Nguồn luật văn bản của Luật hình sự Việt Nam

Chuyên mụcLuật hình sự Luật hình sự

Nguồn của Luật hình sự là một trong những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng không chỉ đối với hoạt động xây dựng mà đối với cả hoạt động áp dụng và thực hiện pháp luật. Với tư cách là hình thức bên ngoài của pháp luật, nguồn của Luật hình sự bao gồm nguồn văn bản quy phạm và các nguồn khác ngoài văn bản quy phạm, chẳng hạn như án lệ. So với án lệ và các nguồn khác, nguồn văn bản của Luật hình sự Việt Nam có lịch sử phát triển lâu dài và tầm quan trọng đặc biệt.


>>> Xem thêm:
Nguồn của pháp luật hình sự – những yêu cầu được đặt ra cho pháp luật hình sự Việt Nam

 

Nguồn luật văn bản của Luật hình sự Việt Nam

Mục lục:

  1. Khái quát lịch sử hình thành và phát triển nguồn văn bản của Luật hình sự Việt Nam
  2. Thực trạng nguồn văn bản của luật hình sự Việt Nam hiện hành
  3. Một số kiến nghị

Luật hình sự

1. Khái quát lịch sử hình thành và phát triển nguồn văn bản của Luật hình sự Việt Nam

1.1. Về lịch sử hình thành và phát triển nguồn của luật văn bản của Luật hình sự Việt Nam trước năm 1945

Sự hình thành và phát triển nguồn văn bản của Luật hình sự Việt Nam trong lịch sử gắn liền với nhu cầu quản lý xã hội bằng luật và sự quan tâm của chính quyền phong kiến trung ương đối với vấn đề này. Nhà nước phong kiến rất chú trọng đến tính đa dạng của nguồn luật văn bản. Tồn tại song song với các bộ luật lớn được pháp điển hóa như Bộ Hình thư đời Lý, đời Trần, Bộ Quốc Triều hình luật thời Lê, Bộ Hoàng Việt luật lệ nhà Nguyễn là các văn bản pháp luật hình sự đơn hành như Chiếu, Lệnh của nhà vua và những Bộ Hội điển mang tính chất tập hợp hóa các Chiếu, Lệnh này(1). Giá trị về mặt pháp lý của các bộ pháp điển, bộ Hội điển hay các văn bản đơn hành là như nhau bởi chúng đều được ban hành với danh nghĩa người đứng đầu nhà nước nhưng văn bản đơn hành thường quy định về một hoặc một vài vấn đề cụ thể mang tính chi tiết hơn. Việc duy trì đồng thời nhiều loại nguồn văn bản được thực tế chứng minh là phù hợp, thích ứng với đặc điểm quan hệ xã hội cần điều chỉnh và năng lực áp dụng luật của giới quan chức trong xã hội cũ. Có lẽ đây cũng là một kinh nghiệm hay mà các luật gia và nhà hoạch định chính sách hiện đại cần nghiên cứu, khai thác học tập.

Sự đô hộ của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương trong khoảng gần một thế kỷ đã làm thay đổi sâu sắc pháp luật Việt Nam trên cả ba phương diện: tính chất, nội dung và hình thức pháp luật. Trước đây, hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam không có sự phân chia thành các ngành luật cụ thể mà đều được thể hiện dưới dạng quy phạm của luật hình. Bằng việc ban hành ba Bộ luật hình sự(2) áp dụng trên ba miền Bắc – Trung – Nam, người Pháp đã xác định lại giới hạn của Luật hình sự trong phạm vi điều chỉnh quan hệ giữa Nhà nước bảo hộ với người mà Nhà nước coi là đã thực hiện hành vi phạm tội. Về nguồn luật, khái niệm “án lệ” chính thức xuất hiện và được coi là nguồn của Luật hình sự Việt Nam giai đoạn đó bên cạnh nguồn luật văn bản là loại nguồn quan trọng.

