Nguồn của pháp luật hình sự – những yêu cầu được đặt ra cho pháp luật hình sự Việt Nam

Luật hình sự

Nguồn của pháp luật hình sự – những yêu cầu được đặt ra cho pháp luật hình sự Việt Nam.

 

Những nội dung liên quan:

 

Nguồn của pháp luật hình sự

Mục lục:

  1. Từ năm 1986, pháp luật hình sự Việt Nam coi văn bản quy phạm pháp luật duy nhất được phép quy định tội phạm là Bộ luật hình sự (BLHS).
  2. Khái niệm nguồn của pháp luật hình sự có thể được hiểu theo các nghĩa khác nhau.
  3. Quan niệm nguồn của pháp luật hình sự (theo nghĩa hẹp) chỉ là BLHS là quan niệm không còn phù hợp với xu thế và điều kiện hiện nay.
  4. Thay đổi quan niệm về nguồn của pháp luật hình sự theo hướng trên sẽ dẫn đến hai sự thay đổi chính.

Luật hình sự

1. Từ năm 1986, pháp luật hình sự Việt Nam coi văn bản quy phạm pháp luật duy nhất được phép quy định tội phạm là Bộ luật hình sự (BLHS).

Điều này được thể hiện rất rõ tại quy định về khái niệm tội phạm trong cả hai bộ luật – BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999. Cả hai bộ luật này, khi định nghĩa khái niệm tội phạm tại Điều 8 đều khẳng định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội “được quy định trong Bộ luật…”. Theo đó, chỉ có BLHS mới được phép xác định, mô tả và đặt tội danh cho những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. BLHS cũng là văn bản pháp luật duy nhất được phép quy định khung hình phạt cho các tội phạm đã được xác định.

Do bị ràng buộc bởi quy định này mà tất cả các luật khác chỉ có thể chỉ dẫn đến BLHS trong trường hợp muốn xác định trách nhiệm hình sự cho những hành vi nhất định liên quan đến nội dung điều chỉnh của mình. Trong đó có cả các luật mà nội dung là về phòng và chống các nhóm hành vi nguy hiểm cho xã hội nhất định. Các luật này đều xác định việc truy cứu trách nhiệm hình sự những hành vi cần phòng, chống trong những trường hợp nhất định là cần thiết nhưng không quy định cụ thể tội danh cũng như khung hình phạt cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự này mà chỉ quy định một cách chung là … tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lí kỉ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự… Theo đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự phải dựa vào các quy định của BLHS. Các luật thuộc loại này, tính đến thời điểm năm 2011 là Luật phòng, chống ma tuý (năm 2000); Luật phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2001); Luật phòng, chống tham nhũng (năm 2001) và Luật phòng, chống mua bán người (năm 2011). Trong các luật này, các hành vi bị cấm đều được liệt kê rõ ràng và đều được xác định là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự những hành vi này vẫn phải dựa vào các quy định của BLHS. Do vậy, có thể có những hành vi không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự được vì không có tội danh tương ứng trong BLHS. Trong những trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự được do có tội danh tương ứng trong BLHS thì vẫn có trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật chung cho hành vi xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau và do vậy có thể việc xử lí không đáp ứng được yêu cầu phòng, chống có tính đặc thù của lĩnh vực cụ thể. Ví dụ: Theo Điều 23 Luật phòng, chống mua bán người thì 12 nhóm hành vi được quy định tại Điều 3 và nhóm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che, dung túng, xử lí không đúng hoặc không xử lí hành vi được quy định tại Điều 3 đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó chỉ có một nhóm hành vi trong số này là được BLHS quy định cụ thể.(1) Như vậy, các nhóm hành vi khác có thể rơi vào một trong hai khả năng – không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự được hoặc chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật chung.

Tương tự như vậy, các luật khác tuy không quy định trực tiếp việc phòng, chống nhóm hành vi nhất định nhưng cũng đều có điều luật quy định cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực luật điều chỉnh trong những trường hợp nhất định. Ví dụ: Luật bảo hiểm xã hội (năm 2006); Luật bảo vệ môi trường (năm 2005); Luật đất đai (năm 2003) v.v.. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo sự cho phép của các luật này cũng gặp trở ngại tương tự như ở trường hợp các luật quy định về phòng chống nói trên. Ví dụ: Theo Điều 138 Luật Bảo hiểm xã hội thì 10 nhóm hành vi được quy định tại các điều 134, 135, 136 và 137 đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.(2) Nhưng tất cả các nhóm hành vi này đều chưa được quy định cụ thể trong BLHS. Như vậy, 10 nhóm hành vi này cũng có thể rơi vào một trong hai khả năng – không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự được hoặc chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật chung.

