đề trong văn bản hướng dẫn cũng có thời điểm hết hiệu lực khác nhau tương ứng với văn bản quy phạm pháp luật được hướng dẫn.

Ví dụ: Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là văn bản hướng dẫn áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Trong văn bản này có cả một số quy định về tố tụng như quy định nếu hòa giải đoàn tụ thành thì phải ra quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành. Quy định này không còn hiệu lực ở thời điểm Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 có hiệu lực (01/01/2005). Theo quy định của Bộ luât Tố tụng thì khi hòa giải đoàn tụ thành sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, những quy định khác của Nghị quyết để hướng dẫn áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực (01/01/2015).

Văn bản được hướng dẫn hết hiệu lực thì văn bản hướng dẫn cũng hết hiệu lực. Tuy vậy, quy định của pháp luật mới không khác với quy định cũ thì nội dung hướng dẫn cũ vẫn có giá trị tham khảo thi hành.

Ví dụ: Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003. Khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (01/7/2014) thì Luật Đất đai năm 2003 hết hiệu lực, các nội dung của Nghị quyết hướng dẫn Luật Đất đai năm 2003 cũng hết hiệu lực. Tuy nhiên, nội dung của Nghị quyết hướng dẫn xác định chênh lệch giá (giữa thời điểm giao dịch với thời điểm giải quyết tranh chấp) là một khoản thiệt hại phải bồi thường không trái với quy định nào của luật mới nên nội dung hướng dẫn này vẫn tiếp tục được áp dụng.

5.2. Xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn

Lần đầu tiên pháp luật có quy định về việc phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình Tòa án giải quyết tranh chấp. Đó là quy định tại Điều 221 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Những văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị là một trong các loại sau:

– Có dấu hiệu trái Hiến pháp;

– Có dấu hiệu trái với luật, nghị quyết của Quốc hội;

– Có dấu hiệu trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

– Có dấu hiệu trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Trình tự kiến nghị là: Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử báo cáo Chánh án Tòa án đang giải quyết. Chánh án Tòa án đang giải quyết đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.

Trong thời hạn một tháng kể từ khi có kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao mà không có trả lời bằng văn bản thì Tòa án áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để tiếp tục giải quyết vụ án.

Riêng trong tố tụng hành chính thì Chánh án Tòa án các cấp có quyền trực tiếp kiến nghị đối với các văn bản quy phạm pháp luật được quy định phân cấp theo Điều 112 Luật Tố tụng hành chính.

CHU XUÂN MINH (Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) 

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.