1.2. Sự hình thành và phát triển nguồn văn bản của Luật hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến nay

Sau Cách mang Tám, để duy trì sự ổn định của các quan hệ xã hội, chính quyền cách mạng chủ trương tiếp tục áp dụng các văn bản pháp luật của chế độ cũ, đồng thời tích cực ban hành nhiều văn bản mới trong lĩnh vực luật hình sự. Cần lưu ý là Sắc lệnh ngày 10/10/1945 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa chỉ cho phép áp dụng văn bản pháp luật của chế độ cũ chứ không thừa nhận các án lệ cũ. Chính điểm khởi đầu này đã định hướng cho xu hướng vận động, phát triển nguồn của luật hình sự Việt Nam ở giai đoạn tiếp sau: xu hướng coi văn bản quy phạm là nguồn cơ bản, chủ đạo của luật hình sự Việt Nam hiện đại. Do hoàn cảnh chiến tranh và sự thiếu kinh nghiệm xây dựng pháp luật, trong suốt một thời gian dài, nguồn văn bản của Luật hình sự Việt Nam là một tập hợp của các văn bản đơn hành với nhiều hình thức tên gọi như Sắc lệnh, Thông tư, Điều lệ, v.v… Khoảng những năm 1970 của thế kỷ trước, xuất hiện một số văn bản pháp luật hình sự có tính pháp điển hóa như Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30/10/1967; 02 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm sở hữu ngày 21/10/1970, Sắc lệnh số 03/SL của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ngày 15/3/1976, v.v… Với sự quan tâm của Nhà nước, quá trình pháp điển hóa pháp luật hình sự ở Việt Nam được đẩy mạnh trong giai đoạn 1982 – 1986 mà đỉnh cao của nó là sự ra đời của một bộ luật thống nhất, duy nhất xác định tội phạm và hình phạt – Bộ luật hình sự năm 1985. Có thể nói, Bộ luật hình sự năm 1985 là sự kết tinh thành tựu 40 năm hoạt động lập pháp của chính quyền cách mạng, là bản tổng kết sâu sắc thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ở nước ta từ năm 1945 đến thời điểm Bộ luật được ban hành. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập quốc tế, Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009) là Bộ luật hình sự hiện hành của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Thực trạng nguồn văn bản của luật hình sự Việt Nam hiện hành

Sự phát triển nguồn văn bản của Luật hình sự Việt Nam hiện hành chịu sự chi phối mạnh mẽ từ các quy định mang tính nguyên tắc của Bộ luật hình sự (BLHS). Điều 2 BLHS năm 1999 quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được quy định trong BLHS mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Khoản 1 Điều 8 BLHS quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong BLHS…”. Từ quy định của hai điều luật này, xuất hiện trong khoa học pháp lý quan điểm cho rằng BLHS là nguồn duy nhất của Luật hình sự Việt Nam(3). Nếu coi BLHS là nguồn duy nhất của luật hình sự thì cũng có nghĩa là loại bỏ các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật ra khỏi phạm vi nguồn văn bản của luật hình sự. Điều này là không hợp lý bởi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật coi các Thông tư liên tịch và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), trong đó có các Thông tư liên tịch và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành BLHS, là văn bản quy phạm pháp luật và không thể xếp các văn bản quy phạm này vào một ngành luật nào khác ngoài luật hình sự.

Thực tiễn xây dựng pháp luật hình sự Việt Nam cho thấy các quy phạm pháp luật hình sự được thiết kế theo mô hình hình tháp với phần đỉnh tháp là quy phạm phần chung, phần giữa tháp là quy phạm quy định tội phạm cụ thể và phần đáy tháp là các quy phạm hướng dẫn thi hành. Mô hình này gợi lại mối liên hệ về cách mà cha ông ta đã làm: trong Bộ Hoàng Việt luật lệ, các điều luật, ngoài phần chính văn còn có phần giải thích, điều lệ và tập chú (chú thích) để tiện việc áp dụng. Tuy nhiên, điểm khác giữa luật hiện hành và luật cổ ở chỗ, đa số các điều luật trong luật cổ đều được giải thích và có lệ kèm theo, có điều luật được phụ thêm tới 18 điều lệ [1] còn với BLHS hiện hành, số điều luật được hướng dẫn lại quá khiêm tốn, với 09 Thông tư liên tịch, 07 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về tội phạm và hình phạt từ năm 1999 đến nay và đôi khi sự hướng dẫn này cũng không được cụ thể, rõ ràng.