Từ đây, vấn đề đặt ra cần phải được xem xét để giải quyết trở ngại nói trên cũng như để đảm bảo sự thống nhất giữa BLHS với các luật khác trong việc quy định về trách nhiệm hình sự là vấn đề nguồn quy định tội phạm nói riêng cũng như nguồn của pháp luật hình sự nói chung.

2. Khái niệm nguồn của pháp luật hình sự có thể được hiểu theo các nghĩa khác nhau.

Nguồn của pháp luật hình sự có thể được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp(3) hoặc theo nghĩa nguồn trực tiếp và nguồn gián tiếp.(4)

Chúng tôi quan niệm nguồn của pháp luật hình sự là các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về tội phạm, về hình phạt. Trong đó, quy định về tội phạm được hiểu là sự mô tả hành vi bị coi là tội phạm và đặt tội danh cho hành vi đó. Cách hiểu này tương đương với cách hiểu về nguồn của pháp luật hình sự theo nghĩa hẹp cũng như với cách hiểu về nguồn trực tiếp của pháp luật hình sự.(5) Theo cách hiểu này thì những văn bản quy phạm pháp luật có tính giải thích, hướng dẫn hoặc có tính chất là căn cứ được chỉ dẫn đến đều không phải là nguồn của pháp luật hình sự. Ví dụ: Các thông tư liên tịch hay các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một hoặc một số điều luật của BLHS; các luật thuộc các lĩnh vực khác nhau mà trong đó có các điều luật có thể được viện dẫn đến khi áp dụng một điều luật cụ thể của BLHS. Ví dụ: Khi xét xử về các tội thuộc nhóm tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ theo BLHS thì cần phải viện dẫn các điều luật có liên quan của Luật giao thông đường bộ hoặc khi xét xử về các tội thuộc nhóm tội phạm về môi trường thì cần phải viện dẫn các điều luật có liên quan của Luật bảo vệ môi trường; v.v..

Như vậy, xét về nội dung thì nguồn của pháp luật hình sự phải là văn bản quy phạm pháp luật có các quy phạm pháp luật hình sự

– quy phạm quy định về tội phạm và hình phạt. Xét về hình thức thì không phải tất cả các loại (hình thức) văn bản quy phạm pháp luật đều có thể là nguồn của pháp luật hình sự. Do tính chất nghiêm khắc đặc biệt của chế tài hình sự nên nguồn của pháp luật hình sự, về nguyên tắc chỉ có thể là văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành. Chỉ văn bản luật (bộ luật hoặc luật(6)) mới có thể là nguồn của ngành luật hình sự. Các văn bản dưới luật không thể là nguồn của ngành luật hình sự.

Bộ luật hình sự là luật mà trong đó tập hợp đầy đủ hoặc tương đối đầy đủ các quy định về tội phạm và hình phạt hay nói một cách khác, bộ luật hình sự là luật mà trong đó có tất cả hoặc hầu hết các quy phạm pháp luật hình sự. Khác với bộ luật hình sự, mỗi một luật hình sự(7) chỉ có một số quy phạm pháp luật hình sự. Mỗi luật hình sự có thể giữ vai trò bổ sung cho bộ luật hình sự trong trường hợp có bộ luật hình sự; còn trong trường hợp không có bộ luật hình sự thì mỗi một luật hình sự là một bộ phận và cùng với các luật hình sự khác hợp thành nguồn của ngành luật hình sự. Các luật hình sự theo nghĩa hẹp được hiểu là các luật mà trong đó chỉ có các quy định về tội phạm, về hình phạt thuộc vấn đề hoặc lĩnh vực cụ thể nhất định. Theo nghĩa rộng thì các luật hình sự còn gồm các luật thuộc ngành luật khác mà trong đó có điều luật xác định tội phạm và quy định hình phạt. Các luật này có nội dung là điều chỉnh các quan hệ xã hội khác nhau nhưng đồng thời cũng trực tiếp xác định những hành vi vi phạm sự điều chỉnh này trong trường hợp nhất định là tội phạm cũng như trực tiếp quy định hình phạt có thể áp dụng cho các tội phạm này. Do việc quy định tội phạm và hình phạt chỉ là một nội dung kèm theo nên các luật thuộc loại này có thể được gọi là luật có quy phạm pháp luật hình sự.

Tóm lại, nguồn của ngành luật hình sự có thể là bộ luật hình sự, các luật hình sự và các luật có quy phạm pháp luật hình sự. Nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng ngành luật hình sự theo hướng có BLHS và các luật có quy phạm pháp luật hình sự.(8) Trong đó, BLHS quy định những vấn đề chung về tội phạm và hình phạt cũng như quy định những tội danh thông thường; còn các luật có quy phạm pháp luật hình sự quy định tội danh thuộc những lĩnh vực riêng biệt. Thuộc các quốc gia xây dựng ngành luật hình sự theo hướng này có CHLB Đức. Theo các nhà khoa học của CHLB Đức, phạm vi của luật hình sự vượt ra ngoài BLHS; có số lượng lớn các luật thuộc tất cả các lĩnh vực của pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật quy định hành vi bị đe doạ bị xử lí bằng hình phạt. Người ta gọi tập hợp các quy phạm pháp luật hình sự nằm ngoài BLHS là Pháp luật hình sự phụ (Nebenstrafrecht).(9) Như vậy, một khái niệm ít quen thuộc được phát sinh từ đây – khái niệm “Pháp luật hình sự phụ”. Pháp luật hình sự phụ bao gồm tất cả các quy phạm pháp luật hình sự không được quy định trong BLHS mà được quy định trong các luật khác.(10) Trong số các luật này có một số luật như Luật về công nghệ gen; Bộ luật về lương thực, thực phẩm; Luật về an ninh dữ liệu từ các vệ tinh; v.v.. Các luật này có nội dung chính là điều chỉnh các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên biệt nhưng trong đó có một hoặc một số điều luật xác định những hành vi bị coi là vi phạm và tội phạm cũng như quy định các biện pháp xử lí kèm theo, trong đó có hình phạt. Ví dụ: Trong Luật về công nghệ gen, Điều 38 quy định về xử phạt hành chính và Điều 39 quy định trách nhiệm hình sự của các hành vi bị coi là tội phạm hoặc trong Bộ luật về lương thực, thực phẩm có hai điều luật là Điều 58 và Điều 59 quy định các hành vi bị coi là tội phạm v.v.. Những điều luật quy định về tội phạm cũng như về vi phạm hành chính trong các luật chuyên biệt này là một bộ phận của các luật chuyên biệt nhưng lại có ý nghĩa góp phần đảm bảo cho các luật chuyên biệt được tuân thủ trong thực tế.

Ở Việt Nam, nguồn của ngành luật hình sự được thể hiện như sau:

– Trước năm 1986 – Thời điểm trước khi Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 có hiệu lực, ngành luật hình sự Việt Nam không có cả bộ luật hình sự lẫn luật hình sự. Văn bản quy phạm pháp luật được coi là nguồn của ngành luật hình sự trong giai đoạn này chỉ bao gồm những văn bản dưới luật, trong đó chủ yếu là các pháp lệnh. Trong giai đoạn này, các pháp lệnh được áp dụng là Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng (năm 1967), Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân (năm 1970), Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ (năm 1981), Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép (năm 1982) v.v.. Văn bản quy phạm pháp luật quy định được nhiều nhóm tội phạm nhất trong giai đoạn này là Sắc luật số 03 năm 1976. Trong đó, các nhóm tội phạm được quy định một cách đơn giản gồm: Các tội phản cách mạng, các tội xâm phạm tài sản công cộng, các tội xâm phạm thân thể, nhân phẩm, sức khoẻ, tài sản riêng của công dân, các tội kinh tế, các tội chức vụ, hối lộ và các tội xâm phạm trật tự, an toàn công cộng. Ngoài các pháp lệnh và sắc luật kể trên thông tư cũng được coi là nguồn của ngành luật hình sự.(11)

3. Quan niệm nguồn của pháp luật hình sự (theo nghĩa hẹp) chỉ là BLHS là quan niệm không còn phù hợp với xu thế và điều kiện hiện nay.