Nghiên cứu tổng thể về thực trạng nguồn văn bản của Luật hình sự Việt Nam hiện hành, có thể rút ra một số nhận xét dưới đây:

Một là, nguồn văn bản của luật hình sự Việt Nam được xây dựng theo hướng hiện đại. Tính hiện đại của nguồn văn bản của Luật hình sự Việt Nam thể hiện qua: 1) Kỹ thuật pháp điển hóa ở trình độ cao của BLHS; 2) Tính chuẩn mực của các quy phạm quy định những nguyên tắc nền tảng của luật hình sự hiện đại như nguyên tắc hành vi, nguyên tắc tính có lỗi, nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt, nguyên tắc nhân đạo, v.v…; 3) Sự phân chia hợp lý các nhóm tội phạm theo khách thể loại, tạo điều kiện cho việc thiết kế bộ máy đấu tranh tương ứng.

Hai là, nguồn văn bản của luật hình sự Việt Nam hiện nay, về cơ bản, đã bắt kịp và tương đối phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam, với truyền thống và đặc điểm tâm lý, tính cách của người Việt Nam. Trong 25 năm qua, tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi to lớn dẫn đến sự thay đổi diện mạo của toàn bộ hệ thống pháp luật, trong đó có các quy định luật hình sự. Có thể thấy rằng, nhà lập pháp hình sự nước ta đã giải quyết được một cách hài hòa mâu thuẫn giữa sự thay đổi tất yếu mang tính tiến bộ của pháp luật với yêu cầu về sự ổn định mang tính nội tại bên trong nó, mâu thuẫn giữa hiện đại với truyền thống, giữa hội nhập với bản sắc văn hóa và tâm lý người Việt. Nhìn chung, không xuất hiện hiện tượng “sốc” pháp luật khi các văn bản pháp luật hình sự mới được ban hành.

Ba là, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, nguồn văn bản của Luật hình sự Việt Nam có những nhược điểm chưa được khắc phục là: 1) Tính thiếu cụ thể và rõ ràng trong quy định của BLHS và một số văn bản hướng dẫn thi hành; 2) Sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật hình sự; 3) Còn tồn tại tình trạng “nguồn phi chính thức” trong nguồn văn bản của luật hình sự Việt Nam. Dưới đây là một vài ví dụ mang tính minh họa cho những nhận định này.

Thứ nhất, về tính thiếu cụ thể và rõ ràng trong quy định của BLHS và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định của Điều 245 BLHS về Tội gây rối trật tự công cộng thì chỉ xử lý hình sự người có hành vi gây rối trật tự công cộng nếu họ đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng”. BLHS không quy định rõ thế nào là “hậu quả nghiêm trọng” được gây ra bởi hành vi gây rối trật tự công cộng. Muốn xác định được tình tiết này, phải căn cứ vào mục 5 Phần I của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của HĐTP TANDTC. Điểm a và b tiểu mục 5.1 của Nghị quyết nói trên giải thích tình tiết “hậu quả nghiêm trọng” để xử lý theo khoản 1 Điều 245 BLHS là gây “cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ” và gây “cản trở sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân”. Không rõ người có hành gây rối trật tự công cộng phải gây cản trở, ách tắc giao thông từ thời gian bao lâu đến 2 giờ đồng hồ hoặc gây cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang ở mức độ nào mới phải chịu trách nhiệm hình sự? Tội gây rối trật tự công cộng không phải là trường hợp duy nhất được quy định và giải thích, hướng dẫn theo cách này. Cũng cần thiết phải bổ sung thêm rằng, đây là quy định về tội phạm đã được hướng dẫn áp dụng; BLHS còn nhiều điều luật khác chưa được hướng dẫn, giải thích cụ thể
mặc dù đã được triển khai thực hiện hơn 10 năm qua.

Thứ hai, liên quan đến đến vấn đề về thiếu đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật hình sự. Nghiên cứu, so sánh hiệu lực thi hành của các Thông tư liên tịch và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS, có thể nhận thấy: các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC thường có hiệu lực hồi tố(4), trong khi đó các Thông tư liên tịch thì không quy định hiệu lực này. Nếu giải thích rằng Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC là văn bản hướng dẫn nghiệp vụ ngành thì không chính xác bởi theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đây là một loại văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Nếu cho rằng Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC quy định nhiều vấn đề có lợi cho đối tượng áp dụng hơn các Thông tư liên tịch thì cũng không thỏa đáng, vì trong những năm gần đây, cả Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC và các Thông tư liên tịch đều có cùng nội dung giải thích những điểm chưa rõ của các dấu hiệu cấu thành tội phạm mà BLHS mô tả. Sự khấp khểnh, thiếu thống nhất này rõ ràng này chỉ có thể được giải thích là cách tiếp cận và tư duy pháp lý mang tính chủ quan của các chủ thể soạn thảo văn bản luật khác nhau. Thông tư liên tịch thường do vụ Pháp chế của các Bộ soạn dự thảo còn Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC được dự thảo bởi những người của ngành Tòa án.