BLHS là sản phẩm cần thiết của việc pháp điển hoá, là nhu cầu tất yếu của quá trình phát triển trong công tác xây dựng pháp luật. Pháp điển hoá để tạo ra “… một văn bản (quy phạm) pháp luật mới hoặc có hiệu lực pháp lí cao hơn hoặc rộng hơn, tổng quát hơn về phạm vi điều chỉnh, hoàn chỉnh hơn về kĩ thuật lập pháp hoặc đồng thời đạt được tất cả các yêu cầu đó.”(12) Như vậy, pháp điển hoá để tạo cho ngành luật hình sự một BLHS nhưng không phải để “bó gọn” ngành luật này trong một văn bản quy phạm pháp luật. Về mặt lí luận, mục đích của việc xây dựng BLHS không phải để thay thế và loại trừ tất cả các luật và nếu mục đích đó có được đặt ra thì BLHS cũng không thể thực hiện được mục đích đã được đặt ra đó. Điều này đã lí giải tại sao các quốc gia được tác giả nêu ở phần trên đều đã khẳng định không coi BLHS là văn bản quy phạm pháp luật hình sự duy nhất. Khi pháp điển hoá để có sản phẩm là BLHS thì yêu cầu đã được đặt ra là phải đảm bảo cho bộ luật có tính ổn định tương đối. Trong khi đó vẫn phải đảm bảo tính phù hợp, tính toàn diện của ngành luật hình sự.(13) Ngành luật hình sự vẫn phải luôn luôn có sự thay đổi kịp thời, đáp ứng yêu cầu chống và phòng ngừa tội phạm trước sự vận động song hành của tội phạm với sự phát triển kinh tế – xã hội trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế. Như chúng ta đều biết, trong các biện pháp phòng ngừa tội phạm có biện pháp mà nội dung của nó thuộc về vấn đề phát triển kinh tế – xã hội vì có nguyên nhân của tội phạm thuộc phạm vi này. Nhưng phát triển kinh tế – xã hội còn có thể làm phát sinh những hiện tượng, những quá trình mà những hiện tượng, những quá trình này lại chính là nguyên nhân của tội phạm. Phát triển kinh tế – xã hội cũng như hội nhập quốc tế luôn có mặt trái của nó là khả năng phát sinh những hiện tượng tiêu cực cho xã hội từ vi phạm đến tội phạm. Chính vì vậy mà trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 (Luật số 37 ngày 19/06/2009) có nhiều điều luật được bổ sung nhằm chống và phòng ngừa những hiện tượng tiêu cực mới phát sinh này. Trong đó có 3 điều luật liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, 5 điều luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin (3 điều luật được sửa đổi và 2 điều luật được bổ sung) v.v.. Tóm lại, trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế, nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội sẽ tiếp tục phát triển hoặc sẽ hình thành và phát triển. Song hành với nó sẽ là sự phát sinh, phát triển những dạng hành vi phạm tội mới. Điều này đòi hỏi phải được phản ánh kịp thời trong ngành luật hình sự, đảm bảo cho ngành luật này có tính phù hợp và tính toàn diện. Tuy nhiên, tính phù hợp và tính toàn diện này sẽ khó được đảm bảo nếu vẫn quan niệm nguồn của ngành luật hình sự chỉ là BLHS vì không thể liên tục sửa đổi, bổ sung BLHS.(14) Mặt khác, nếu có thể sửa đổi, bổ sung được liên tục thì tính ổn định của Bộ luật này sẽ bị phá vỡ.