Thứ ba, về tình trạng “nguồn văn bản phi chính thức” của luật hình sự Việt Nam. Điều 130 Hiến pháp 1992 quy định: “Khi xét xử, thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Khái niệm pháp luật nói trong điều luật này, đứng dưới góc độ nguồn luật văn bản, phải là các văn bản quy phạm pháp luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, thực tiễn đời sống pháp luật ở nước ta nổi lên một hiện tượng là: các công văn hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Tòa án (và nói chung là của các cơ quan tư pháp) tuy không phải là văn bản quy phạm song lại là nguồn văn bản quan trọng của luật hình sự bởi trong các công văn này chứa đựng nhiều nội dung quy phạm luật có hiệu lực áp dụng bắt buộc. Chẳng hạn như Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 gửi các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp. Các tình tiết mà luật hình sự quy định như “tự thú”, “hàng phạm pháp là hàng cấm có số lượng rất lớn và số lượng đặc biệt lớn”, tình tiết “phạm tội nhiều lần” trong Điều 180 BLHS hay xử lý trường hợp sử dụng điện trái phép làm chết người được giải thích cụ
thể trong Công văn này.

Những tồn tại nêu trên cần được tiếp cận, nghiên cứu một cách biện chứng và khách quan: tồn tại nào thực sự là hạn chế, yếu điểm cần khắc phục, tồn tại nào thuộc về sự vận động tất yếu của pháp luật mà Nhà nước nên có cơ chế giải tỏa hợp lý. Để nguồn văn bản của luật hình sự Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị dưới đây.

3. Một số kiến nghị

Thứ nhất, Nhà nước ta nên mở rộng nguồn quy định tội phạm và hình phạt đối với các văn bản luật ngoài BLHS. Việc dồn ép tất cả những hành vi nguy hiểm cho xã hội, đáng bị trừng phạt bằng biện pháp hình sự vào một danh mục và đưa danh mục này vào BLHS sẽ tạo ra tình trạng quá tải cho Bộ luật này. Thay vì chỉ quy định những tội phạm ổn định, mang tính điển hình, BLHS phải quy định cả những hành vi bị cấm của các văn bản luật khác. Kinh nghiệm quốc tế cũng như Việt Nam cho thấy kết quả của việc làm này thường là tiêu cực, mang lại nhiều bất lợi hơn những ưu điểm mà nó tạo ra. Hoạt động xây dựng pháp luật hình sự, về thực chất, bị chi phối bởi hai yếu tố cơ bản: chính sách chính trị của Đảng cầm quyền và kỹ thuật chuyển tải chính sách đó thành nội dung của luật. Theo quan điểm chúng tôi, việc quy định tội phạm và hình phạt trong một hay nhiều văn bản luật, xét đến cùng, cũng chỉ thuộc vấn đề kỹ thuật. Nhà lập pháp nên lựa chọn phương pháp giải quyết vấn đề kỹ thuật hợp lý để giảm thiểu những vướng mắc không cần thiết khi luật
đi vào cuộc sống.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự và nâng cao chất lượng của các văn bản đó. Những khoảng trống pháp lý do tình trạng “thiếu luật” luôn là mối nguy cơ đe dọa sự phát triển bình thường của các quan hệ kinh tế – xã hội ở nước ta.