Để đảm bảo tính ổn định của BLHS và tính phù hợp, tính toàn diện của ngành luật hình sự chúng ta cần chấp nhận quan niệm mới về nguồn của pháp luật hình sự: Nguồn của pháp luật hình sự có “hạt nhân” là BLHS và xung quanh “hạt nhân” này là hệ thống các luật thuộc tất cả các lĩnh vực mà ở đó có thể phát sinh các hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức độ có thể bị coi là tội phạm. Quan niệm này không trái với quan điểm pháp điển hoá cũng như hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc “không có luật thì không có tội”; BLHS hay luật hình sự hay luật có quy phạm pháp luật hình sự là cùng loại văn bản quy phạm pháp luật, có cùng giá trị pháp lí. Chúng ta đã dùng một văn bản luật để sửa đổi, bổ sung BLHS như Luật số 37/2009/QH12 ngày 19/06/2009. Điều này xét cho cùng cũng có nghĩa Luật số 37 là nguồn của ngành luật hình sự và trong văn bản luật này đã có các điều luật quy định về tội phạm và hình phạt.(15) Do vậy, việc mở rộng phạm vi cho phép các luật hoặc bộ luật khác cũng có thể có những điều luật về tội phạm và hình phạt bên cạnh các điều luật quy định về xử phạt hành chính là điều hoàn toàn hợp lí. Khi cho phép như vậy sẽ có nhiều điểm lợi như sau:

– Thứ nhất, đảm bảo tính ổn định của BLHS: BLHS sẽ chỉ phải sửa đổi, bổ sung khi cần thay đổi quy định chung về tội phạm và hình phạt cũng như quy định về các tội phạm cụ thể có tính truyền thống và ổn định mà điều này nói chung ít xảy ra, không thể thường xuyên như việc phải bổ sung hay sửa đổi quy định về các tội phạm cụ thể phát sinh cùng với tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế.

– Thứ hai, đảm bảo tính phù hợp, tính toàn diện của ngành luật hình sự: Trong khi việc sửa đổi, bổ sung tội danh hay khung hình phạt trong BLHS không thể thường xuyên và thường chậm vì nhiều lí do khác nhau (kể cả lí do phức tạp về mặt kĩ thuật) thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong một luật hay việc ban hành một luật mới là việc làm ít phức tạp hơn và có thể cùng lúc hoặc liên tiếp sửa đổi, bổ sung nhiều luật khác nhau. Do vậy, chúng ta có thể nhanh chóng sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời các quy phạm pháp luật hình sự, tránh được tình trạng thực tiễn đấu tranh chống tội phạm phải chờ đợi việc sửa đổi, bổ sung BLHS. Tính đa dạng và phức tạp của tội phạm trong t¹p chÝ luËt häc sè 7/2011 quá trình phát triển và hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi nguồn của ngành luật hình sự phải đa dạng, không thể bó hẹp trong BLHS.

– Thứ ba, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật: Khi nhu cầu phát triển của một lĩnh vực kinh tế – xã hội nào đó đòi hỏi phải có một luật hay cần sửa đổi, bổ sung một luật đã có chúng ta đồng thời thể hiện ba nội dung khác nhau nhưng thống nhất với nhau trong cùng một luật. Trong cùng một luật có cả ba loại quy phạm pháp luật. Đó là:

+ Các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc từng lĩnh vực kinh tế – xã hội như lĩnh vực tài chính, tiền tệ, lĩnh vực chứng khoán, lĩnh vực đất đai, lĩnh vực công nghệ thông tin, v.v..;

+ Các quy phạm pháp luật về vi phạm hành chính và

+ Các quy phạm pháp luật hình sự.

Ba nhóm nội dung trên, khi được thể hiện trong cùng một luật sẽ có tính thống nhất cao. Quy phạm về vi phạm hành chính và quy phạm pháp luật hình sự được xây dựng dựa trên cơ sở các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Đồng thời các quy phạm về vi phạm hành chính và quy phạm pháp luật hình sự với tính chất là các quy phạm bảo vệ có mục đích đảm bảo tính hiệu lực của các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Giữa quy phạm về vi phạm hành chính và quy phạm pháp luật hình sự cũng có mối quan hệ rất gắn bó với nhau vì đều quy định về các hành vi vi phạm quy phạm điều chỉnh nhưng ở các mức độ khác nhau – mức độ vi phạm và mức độ tội phạm. Việc thể hiện cả ba loại quy phạm này trong một luật không chỉ bảo đảm tính thống nhất mà còn đảm bảo chất lượng của các quy phạm. Hiện nay, nhiều văn bản luật đã có các quy phạm về vi phạm hành chính bên cạnh các quy phạm pháp luật điều chỉnh nhưng không có quy phạm pháp luật hình sự kèm theo nên giữa các quy phạm về vi phạm hành chính này với các quy phạm pháp luật hình sự trong BLHS có thể có sự không thống nhất với nhau. Giữa quy phạm về vi phạm hành chính được ban hành sau có thể mâu thuẫn với quy phạm pháp luật hình sự đã có trước đó; hoặc nhiều quy phạm về vi phạm hành chính không được bổ sung các quy phạm pháp luật hình sự kèm theo cho trường hợp vi phạm ở mức độ tội phạm. Tất cả những hạn chế này sẽ được khắc phục để đảm bảo tính đồng bộ và tính hiệu quả khi chúng ta quan niệm nguồn của pháp luật hình sự không chỉ là BLHS mà còn có thể là các luật khác.

– Thứ tư, đảm bảo điều kiện cho việc pháp điển hoá: Pháp điển hoá là một quá trình; các quy phạm pháp luật được pháp điển hoá khi đã được kiểm nghiệm. Việc xây dựng các quy phạm pháp luật hình sự trong các luật là bước chuẩn bị cho việc hệ thống hoá và tiếp theo là pháp điển hoá sau này khi có đủ điều kiện. Như vậy, giữa pháp điển hoá và mở rộng phạm vi nguồn của pháp luật hình sự không mâu thuẫn mà hoàn toàn thống nhất với nhau. Vì quan niệm nguồn của pháp luật hình sự chỉ có thể là BLHS nên trong thời gian vừa qua, chúng ta đã buộc phải đi theo quy trình “tắt”, quy trình “ngược” khi quy định một số nhóm tội phạm mới. Đối với các nhóm tội phạm này chúng ta đã không xây dựng được ngay hệ thống các quy phạm hoàn chỉnh trong BLHS mà chỉ xây dựng được một số điều cho mỗi nhóm tội phạm và các điều luật này đã không đáp ứng được yêu cầu do quá khái quát, chưa cụ thể, rõ ràng. Cho nên, ngay sau đó, chúng ta đã phải sửa đổi, bổ sung theo hướng tách tội, bổ sung tội hoặc sửa đổi quy định đã có. Ví dụ: Nhóm tội phạm về ma tuý trước đây, nhóm tội phạm về môi trường hoặc nhóm tội phạm về vi tính hiện nay v.v..

4. Thay đổi quan niệm về nguồn của pháp luật hình sự theo hướng trên sẽ dẫn đến hai sự thay đổi chính.

Đó là thay đổi trong một số quy định của BLHS và thay đổi trong cấu trúc của các luật khác có nội dung liên quan đến vấn đề trách nhiệm hình sự.

– Thay đổi trong một số quy định của BLHS: Các điều luật trong BLHS có nội dung là sự giới hạn việc quy định tội phạm chỉ có thể trong BLHS đều phải được sửa theo hướng cho phép các luật khác cũng có thể quy định tội phạm.

– Thay đổi trong cấu trúc của các luật khác: Các luật của các lĩnh vực khác nhau khi được xây dựng cần có 1 chương về xử lí vi phạm và tội phạm nếu xét thấy có khả năng xảy ra vi phạm cần bị xử phạt hành chính cũng như xét thấy có khả năng xảy ra vi phạm ở mức độ tội phạm mà những tội phạm đó không thuộc tội phạm thông thường đã được pháp điển hoá trong BLHS. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia cũng như từ thực tế của Việt Nam chúng tôi cho rằng một số luật sau đây có thể được ưu tiên trong việc bổ sung các quy phạm pháp luật hình sự: Luật bảo hiểm xã hội,(16) Luật bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật cạnh tranh, Luật chứng khoán, Luật công nghệ thông tin, Luật đất đai, Luật năng lượng nguyên tử, Luật sở hữu trí tuệ, Luật tài nguyên nước v.v..

Tác giả: GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa

Bài viết được đăng tải trên Tạp chí Luật học số 7/2011


(1). Luật phòng, chống mua bán người khi liệt kê các nhóm hành vi bị cấm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã xác định các hành vi được quy định tại các điều 119 và 120 BLHS là nhóm hành vi thứ nhất trong các nhóm này. Các nhóm hành vi khác được liệt kê trong Luật này là chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc
lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác…; v.v.. (xem Điều 3 Luật phòng, chống mua bán người).

(2). Trong đó có các hành vi như: Không đóng BHXH, không đóng BHXH đúng thời gian quy định, không đóng BHXH đúng mức quy định, không đóng BHXH cho đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; hành vi gian lận BHXH, giả mạo hồ sơ BHXH; hành vi sử dụng tiền đóng và quỹ bảo hiểm xã hội trái quy định của pháp luật; v.v.. (Xem Luật bảo hiểm xã hội).

(3).Xem: Đào Trí Úc, Luật hình sự Việt Nam, Quyển 1 – Những vấn đề chung, Nxb. Khoa học xã hội, 2000, tr. 293 và các tr. tiếp theo.

(4).Xem: Lê Văn Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2005, tr. 154 và các tr. tiếp theo.

(5). “… nguồn của luật hình sự chỉ bao gồm những căn cứ trực tiếp quy định về những gì liên quan đến tội phạm và hình phạt. Nói cách khác, … nguồn của luật hình sự chỉ có thể là những văn bản pháp luật hình sự.” (Đào Trí Úc, Luật hình sự Việt Nam, Quyển 1 – Những vấn đề chung, Nxb. Khoa học xã hội, 2000, tr. 293).

(6). Trước đây, để phân biệt văn bản luật không phải là bộ luật với bộ luật chúng ta có khái niệm đạo luật. Hiện nay, khái niệm này không còn được dùng nữa vì theo Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chỉ có khái niệm luật mà không có khái niệm đạo luật. Trong đó luật được hiểu bao gồm cả bộ luật.

(7). Từ đây trở đi, chúng tôi sử dụng khái niệm luật hình sự với nghĩa là một hình thức văn bản quy phạm pháp luật (hình sự) – (văn bản) luật hình sự.

(8). Quan điểm này có thể được thể hiện rõ trong điều luật định nghĩa khái niệm tội phạm của BLHS. Ví dụ: Điều 1 BLHS Thuỵ Điển quy định: Tội phạm là hành vi được quy định trong Bộ luật này hoặc luật hoặc các văn bản pháp luật khác… (Xem: Bộ luật hình sự Thuỵ Điển, Nxb. CAND năm 2010); Điều 3 BLHS CHND Trung Hoa quy định: Chỉ những hành vi mà pháp luật quy định rõ ràng là hành vi phạm tội thì người có hành vi đó mới bị kết án hoặc bị xử phạt…
(Xem: Bộ luật hình sự CHND Trung Hoa, Nxb. Tư pháp năm 2007; Điều 1 BLHS CHLB Đức quy định: Một hành vi chỉ có thể bị xử phạt nếu việc xử phạt đã được luật quy định trước khi hành vi được thực hiện (tác giả tự dịch); v.v..

(9).Xem: Claus Roxin, Strafrecht Allgemeiner Teil, Verlag C.H.Beck, Muenchen 1997, tr. 4.

(10). Có thể xem Danh mục (gần 100) văn bản quy phạm pháp luật loại này tại: http://de.wikipedia.org./ wiki/Nebenstrafrecht

(11).Xem: Thông tư của Thủ tướng Chính phủsố 442-TTg ngày 19/1/1955; Chỉ thị của TANDTC số 772-TATC ngày 10/7/1959.

(12). Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lí luận nhà nước và pháp luật, Nxb. CAND, 2008, tr. 419.
(13). Về các tiêu chuẩn cơ bản (trong đó có tính phù hợp) để xác định mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật nói chung cũng như của từng ngành luật nói riêng có thể xem: Giáo trình Lí luận nhà nước và pháp luật, Sđd., tr. 406 và các tr. tiếp theo.

(14). Thực tế cho thấy BLHS năm 1999 phải sau 10 năm (2009) mới có sửa đổi, bổ sung lần đầu và trong lần sửa đổi, bổ sung này cũng chưa giải quyết được hết các yêu cầu của thực tế.

(15). Về mặt kĩ thuật, điều này cho phép chúng ta có thể in và phát hành Luật số 37 kèm theo BLHS mà không nhất thiết phải in lại ngay BLHS sau khi sửa đổi, bổ sung để tránh lãng phí.

(16). Về Luật này có thể xem thêm: Nguyễn Thị Anh Thơ, “Cần tội phạm hoá một số hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội”, Tạp chí toà án nhân dân, số 20/2009, tr. 21 và các tr. tiếp theo.


* Trường Đại học Luật Hà Nội

5/5 - (28345 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.