Thứ ba, Nhà nước nên có cơ chế giải tỏa các nguồn văn bản “phi chính thức” hiện nay, đồng thời bổ sung các nguồn văn bản khác của luật hình sự. Sự phát sinh các nguồn “phi chính thức” bắt nguồn từ vai trò của Tòa án trong quá trình áp dụng luật. Để đưa các quy phạm pháp luật khái quát và trừu tượng vào các tình huống cụ thể trong cuộc sống, hoạt động áp dụng pháp luật không thể máy móc, rập khuôn mà luôn đòi hỏi tính sáng tạo. Ở các nước theo hệ thống

Thông luật, Tòa án không chỉ là nơi áp dụng luật và còn là người sáng tạo luật. Ở nước ta, do ảnh hưởng của trường phái luật xô viết, trong một thời gian dài, án lệ đã không được thừa nhận mặc dù vẫn tồn tại trong thực tế dưới dạng các bản tổng kết nghiệp vụ với hình thức công văn đã nêu trên. Trong thời gian tới, các nguồn văn bản “phi chính thức” có lẽ sẽ ngày càng thu hẹp bởi án lệ đã chính thức được coi là nguồn của pháp luật, song con đường để án lệ là nguồn thực sự của luật hình sự Việt Nam vẫn còn dài ở phía trước. Để chấm dứt hẳn tình trạng nguồn văn bản “phi chính thức”, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần làm rõ giá trị pháp lý của nguồn án lệ và phương thức áp dụng án lệ trong việc giải quyết các vụ án hình sự cụ thể.

Ngoài ra, về việc bổ sung các nguồn văn bản mới cho Luật hình sự Việt Nam, chúng tôi cho rằng nên tham khảo kinh nghiệm của Thụy điển đối với vấn đề này. “Các văn bản có liên quan đến quá trình soạn thảo và ban hành BLHS cũng như các đạo luật hình sự khác cũng được coi là nguồn quy định tội phạm và hình phạt ở Thụy Điển. Đó có thể là các bản kiến nghị lập pháp, các dự thảo luật được trình trước Quốc hội, những cáo cáo ban đầu trong quá trình ban hành đạo luật hình sự, bao gồm cả báo cao của Hội đồng lập pháp và báo cáo của Ủy ban Nghị viện. Các văn bản này chứa đựng những giải thích, những bình luận, những phân tích và cả những ý kiến tranh luận về lý do ban hành đạo luật cũng như về nội dung của dự luật. Chúng được tập hợp và được xuất bản dưới tên gọi Hệ thống văn bản của Nghị viện” [2]. Tác dụng của loại nguồn bổ sung này cũng tương tự như các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS hiện nay của chúng ta, nghĩa là nó cho phép làm rõ nội dung dấu hiệu cấu thành của các tội phạm được văn bản luật quy định.

Với những tiền đề được xác lập bởi truyền thống, nguồn văn bản đã và sẽ là loại nguồn chủ đạo của luật hình sự Việt Nam. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài cũng như của cha ông chắc chắn sẽ là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của loại nguồn này nói riêng, của cả hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam nói chung.

Tài liệu tham khảo

[1] Trường đại học Luật Hà nội, Giáo trình lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam, NXB Công an Nhân dân, 2004.

[2] Bộ Tư pháp, Quy định tội phạm và hình phạt trong các văn bản pháp luật chuyên ngành – kinh nghiệm nước ngoài và phương hướng đổi mới nguồn văn bản pháp luật hình sự Việt Nam, Đề tài khoa học cấp Bộ, năm 2009.

Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn / Khoa Luật, Học viện An ninh Nhân dân, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam

Bài viết được đăng tải trên Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học 28 (2012) 95‐100


(1) Chẳng hạn, nhà Lê có Lê triều hội điển, Thiên Nam dư hạ tập, nhà Nguyễn có Quốc triều hội điển sự lệ, Minh Mệnh chính yếu, Ngự chế văn, v.v…

(2) Ở Nam kỳ, Pháp cải biên Bộ luật hình sự của chính quốc thành Bộ Hình luật tu chính năm 1902. Ở Bắc kỳ và Trung kỳ, Pháp ban hành Bộ luật hình sự Bắc kỳ năm 1922, Bộ luật hình sự Trung kỳ năm 1933.

(3) Chẳng hạn, quan điểm của các tác giả trong Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an Nhân dân, năm 2010, trang 32.

(4) Chẳng hạn, Mục 2 Phần III của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của HĐTP TANDTC quy định: “Nghị quyết này được áp dụng khi xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực”.


Source of criminal law is currently an interesting topic for Vietnamese and international scholars. In Vietnam, the concept of source of law is understood diffirently. Source of criminal law could be understood as the container of criminal law norms, which includes written and unwritten sources. In this article, the author considers the written source of criminal law from the perspectives of its history of development, current status, advantages, disadvantages, and some recommendations.

5/5 - (15342 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền